[Review sách] Được việc!
Tháng 7, tháng của những cơn mưa bất chợt. Đây cũng là thời gian ta có dịp ngồi lại, nhìn nhận chính mình, cách làm việc, mối quan hệ, và những gì đã qua.
Thật tình cờ, khi lang thang trên cộng đồng mặt sách(fb), tôi chợt bắt gặp cuốn sách mới được phát hành của tác giả “Dương Trọng Tấn”, đó là cuốn sách “Được việc”. Tôi quyết định dành khoảng thời gian cuối tuần của mình để tìm hiểu nó như một cuộc hẹn hò không báo trước.
Quả thật, nó không làm tôi thất vọng. Tôi dành cả buổi chiều chủ nhật để đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối cùng của cuốn sách. Chà, quả là năng suất. Đúng như câu trích dẫn đắt giá nhất cuốn sách mà tác giả giới thiệu ngay từ những trang đầu tiên:
“Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó hầu như là tất cả.”.
— Paul Krugman, giải Nobel kinh tế 2008.
Không có gì hay hơn bằng việc chúng ta vừa đọc vừa thực hành ngay thứ gì đó. Tác giả có gợi ý rằng chúng ta đọc với tâm thế là tiếp thu có phê phán. Nên bài review này sẽ có 2 mục lớn là tiếp thu những phương pháp, tri thức từ những gì tác giả đưa ra và đồng thời “phê phán” những điểm còn chưa tốt ở trong cuốn sách này để góp phần làm cho cuốn sách được hoàn hảo hơn.
Vì đã biết qua khá nhiều những phương pháp cũng như những tài liệu liên quan mà tác giả đề cập trong cuốn sách, nên sau khi đọc xong thì có thể nhìn nhận một cách khách quan rằng cuốn sách là sự tóm tắt, đúc kết, là tổng hợp và là những kinh nghiệm thực tế của tác giả về những phương pháp đã nêu. Nếu nhìn vào mục index và phụ lục ở cuối thì các bạn sẽ biết được tổng thể cuốn sách muốn nhắc đến những key words và phương pháp như thế nào.
Không để các bạn chờ lâu, tôi sẽ đi sâu hơn phân tích về cuốn sách ngay đây.
Cuốn sách được tác giả chia rất khoa học(hình như khen hơi thừa 😁 ) gồm có 8 chương đi từ cội nguồn vấn đề tới khả năng hội nhập, học tập của cá nhân và giao tiếp đội nhóm. Ở đầu mỗi chương tác giả đưa ra những câu hỏi tập trung như một bài kiểm tra nhỏ để đánh giá và cũng làm tiền đề để diễn giải, trình bày các ý trong từng chương.
Chương 1. Thái độ, nhiệt huyết, năng lực và hơn thế nữa
Trong chương này tác giả phân tích gốc rễ vấn đề nằm ở Mindset của mỗi người. Mindset ở đây được chia làm 2 loại: Growth mindset(tư duy phát triển — mô thức phát triển) và Fixed mindset(tư duy cố định — mô thức đông cứng).
Với những người có tư duy phát triển thì họ luôn có niềm tin rằng trí khôn có thể phát triển thông qua học tập, rèn luyện, chính vì thế mà họ luôn khát khao học tập, thích đối đầu với những thử thách, luôn luôn nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu. Ở chiều ngược lại, tư duy cố định họ tin rằng thông minh là bẩm sinh, là theo gen quy định, họ muốn mọi người thấy mình thành công, sáng lạng(có thể hiểu là người tỏ ra nguy hiểm), họ lẩn tránh các thử thách, sống trong vùng an toàn của mình và luôn ghen tị với người khác.
Xét về khía cạnh nhân viên, nếu hai người có cùng năng lực(kỹ năng và tri thức) thì điều quyết định sự thành công của 2 người nằm ở chính thái độ. Nó được đánh giá qua công thức:
P = (K + S)^A
Trong đó: P(performance) là thành quả đạt được, K(knowledge) là tri thức, S(Skill) là kỹ năng, A(Attitude) chính là thái độ.
Tính đúng đắn của công thức trên chưa được kiểm chứng nhưng ta thấy rõ được hàm ý của nó rằng để tạo nên sự khác biệt thì chúng ta cần có một thái độ đúng đắn. Thái độ tích cực thì tiếp nhận mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, còn thái độ tiêu cực thì tiếp nhận nặng nề và vất vả hơn.
Để tổng kết chương này thì tôi xin được tóm tắt bằng công thức:
Được việc = Đúng việc + đúng người + đúng giờ + đúng thời điểm + đúng cách.
Mỗi cái đúng thì được 1 điểm. Mà được việc thì cần 5 điểm là được 😬
Chương 2. Bắt đầu và kết thúc đúng cách
Chương này phải nói là “bội thực” phương pháp. Có rất nhiều key words và phương pháp được tác giả nêu ra ở đây. Ở chương 1 chúng ta có PBMC(khung mô tả công việc cá nhân) là bức tranh tổng thể công việc của chúng ta. Thì phần này là Personal Kanban, GTD(Getting things done), OKRs, Scrum, SMART, 5WSH, 5Whys, IVY LEE, Pomodoro, Ho-ren-so… Nói chung nếu đã từng tìm hiểu về các phương pháp tăng năng suất, tập trung trong công việc cá nhân thì sẽ khá quen thuộc và dễ dàng nắm bắt những phương pháp này(chỉ là mức độ hiệu quả của mỗi người đến đâu thôi). Còn không thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội để tìm hiểu hơn rồi đấy, thực sự nó rất hay ho, trên là những key words mà các bạn có thể highlight lại để tìm hiểu.
Những phương pháp này sẽ là chìa khóa để các bạn tăng năng suất, hiệu quả, tổ chức, sắp xếp công việc của mình một cách khoa học. Nếu không có nhiều thời gian đọc hết cuốn sách thì các bạn nên focus vào chương này trước. Chương này là chương tồn tại duy nhất, Các chương khác có hay không, vẫn rất quan trọng @@
Chương 3. Hăng hái làm việc
Điều gì khiến bạn thức dậy mỗi sáng và tới công ty? Điều gì khiến bạn hăng say làm việc? Làm thế nào để duy trì sự nhiệt huyết, không chán nản?
Những câu hỏi như đánh thức người đọc và khiến chúng ta không thể bỏ nó xuống mà không đọc tới trang tiếp theo. Bí quyết để có được sự hăng hái trong công việc là: Sự tự chủ trong công việc, thạo việc và mục đích công việc rõ ràng.
Chúng ta hăng hái làm việc vì chúng ta ham muốn giỏi việc đó, càng giỏi lại càng thích, hay mong muốn bản thân không ngừng phát triển. Chúng ta hăng say hơn nếu có được sự tự quyết, tự chủ trong công việc mình làm, và biết rằng mục đích của công việc mình làm đem lại tác động rõ ràng đối với bản thân và mọi thứ xung quanh.
Một lập trình viên có thể code xuyên màn đêm nếu anh ta biết rằng việc anh ta làm có thể thay đổi thế giới, hoặc đơn giản là cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Các bạn chắc hẳn đã từng nghe: “Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.”. Nghe quen quen nhỉ? Vậy công thức của đam mê ở đây là gì?
Không phải đam mê theo kiểu em đi làm vì đam mê, lương lậu có hay không không quan trọng. Nhưng cũng không trần trụi theo kiểu “Đam mê của em là tiền” 😬
Tác giả dẫn ra mô hình con nhím(Hedgehog) trong cuốn sách “Good to Great” để phân tích như sau:
Để thành công thì bạn cần hội tụ 3 yếu tố:
Điều bạn hết mực đam mê, điều bạn giỏi nhất và điều thị trường(xã hội) cần.
Nếu bạn chỉ đam mê nhưng thị trường, xã hội không cần thì có thể đó chỉ là sở thích giúp bạn vui vẻ, nhưng sẽ không làm bạn rủng rỉnh về tiền bạc. Còn nếu bạn làm những công việc mà thị trường cần, bạn làm rất khá nhưng lại không có đam mê, thì có thể nó làm bạn thoải mái nhưng dễ rơi vào tình trạng trống rỗng, không đạt được sự viên mãn do thiếu mục đích và đam mê.
Và để đúc kết cho phần này, tôi xin được trích dẫn câu nói của Steve Jobs:
“Công việc sẽ chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để cảm thấy hoàn toàn hài lòng là làm những gì bạn cho là tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm tốt là yêu lấy công việc bạn đang làm. Nếu bạn chưa tìm thấy công việc yêu thích, hãy cứ tiếp tục. Đừng dừng lại. Sẽ đến lúc con tim chỉ cho bạn thấy bạn đã tìm được nó”.
Chương 4+5. Tương tác chất lượng + Họp hành và cùng nhau làm việc
“Giao tiếp có thể giải quyết hầu hết các vấn đề. Mà trong các tình huống, giao tiếp trực diện vẫn là tốt nhất, không có chuyện gì là không giải quyết được bằng giao tiếp.”
Vậy câu hỏi là làm sao để chúng ta giao tiếp được tốt? HO-REN-SO Là một kỹ thuật, phương pháp giúp giao tiếp hiệu quả hơn được tác giả phân tích chi tiết ở đây.
Nó chia làm 3 phần: báo cáo, liên lạc, giao tiếp và tham vấn(hỏi ý kiến).
Khi nào cần báo cáo? Báo cáo cho ai, và báo cáo những gì? liên lạc với ai, các bên liên quan? Tương tác như thế nào? Cần tham vấn hoặc hỏi ý kiến ai? Trong giao tiếp hay họp hành, làm việc cùng nhau chúng ta cần phải trả lời được những câu hỏi trên. Vậy làm sao để có thể làm tốt được điều này?
Ví dụ trong họp hành. Điều quan trọng nhất là thái độ và mục đích. Thái độ ở đây được hiểu là trước mỗi buổi họp chúng ta cần chuẩn bị những nội dung gì, biết mục đích của buổi họp là gì(trong chương 5 tác giả phân tích rất chi tiết các loại buổi họp khác nhau: họp thông báo thông tin, họp thảo luận hội ý, họp rà soát tổng kết, họp kế hoạch, họp cải tiến…) và các bên liên quan để buổi họp được diến ra tốt nhất.
Trong lúc họp cần biết lắng nghe, ghi chép cẩn thận, tránh xung đột hay đi quá giới hạn mà làm cho buổi họp bị “cháy”. Mỗi khi mọi người đưa ra những ý kiến đóng góp thì cuối cùng cần tổng hợp và chốt vấn đề để nhất quán và thống nhất thông tin được đưa ra. Nên giới hạn khung thời gian để buổi họp được hiệu quả hơn.
Chúng ta thường rất ghét họp hành bởi người đứng đầu buổi họp không chuẩn bị trước nội dung cần nói, thái độ của mọi người tham gia thì lồi lõm, đang họp thì lướt facebook hay bỏ điện thoại ra xem thì trông rất vô duyên. Đi họp thì đến muộn, để mọi người phải chờ. Hay là góp ý thì tranh nhau nói, không thèm nghe ai hết, ý kiến của tao là nhất, lúc để cho nói thì không nói, nói chung là tốn thời gian của tất cả mọi người mà không đi đến đâu.
Chương 6. Tổ chức thông tin và tri thức
Đây là vấn đề tôi cũng đang gặp phải và giải quyết chưa được tốt. Ví dụ hàng ngày tôi đọc khá nhiều bài báo, sách, video, podcast,… thuộc các thể loại khác nhau. Tôi thường lưu trữ nó lại bằng cách tạo ra những channel trên Telegram mà chỉ có tôi sub thôi. Hoặc tiện hơn thì tôi sẽ bookmark ngay trên trình duyệt và phân loại nó thành các cây thư mục khác nhau.
Note thì tôi có thử một vài các tool khác nhau nhưng chưa thấy ưng cái nào, có khi tự phát triển cho riêng mình một cái cho dễ. Ở đây tác giả có giới thiệu một số website, tool và các trick để giúp chúng ta tổ chức thông tin cá nhân của mình tốt hơn. Nói chung về cơ bản làm sao đọc xong mà biến nó thành tri thức của mình được, có thể thực hành ngay hoặc viết blog chia sẻ lại cho mọi người thì tốt nhất.
Chương 7+8. Thời gian, năng lượng và những ưu tiên + Học tập và cải tiến liên tục
Có bao giờ bạn cảm thấy thời gian ngắn dài khác nhau chưa? Để tôi lấy ví dụ nhé.
Khi ở bên cạnh người mình yêu, chúng ta có cảm giác như thời gian trôi nhanh như những cơn gió. Nhưng khi “chờ em một chút” trôi qua, chúng ta cảm giác nó là cả thế kỷ?
Tất nhiên là tôi nói vui thôi nhé, đợi chờ là hạnh phúc mà 😁
Nhưng cái trạng thái tâm lý là có thật. Đó là khi chúng ta tập trung cao độ(laser focus) và say mê hết sức thì chúng ta không có cảm giác về thời gian và những thứ ồn ào xung quanh. Đây cũng chính là vấn đề của tất cả chúng ta. Quản lý thời gian hiệu quả.
Quản lý thời gian không chỉ là việc chúng ta nên tập trung vào làm việc gì, mà còn cả chúng ta nên loại bỏ và nói không với việc gì. Loại bỏ khái niệm rằng chúng ta có thể làm nhiều việc đa nhiệm (multi task).
“Nếu săn 2 con thỏ cùng một lúc, thì bạn sẽ chẳng bắt được con nào.”
Kinh nghiệm cho thấy, nếu làm nhiều việc cùng một lúc thì chỉ dẫn tới kết quả là nhiều việc dở dang hơn mà thôi. Biết cách đưa ra thứ tự ưu tiên(priority) cho các công việc của mình: quan trọng, khẩn cấp, quan trọng nhưng không khẩn cấp… và thực hiện cho đến khi hoàn thành nó. Chú ý cả về khái niệm hoàn thành của từng công việc mà bạn đưa ra.
“Too busy, to improve” (quá bận rộn để cải tiến)
Câu nói khá mỉa mai được tác giả đưa ra để nêu ra vấn đề về cách quản lý thời gian và những ưu tiên của những người mà chúng ta thường thấy họ quá bận rộn. Ngày nay người ta đề cao việc work smart hơn là work hard, không phải để bảo rằng chúng ta lười đi mà là cải tiến cách làm việc thông minh hơn, tránh việc khiến bản thân rơi vào tình trạng quá bận rộn.
Khi quá bận rộn, vấn đề sẽ trở nên rối hơn. Điều quan trọng là hãy biết cách cho đầu óc và dành thời gian nghỉ ngơi trong những lúc căng thẳng và mệt mỏi đó để tái tạo năng lượng. Việc thức đến đêm sẽ bị trả giá về việc một ngày làm việc hôm sau sẽ bị uể oải thiếu năng lượng.
“Để phần mềm hoạt động được tốt thì phần cứng phải có cấu hình tương đối khủng. Nó tương đương với việc để làm việc tốt được thì bạn cần phải có sức khỏe tốt”.
Đôi khi những lúc chúng ta nghỉ ngơi, thì vấn đề sẽ lại dễ dàng được giải quyết hơn theo chiều hướng mới.
“Vấn đề nó không nằm ở vấn đề, mà vấn đề nó nằm ở cái cách bạn nhìn nhận nó là vấn đề.”
— Tôi nói
Và cuối cùng của cuốn sách tác giả muốn nói đến một kỹ năng vô cùng quan trọng “Learning how to learn” hay “Self study”. Tức là học cách tự học. Một người biết cách tự học là người liên tục đọc, biết cách tiếp cận bài bản những điều chưa biết, khả năng tiếp thu và hiểu nhanh vấn đề.
“Học tập không ngừng là cách duy nhất để chúng ta tiến bộ hơn mỗi ngày.”
Tuy nhiên bên cạnh đó có một số lỗi nhỏ như: sai lỗi chính tả và lặp từ cũng kha khá. Chẳng hạn như: khung sường(khung sườn), phát xuất(xuất phát), phải phải biết biết(phải biết)… Nếu đọc lướt thì sẽ không để ý, nhưng vì cuốn sách hay quá nên tôi đọc không sót từ:D dù sao thì nó không phải vấn đề lắm, nhưng tránh những lỗi này thì sẽ làm cuốn sách được hoàn hảo hơn, tránh khó chịu cho người đọc(mặc dù tôi viết sai chính tả nhiều nhưng cũng hay đi bắt lỗi, phê bình dễ hơn là thực hiện mà 😁).
Về cái tên cuốn sách thì tôi khá thích, nhưng “bí kíp làm nhân viên bình thường” thì có vẻ nó làm cho cuốn sách bớt đi phần cuốn hút ngay từ đầu. Cá nhân tôi thì nghĩ có thể bằng “bí kíp để trở thành nhân viên khác biệt”, hoặc có thể thay thế từ bình thường bằng một từ gì đó hay hơn, vì cuốn sách hay xứng đáng với một cái tên tốt.
Khuyến khích các bạn mua sách về đọc để ủng hộ tác giả. Nếu được thì nên đầu tư thêm những cuốn sách mà tác giả đề cập đến ở cuối sách như: làm điều quan trọng, tạo lập mô hình kinh doanh cá nhân, cẩm nang Scrum…
Bạn chỉ mất có vài phút để đọc nó, nhưng tôi thì mất vài tiếng để tổng hợp và note lại, nên không có lý gì mà bạn đọc đến đây mà không ủng hộ tôi bằng cách like, comment hoặc share nó cho mọi người. 😘
Hà Nội, 07h30 sáng ngày 16/07/2019
Khang Lê Minh
Eva Chia Sẻ
Nguyenphuhoang Nam
Mình thấy thời gian gần đây cũng nhiều người nhắc đến cuốn này, bạn đọc từ năm 2019 à? Bài review cũng chất lượng (mình khá ấn tượng với phong cách hóm hỉnh của bạn khi review sách)
Hoàng Ngọc