[Review Sách] Công dân toàn cầu Công dân vũ trụ
Tôi đã rất háo hức đón đọc tác phẩm này, bởi tác giả của sách là một bậc thầy tôi kính trọng, yêu mến. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách là những điều vĩ đại thường tồn tại một cách bình dị, tự nhiên. Và thú thực là tôi cảm thấy bình yên khi không phải cầm trong tay một cuốn sách dày cộm nói về những lý thuyết cao siêu hay thống kê các định nghĩa đã chết về những con người đang sống.
“Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ” giống với một chiếc lá. Một chiếc lá mỏng manh, khẽ khàng gieo vào lòng người đọc những ý nghĩ xanh tốt, trong lành.
Không mô hình, không lý luận cục bộ vậy nên sách không đưa ra một định nghĩa cố định về “Công dân toàn cầu”. Qua những câu chuyện kể nhẹ nhàng, nhưng thấm thía (và dĩ nhiên đi kèm giọng văn rất tế nhị của Châu Á, mà cũng rất thẳng thắn của Châu Âu) GS Phan Văn Trường đã gợi ra cho bạn đọc suy tưởng về một con người.
Trước khi mang tên gọi “Công dân toàn cầu”, đây là con người đúng nghĩa với lòng tự tôn, tình yêu thương vạn vật, trân trọng tự do của bản thân cùng tự do của vạn vật. Họ sống thuận tự nhiên. Bước vào đời sống, khoác lên mình hình hài của muôn vàn nghề nghiệp thì ở họ vẫn luôn tồn tại sức sống ấy: Sức sống của sự cao thượng mà vẫn hòa đồng, chính trực mà vẫn thân ái. Tự nhiên và an nhiên tự mình. Họ có thể không lệ thuộc vào tập thể nhưng biết quý trọng sức mạnh của tập thể. Họ là chính họ, nhưng cũng là một phần không thể chia cắt trong những lý tưởng tích cực của nhân loại.
Nếu bạn đọc sách, biết đâu bạn sẽ có thêm nhiều nhận xét lý thú, độc đáo hơn tôi. Nhưng may mắn làm sao, cuốn sách mang dấu ấn của một hệ sinh thái mở, nên chúng ta sẽ không cần lãng phí thời gian để tranh luận xem ai đúng, ai sai. Nếu bạn và tôi cùng hồn nhiên, thì đúng sai sẽ không có cơ hội tạo ra khoảng cách.
Đây là trích đoạn mà tôi thích nhất:
“Công dân toàn cầu” không phải một mẫu bất động, ổn định, mà là một hành trình- chắc bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi viết đến đây. Điều này giống việc đi tu hay tập võ, hoặc thực hành yoga. Bạn sẽ không bao giờ tới đích, vì đích sẽ cứ lùi khi bạn cứ tiến. Bạn càng tiến nhanh, đích sẽ càng lùi nhanh. Nhưng bạn chỉ cần tự nguyện đi vào con đường đó với tinh thần chân thành thì bạn đã đúng hướng.
Tôi thích đoạn tâm tình này từ thầy. Bởi thông điệp có sự kết hợp hài hòa giữa trải nghiệm và tầm nhìn, giữa lý tính và cảm tính. Một bậc thầy thực sự sẽ không xúi giục chúng ta đạt được một điều gì đó với động cơ thỏa mãn lòng ham muốn, càng không khuyến khích chúng ta trang hoàng bề ngoài của bản thân, để rồi cố chấp vào “cái tôi” ích kỷ.
Bậc thầy cho chúng ta sự tự do trên con đường hiểu biết. Có lẽ đó là minh triết. Là câu nói mà Voltaire từng phát biểu “Càng hiểu biết, con người càng tự do”.
“Công dân toàn cầu” cũng tự do, vì tự do nên không ngừng biến đổi và vì không ngừng biến đổi nên càng ngày càng vươn tới sự hoàn thiện để rồi nhận ra quay về chính là sự hoàn thiện.
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi thấy cuốn “Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ” có dung lượng khiêm nhường hơn bộ ba cuốn “Kết tinh một đời” (gồm “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Một đời như kẻ tìm đường”). Nhưng đây lại là cuốn sách thử thách người đọc nhất. Nếu không có lý trí và trái tim, nếu vội vã mong cầu, bạn sẽ hoang mang vì chẳng thể hiểu rõ: rốt cuộc bản thân đang cố hiểu điều gì sau khi đọc sách?
Tôi coi cuốn sách là một công án thú vị để học hỏi, khai thác. Chưa chắc tôi có đủ vốn sống để hiểu hết những điều thầy truyền thụ, nhưng phần nào đó, tôi có đủ can đảm để sống với niềm tin thầy đã khơi lên trong tôi.