[Review Sách] Khả năng cải thiện nghịch cảnh
Tôi ấn tượng với tác giả Nassim Nicholas Taleb bởi ông là một trong số hiếm những con người tư duy thực có mong muốn nói thực về thế giới thực. Các tác phẩm như “Thiên nga đen”, “Trò đùa của sự ngẫu nhiên”, “Da thịt trong cuộc chơi” và lần này là “Khả năng cải thiện nghịch cảnh” đều mang dấu ấn như vậy.
Trước thời đại thông tin bạt ngàn, sách báo lan tràn như hiện nay thì chất lượng quan trọng hơn số lượng. Bằng sự thông minh, lòng can đảm và chút hóm hỉnh, tác giả Taleb đã gửi đến độc giả những thông tin chất lượng. Phải nói trước là khi đọc sách của ông, bạn và tôi có thể không tìm thấy những câu chữ truyền cảm hứng, nâng niu nịnh nọt hay giảng giải lại những điều đúng đắn chung chung. Chúng ta có thể sẽ cảm thấy mình thật ngốc nghếch và nhiều tật xấu.
Với tôi, đó chính là hiện thực không của riêng ai: con người có thể là loài sinh vật đã tiến hóa đến mức độ nhất định, nhưng việc có thực sự thông minh như họ thường nghĩ hoặc tỏ ra như vậy hay không thì còn phải xem xét. Các tác phẩm của Taleb nhắc cho chúng ta điều này một cách thẳng thắn, giống như người thầy nghiêm khắc sẵn sàng phê bình khuyết điểm của học trò để giúp trò đó tiến bộ.
Vậy nên nếu bạn muốn đọc một tác phẩm thú vị, khó lường, không theo khuôn khổ thông thường, đầy hoài nghi thì đây là lựa chọn tốt. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy bản thân đủ tốt, đủ tỉnh táo rồi và tin vào sự chắc chắn của những điều mình đã biết, thì các cuốn sách của Taleb có thể sẽ không phù hợp với bạn (thậm chí bạn còn dễ mang ấn tượng ông là kẻ kiêu ngạo, đáng ghét, cực đoan).
Nếu “Thiên nga đen” đề cập tới những biến cố không thể dự đoán và tác động của chúng, thì “Khả năng cải thiện nghịch cảnh” bàn đến ảnh hưởng tất yếu của nghịch cảnh đối với sự vật, con người theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực (tùy vào đặc tính của đối tượng).
Cuốn sách “Khả năng cải thiện nghịch cảnh” gồm 07 tập, chia ra 25 chương kèm theo Từ điển thuật ngữ, thuyết minh bổ sung và 02 phụ lục. Sách dày 631 trang, có các đồ thị minh họa. Dù dày dặn nhưng trọng lượng sách tôi thấy khá nhẹ.
Kết thúc quá trình đọc sách, tôi tâm đắc với những ý tưởng sau (khuyến khích bạn đọc trực tiếp, vì tôi cho rằng dựa vào review sách hoặc review phim không phải là đọc sách, xem phim đúng nghĩa):
Khả năng cải thiện nghịch cảnh không chỉ đơn thuần là sự bền bỉ hay khả năng hồi phục (resilience) và sự mạnh mẽ (robustness). Khả năng hồi phục giúp ta chống lại các cú sốc và trở về trạng thái cũ; trong khi khả năng cải thiện nghịch cảnh giúp ta trở nên tốt hơn so với trước. (trang 16)
Hormesis: Liệu pháp Hormesis hay tăng cường sức khỏe nhờ yếu tố gây hại: Một ít chất độc, hay một yếu tố gây căng thẳng, với đúng liều lượng hay đúng cường độ, sẽ kích thích cơ thể và làm cho cơ thể tốt hơn, rắn chắc hơn, khỏe mạnh hơn, và sẵn sàng cho những liều lượng mạnh hơn trong lần liên lụy tiếp theo (trang 565)
Naive Interventionism: Chủ nghĩa can thiệp ngây thơ: Sự can thiệp mà không quan tâm đến hiện tượng lợn lành chữa thành lợn què. Ý thích hay ngay cả nghĩa vụ “làm điều gì đó” hơn là không làm gì cả. Trong khi bản năng này có thể có lợi trong phòng cấp cứu hay trong môi trường của tổ tiên ta, nó gây tổn thương trong những trường hợp khác, khi chính vị chuyên gia can thiệp lại gây ra thiệt hại.(trang 565)
Barbell Strategy: Chiến lược hai đầu: Chiến lược kép, kết hợp hai thái cực, một an toàn và một đầu cơ, được cho là mạnh mẽ hơn so với chiến lược đơn thức (monomodal); thường là điều kiện cần để đạt được khả năng cải thiện nghịch cảnh (trang 562)
Cho đến trước khi đọc cuốn sách này, tôi nghĩ hầu hết chúng ta quan niệm “cải thiện nghịch cảnh” là đối mặt và vượt qua nghịch cảnh một cách bình an vô sự. Nhưng như vậy chưa đủ giúp chúng ta nâng cấp bản thân. Ví dụ như nếu từng bị lừa gạt tiền bạc, thì chúng ta có thể sẽ thận trọng hơn (thận trọng cũng là một dấu hiệu của khôn ngoan) nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên thông thái và biết cách kiếm ra nhiều tiền hơn.
Nếu kết hợp với tính ngẫu nhiên, đôi lúc còn xảy ra trường hợp cá nhân vượt qua nghịch cảnh mà không cần nỗ lực nào cả: nếu bạn tham gia một trận chiến và sau đó chỉ mình bạn may mắn sống sót thì bạn có thể được coi là người hùng. Nhìn bề ngoài, chúng ta có thể nghĩ đó là một tình huống được hưởng lợi từ nghịch cảnh nhưng không phải vậy. Giá trị thực được trao đổi rất công bằng trong tự nhiên, do đó nếu thắng lợi không phải nhờ kỹ năng hay nỗ lực thì người đó chưa thể nhận được giá trị từ khả năng cải thiện nghịch cảnh. Thậm chí, đạo đức và nhận thức của họ còn dễ dàng bị suy thoái trước những lời tung hô kèm theo những phát biểu khoác lác, ảo tưởng về bản thân.
Bản chất của hiện tượng này có thể tóm gọn trong câu nói mà tôi từng đọc được nhưng chưa biết của ai: “Cuộc đời là những nhát búa tạ, bạn sẽ được tôi luyện nếu là thép nhưng bạn sẽ vỡ nát nếu là thủy tinh”. Để được hưởng lợi từ nghịch cảnh, thì đặc điểm của mỗi cá nhân có vai trò quan trọng không kém gì nghịch cảnh. Hẳn bạn đã từng đọc, nghe đâu đó câu: “Không có áp lực thì không có kim cương” nhỉ?
Vấn đề là không phải mọi loại áp lực, lên mọi loại chất liệu đều tạo ra kim cương. Phát biểu như trên thường đúng trong một phạm vi rất hẹp, do đó nếu áp dụng bừa bãi thì sẽ gây ra hậu quả (đây chính là một ví dụ của chủ nghĩa can thiệp ngây thơ).
Làm thế nào để hưởng lợi từ hỗn loạn?
Trong sự hỗn loạn hay nghịch cảnh vẫn có những cá nhân tìm ra cách hưởng lợi. Tuy nhiên tôi sẽ không bàn đến việc hưởng lợi từ nghịch cách của người khác (bán hàng hóa với giá cắt cổ trong thời kỳ đói kém, dịch bệnh) hay đẩy rủi ro cho người khác để giành lấy lựa chọn có lợi cho bản thân (các sòng bạc, quỹ đầu tư lừa đảo, các chủ doanh nghiệp, y sĩ vô lương tâm).
Xét ở góc độ đạo đức, tôi không thích hành vi này (tôi không tự nhận mình là người tuyệt đối đạo đức nhưng tôi tin con người cần có những chuẩn mực riêng để phân biệt với các loài động vật). Xét trên phương diện lợi ích bền vững thì những chiêu trò lường gạt giống như thói đầu cơ: ngắn hạn thắng nhỏ nhưng dài hạn thì thua lớn.
Tôi tiếp cận vấn đề hưởng lợi từ hỗn loạn qua lăng kính thực lực cá nhân, với tinh thần “thứ gì không giết được ta thì sẽ (cần phải) giúp cho ta mạnh mẽ hơn”. Cụ thể là chúng ta không né tránh những thử thách trong đời mà dũng cảm đối mặt với các nan đề trong đời sống như một người võ sĩ, kiếm sĩ miệt mài cải thiện các kỹ năng của bản thân qua luyện tập và đối kháng.
Càng ít sự lệ thuộc vào khen chê, những gợi ý đổ hàng đống tiền vào thực phẩm chức năng, hay những trào lưu sắm sửa phù phiếm để nâng cao tiện nghi (xin bạn đọc lưu ý, đây là kẻ thù của cải thiện năng lực, bởi chúng khiến bạn cảm thấy tốt hơn không có nghĩa bạn thực sự tốt lên) bạn càng có cơ hội đối mặt với nghịch cảnh. Nhưng chúng ta không nên thiếu suy nghĩ tạo ra các nghịch cảnh hay cố chấp lao vào các nghịch cảnh quá sức, mà nên dần dần cải thiện bản thân qua những khó khăn mà mình có thể đương đầu, học cách vượt qua.
Năng lực cải thiện nghịch cảnh đang dần trở nên hiếm hoi trong xã hội hiện đại, bởi chủ nghĩa tiêu dùng cung cấp cho con người thừa mứa những thứ họ cần, truyền thông đại chúng thì ca ngợi sự tiện nghi, còn gia đình thì thường cố gắng “trải thảm đỏ” cho con cái ngay từ khi các em còn nhỏ: chế độ ăn giàu năng lượng, ngon miệng, thiết bị công nghệ trong tầm tay, điều hòa nhiệt độ, ngân sách mua sắm, cho đến việc học ở môi trường nào tốt đều được các bậc phụ huynh này chu toàn.
Dành điều tốt nhất cho người mà chúng ta yêu thương không có gì là xấu xa hay sai trái- đặc biệt là khi ta tin rằng mình bất tử để có thể làm điều này. Nhưng hiện thực đã cho thấy ngăn cản nghịch cảnh cũng chính là triệt tiêu ý chí, tạo ra những tâm hồn mong manh. Không ít bạn trẻ chẳng thể mang ý chí vượt khó vì hoàn cảnh của họ rất thoải mái. Đến một thời điểm nhất định, khi cha mẹ hoặc bạn đời của những người này kêu ca về việc họ không có ý chí thì sự thực bắt đầu hiển lộ: ý chí là lòng kiên nhẫn vượt qua gian khó, được tích tụ theo năm tháng. Nhưng thay vì khiến bản thân mạnh mẽ hơn, giải pháp họ đưa ra thường là đi “chữa lành” (giống như khi béo phì thay vì tập thể dục, có chế độ ăn uống lành mạnh thì họ đi uống trà giảm cân- lại là chọn lựa dễ dàng, sẵn có). Vấn đề vẫn nằm nguyên ở chỗ cũ, chỉ đơn thuần là được phủ tấm bạt màu lên để che đi.
Chúng ta không thể trưởng thành nếu thiếu đi lòng can đảm để đối mặt với nghịch cảnh. Cách tốt nhất để bắt đầu hưởng lợi từ hỗn loạn là đừng cố gắng né tránh nó bằng các tiện ích nhân tạo.
Làm thế nào để hành động và không hành động?
Nỗ lực giải quyết một vấn đề đúng đắn chính là không tạo ra thêm các vấn đề khác. Tác giả đã chứng minh cho độc giả thấy nỗ lực “chữa lợn lành thành lợn què” và “dạy chim cách bay” đáng lo ngại ra sao.
Với sự sốt sắng, chúng ta thường can thiệp vào hầu hết mọi thứ không cần/chưa cần tới hành động ấy. Vì chờ đợi là điều thường khiến cho con người cảm thấy bất lực. Tự nhiên thì không giống như vậy và những yếu tố thuận theo tự nhiên thì thường ít xảy ra biến cố nghiêm trọng (nếu có thì việc hồi phục sẽ tự động xuất hiện nếu yếu tố ấy vẫn còn cần thiết cho hệ sinh thái).
Chọn lọc tự nhiên không ưa thích những sinh vật hoạt động bừa bãi, mà phần thắng thường nghiêng về về các hoạt động hiệu quả (thường là thuận theo các quy luật tự nhiên). Đến đây, tác giả Taleb đưa ra một nhận định khá thú vị là để thành công trong đời, bạn không cần thiết phải quá thông minh nhưng bạn cần biết đưa ra lựa chọn đúng. Chỉ một, hai lựa chọn sáng suốt thôi cũng có thể đủ để làm nên bước ngoặt trong đời- thay vì hàng trăm lựa chọn dang dở, nhìn có vẻ hấp dẫn nhưng không phù hợp.
Là một cá nhân tự nhận mình theo chủ nghĩa hoài nghi, Taleb cũng đặt ra một nghi vấn đáng để chúng ta suy ngẫm: chúng ta dạy bảo người khác vì ích lợi của họ hay vì quyền lợi của chính chúng ta? Tôi nghĩ ông không phủ nhận giá trị của giáo dục, mà muốn hoạt động giáo dục trở nên thiết thực, tự chủ hơn. Chúng ta không nên nhồi nhét vào đầu người khác những quan niệm cá nhân mà chúng ta tin là đúng tuyệt đối. Bởi ngoài dạy kiến thức, đôi khi người giáo viên, giảng viên còn vô thức nhồi thêm thái độ cho học viên của mình.
Để thay đổi thực trạng này, chú chim cần vượt qua nỗi sợ để nỗ lực tập bay. Trên hành trình ấy sẽ có lúc chim non thất bại. Nhưng nếu biết rút kinh nghiệm và tin vào đôi cánh của mình thì vào một ngày nào đó, chú chim ấy sẽ cất cánh được trên bầu trời tự do. Hoặc chấp nhận sống lay lắt để rồi chết trong héo mòn vì là chim nhưng không thể sống như chim.
Tôi nghĩ hành động và không hành động chính là một chiến lược hai đầu của tự nhiên, cũng giống như hai thái cực Âm – Dương.
Thay cho lời kết
Nassim Nicholas Taleb là một tác giả có cá tính. Tôi thích đọc sách của những tác giả có cá tính như vậy. Bởi trong những điều họ chia sẻ, dù mang thiện ý với cộng đồng nhưng họ cũng không để mất đi bản sắc cá nhân. Mới đọc Taleb thì có thể cảm thấy ông “thù đời”, thích châm chọc, chỉ trích khi lên án hết người này đến người khác (ông đặc biệt có ác cảm với các nhà kinh tế học, các “fragilista”).
Nhưng đọc chậm lại, bạn sẽ thấy vì rất yêu đời nên ông muốn góp sức để thế giới trở nên tốt đẹp hơn (thực ra là quay về bản chất thuần khiết nó vốn có). Kiểu yêu đời của những người theo chủ nghĩa hoài nghi thường là vậy.
Thêm một điểm nữa tôi cảm thấy mến trọng Taleb là ở chỗ ông không che đậy cảm tính của mình khi viết sách. Taleb tránh biến tác phẩm của mình thành một công trình khoa học, khách quan, chau chuốt (những thứ khoa học nhân tạo nhưng lại đòi hỏi mang tính khách quan rất hài hước kiểu con người). Ông viết nên một tác phẩm vừa đáng đọc vừa dễ đọc- nếu bạn là người chăm đọc sách, cởi mở với những điều mới mẻ, cũng như vui vẻ cười nhạo những hành vi hồ đồ của bản thân và tò mò về ý nghĩa của nghịch cảnh trong cuộc đời.