[Review Sách] Hiểu về trái tim
Có bản nhạc giai điệu thiết tha, trầm bổng song cũng có bản nhạc hùng tráng, quyết liệt- tất cả đều được cất giữ kĩ trong trái tim của mỗi chúng ta. Thông qua cuốn sáchcủa tác giả Minh Niệm, ta sẽ tìm lại được chiếc chìa khóa thất lạc để mở cánh cổng dẫn đến trái tim- thiên đàng nơi trần thế, một lần nữa.
Đối diện với trái tim
Con người phân tích não bộ rất kĩ càng và vô cùng phấn khởi khi sơ đồ hóa được chức năng của não bộ. Qua thăm dò, nghiên cứu miệt mài, nhân loại đã xác định được não trái và não phải khác nhau ở chỗ nào, chúng mang lại lợi ích gì và làm sao để chúng hoạt động tốt. Trí não ấy liên tục được khám phá như một công viên giải trí bậc nhất trong khi trái tim, thì lại trở thành một đền thờ u buồn và xa cách.
Thực tế là, chúng ta biết trái tim còn tồn tại sở dĩ vì chúng ta đang còn sống để suy nghĩ. Chúng ta ngại ngần trước phản hồi chân phương của trái tim về niềm vui, nỗi buồn, đúng đắn, sai trái, hạnh phúc, đau khổ.
Trái tim chân thành, mộc mạc quá, nên chúng ta quyết tâm giấu nó thật sâu trong lồng ngực và che đậy lại kín đáo bằng những bộ y phục đắt tiền. Biết làm sao khi con tim chẳng may lầm lỡ? tốn bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức, danh vọng để đánh đổi thì sao đành lòng? Vậy nên thôi cứ ở yên trong đó và đập từng nhịp đơn điệu. Một ngày nào đó, khi đã có tất cả, ta sẽ tự do và tim cũng sẽ tự do.
Bỗng một hôm tim ngừng đập. Ta tự do, chỉ là ở một cõi khác. Những điều tốt đẹp ta định làm, những lời yêu thương chưa kịp nói theo ta về cõi khác ấy. Cho nên ta đã dại dột đánh đổi tất cả những gì giá trị nhất của một con người để lấy giấc mơ về cái ngày mình sẽ có tất cả mọi thứ. Đó là điều vô cùng tồi tệ.
Dù có là ai đi chăng nữa, thì bạn cũng không nên lảng tránh trái tim của mình, đừng hứa hẹn để từ chối nó hết lần này đến lần khác. Vì bạn là con người, dù có phút yếu đuối, đau khổ, vui mừng hay hạnh phúc thì đó cũng là những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong cuộc đời bạn.
Trái tim cần được chú ý, cần được tôn trọng bởi nó không chơi trò chơi trốn tìm với bạn, như trí tuệ. Trái tim có lý lẽ của riêng mình, nó đã luôn ở đó đồng hành cùng bạn. Bởi vậy, hãy bắt đầu đối diện với trái tim của mình ngay lúc này.
Không ai có quyền ngăn cấm ta sắm sửa thật nhiều “cây đèn” để trang trí cuộc đời mình. Nhưng ta đừng bao giờ quên mỗi phần chiếu sáng lấp lánh của “cây đèn” chính là mỗi phần tăm tối và xuống cấp của tâm hồn.
Lắng nghe trái tim
Khi đã sẵn sàng đối diện với trái tim của mình, bạn cần phải lắng nghe nó. Từng nhịp đập cho ta biết nó đang khóc hay đang cười. Có những cảm xúc tích cực như niềm tin, hi vọng, bình an song hành cùng với cảm xúc tiêu cực như tức giận, hoài nghi, đơn độc, trong trái tim mỗi người.
Khi đối diện với những cảm xúc tích cực, ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu và người khác cũng cảm nhận được nó từ ta. Cuộc sống trở nên màu nhiệm hơn, quảng giao hơn và thành đạt hơn. Khi đối diện với những cảm xúc tiêu cực, ta trở nên trầm lặng, và tìm đến những con người biết lắng nghe, ta dễ cảm thông hơn vì ta biết đau cái đau của những người cùng cảnh ngộ.
Trái tim là một người thầy lớn theo cách đó. Người thầy bình dị, ít khoa trương và thông minh sâu sắc. Từng cảm nhận của trái tim dẫn dắt ta trở thành con người.
Những cảm xúc tưởng chừng có thể phân biệt rõ là tích cực hay tiêu cực tuyệt nhiên không còn ranh giới trước bài học lớn lao chúng mang lại. Học cách nhận biết vui sướng trong đau khổ và học cách nhận biết đau khổ trong vui sướng cũng là lúc trái tim trao cho ta bài học về tính vô thường của mọi sự.
Ta càng trân trọng chúng bao nhiêu thì lại càng nên để chúng diễn ra thuận theo tự nhiên bấy nhiêu. Trái tim cho chúng ta biết nó đang muốn gì nhưng không bao giờ khuyến khích ta dành lấy chúng bằng mọi cách như trí tuệ.
Khi trái tim lên tiếng, thì bạn hãy học cách lắng nghe.
Ý chí sẽ chỉ là tham vọng nếu không được đặt vào khuôn khổ rèn luyện của bản thân.
Hiểu về chúng ta
Hiểu về mình cũng tức là hiểu về người. Trong một ca khúc trữ tình, tôi từng nghe lời hát “Đường vào tim em bao cơn sóng, để tình anh sắp đến xuân hoa mộng, trái tim em muôn đời lạnh lùng. Hỡi ơi, trái tim mùa đông”.
Tôi thấy thương cảm cho trái tim mùa đông ấy, bởi vì nó đã tự nguyện khép lại cõi lòng để mùa đông luôn ngự trị và mùa xuân không bao giờ tới.
Cũng có khi, người ta không làm nhau tổn thương một cách trực tiếp, phũ phàng mà lại làm nhau tổn thương bằng những phủ định rất đỗi dịu dàng. Chẳng sai khi nói người mà ta yêu thương nhất thường dễ gây ra cho ta nhiều đau khổ nhất.
Có lẽ đế chấm dứt vòng luẩn quẩn ấy, cần một trái tim đủ lớn đề thấu hiểu những trái tim khác. Sự thấu hiểu không mang tính đánh giá mà mang tính bao dung.
Trong cuộc đời, hẳn ai cũng đã từng ít nhiều khóa kín cõi lòng mình lại hoặc tự chia nhỏ nó ra từ những mảnh vụn vỡ. Đó là lúc cần đến những trái tim để chữa lành cho trái tim. Chúng ta có thể tự học kiến thức nhưng không thể tự học yêu thương nếu không có bất kì ai hay vật nào bên cạnh. Vì vậy, nếu hiểu về nhân loại, chúng ta sẽ luôn có trái tim rộng mở, rộng mở cho mùa xuân, cho yêu thương.
Đến lúc này thì đâu còn cần đến chiếc chìa khóa để mở ra cánh của thiên đàng nơi trần thế nữa ?
Vốn dĩ cửa đâu có khóa.
Tâm yên cảnh sẽ yên.
Nguồn:
sách
,hiểu về trái tim
,minh niệm
,nguyễn phú hoàng nam
,phong cách sống
,sách
,tâm sự cuộc sống
Rất thích mấy bài review sách của bạn
Đào Huyền Nhi
Rất thích mấy bài review sách của bạn
Phạm Phương Thúy
Mình đã từng đọc cuốn này rồi, rất hay.
Mạc Kim Anh
Cuốn sách này có vẻ nhẹ nhàng, bạn nhỉ?