[Review Sách] HAI MƯƠI TƯ CON MẮT

  1. Sách

  2. Giáo dục

  3. Phong cách sống

  4. Lịch sử

____

Hai mươi tư con mắt ấy là đại diện cho 12 đứa trẻ ngây thơ, dễ thương ở một ngôi làng nhỏ vùng biển đảo Seto – Nhật Bản. Tác phẩm mở ra một khung cảnh làng biển yên bình cùng người dân lao động chăm chỉ và những đứa trẻ thuần khiết. Cuộc sống nơi đây khá khó khăn, trường học của tụi nhỏ chỉ có đúng hai giáo viên, học sinh thường không gọi tên giáo viên mà chúng chỉ gọi là thầy giáo và cô giáo. Thầy giáo già dạy lớp ba, lớp bốn còn cô giáo dạy lớp một, lớp hai và kiêm luôn cả việc dạy hát. 

Cuộc sống tưởng chừng cứ thế bình yên trôi qua đến khi cô Ooishi đến tiếp quản các lớp nhỏ, cô đã mang một làn gió mới đến vùng quê yên ả này – một cô giáo trẻ thay vì mặc kimono truyền thống thì lại chạy xe đạp băng băng và mặc âu phục. Chính những tình tiết có phần vượt ngưỡng đã để lại ấn tượng xấu, khiến cho dân làng và các phụ huynh không mấy vui vẻ khi chào đón cô. Cô giáo Ooishi chính là hiện thân của những con người thời đại mới, quyết đoán và dám thay đổi – khi mà những tư tưởng phương Tây chỉ mới đang du nhập vào Nhật Bản. 

https://cdn.noron.vn/2024/03/22/42332258135371611-1711099907.jpg

---

Tuy được giới thiệu là tiểu thuyết phản chiến nhưng mình thấy đây là một cuốn sách về đề tài giáo dục khá hay. Ở những chương đầu tiên, mình khâm phục cả cô giáo và tụi nhỏ về tính chăm chỉ, chịu khó, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn luôn yêu việc học, việc dạy. Lũ trẻ phải lặn lội đi bộ vài cây số để tới trường,phải lo cả việc nhà, chăm em, phụ giúp gia đình. Đọc tác phẩm mình vừa thấy thương vừa yêu vẻ vô tư, nghịch ngợm và hiểu chuyện của chúng, cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều vì nhận được trọn vẹn yêu thương, điều kiện vật chất cũng đủ đầy hơn. Cô giáo Ooishi cũng thế, nhà cách trường gần chục cây số, vừa tốt nghiệp, chưa dày dặn kinh nghiệm nhưng lúc nào cũng nhìn vào hoàn cảnh khó khăn của mình bằng góc nhìn bao dung, tích cực với cuộc sống.

https://cdn.noron.vn/2024/03/22/511516493618-1711099922.jpg

---

Nội dung sách có thể chia làm 2 phần: trước và khi có chiến tranh. Phần đầu là những câu chuyện nhỏ bình dị, đáng yêu của cô và trò, từ những phút ban đầu gặp gỡ, đặt biệt danh cho nhau. “Ooishi” có nghĩa là Hòn đá to nhưng với vóc dáng nhỏ nhắn thì họ sinh đã gọi là cô Hòn đá nhỏ, lúc đầu cô không thực sự muốn về nơi này để dạy học, cô cần thời gian rèn luyện một năm để có thể chuyển đến trường lớn nhưng dần dà qua thời gian, tiếp xúc với học sinh, nhận được tình yêu thương của tụi nhỏ và người dân nơi đất mũi thì quan điểm dạy dỗ của cô đã thay đổi, nhận ra thực sự mình muốn gì và nên làm gì.

https://cdn.noron.vn/2024/03/22/42332258135371610-1711099889.jpg

---

Đến phần hai thì tác phẩm mang gam màu buồn hơn, 12 đứa trẻ ấy lớn lên, mọi ước mơ, hoài bão đều gạt sang một bên, hình ảnh những con người phải ra chiến trường, nỗi đau của người ở lại, những gì chiến tranh gây ra cho con người kể cả lúc nó kết thúc, vẫn cứ còn mãi. Vương vấn nhất là trải qua sau bao biến cố, mất mát sau chiến tranh, cô Hòn đá nhỏ vẫn lựa chọn quay trở về ngôi làng ấy, tiếp tục sự nghiệp dạy dỗ, cô đã gặp lại những học trò cũ của mình, một vài bạn đã không còn, một vài bạn không thể viết tiếp ước mơ hồi bé. Giọng văn của tác giả vẫn cứ nhẹ nhàng, man mác buồn khiến người đọc cứ bồi hồi mãi.

https://cdn.noron.vn/2024/03/22/42332258135371624-1711100186.jpg

---

Đánh giá cá nhân:

Sách không dày lắm, hình minh hoạ đẹp, phù hợp với bạn đọc là thiếu nhi. Tác phẩm cũng phản ánh một số vấn đề xã hội của Nhật Bản thời kỳ đó, như nạn nghèo đói, thất học và sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Văn phong của tác giả Sakae Tsuboi mộc mạc, chân chất, không đao to búa lớn, vẽ ra khung cảnh làng quê miền biển đẹp và thơ. Những chuyến phiêu lưu đi thăm cô giáo ốm, những lần học hát ở bên bờ biển, hay hình ảnh ngôi làng có cây thông đã cho mình cảm giác như đang sống ở biển đảo Seto yên bình với những đứa trẻ thuần khiết và người dân lao động cần mẫn

“…Cửa biển êm đềm, lấp lánh dưới ánh sáng của mùa hè. Cô giáo nhìn thấy ngôi làng một cây thông, nơi mẹ cô ở đó xa mờ dưới đám mây trắng mùa hè. Gió biển từ cửa sổ mở toang thổi vào mát rượi…”

https://cdn.noron.vn/2024/03/22/511516493616-1711099828.jpg

---

Tạm kết, Hai mươi tư con mắt vương vấn những gam màu buồn bởi chiến tranh và nghèo đói, thế nhưng ẩn dưới những gam màu ấy là những mảng màu tươi sáng đan xen: thái độ lạc quan, luôn biết ơn, trân trọng cuộc sống của cô giáo Ooishi và tụi nhỏ. Một cuốn sách nhỏ mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt là về tình yêu thương giữa cô trò. Tình yêu thương của cô giáo Ooishi đối với học trò của mình là vô điều kiện, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Cô đã giúp các học trò của mình nhận ra giá trị của bản thân, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở thành những người có ích cho xã hội.

——

Thank you for reading!

Review & Photos by @Thu Hồng Hoàng.

Từ khóa: 

reviewsach

,

sách

,

giáo dục

,

book

,

sách

,

giáo dục

,

phong cách sống

,

lịch sử