[Review Sách] hảo nữ Trung Hoa
Bạn đã từng nghe câu “Được tiếng khen ho hen chẳng còn” chưa? Thân phận người “hảo nữ” trong tác phẩm này là như vậy. Cá nhân tôi nghĩ không phải do người phụ nữ Trung Hoa trong quá khứ thiếu sáng suốt, mà do màn đêm của thời đại họ sống quá dày đặc.
Tác phẩm này được viết nên bởi một người phụ nữ Trung Hoa có hiểu biết, có vốn sống và có trải nghiệm thực. Bà từng là nhà báo và phát thanh viên của chương trình “Khinh Phong Dạ Thoại” (lời gió trong đêm). Nên tôi nghĩ những điều bà chia sẻ trong tác phẩm này không có mục đích nào khác ngoài việc đơn thuần nói lên sự thật. Sự thật mà những người đã khuất và cả những người đang sống đều không dám/không muốn nói ra- bởi hồi ức không đẹp đẽ và vô cùng đau đớn.
Bản thân tôi sau khi đọc xong cuốn sách cũng khá hoang mang. Vì nội dung trong đó ám ảnh hơn tất cả các bộ phim thuộc thể loại kinh dị, bạo lực, tâm lý tội phạm tôi từng xem. Trang sử đen tối ấy là địa ngục trần gian nơi không ít người phụ nữ Trung Hoa đã phải đối diện với những “con thú hai chân” hội tụ đủ phẩm chất tâm thần, cuồng dâm, sát nhân, độc tài ở xung quanh. Nếu đang có một ngày dài u ám, bạn không nên đọc bài review này vì tôi nghĩ nó không tốt cho tâm trạng của bạn.
…
Nếu bạn quyết định đọc và đã đọc tới đây, thì tôi tôn trọng lựa chọn của bạn.
Rác đã từng là hoa
Là một phát thanh viên được yêu mến, Hân Nhiên nhận được sự tin tưởng của rất nhiều thính giả. Trong đó đặc biệt là phụ nữ. Họ đã viết thư, gọi điện, trò chuyện trực tiếp với Hân Nhiên để dẫn cô đi xem những “tầng hầm” trong ký ức của đời mình- và tôi rất ngưỡng mộ sự cảm đảm từ những người phụ nữ đã dám khơi lại những vết thương nhức nhối, mãi không thể lành ấy.
Trước tiên là “Cô bé giữ ruồi làm vật nuôi”: Bị chính cha ruột xâm hại, thường xuyên biến cô thành công cụ để điên cuồng thỏa mãn thú tính. Sợ hãi và không muốn về nhà, cô đã quyết tâm bám trụ lại bệnh viện.
Tuy nhiên, ngay cả khi em ốm thập tử nhất sinh như thế, cha vẫn tới bệnh viện và lợi dụng em khi em phải truyền nước và không di chuyển được (trang 25)
Cuối cùng, cô bé đã chấp nhận đánh đổi mạng sống, bằng một cách thức kinh khủng, để được chết thay vì trở lại căn nhà- nơi sống không bằng chết ấy.
Tiếp theo là “Người Đàn bà Nhặt Rác”: Gần trọn cuộc đời sống vì con để rồi đến khi tuổi già xế bóng trở thành một người phụ nữ chỉ dám nhìn con từ xa, lầm lũi mưu sinh bằng công việc nhặt rác. Bà ta cam phận để người con khôn lớn, giàu có ruồng bỏ mình mà không một lời oán trách.
Sống với mẹ là chuyện rất khó khăn với một đứa con trai, và cũng rất khó khăn đối với vợ nó (trang 99)
Người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục- và phải chăng càng cam chịu và càng nhẫn nhục thì họ sẽ càng được coi là “hảo nữ”? nhưng “hảo nữ” có ý nghĩa gì khi không được đối xử giống như một con người?
Và còn “Con gái viên tướng Quốc Dân Đảng” cùng “Người phụ nữ không được cha nhận ra nữa”: Tâm hồn và cuộc đời của họ đã bị hủy hoại hoàn toàn. Không những bị giày vò về thể xác, họ còn bị đày đọa về mặt tinh thần cho đến khi chỉ còn là cái xác không hồn.
Kết quả khám cho thấy thân thể Thạch Lâm đầy những vết sẹo do bị cắn, một phần núm vú bị nhai nát và môi âm hộ bị rách. Phần cổ tử cung cùng âm đạo đều bị tàn phá nghiêm trọng và bác sĩ gắp ra một cành cây từ tử cung của cô. Các bác sĩ không xác định được cành cây đó đã ở trong tử cung của cô bao lâu (trang 248)
“Tôi cảm thấy rất mệt. Vì lý do nào đó, tôi không thể giữ cho mắt mình mở ra. Trong lúc mơ màng, tôi nghe thấy mất người đó nói ‘Đây là bài học đầu tiên của cô. Chúng tôi phải biết liệu có những ảnh hưởng phản cách mạng trong người cô không.’
“Một bàn tay véo núm vú còn chưa phát triển của tôi và một giọng cất lên, ‘Nó còn nhỏ, nhưng hẳn phải có một cái núm ở đây.’
“Một bàn tay khác kéo chân tôi giạng ra, và một giọng khác xen vào, ‘Những điều phản cách mạng luôn luôn ẩn náu ở những chỗ bí mật nhất trên cơ thể, để xem nào.’ (trang 284)
Mỗi lần những người phụ nữ còn sống thuật lại điều xảy ra với họ, thì họ đều khóc rất nhiều hoặc hoàn toàn không khóc. Có lẽ nước mắt trong họ không bao giờ cạn được hoặc nước mắt họ đã cạn từ lâu rồi. Thương thân, trách phận và nuốt nỗi cay đắng, tủi nhục vào trong, số phận người phụ nữ trong thời “Đại cách mạng Văn hóa” trở nên quá bé nhỏ trước ý nghĩa lớn lao (dù trống rỗng) của cụm từ này.
Phụ nữ Trung Hoa và “Đại cách mạng Văn hóa”
Trong bầu không khí sôi sục đến mức cuồng loạn của trang sử bẽ bàng ấy, rất nhiều phụ nữ đã trở thành nạn nhân. Những bé gái bị ép buộc trở thành phụ nữ, những phụ nữ bị ép buộc phải làm vợ, những người vợ bị ép buộc phải làm mẹ và cuối cùng thì những người mẹ bị ép buộc phải im lặng.
Những người phụ nữ không trở thành nạn nhân thì thành ra dạng tồn tại như sau:
“Có người cùng cơ quan bà ta kể rằng người đàn bà này đeo huy hiệu Đảng lên áo khoác, may hình Phật vào áo vest và khâu bức chân dung Đại Sư phụ Trương của phái Tạng Mật Công vào nịt ngực” (trang 135)
Còn các gia đình Trung Hoa thời đó thích nghi để tồn tại theo cách này:
“Bà nội theo đạo Phật còn ông nội theo đạo Lão, vì thế họ thường xuyên cãi nhau. Tránh xa những nén nhang, đứa cháu gái theo đạo Thiên Chúa đã dựng lên một cây thập giá; ông bà nội luôn trách mắng cô cháu vì điều đó, bảo nó đang rủa ông bà chết sớm. Mẹ con bé thì tin vào một kiểu khí công nào đó còn cha nó thì thờ Thần Tài” (trang 135)
Từng trang sách với giọng kể chân thực, lúc đều đều, lúc vỡ òa ra vì nghẹn ngào của tác giả Hân Nhiên (bà cũng là phụ nữ, mẹ bà cũng là phụ nữ và họ đã không thể thực sự thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ “miệng ngợi ca khẩu hiệu, tay cào xé khẩu hiệu”) khiến tôi sững sờ về hậu quả khủng khiếp mà sự dốt nát, vô nhân tính mang lại. Đây là minh chứng rất rõ cho mối liên hệ mật thiết giữa thói ngu muội và tính tàn nhẫn.
Là phái yếu, người phụ nữ của thời kì ấy không thể bảo vệ mình. Họ đã bị bần cùng hóa, bị coi như dụng cụ sinh sản và ngược đãi. “hảo nữ Trung Hoa” đã tận tụy hi sinh tuổi trẻ cho “Đại cách mạng Văn hóa”, thân xác họ cho những “Hồng Vệ Binh” và những quân nhân hoặc những tên lưu manh- miễn là có ca tụng lãnh đạo tối cao, thì đều có phần. Trước mất mát to lớn ấy, phụ nữ xứng đáng được tạ lỗi và đền bù. Nhưng đây mới chính là cách họ được hồi đáp:
“Khi tôi xin phép được đưa câu chuyện đó lên sóng, lãnh đạo đài đã từ chối, bảo rằng nó sẽ phá hoại nhận thức của nhân dân về các lãnh đạo” (trang 179)
Sự thật vẫn luôn là sự thật
Mỗi cuốn sách có một sứ mệnh, tôi nghĩ sứ mệnh của “hảo nữ Trung Hoa” là nhen lại ánh sáng cho những năm tháng tối tăm đã qua. Ánh sáng ấy sẽ an ủi vong linh những người đã khuất và truyền thêm nghị lực sống cho những người đã đi qua thảm kịch, dù không nguyên lành, vẫn đang còn sống.
Ba câu hỏi của Kim Soái dành cho Hân Nhiên: “Phụ nữ có nhân sinh quan không? Với phụ nữ thế nào là hạnh phúc? Và điều gì làm nên một người phụ nữ tốt?” dường như đã có câu trả lời.
Cuốn sách này cùng tài năng, lòng can đảm, sự vị tha và sức sống kiên cường của tất cả những người phụ nữ dám bộc bạch, dám ghi chép, dám công bố là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy: họ biết giữ vững nhân sinh quan đúng đắn dù từng trải qua bối cảnh có nhân sinh quan sai lầm, hạnh phúc của họ là điều mà những kẻ không hạnh phúc sẽ chẳng thể nào hiểu được. Và điều làm nên một người phụ nữ tốt là điều mà ngôn từ không đủ để diễn tả, cũng không nên cố khiên cưỡng để diễn tả.
Tôi nghĩ đừng gắn thêm nhãn mác cho con người (dù là “hảo nam” hay “hảo nữ”), nếu thực lòng muốn họ sống cho ra con người và đối xử với những người xung quanh như con người.
Tác giả Hân Nhiên sinh năm 1958 tại Trung Quốc, hiện sống tại Anh cùng chồng và con trai. “Hảo nữ Trung Hoa” - cuốn sách đầu tay của bà, xuất bản lần đầu năm 2002, đã lập tức trở thành một bestseller quốc tế. Bạn đọc Việt Nam còn biết đến bà thông qua một tác phẩm khác là “Thiên Táng” (xuất bản năm 2004).