[Review Sách] Bức họa Dorian Gray
Tác phẩm này là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde. Tôi nghĩ ông cũng không cần phải viết thêm cuốn thứ hai nữa, vì với cuốn này, tài năng và con người của ông đã được bộc lộ trọn vẹn.
Cá nhân tôi thường nghĩ rằng chất lượng tiểu thuyết quan trọng hơn số lượng tiểu thuyết trong cuộc đời nhà văn. Một nhà văn viết quá nhiều hoặc dành quá nhiều thời gian để viết thì hình như không ích lợi với bản thân họ cũng như người đọc. Vì sao tôi nghĩ như thế? Viết nhiều quá dường như biến cuộc đời của nhà văn thành tiểu thuyết. Để rồi họ dành phần lớn thời gian trong thế giới hư cấu của riêng mình. Điều này không phải là sai, nhưng sẽ là thiệt thòi cho nhà văn: chúng ta sinh ra là người, để sống, mà không phải là một nhân vật để người khác đọc. Hơn nữa, viết là một công cuộc gian nan bởi cố ép bản thân viết thì sẽ viết nên những thứ chỉ để bán, còn thả trôi cho bản thân làm việc theo hứng, thì “cơm áo đâu đùa với khách thơ”.
Đối với người đọc, đọc quá nhiều tiểu thuyết do người khác viết, thì họ quên mất sống trọn vẹn với nhận thức, cảm xúc của chính mình. Họ chịu ảnh hưởng từ nhân vật họ ưa thích mà quên mất sự hiện hữu của bản thân họ. Nếu theo sát và đọc thuần túy một tác giả, thì điều đó còn rõ ràng hơn: người đọc đi theo tác giả chỉ để chờ đợi sự vỗ về của tác giả ấy.
nguồn ảnh: Book Hunter
Tôi cảm nhận Bức họa Dorian Gray là minh chứng rất phù hợp cho suy nghĩ của mình. Các nhân vật họa sĩ Basil Hallward, Huân tước Henry Wotton và chàng trai trẻ Dorian Gray phản ánh sự lệ thuộc lẫn nhau, vừa sáng suốt vừa quanh quẩn, vừa cộng sinh vừa sát hại lẫn nhau.
Basil truy cầu cái đẹp trong nghệ thuật. Đối với anh ta, nghệ thuật là sự sống. Nên nghệ thuật hoàn hảo thì sự sống cũng có thể hoàn hảo. Anh ta khao khát vẽ nên tuyệt phẩm về chân dung của chàng trai trẻ của Dorian để lưu giữ nét trường cửu trong vẻ đẹp của con người. Nhưng tiếc rằng, anh ta đã thách thức quy luật của tạo hóa: không thứ gì là vĩnh hằng. Khát vọng mê muội ấy khiến anh lợi dụng Dorian để đạt điều bản thân anh ta muốn. Một mặt, anh ta là nghệ sĩ, nhưng ở mặt khác, chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa anh và Henry là dấu hiệu cho thấy anh ta u ám hơn Henry nhiều. Basil luôn che dấu điều bản thân thực sự muốn, song anh mượn Dorian để thỏa mãn khao khát và mượn Henry để nói ra điều anh ta công khai phản đối song lại âm thầm ủng hộ.
Dorian Gray là một chàng trai may mắn sinh ra với vẻ ngoài tuấn tú, nhưng anh cũng rất bất hạnh khi sở hữu vẻ ngoài tuấn tú. Bởi nó khiến những người xung quanh anh yêu thích và anh lợi dụng điểm này rồi từng bước trở thành kẻ thao túng đầy tàn nhẫn. Hành động giấu đi bức họa của anh khiến tôi cảm nhận anh ta yêu bản thân hơn mọi thứ trên đời. Dorian mượn Basil để đạt được dục vọng cá nhân và mượn lý lẽ của Henry để bao biện cho sự trụy lạc của chính mình. Dorian không đáng thương, cũng không đáng trách vì anh ta đã trở thành một đồ vật. Bởi cái ngày ao ước vẻ đẹp của bản thân mãi trường tồn, anh ta chính thức đã trở thành một món đồ sở hữu trong bộ sưu tập của Basil cũng như chấp nhận để vẻ đẹp bề ngoài giam cầm linh hồn mình mãi mãi. Dù cuối tác phẩm, anh đã lựa chọn thanh tẩy linh hồn sa ngã của chính mình bằng hành động hủy đi bức tranh, hủy đi mong ước viển vông, quái đản về thứ nghệ thuật trường tồn vị ngã, đầy ảo tưởng.
Trong tác phẩm này, nhân vật Huân tước Henry có lẽ là hình mẫu trung thực và sòng phẳng nhất khi làm người. Ít nhất là anh ta không cố tỏ ra tốt đẹp hay cố gắng truy cầu thứ mà con người chẳng thể thực sự sở hữu. Anh ta sáng suốt hơn hai người bạn khốn khổ của mình. Thế nhưng, dường như không có họ, đời Henry thật nhạt nhẽo. Henry lúc nào cũng buộc phải nói gì đó cho người khác. Anh cô đơn, trống trải, luôn kiếm tìm sự phản hồi để rồi thất vọng cũng với chính sự phản hồi ấy. Bản thân Henry không thiếu thời gian, tiền bạc và trí tuệ. Có lẽ, đó chính là những thứ con người mong ước, cho rằng sẽ có được khi vươn tới đỉnh cao. Nhưng hãy thử quan sát mà xem, ở đỉnh cao ấy, khi mà mọi thứ đều có và chẳng cần chút nỗ lực nào, điều duy nhất làm cho Henry còn cảm giác anh đang sống, lại chính là việc giết thời gian. Anh ta cho rằng mình sáng suốt hơn, song lại chẳng thể tách rời khỏi những con người mà anh cho là tối tăm ở xung quanh. Hiểu vể cuộc đời chưa giúp Henry giải phóng được khỏi nó, chừng nào anh còn chưa hiểu chính mình.
nguồn ảnh: Book Hunter
Bức họa Dorian Gray có khá nhiều câu thoại sâu sắc, khiến tôi có cảm giác muốn trích dẫn lại sau khi đọc xong. Nhưng có lẽ, những trích dẫn ấy nên nằm lại trong sách để bạn đọc trực tiếp khám phá. Tôi nghĩ nếu nói về một tác phẩm bằng từ “hay” hoặc bàn về nghệ thuật bằng từ “đẹp”, thì có lẽ tác phẩm ấy, nghệ thuật ấy chưa chắc đáng để bàn tới. Mỗi người nên có sự thể nghiệm của riêng mình, để thấy rằng không phải lúc nào cái hay cũng đẹp, không phải cái đẹp nào cũng hay. Gấp sách lại, thỉnh thoảng bạn và tôi sẽ nhận ra những điều dù hay dù đẹp cũng chỉ nằm trong sách, ngược lại có những điều chưa hay, chưa đẹp thì lại dễ dàng bắt gặp trong thực tế- nhận ra điều ấy có thể cũng chưa hẳn đã là tốt, vì người tỉnh táo quá sẽ khó tìm thấy hạnh phúc.
Hình như cái khó của việc làm người là sự tự chủ để tìm ra con đường của riêng mình. Trên con đường ấy, được thứ nọ, mất thứ kia song miễn là họ tự tin và hạnh phúc sống trọn đời mình, thay vì theo đuổi một bức tranh nào đó bên ngoài do người khác vẽ ra.