[Review Sách] Dạy con trong “hoang mang” (tập II)
Sau khi đọc xong cuốn “Dạy con trong hoang mang” (tập I), tôi đã tìm đọc cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” (tập II). Điểm khiến tôi thích ở hai cuốn sách này là những bài học mang tính gợi mở. Tôi nghĩ làm người chưa bao giờ là dễ và làm người đi giáo dục người khác thì lại càng gian nan.
Những cảm nhận của tôi trong bài viết này mang tính cá nhân, có thể sẽ không phản ánh đúng và đầy đủ điều tác giả muốn truyền đạt. Do đó, bạn nên trực tiếp tìm đọc sách để có trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Cuốn sách hơn 290 trang tập hợp 29 bài viết từ TS Lê Nguyên Phương về các chủ đề liên quan đến mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái và các cách ứng xử, nuôi dạy con thời hiện đại. Tôi nghĩ đây không phải là tác phẩm truyền cảm hứng, mà là một tác phẩm đối diện với hiện thực, với bản chất con người và những nỗi khó khăn, đau khổ mà cha mẹ, con cái hoặc gây ra cho nhau hoặc cùng nhau gánh chịu.
Nút thắt
Trong “Lời mở đầu”, tác giả có bộc bạch:
Có một câu thơ của thế hệ cũ đã ám ảnh tôi 35 năm nay: “Đường hy vọng nếu ta về quá chậm/Đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ”. Nhìn lại để hóa giải những nội kết và chấn thương của đời mình chắc hẳn không dễ dàng gì vì cũng đau đớn lắm, nhưng nỗi đớn đau sẽ còn lớn hơn khi chúng ta thấy con cháu của mình lại tiếp tục gánh chịu hậu quả của những vô minh này. Quả thật những chương sách của tôi có vẻ mang đầy nỗi khổ đau, nhưng tôi tin rằng nó cũng chính là con đường hy vọng để chúng ta và con trẻ chứng nghiệm hạnh phúc của cõi nhân sinh này (trang 16)
Nỗi khổ của kiếp người có thể di truyền từ đời này sang đời khác, chừng nào còn là người thì chừng đó còn phải đối mặt với những sai lầm của bản thân. Chấp nhận hiện thực này cần thời gian rất dài trong khi guồng quay của xã hội và áp lực dư luận dường như luôn thúc ép chúng ta phải tiến tới. Những chàng trai, cô gái mới rời khỏi mái trường để đến với giảng đường năm nào, nay lại phải hối hả rời giảng đường để đến công sở, cơ quan. Lập thân, lập nghiệp, lập gia đình toàn những chuyện hệ trọng của đời người ùn ùn giáng xuống những mái đầu xanh ngơ ngác. Rồi thì những chàng trai, cô gái cũng lên làm bố, làm mẹ. Coi như biết sống an phận cũng là một cách báo hiếu để cho cha mẹ an tâm. Nhưng sự đời có như mơ?
Những chàng trai, cô gái quen được cha mẹ chăm nom chiều chuộng hoặc chưa bao giờ được cha mẹ quan tâm chăm sóc nay lại làm cha mẹ. Làm thế nào để họ biết được cách làm cha mẹ? làm thế nào để họ chỉ cần kết hôn duy nhất một lần trong đời? làm thế nào để họ hiểu được tâm tư tình cảm của những sinh mệnh ra đời trong thời đại khác mình? những câu hỏi không có hồi đáp, nên họ buộc phải xoay sở.
Dù đau đớn, họ buộc phải học qua phép “thử - sai”. Nhưng cuộc đời này vốn dĩ không có “thử”, vì mọi sự trở thành “thực” rất nhanh. Nếu chưa biết thế nào là “đúng”, thì cái “sai” vẫn có thể được duy trì, thậm chí được coi là giải pháp không thể thay thế.
Cha mẹ nào cũng biết không nên đưa điện thoại hoặc cho con xem tivi, máy tính quá lâu, nhưng làm thế nào để con ngồi yên một chỗ khi đến nơi đông người hoặc nhà đang có khách? Cha mẹ nào cũng biết nếu con cả ngày chỉ ngồi học thì sẽ trở nên ngây ngô, vụng về nhưng miệng tuy quát mắng, tay vẫn làm mọi thứ hộ con, họ đâu còn cách nào khác khi hết kỳ thi này nối tiếp sang kỳ thi khác? và cha mẹ nào cũng thương con, muốn con hạnh phúc nhưng nếu không học giỏi, không có nhiều thành tích, không nghe lời cha mẹ thì làm sao con hạnh phúc được? các cụ đã nói “con không nghe cha mẹ, trăm đường con hư” còn gì? nên nếu có ép con, roi vọt với con là cũng bởi…thương con.
Con cái của họ dĩ nhiên cũng gánh chịu nỗi đau ấy. Chúng có thể lớn lên bình thường về thể xác nhưng khiếm khuyết trong tâm hồn. Chúng sẽ trao tặng món quà vô minh cho thế hệ sau và chính bản thân chúng. Chúng sẽ tìm cách để chết, để sống mà vẫn thỉnh thoảng nghĩ đến cái chết hoặc để sống với trái tim đã chết.
Làm nạn nhân vốn không sung sướng nhưng tại sao lại có những cá nhân suốt đời chọn làm nạn nhân? Những kinh nghiệm ấu thời in dấu vào cuộc đời chúng ta lâu dài nhất, đặc biệt là từ cách thức và tâm lý mà cha mẹ sở hữu khi nuôi dạy chúng ta. (trang 259)
Để thoát khỏi sự hoang mang, chúng ta cần lòng can đảm. Mà lòng can đảm lớn nhất chính là thành thật với bản thân, thành thật với những thiếu sót, sai lầm khi học cách làm người.
Gợi mở
Làm cha mẹ là sự nghiệp học đi đôi với hành. Nên nếu cha mẹ không sáng suốt biết bản thân cần phải học gì và thực hành ra sao, thậm chí là cho rằng bản thân không cần học nếu đang cầm nắm những bằng cấp, địa vị hiển hách nào đó, thì thật là tội nghiệp cho con trẻ.
Thời thơ ấu của con trẻ qua rất nhanh. Bước vào độ tuổi thanh thiếu niên, chúng không còn bất lực trước những kỳ vọng vô bờ và những mệnh lệnh vô lý từ người lớn nữa. Đặc biệt là nếu trong một gia đình có những thế hệ khác nhau chúng sống cùng nhau: với một bên là ông bà (thậm chí giữa ông và bà), một bên là cha mẹ (thậm chí là giữa cha và mẹ). Thường thì một bên sẽ ngập tràn yêu thương nhưng thiếu kiên quyết, bên còn lại thì kiên quyết nhưng thiếu yêu thương.
Giữa những va đập của tình trạng bất cập và thái quá ấy, mâu thuẫn sớm muộn cũng bùng nổ. Trong tình huống xấu nhất, cuộc đời đứa trẻ sẽ từ từ khép lại với những triệu chứng trầm cảm, ý định thậm chí là hành vi bỏ nhà, tự hại, tự sát hoặc sa đà vào những chất gây nghiện, chìm đắm trong Internet v.v.
Theo Giáo sư Edwards Clarke thuộc Đại học bang California tại Los Angeles, mâu thuẫn về việc dạy con là một trong sáu mâu thuẫn chính yếu giữa cha mẹ lớn tuổi và con cái đã trưởng thành. Khi xét về các mâu thuẫn này, chúng ta có thể nhận thấy chúng có tương quan với nhau mật thiết và mỗi mâu thuẫn trong nhóm này chắc chắn có ảnh hưởng đến năm loại còn lại. Chúng là (1) Cách tương tác và truyền đạt bằng ngôn ngữ; (2) Thói quen và sự chọn lựa cách sống; (3) Giá trị và cách dạy con; (4) Chính trị, tôn giáo và lý tưởng; (5) Thói quen và giá trị nghề nghiệp; (6) Tiêu chuẩn và việc chăm sóc gia đình (trang 140)
Có lẽ, lối thoát cho tình trạng hoang mang trong việc nuôi dạy con nằm ở sự cởi mở và bao dung. Câu đố và lời giải cùng nằm trong câu “có hiểu mới có thương” tuy ngắn gọn nhưng sâu sắc.
Thay cho lời kết
Đọc cuốn sách “Dạy con trong hoang mang” (tập II) khiến tôi nhớ đến cuốn “Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật”. Có lẽ phần nhiều nỗi đau khổ trong đời và những tình huống ngang trái chúng ta gặp phải xuất phát từ chính thế giới nội tâm của chúng ta.
Tôi nghĩ chấp nhận bản chất con người để chuyển hóa theo hướng “người” hơn là một hành trình tất yếu, vì “không có bùn thì không có sen”. Trên hành trình này, tâm thế hoang mang có thể là điều khó tránh khỏi nhưng dần dần, mỗi lần cố gắng vươn lên cao hơn một chút, chúng ta lại thấy thêm một chút bùn đen loãng đi và một chút trong xanh của bầu trời bên trên rõ ràng hơn.
- Nguồn ảnh: Pixabay.com