[Review Sách] Du hành vào cõi Toàn thức

  1. Sách

  2. Tâm lý học

Chuyến “Du hành vào cõi Toàn thức” này sẽ mang đến cho bạn những kiến thức thú vị về Thôi miên và Thôi Miên Nhân Văn cùng hai tác giả Olivier Lockert & Patricia D’Angeli.

 https://cdn.noron.vn/2022/09/23/790558945372697-1663904925.jpg

Sứ mệnh của thôi miên là gì?

Nói đến thôi miên, có lẽ chúng ta sẽ hình dung ra bối cảnh một người mặc đồ đen cầm con lắc đung đưa hoặc một “dị nhân” nào đó với đôi mắt phát sáng đang sai bảo người khác răm rắp tuân theo lời mình.

Trước khi bắt đầu quá trình tìm hiểu về thôi miên, nghĩ đến thôi miên tôi vừa thích, vừa tò mò vừa hơi… sợ sợ theo kiểu xem các bộ phim ma, phim kinh dị. Thôi miên dường như là một siêu năng lực thật quyền năng. Nhưng hình như cội nguồn sức mạnh của nó thuộc về màn đêm mịt mùng (hoặc một thứ gì đó cao cả hơn, vượt trên tầm nhận thức thông thường). Do đó, chúng ta không thích bị thôi miên (theo cách hiểu của chúng ta) và thậm chí sợ bị người khác thôi miên (vì cách hiểu của chúng ta với thôi miên đã khiến cho hoạt động này thật đáng sợ).

Để các bạn yên lòng cùng tôi tìm hiểu tiếp, tôi xin chia sẻ tóm lược với các bạn về lịch sử hình thành của thôi miên được trích dẫn từ trang 20 của cuốn sách “Du hành vào cõi Toàn thức”:

Thôi miên là một thực hành mang tính trị liệu: mục đích của nó là để giúp mọi người trở nên tốt hơn, chỉ thông qua kênh duy nhất là ngôn ngữ. 

Cái tên hiện tại được nghĩ ra bởi một bác sĩ phẫu thuật người Scotland, James Braid, vào năm 1841, nhưng con người thì từ lâu đã luôn tìm cách chữa lành hoặc cải thiện cuộc sống bằng cách sử dụng những gì họ có sẵn trong đầu.

Trang 32 trong cuốn sách cung cấp thêm khẳng định:

Thôi miên là “bà tổ” của tất cả các hình thức trị liệu tâm lý. Ngay cả từ “trị liệu tâm lý” cũng đã được phát minh ra để chỉ việc chăm sóc thông qua gợi ý/ám thị (suggestion) thôi miên. Ta lần được tung tích của nó trong hầu như tất cả các kỹ thuật hiện có. 

Bạn đã cảm thấy an toàn hơn chưa? Thôi miên ra đời là để giúp đỡ, không phải để hãm hại. Nếu chúng ta không muốn, thì không ai có khả năng thôi miên chúng ta để thao túng hay lạm dụng một cách đầy kịch tính như trên các tác phẩm điện ảnh.

Kỹ thuật Thôi miên vẫn tồn tại đến ngày nay là bởi tác dụng trị liệu của hoạt động này.

Thôi miên cổ điển và Thôi miên kiểu Erickson sẽ chú trọng kích hoạt Vô thức. Do đó, thân chủ sẽ tiến vào trạng thái phân ly (nhưng họ vẫn giữ được ý chí tự do). Ý thức của thân chủ sẽ tạm thời được nhà thôi miên cho “nghỉ ngơi” để phục vụ quá trình trị liệu. Mặc dù vậy, vẫn có những tâm hồn thấp thỏm, bất an khi cho rằng trong trạng thái này, họ có thể dễ dàng bị tổn thương. Từ sự đồng cảm với những lo lắng rất chính đáng, rất “con người” ấy mà trường phái Thôi Miên Nhân Văn ra đời.

Sẽ không có sự phân ly nào ở đây, thay vào đó bạn thậm chí còn được dẫn dắt đến với trạng thái Ý thức tăng cường. Tôi nghĩ điều này thật tuyệt đối với các nhà thôi miên và thân chủ. Bởi cả hai sẽ không cần phải vất vả đấu trí với nhau nữa.

Nhà Nhân Văn

Toàn thức là cơ sở của Thôi Miên Nhân Văn (để tìm hiểu thêm về khái niệm “Toàn thức”, “Toàn ảnh” kèm theo các thực nghiệm khoa học, bạn có thể đọc cuốn "Ma Trận Thần Thánh" của Gragg Braden). Nếu rút ngắn lại để dễ nắm bắt, thì Thôi Miên Nhân Văn là hoạt động thôi miên không xảy ra sự phân ly. Đó cũng là lý do vì sao hình thức Thôi miên này được coi là Nhân Văn: Bạn sẽ không những được chữa lành mà còn nâng cấp được Ý thức của bản thân cho gần gũi hơn với Toàn thức kèm theo sự ủng hộ của Vô Thức. Sẽ không có phần nào trong tâm trí bị phân mảnh hoặc tạm thời bị ngắt kết nối. Mọi sự chia tách dường như đều đi ngược lại với ý muốn của tạo hóa, do đó con người cần là nhất thể.

“Để đảm bảo sự ổn định tinh thần, thậm chí sức khỏe sinh lý, Ý thức và Vô thức cần phải được kết nối toàn diện để có thể phát triển song song. Nếu chúng bị tách rời nhau, hay bị “phân ly”, rối loạn tâm lý sẽ xuất hiện.”

(Carl Gustav Jung)

Thôi Miên Nhân Văn không chỉ dừng lại ở việc chữa lành, mà còn khiến cho con người trưởng thành hơn (một cách tự chủ). Nhà thôi miên chỉ đóng vai trò của một người hướng dẫn đầy thiện ý mà không ép buộc hay điều khiển bạn. Tính chất này để ngỏ trong tôi suy nghĩ về khả năng hỗ trợ người khác tiến tới thiền Minh Sát (Vipassana) hoặc bước vào Chánh Niệm.

Chi tiết về các kỹ thuật Thôi Miên Nhân Văn sẽ được trình bày trong cuốn sách “Du hành vào cõi Toàn thức”. Tôi tin rằng để các bạn đọc trực tiếp lĩnh hội từ phần trình bày của hai tác giả có kinh nghiệm, chuyên môn (với giọng văn hóm hỉnh) sẽ có hiệu quả hơn.

Mặc dù không tiếp tục bàn về thôi miên, nhưng phần “Ý tưởng làm Nhà Nhân Văn trong cuộc sống hàng ngày” rất ý nghĩa, nên tôi trích dẫn lại để mời bạn đọc cùng tham khảo:

  1. Ngạc nhiên trước vẻ đẹp của thế giới
  2. Hãy tò mò về mọi thứ
  3. Bạn lớn lao hơn bạn tưởng nhiều
  4. Hãy ý thức về chính bạn
  5. Hãy nhớ: Toàn thức của bạn được thể hiện trong mọi thứ
  6. Chúng ta đều kết nối với nhau
  7. Hãy lạc quan: chấp nhận thay đổi
  8. Hãy nhớ rằng: tất cả chúng ta đều bình đẳng trong Toàn thức
  9. Cho người khác thấy con đường
  10. Nuôi dưỡng bản thân bằng thế giới xung quanh, không bao giờ ngừng lớn lên

Dù bạn là ai, đang làm công việc gì thì tôi tin những ý tưởng này sẽ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống hiện tại. Trước khi làm cho thế giới này trở nên hạnh phúc, bạn hãy là một người hạnh phúc.

Là một Nhà Nhân Văn, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn tiếp tục học hành để trở thành một nhà Thôi Miên Nhân Văn hoặc không. Bởi theo tôi nghĩ, đây là trái tim của trường phái này.

https://cdn.noron.vn/2022/09/23/83977136811664443-1663904956.jpg

Thay cho lời kết

“Du hành vào cõi Toàn thức” cung cấp thông tin tổng quan về thôi miên và đi vào chi tiết các kỹ thuật Thôi Miên Nhân Văn. Trường phái Thôi Miên Nhân Văn đồng thời có tích hợp các kỹ thuật Trị liệu Biểu tượng Nâng cao (mà bạn có thể tìm hiểu sâu hơn trong cuốn “Liệu pháp tâm hồn: Chữa lành bằng trị liệu biểu tượng nâng cao” của tác giả Patricia D’Ageli). Trong hành trình khám phá hai tác phẩm này, bạn có cơ hội du hành vào chính cõi Toàn thức của bản thân. Ý thức của bạn sẽ được củng cố và Vô thức cũng bắt đầu “động đậy” để đến với Ý thức. Khởi đầu như vậy quả là đáng để trải nghiệm, phải không?

Hãy tiếp tục tìm hiểu, nhưng đừng vội vàng. Chúng ta chưa thể trở thành bậc thầy sau khi đọc sách, nhưng có thể trở thành người học trò với khao khát tìm ra những giá trị tích cực để giúp đỡ bản thân và mọi người xung quanh.

Sau tất cả, mọi vấn đề thường thuộc về sự kết nối giữa con người với con người, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần. Do đó, mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ sẽ quyết định hiệu quả của quá trình trị liệu. Tìm cho mình một phương pháp trong đầu để “hiểu người” nhưng đừng quên giữ sự nhân ái trong trái tim để “thương người”, bạn nhé.

 
 
 
 

 

 

 

 

 

Từ khóa: 

review sách

,

du hành vào cõi toàn thức

,

olivier lockert và patricia d’angeli

,

sách thiện tri thức

,

noron

,

sách

,

tâm lý học