[Review Sách] Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm

  1. Sách

Với sự phát triển của công nghệ thông tin kèm theo nhiều thú vui hấp dẫn, có lẽ con đường đọc sách đã, đang và vẫn luôn “gian nan vạn dặm”. Nhưng tôi tin sẽ luôn có người tình nguyện bước đi trên con đường ấy.

https://cdn.noron.vn/2023/07/20/4227280081867668-1689840732.jpg

Vì sao ai cũng biết tập thể dục là tốt nhưng lại không thường xuyên tập thể dục?

Vì sao ai cũng biết đọc sách là tốt nhưng lại không thường xuyên đọc sách?

Tôi nghĩ điều người ta thường nói và điều người ta thích làm không giống nhau. Giữa phấn đấu để trở nên hoàn thiện hơn trong tương lai và tận hưởng lạc thú trong hiện tại, thì con người sẽ lựa chọn rất nhanh chóng theo bản năng truy cầu khoái hoạt.

Nếu cho một đứa trẻ lựa chọn giữa một cuốn sách và một chiếc điện thoại (máy tính) có kết nối Internet, thứ hấp dẫn hơn đương nhiên chiến thắng. Và có lẽ người lớn cũng như vậy (người lớn không phải lúc nào cũng là người trưởng thành). Điều này giống với ăn quà bao giờ cũng cảm thấy ngon hơn ăn cơm- dù quà vặt không tốt cho sức khỏe.

Trong bối cảnh mọi nỗ lực để khuyến đọc giống như khuyến “nhọc”, vẫn có những con người, tác phẩm bền bỉ lan tỏa tình yêu với sách và những giá trị nhân văn sách mang tới cho nhân loại. Cuốn “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” là như vậy.

Cuốn sách gần 400 trang chia sẽ suy nghĩ của tác giả Nguyễn Quốc Vương về việc đọc sách, trải nghiệm và lẽ sống của tuổi trẻ cũng như hoạt động giáo dục. Nội dung gồm có:

Phần một: Đọc sách, trải nghiệm và lẽ sống của tuổi trẻ

Phần hai: Giáo dục trường học và “cải cách từ dưới lên”

Phần ba: Kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ở Nhật Bản

Dẫn nhập (“Nguyễn Quốc Vương và sự trăn trở với văn hóa đọc”, “Đôi nét về tác giả Nguyễn Quốc Vương”, “Lời tựa”) cùng phần tổng kết (“Các văn bản liên quan đến phát triển văn hóa đọc của Nhật Bản”, “Lời bạt”, “Phụ lục: Một số hình ảnh về hoạt động giáo dục, khuyến đọc và các cuốn sách đã xuất bản của tác giả Nguyễn Quốc Vương”) sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn thông điệp của ba phần nêu trên.

Trong bài review này, tôi sẽ chia sẻ cảm nghĩ về phần một. Những phần còn lại xin mời bạn đọc trực tiếp tìm đọc sách để cảm thụ theo cách riêng của bản thân.

Cá nhân tôi rất thích cách tiếp cận không tách rời việc đọc sách với hoạt động giáo dục. Bởi tôi cảm thấy bất an trước những “học sinh xuất sắc”, “giáo viên dạy giỏi”, “trường chuyên lớp chọn” không có văn hóa đọc, không có thói quen đọc sách, đọc theo phong trào - lấy hình ảnh. Những thành tích bề nổi đó khiến con người ta trở nên kiêu ngạo, chủ quan và đưa tới những quyết định hời hợt, ích kỷ.

Giáo dục không thể tách rời khỏi việc đọc (không chỉ dừng ở việc đọc sách, năng lực đọc có thể tiến xa hơn nữa đến những lĩnh vực khác trong đời sống). Vậy nên chú tâm phát triển năng lực đọc là một phần quan trọng trong giáo dục nhân cách. Theo những gì tôi biết, chỉ con người mới có sách và có đặc quyền đọc- các động vật khác trên hành tinh hình như không có/không cần năng lực này.

https://cdn.noron.vn/2023/07/20/430215347251838-1689840752.jpg

Theo tác giả Nguyễn Quốc Vương, đọc sách mang lại những ích lợi cho cá nhân như sau (trang 134 đến trang 154):

  • Đọc sách là trải nghiệm đầu đời quan trọng và đầy ý nghĩa
  • Đọc sách chính là học
  • Đọc cũng hỗ trợ tốt cho giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ nghề nghiệp
  • Đọc để sống … “người” hơn

Có một thông điệp trong phần này khiến tôi ấn tượng:

“Trong suốt cuộc đời con người, sống đồng thời cũng sẽ là quá trình chống lại sự tha hóa cả về thể chất và tinh thần. Muốn thế, con người phải có hiểu biết và thói quen giải trí lành mạnh” (trang 152).

Hãy bắt đầu với các bạn trẻ một cách nhẹ nhàng: đọc sách giúp chúng ta giải trí một cách lành mạnh. Con người không thể loại bỏ nhu cầu giải trí cũng giống như loại bỏ nhu cầu ăn uống. Nhưng chúng ta có quyền chọn loại thực phẩm/loại hình giải trí xứng đáng để thưởng thức.

Với tôi, một nền giáo dục không quan tâm tới việc đọc là một nền giáo dục khuyến khích bản năng trỗi dậy, xem nhẹ đạo đức và thực lực. Những vụ bạo lực học đường, gian lận thi cử, mang thai trong độ tuổi vị thành niên, đánh bạc qua mạng, sử dụng chất kích thích vẫn đang réo rắt cảnh báo tất cả chúng ta về tương lai của đất nước.

Dĩ nhiên nền giáo dục đương thời vẫn có những thủ khoa tài năng, nhưng tài năng đơn lẻ ấy chưa chắc sẽ gánh vác tập thể- và tôi tin không phải tài năng nào cũng vui vẻ gánh vác trách nhiệm to lớn là khiến cho cộng đồng tốt đẹp hơn. Nếu chỉ biết tới lý trí và ích lợi, thì không có lý do, động lực nào buộc họ phải san sẻ, đem tài năng phục vụ cho những mục đích cao cả hơn tính tư lợi. Thậm chí nếu lạc lối, họ sẽ dùng chính tài năng ấy để trục lợi từ cộng đồng. Điển hình là những quan chức tham nhũng: tuy không bất tài nhưng rõ ràng tài năng tưởng chừng đưa họ leo đến đỉnh cao cuối cùng lại dẫn họ lao xuống vực thẳm. Lời giải cho vấn đề này cũng vẫn là việc đọc sách: để những tâm trí tài năng ấy biết lắng nghe trái tim, sống có lương tri hơn.

Tạm thời chưa bàn đến những phương pháp, công nghệ hiện đại hay nhưng triết lý giáo dục ngàn xưa, có lẽ điều giản đơn nhất mà chúng ta nên làm và có thể làm là khuyến đọc cho chính bản thân mình, con em của mình và những người xung quanh.

Vậy cần bắt đầu ra sao để xây dựng cho nhưng công dân tương lai có thói quen đọc sách, tác giả có gợi ý như sau:

Đọc sách cũng như giáo dục (và thực chất đọc sách cũng là giáo dục) là công việc lâu dài. Nếu không thể đọc sách cho con mỗi ngày 30 phút thì cha mẹ có thể đọc 5 phút, 10 phút. Quan trọng là bền bỉ liên tục. Ở độ tuổi từ 0-6 tuổi, giai đoạn “vàng” để hình thành nên các phẩm chất và thói quen sinh hoạt cơ bản trong tư cách con người, tôi nghĩ hầu như không có trẻ em nào có năng lực nhận thức bình thường lại không thích đọc sách. Nên bắt đầu việc đọc sách cho con từ nhỏ. (trang 97)

Tôi nghĩ chúng ta hãy chủ động áp dụng lời khuyên này vào thực tế, thay vì phân tích, luận bàn thêm. Muốn có kết quả, chúng ta cần hành động thay vì dừng lại ở việc ngẫm nghĩ. Những hành động nhỏ nhưng thiết thực, kịp thời sẽ mang lại những kết quả lớn.

Thay cho lời kết

Ý tưởng ban đầu của tôi là review cuốn tự truyện “3000 ngày trên đất Nhật” của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Nhưng sau đó tôi quyết định sẽ đưa cuốn này vào danh mục giới thiệu/khuyến đọc cho các bạn trẻ đang băn khoăn về định hướng của cuộc sống thay vì viết review khen ngợi- cá nhân tôi khá thích cuốn tự truyện này, mà biết trước mình sẽ viết gì rồi thì tôi lại không còn hứng thú để viết nữa (đây là thói quen và cũng có thể là tật xấu của tôi).

Ngoài ra, tôi cảm nhận việc viết về cuốn “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” có thể sẽ lan tỏa những giá trị cụ thể hơn cho hoạt động khuyến đọc. Là một người đọc sách, tôi trân trọng tâm huyết của tác giả Nguyễn Quốc Vương đối với văn hóa đọc. Nên với bài viết này, tôi mong muốn sẽ góp chút sức nhỏ bé cùng hoạt động khuyến đọc của anh và các đồng nghiệp.

Từ khóa: 

đọc sách

,

con đường gian nan

,

khuyến đọc

,

nguyễn quốc vương

,

noron

,

sách

Đúng là ai cũng biết đọc sách là tốt nhưng lại không thường xuyên đọc sách, chỉ có đam mê mình mới làm tốt được ạ

Trả lời

Đúng là ai cũng biết đọc sách là tốt nhưng lại không thường xuyên đọc sách, chỉ có đam mê mình mới làm tốt được ạ