[Review Sách] Đông Y Chi Lộ
Cuốn sách “Đông Y Chi Lộ” của tác giả Dư Hạo (Nhân Hòa Y Đạo biên dịch) chia sẻ cùng bạn đọc quá trình trưởng thành của một bác sĩ Đông Y truyền thống. Đây là quá trình cảm ngộ về y đạo và nhân đạo với những thăng trầm, thử thách nhưng vẫn giữ lý tưởng của một lương y.
Ngàn dặm đường bắt đầu từ một bước chân
“Ông cố dùng tay xoa đầu tôi hỏi: “Muốn học bản lĩnh cứu người không?”
Tôi nói: “Muốn học muốn học! Có vui không ạ?”
Ông cố cười nói: “Đây không phải là chuyện chơi đâu nhé, phải học cẩn thận mới cứu được người, nếu không sẽ khiến người sống thành người chết đấy!”. (trang 17)
Đoạn hội thoại giữa ông cố và Đông Oa tử (tác giả Dư Hạo thuở nhỏ) đã đánh dấu bước đi đầu tiên của một tiểu y sĩ trên con đường y đạo. Tôi nghĩ dù là Đông y hay Tây y, thì mục đích sau cùng đều là để cứu người. Bước đi trên con đường này, người y sĩ cần luôn tâm niệm đem tài năng, sở trường của mình ra để cứu chữa người bệnh. Ông cố đã dạy cho Đông Oa tử bài học đầu tiên và cũng là bài học quan trọng nhất trong tất cả các ngành nghề: đạo đức là điều then chốt nếu muốn học nghệ.
Vùng quê nghèo, một già, một trẻ đồng hành cùng nhau: già dìu dắt, thương yêu còn trẻ kính trọng, học hỏi. Nhận thấy Đông Oa Tử có ngộ tính và có duyên với y thuật, ông cố đã đem toàn bộ kinh nghiệm chữa bệnh cứu người của mình ra truyền thụ cho chắt. Điều đáng khâm phục là: ông không truyền nghề với khát vọng chắt mình sẽ “vinh thân, phì gia” mà cốt muốn chắt kế thừa y thuật để cứu giúp người bệnh, đặc biệt là những người dân nghèo mà nếu không có tiền thì có thể lâm vào cảnh chết không ai cứu.
Nỗ lực phi thường của ông cố trong việc truyền dạy cho đứa chắt bé bỏng của mình về tinh hoa của Đông y, dược thảo, tứ chẩn: “vọng, văn, vấn, thiết” là vùng ký ức sống động và sâu đậm nhất trong lòng tác giả. Nỗi xúc động ấy lan tỏa trong từng câu chữ khi tác giả hồi tưởng lại về ông cố của mình. Tôi cảm nhận ẩn chứa trong ông lão thảo y rất đỗi bình thường ấy có lẽ là trái tim của Đức Phật Dược Sư.
Những năm tháng sau này, khi trở thành một sinh viên tại Học viện Y Dược học cổ truyền tỉnh Hồ Bắc, chàng thanh niên Dư Hạo lại càng thấm thía nhận ra vị trí của Đông y là tuyến dưới, nơi gần với quần chúng nhân dân, do dân gian sưu tầm đúc kết nên để chữa bệnh. Người với người coi trọng sự an nguy sinh tử của nhau thay vì ngã giá để tư lợi. Có chữa lành bệnh thì người lương y cũng hoan hỷ nhận những trứng gà, mớ rau, chai rượu thay cho lời cảm tạ từ bệnh nhân và người nhà. Song không vì vậy mà họ kém nhiệt huyết, bê trễ lên núi hái thuốc, suy tư về những thang thuốc chữa bệnh sao cho hiệu quả hơn.
Để nhận ra con đường và quyết tâm đi trên con đường ấy là điều không dễ dàng, bằng đôi dòng tôi khó có thể tóm lược được đầy đủ. Bạn đọc có thể trực tiếp đọc sách để tìm hiểu những gian nan mà tác giả Dư Hạo đã trải qua. Tôi tin đó là những trải nghiệm rất phổ quát với tất cả chúng ta, khi phải đối mặt với tình huống mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện thực, đam mê và sinh kế, lương tâm và lợi ích.
Tinh hoa Đông Y là cảm ngộ trời đất
Tinh hoa là điều khó có thể dạy tường tận nếu người học thiếu tư chất và không miệt mài, khổ công nghiền ngẫm. Lý lẽ màu nhiệm của Đông Y tưởng chừng phức tạp nhưng qua lời giảng giải từ ông cố, lão Trương, Trương đạo trưởng, Lý đạo trưởng cộng thêm khát vọng Tín – Cầu – Nghi – Ngộ - Hành đã giúp tác giả Dư Hạo từng bước khai ngộ.
“Lão Trương tiếp tục nói “Đạo trưởng hỏi là: Cái gì là muốn dương thì phải âm trước, muốn âm thì phải dương trước?”.
“Câu này ư?” Tôi có chút mơ hồ.
“Chỉ câu này, đơn giản vậy thôi! Đạo trưởng nói y đạo không phân trường phái, ngộ y là ngộ đạo, muốn ngộ được đạo, phải ngộ âm dương trước, nếu âm dương không rõ ràng, thì không thể khám bệnh cho người khác được, càng không nói đến tu đạo.” (trang 240)
Tuy chưa phải là một bác sĩ Đông Y, nhưng dõi theo hành trình của bác sĩ Dư Hạo qua từng trang sách, tôi nhận thấy Đông Y sở dĩ có thể dựa vào dược thảo tự nhiên, kim châm, xoa bóp, chế độ ăn uống tập luyện mà chữa bệnh cứu người cũng nhờ tư duy âm dương, ngũ hành. Nếu không thông nguyên lý, không bắt được chính xác bệnh thì mọi phương pháp đều khó mang lại kết quả như ý.
Ngược lại, đã thông nguyên lý, bắt bệnh chuẩn xác thì cách chữa có thể tùy hoàn cảnh, cơ địa của bệnh nhân, dược thảo sẵn có mà thiên biến vạn hóa vô cùng. Từ Biểu chứng, Lý chứng, Hàn chứng, Nhiệt chứng, Hư chứng, Thực chứng, Âm chứng, Dương chứng mà có cách khắc chế dựa vào Thổ pháp, Hạ pháp, Hãn pháp, Ôn pháp, Thanh pháp, Tiêu pháp, Hòa pháp, Bổ pháp (Bát Cương Bát pháp).
“Nhân thân tiểu vũ trụ” - Cơ thể con người là một vũ trụ thu nhỏ, cơ chế hoạt động với vòng tuần hoàn, lục phủ ngũ tạng tương ứng với các hiện tượng tự nhiên. Người thầy thuốc Đông y nếu chịu để tâm quan sát, liên tưởng, vận dụng như bác sĩ Dư Hạo thì sẽ có cơ hội nâng cao tay nghề, tư duy trong bắt bệnh, trị bệnh.
Ai có thể đọc sách, ai có thể học Đông y?
Sau khi gấp cuốn sách này lại, tôi thấy câu trả lời là “Tất cả chúng ta”.
“Học Đông y, chính là để chúng ta nhận thức được tự nhiên, nhận thức được cơ thể của chúng ta, từ đó giúp chúng ta dung hòa vào tự nhiên, tìm ra được đạo dưỡng sinh, đạo chữa bệnh để con người sinh tồn khỏe mạnh. Ai cũng có thể học Đông y, cảm thụ Đông y.” (Trang 282)
Tôi cảm nhận “Đông Y Chi Lộ” là một cuốn tự truyện với những tâm tư của một thầy thuốc Đông y muốn chữa bệnh cứu người, lan tỏa giá trị tích cực của Đông y. Tác phẩm được biên dịch bởi các bác sĩ Đông y nên có văn phong lôi cuốn, dễ hiểu với người Việt nhưng vẫn thâu nạp được những ý tứ đặc trưng nhất về y học của Đông y mà tác giả muốn chuyển tải.
Nếu bạn đọc từng say mê tác phẩm “Người thầy thuốc” của tác giả Noah Gordon thì không nên bỏ lỡ hành trình của người thầy thuốc phương Đông trong cuốn sách “Đông Y Chi Lộ”.
Trong phần cuối, tác giả Dư Hạo còn chia sẻ bài thuốc Đông Y để độc giả tham khảo điều trị các chứng bệnh: Mụn trứng cá, Liệt mặt, Ù tai, Thiểu năng tuần hoàn não, Bế kinh, U nang buồng trứng, Viêm tuyến tiền liệt mãn tính, Polyp túi mật, Bệnh trĩ và 5 bài giảng về đặc trưng của Tâm – Can – Tỳ - Phế - Thận.
Về tác giả và nhóm biên dịch
Dư Hạo, tự Nhậm Chi, vị bác sĩ Đông y sáng lập Nhậm Chi Đường, phát minh Âm dương cửu châm. Từ nhỏ, tác giả đã được ông cố truyền dạy y thuật, sau này tốt nghiệp Học viện Y Dược học cổ truyền tỉnh Hồ Bắc, xây dựng phòng khám Đông y Nhậm Chi Đường, khu y dưỡng kết hợp Dưỡng tâm sơn trang và Ẩn trúc trai, thành lập Cửu châm trang viên chuyên đào tạo và phổ cập Đông y, xây dựng thôn Đông y.
Ngoài “Đông Y Chi Lộ” (do Sách Thiện Tri Thức phát hành tại Việt Nam), tác giả còn các tác phẩm đáng chú ý như: “Y gian đạo”, “Âm dương cửu châm”, “Nhậm Chi Đường y kinh tâm ngộ ký” v.v.
Nhân Hòa Y Đạo với sứ mệnh “Giảm nỗi đau bệnh tật cho bệnh nhân và mang lại hạnh phúc cho bác sĩ” là tổ chức của đội ngũ các bác sĩ Đông y trẻ trong và ngoài nước, được thành lập với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và phổ cập y học cổ truyền tại Việt Nam../.