[Review Sách] Bàn Về Sinh Tử
Nếu đã biết tới hai tác phẩm: “Tử Thư Tây Tạng” (nguyên tác: Bardo Thodol của đại sư Padmasambhava) và “Tạng Thư Sống Chết” (The Tibetan Book of Living and Dying, của Sogyal Rinponche), bạn không nên bỏ qua “Bàn Về Sinh Tử” của Andrew Holecek.
“Bàn Về Sinh Tử” là cuốn sách cung cấp tri thức về cái chết. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuốn sách nhuốm màu chết chóc, thê lương. Tôi nhận ra rằng con người thường mang theo rất nhiều ảo tưởng và ảo tưởng về cái chết thường là đáng sợ nhất. Bởi những cách hiểu lệch lạc như: cái chết là mất mát, cái chết là thảm họa cần né tránh hay cái chết là giải pháp chấm dứt mọi buồn phiền mà người ta tránh né nó hoặc lao vào nó một cách thiếu suy xét.
Có lẽ, bên cạnh công cuộc mưu sinh bận rộn, đã đến lúc chúng ta dành ít phút trong ngày để nghĩ về cái chết, để bầu bạn với cuốn sách “Bàn Về Sinh Tử”. Sẽ có một điều gì đó rất khác xảy đến khi bạn chọn cách đối mặt. Tôi nói như vậy bởi điều đó đã đến với tôi. Không phải là ngay lập tức tôi đạt được giác ngộ hay có thần thông biến hóa. Chỉ đơn giản rằng tôi nhận ra ai cũng có thể chết: người tôi yêu thương, người từng làm tổn thương tôi và chính bản thân tôi cũng vậy. Nhận ra cái chết thì mới hiểu về sự sống, giống như nhận ra sự mất mát góp phần làm tăng thêm thái độ trân trọng.
Cuốn sách gồm 3 phần: Chuẩn bị tinh thần, Chuẩn bị thực tế, Lời khuyên tâm huyết từ các bậc thầy tâm linh. Với những bạn chưa quen với các thuật ngữ trong Phật giáo Tây Tạng, có riêng phần Thuật ngữ để tiện tra cứu (đây là điểm tôi thích ở phiên bản sách này, vì đôi lúc tôi bị quên các thuật ngữ trong khi đọc sách).
Chuẩn bị tinh thần
Con người chuẩn bị cho sự sống nhiều hơn là cái chết. Điều đó khiến cái chết trở nên khó chấp nhận, giống với vị khách không mời làm hỏng bữa tiệc một cách đầy thô lỗ. Những hình ảnh các nền văn hóa tạo dựng lên về cái chết cũng không mấy tốt đẹp: xương sọ, lưỡi hái, vạc dầu, ma quỷ, đau đớn v.v… càng làm cho cái chết thêm rùng rợn.
Chướng ngại nằm ở tinh thần, vậy nên cần sự chuẩn bị về tinh thần cho chính mình và người khác trước cái chết. Bởi khi thân thể phân rã, tinh thần vẫn tiếp tục hành trình của nó. Theo quan niệm của Kim Cương Thừa, tinh thần cần được rèn luyện để trở nên sáng suốt, quen thuộc khi tiến vào cõi Trung Ấm (Bardo). Điều này sẽ quyết định xem tinh thần đó được nâng lên cõi cao hay rơi xuống cõi thấp. Đây chính là nơi luân hồi xuất hiện, và theo tôi nghĩ, nếu cái chết là ảo ảnh về nỗi sợ thì bản thể của nỗi sợ chính là luân hồi này. Nếu bạn đọc nào từng xem bộ phim Ngày Chuột Chũi (Groundhog Day), bạn sẽ thấy sống đi sống lại cùng một ngày không phải là trải nghiệm thú vị. Có thể luân hồi vận hành theo cách đó, nhưng vì vô minh níu giữ, chúng ta vẫn cố gắng bám chắc lấy vòng luẩn quẩn, bởi con người cần sự an toàn. An toàn thường được đồng hóa với những gì quen thuộc. Nhưng cái chết không quan tâm đến cảm giác của bạn và tôi, cũng không quan tâm đến những lo lắng đời thường của chúng sinh. Vì vậy, bước đầu tiên chúng ta cần thực hành ngay là học cách chấp nhận về sự tồn tại của cái chết để từ đó sống sao cho trọn vẹn. Đời sống trọn vẹn đủ để khuất phục cái chết là gì? câu trả lời nằm trong bài kệ này, tôi trích từ trang 110 của cuốn sách:
“Không làm những điều ác
Luôn làm các điều lành
Điều phục tâm thức mình
Là lời chư Phật dạy”
Mặc dù có vẻ ngoài đối lập với sự sống, nhưng cái chết đến từ sự sống. Nếu nhìn nhận theo quy luật nhân quả, bạn sẽ thấy ý tưởng “sống sao, chết vậy” là có cơ sở. Nếu bạn có một đời sống thiện lành, thì bạn sẽ mang theo hành trang ấy tới cõi chết. Tôi chú ý đến chi tiết về Chúa tể của cái chết, Tử Vương Yama trong Phật Giáo Tây Tạng và Nghiệt Kính Đài có điểm chung là phản chiếu lại một cách chính xác tâm thức của người đã khuất (có thể vì lẽ đó, người ta thường tin rằng sự phán xét của lương tâm là nặng nề nhất chăng?). Nếu tâm thức của người đã khuất trong sáng, thì Tử Vương Yama sẽ hiện lên tương ứng với tâm thức ấy và Nghiệt Kính Đài cũng phản chiếu lại y nguyên. Ngược lại, nếu qua đời mà mang theo tâm thức bất thiện, thì mọi thứ sẽ trở nên thật đáng sợ.
Để giúp người khác chuẩn bị, bạn nên hoàn thành phần chuẩn bị của bản thân trước. Nếu tóm gọn lại thì nội dung và mục đích của sự chuẩn bị tinh thần này nằm trong câu “Sống hạnh phúc, chết bình an”.
Chuẩn bị thực tế
Đây phần tác giả Andrew Holecek đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về người trước, trong và sau khi chết. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những khía cạnh thực tế như: việc viết di chúc, hoạt động phân chia tài sản, nguyện vọng về cách thức an táng, hình thức tổ chức tang lễ, các thao tác vệ sinh khi người chết mới qua đời v.v… Chết là một sự kiện trọng đại, nên dù khó có thể biết chính xác khi nào điều đó xảy ra thì chúng ta vẫn nên có sự chuẩn bị. Càng chuẩn bị sớm thì mọi thứ diễn ra càng bớt bối rối cho người ra đi và người ở lại.
Đây là lúc những người thân của chúng ta sẽ than khóc, nhân danh tình yêu để níu kéo chúng ta ở lại (hoặc tranh giành nhau tài sản như là một cách gìn giữ di vật của người quá cố). Để tránh cho cả họ lẫn chúng ta phải rơi vào trạng khó xử, hãy chuẩn bị. Nếu yêu thương ai đó mà không hiểu yêu thương là gì thì chúng ta sẽ dễ dàng gây ra đau khổ (cuốn sách “Nói về Tình Yêu” của Krishnamurti sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình yêu). Yêu thương không có nghĩa là bắt ai đó phải sống bằng mọi giá hay giữ lại thật nhiều tài sản của họ. Yêu thương có nghĩa là yêu thương trong mọi khoảnh khắc, bao gồm cả khoảnh khắc thiêng liêng người thương của chúng ta từ giã cõi đời.
Tác giả cũng đưa ra lời khuyên là không nên ép người khác phải chết theo cách chúng ta hình dung là tốt đẹp nhất, với những nghi thức, kiểu cách phục vụ cho đức tin của chúng ta. Trạng thái phù hợp nhất cho cái chết là sự thư giãn, và tình yêu thương sẽ giúp cho sự thư giãn diễn ra trọn vẹn, tự nhiên nhất có thể.
Phần “Lời khuyên tâm huyết từ các bậc thầy tâm linh” tôi xin dành tặng lại cho các bạn trực tiếp tìm hiểu. Tôi thường review sách theo nguyên tắc sẽ chỉ ra phần tôi tin là hay nhất, nhưng không bàn luận thêm. Bởi tôi nghĩ những điều tinh túy nhất nên để bạn đọc trực tiếp lĩnh hội theo lối “tâm truyền tâm”. Nội dung này rất ngắn gọn, cô đọng nên không tốn thời gian đọc nhưng cần thời gian hiểu- và hoàn toàn xứng đáng để làm vậy.
Thay cho lời kết
Tôi có đến tham dự buổi ra mắt cuốn sách Bàn Về Sinh Tử do Sách Thiện Tri Thức tổ chức. Trong khi lắng nghe, tôi nhận thấy chương trình tiếp nhận được những câu hỏi rất thú vị từ các khán giả trẻ tuổi, như: “Liệu không tu thì đọc cuốn sách “Bàn Về Sinh Tử” có thể hiểu được không?’ Giải đáp thắc mắc này, nhóm dịch giả Dòng Sống đã làm rõ hiểu lầm của đa số mọi người về khái niệm “tu” là một trạng thái khổ hạnh, xa lánh cuộc đời. Nhưng thực ra “tu” (tu sửa bản thân) là việc làm hằng ngày, rất đời thường: từ những bạn học sinh tới trường được học môn Đạo Đức, môn Giáo Dục Công Dân cho đến những người trưởng thành sống ngay thẳng, lương thiện, có ích cho gia đình, xã hội.
Câu hỏi “Làm thế nào để trò chuyện với trẻ em về cái chết?” cũng nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. Giải đáp thắc mắc này, nhóm Dòng Sống chia sẻ cần dựa vào tình huống cụ thể, “nhập gia tùy tục” khi cha mẹ giải thích cho con về cái chết. Cha mẹ nên dành thời gian giải thích cặn kẽ các câu hỏi của con về chủ đề này, thay vì từ chối trả lời con bằng theo thái độ né tránh, khiến trẻ có ấn tượng tiêu cực về cái chết tự nhiên.
Tôi nghĩ cái chết sẽ bớt đáng sợ khi chúng ta có can đảm nghĩ về sự chết khi đang còn sống. Trả lại sinh tử những kì vọng về cuộc sống cùng nỗi sợ hãi về cái chết, bạn chỉ cần thành tâm tích lũy công đức và yêu thương mọi người. Và tôi tin, bạn sẽ đến nơi bạn xứng đáng thuộc về.