[Review Sách] Giết con chim nhại
Tác phẩm không những giới hạn ở đề tài phân biệt chủng tộc, mà còn đi tới ngọn nguồn của nó là thành kiến cá nhân. Trong đó, giáo dục là mấu chốt của mọi vấn đề.
Được ra đời từ cách đây khá lâu (1960), thuộc vào hàng những tác phẩm kinh điển (đạt giải Pulitzer, dịch ra bốn mươi thứ tiếng, dựng thành phim) Giết con chim nhại của Harper Lee đã lột tả được thành kiến tăm tối nhất của con người ẩn sau những hành vi phân biệt chủng tộc.
Với cá nhân tôi, tôi học được bài học giá trị về cách giáo dục con người của ông bố Atticus với hai đứa trẻ Jem và Scout.
Con người ta lầm lẫn không phải vì bản chất họ xấu, mà bởi họ không được hướng dẫn và yêu thương. Nếu nhận được sự hướng dẫn, yêu thương đúng cách, họ sẽ nhận ra được giá trị của bản thân và vạn vật là như nhau trong một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Ông Atticus đã nhiều lần gửi đến các con thông điệp ấy thông qua câu nói:
“Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”
Ông coi trọng học thức, khuyến khích các con đến trường nhưng không bao giờ xao lãng nghĩa vụ giáo dục thực sự của một người cha. Hai đứa trẻ hiểu rằng việc học tập có giá trị, còn ông Atticus hiểu rằng sự học chỉ thực sự có giá trị khi nó khai mở những ý nghĩ nhân đạo thay vì sự lặp lại một cách máy móc các bài làm tính hay tập đọc. Tri thức nâng con người ta lên mà không khiến con người ta trở nên kiêu ngạo, độc đoán.
Thiếu sót của lối đào tạo tập trung là biến người học thành những vị quan tòa tí hon, tự cho bản thân đặc quyền chê trách bất kể ai khác với mình, phân biệt đối xử với bất kể ai trái ý muốn của mình để rồi tự coi bản thân mình là trung tâm vũ trụ. Những đứa trẻ đó, lòng mang nặng thành kiến, lớn lên sẽ chính là những kẻ sẵn lòng đàn áp, kết tội thậm chí chỉ một mầm cây mới mọc- chỉ vì chúng mọc lệch.
Để tránh lối suy nghĩ cực đoan đó, ông Atticus luôn dành thời gian trò chuyên và giải thích với Jem và Scout, theo cách mà người lớn trao đổi cùng nhau, nhưng ông khéo léo sắp xếp từ ngữ sao cho tinh giản nhất để con mình hiểu được.
Cuộc cách mạng tư tưởng lớn nhất trong tâm trí trẻ thơ bắt đầu những lời hỏi đáp nhỏ nhất về mọi thứ trong cuộc sống đời thường, nhưng thực tế.
Câu nói tiếp theo khiến tôi tâm đắc về cách giáo dục của ông Atticus là:
“Bố muốn con thấy điều gì đó ở bà (Dubose), bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng, nhưng đôi khi con cũng thắng”.
Ông đã không nói dối các con mình, ông giải thích để cho chúng hiểu rằng sẽ có thất bại mỗi khi chúng quyết định làm điều gì đó vĩ đại. Nhưng nỗi sợ thất bại sẽ là thứ khiến con người ta mãi mãi tầm thường. Bởi chiến thắng ở đây không phải tiền tài, vinh quang hay địa vị mà là chiến thắng đích thực chính bản thân mình. Khao khát tốt đẹp, làm người tử tế, vươn lên để khẳng định bản thân là thông điệp ông Atticus- người cha trầm tĩnh, thông thái gửi đến con mình.
Với tôi, Giết con chim nhại là một tác phẩm có ý nghĩa nhân văn: vừa phê phán con người, vừa ca ngợi con người nhưng trên tất cả, vẫn là một lời động viên vô cùng âu yếm và niềm tin mãnh liệt vào việc con người luôn luôn có quyền lựa chọn để trở nên tốt đẹp hơn, khi họ thực sự mong muốn như vậy.
An
RYU PYU
Anh làm một bài về cuốn 2 vạn dặm dưới đáy biển đi anh