[Review Phim] Warrior (Giang hồ phố Hoa)

  1. Phim ảnh

* Thời điểm tôi đăng bài kèm ảnh, Noron chưa hiển thị được. Bạn đọc vui lòng xem ảnh minh họa trong link cuối bài.

Kể từ đợt dịch Covid, sau khi xem xong loạt phim “Itaewon Class” (Tầng lớp Itaewon) tôi không xem thêm phim dài tập nào khác. Tôi thích những phim điện ảnh ngắn tập hơn vì nội dung cô đọng và không cần tốn quá nhiều thời gian để xem. Thú thực tôi thuộc nhóm thích làm gì đó với đời mình hơn là xem người khác sống đời họ theo kịch bản trên màn ảnh.

Nhưng năm nay, tôi lại xem tiếp một series phim dài tập khác có tên “Warrior” (Giang hồ phố Hoa). Đến năm 2024 thì phim đang dừng ở mùa 3. Tôi cảm thấy "Warrior" đáng xem vì phim có những đề tài tôi hứng thú là võ thuật và chiều sâu trong tâm lý con người.

Xin bạn đọc lưu ý, “Warrior” dành cho những khán giả trên 18 tuổi vì có sự xuất hiện các tình tiết bạo lực, ngôn ngữ thô tục và hành vi tính dục (cả dị giới lẫn đồng giới). Nếu thích điều gì đó chừng mực, thanh nhã hơn thì bạn có thể bỏ qua bài viết và series phim này. Còn nếu cảm thấy không phiền vì những điều trên vốn thuộc về một phần bản chất tự nhiên của con người thì xin mời bạn tiếp tục.

Cốt truyện kể về A Sam, một thanh niên giỏi võ người Trung Quốc đến San Francisco ở nước Mỹ để tìm em gái của mình. Anh cảm thấy có lỗi với em gái Tiểu Tĩnh (sau này là Mạch Linh). Bởi để cứu anh, cô đã lấy một lãnh chúa độc ác, bị hắn đày đọa. Sau đó, cô tìm được cách trốn sang Mỹ theo dòng người nhập cư.

Điều gì đang đợi những người nhập cư này ở San Francisco? Đó có phải là “giấc mơ Mỹ” với những cơ hội kiếm bộn tiền như kẻ môi giới hứa hẹn?

Hòa vào dòng người, A Sam đã có câu trả lời nhanh chóng: bị cảnh sát đánh đập, bị mua bán như hàng hóa, bị lao động người Ai-len khủng bố do cướp việc làm của họ, bị người dân bản xứ kỳ thị, mắc kẹt trong khu phố Tàu với ân oán, bảo kê và các cuộc thanh trừng đẫm máu từ các băng nhóm giang hồ như Hợp Uy, Long Chí, Phong Hải.

Chính trong bối cảnh hỗn tạp đó mà con người được phân loại rất rõ ràng. Khi xem phim, tôi phân loại các nhân vật ra 3 kiểu người chính: Nhóm quan tâm đến lý tưởng, nhóm quan tâm đến lợi ích và nhóm quan tâm đến bản thân. Cách phân loại này dĩ nhiên chỉ mang tính tương đối, bởi con người luôn biến đổi theo hoàn cảnh và không phải lúc nào họ có cũng có thể đưa ra lựa chọn không bị mâu thuẫn giữa bản chất và hoàn cảnh.

Còn một số nhân vật khác tôi không có ấn tượng nhiều (hoặc tôi nghĩ mình chưa đủ hiểu họ) nên tôi sẽ tạm thời chưa phân tích.

Lý tưởng

Có lẽ đây là nhóm được ưa thích nhất trong các bộ phim ca ngợi chủ nghĩa siêu anh hùng và sự lãng mạn. Thường thì các nhân vật này có lý tưởng rõ ràng, kiên định để sống chết bảo vệ lý tưởng ấy. Nhưng tôi cảm thấy khá tiếc khi phải thông báo với bạn rằng, không có nhiều nhân vật sống vì lý tưởng trong loạt phim này, kể cả nhân vật chính A Sam (có thể anh ta đang trong quá trình tìm kiếm, nhận ra lý tưởng đời mình).

Theo tôi, những nhân vật như Tiểu Tôn, Lý Dũng, Leary thuộc về nhóm sống cho lý tưởng. Tuy lý tưởng của họ không theo chuẩn mực đạo đức của đám đông. Kết luận của tôi không đến từ những gì họ nói, mà dựa vào những điều họ đã hành động.

Tiểu Tôn sống trong sự mặc cảm về xuất thân, không được Tôn Gia coi trọng là người kế thừa xứng đáng của bang Hợp Uy. Ở những tập đầu tiên, người xem có thể thấy anh ta đối lập hoàn toàn với Tôn Gia: Tiểu Tôn liều lĩnh, nóng nảy và ít suy tính thấu đáo. Nhưng ở phần 3, sau khi Tôn Gia qua đời, Tiểu Tôn chính thức trở thành thủ lĩnh của Hợp Uy và đã chứng tỏ mình xứng đáng với chiếc ghế ấy. Lý tưởng của Tiểu Tôn là Hợp Uy. Anh ta luôn hành động vì lợi ích của Hợp Uy. Anh ta đã chứng minh được mình là hậu duệ của Tôn Gia, đặc biệt là ngày càng giống cha ở sự quyết tâm, suy tính cặn kẽ, không chút do dự khi làm việc bản thân cần phải làm cho bang hội.

Lý tưởng của Lý Dũng thì lãng mạn hơn. Ít ai ngờ rằng một trong những chiến binh nguy hiểm nhất phố Tàu lại là một chàng trai si tình. Anh ta yêu say đắm Mạch Linh. Cô là lý tưởng sống của Lý Dũng. Anh ta làm mọi việc cô sai bảo, sẵn sàng xả thân để bảo vệ cô. Tôi hơi tiếc là bộ phim chưa khai thác sâu bối cảnh vì sao Lý Dũng lại nảy sinh tình cảm sâu đậm như vậy với Mạch Linh. Bởi là người kế thừa bang Long Chí, một chiến binh mạnh hơn cả A Sam, rõ ràng phụ nữ không bao giờ là một vấn đề đáng băn khoăn với Lý Dũng. Đỉnh điểm là sau cái chết bí ẩn của cha, trực tiếp ra tay sát hại người bạn lâu năm Công Báo để bảo vệ Mạch Linh, Lý Dũng vẫn không thay đổi. Có vẻ như ẩn sau gương mặt hay cười là một con người phức tạp, thiếu thốn tình cảm.

Leary là một người đi tìm việc làm năng nổ cho những đồng bào Ai-len của mình. Quán Banshee của anh ta là tụ điểm cho những người Ai-len thất nghiệp khốn khổ đến để tìm sự che chở. Anh có tố chất của một thủ lĩnh đấu tranh quyền lợi cho người yếu thế với cách làm riêng của mình: sẵn sàng đấm vỡ mặt những kẻ cản đường và cho nổ tung mọi cây cầu, nhà máy từ chối nhân công Ai-len để thuê lao động Trung Quốc với giá rẻ mạt. Nhìn bề ngoài, Leary có vẻ giống một tên côn đồ chỉ biết dùng nắm đấm. Nhưng tôi nghĩ bản chất anh ta là con người của hành động, ưa thích sử dụng hành động trực tiếp để tạo ra kết quả. Đó là lý do vì sao anh ghét trò lòng vòng của đám chính trị gia và dù có gia nhập chính trường, Leary vẫn không thể hòa nhập được với đám quan chức, doanh nhân “nói một đằng, làm một nẻo” của thành phố.

Lợi ích

Hai nhân vật tiêu biểu tôi nghĩ đến đầu tiên là A Chu và Buckley. Nhưng cá nhân tôi thích A Chu hơn. Vì trên đường hướng đến lợi ích, không phải ai cũng sử dụng những phương pháp giống nhau.

A Chu là một người Trung Hoa từng trải. Với những vết sẹo trên lưng, đường lối giao thiệp mềm dẻo nhưng kiên định, theo phương châm “bạn của mọi nhà”, A Chu là kẻ mà ai cũng sẽ có lúc cần tìm đến ở phố Tàu. Anh ta sống bằng cách bán mọi thứ: từ những hàng hóa bình thường cho người thường cho đến vũ khí cho băng đảng, cảnh sát. Thậm chí anh ta còn có thể bán người sống (người Trung Quốc mới nhập cư) và buôn người chết (thi hài người Trung Quốc gửi về quê hương).

Những thỏa thuận, dàn xếp tranh tối, tranh sáng cũng ít nhiều dính dáng đến ông trùm độc lập, không bang hội này. Mặc dù thừa nhận bản thân sống và hành động thượng tôn lợi ích. A Chu vẫn có những nguyên tắc riêng. Vì là người ngoài cuộc, anh ta luôn sáng suốt nhìn được toàn cục để đưa đến những thỏa thuận có lợi cho đôi bên. A Chu thuộc nhóm hám lợi nhưng khai thác lợi ích một cách bền vững. Tôi nhận thấy càng về sau anh ta càng trở nên có tình người hơn. Trong cảnh cuối của phần 3, anh ta không lấy hết tiền của A Sam như lời cảnh cáo mà đưa đến tận nhà ga cho người tình của A Sam để cô đi trốn. Đây cũng là địa điểm mà cựu thủ lĩnh Phong Hải chọn để trả thù A Chu. Hắn ta đã thành công, còn sự sống của A Chu vẫn là dấu chấm hỏi. Cả đời yêu cầu người khác trả giá, rồi cũng đến lúc A Chu chấp nhận cái giá phải trả.

Buckley thì phi nhân tính hơn A Chu. Hắn là một kẻ sẵn sàng thay đổi mọi nguyên tắc một cách rất khôn khéo để đảm bảo cho những kẻ bắt tay sẽ không bao giờ động được đến hắn. Buckley tham lam hơn A Chu vì hắn muốn điều khiển người khác để biến họ thành quân cờ cho mình- khai thác triệt để, tối ưu ích lợi cho bản thân, tối đa thiệt hại cho đối tác. Buckley có thể nhẫn nhục để đạt mục đích, những hành vi ti tiện của gã là để phục vụ cho dã tâm lớn hơn.

Dường như Buckley sinh ra để trở thành một chính trị gia: cùng lúc lãnh đạo chính quyền nhưng lại đồng lõa với tội phạm để kiếm chác từ cả hai phía. Với vai trò “vừa đá bóng, vừa thổi còi” Buckley muốn đảm bảo địa vị, quyền lợi của mình. Thay vì đi nhặt bạc lẻ như A Chu, điều Buckley hướng đến là cả tiền bạc lẫn quyền lực. Chúng ta hãy chờ xem kết cục của người đàn ông tham vọng rồi ra sao? Nhưng kể cả ở đỉnh cao quyền lực, thì Buckley vẫn chỉ là Buckley. Giống như nhận xét hơi tục là: “một gã chó đẻ dù có 1 tỷ đô-la thì vẫn chỉ là một gã chó đẻ có 1 tỷ đô – la”.

Tôi nghĩ Buckley là một biểu trưng rất phù hợp cho tư tưởng “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Vị ngã

Tập hợp những con người sống vì bản thân có A Sam, Mạch Linh, A Thái, Bill, Lee. Ở hoàn cảnh của họ, sống vì bản thân là lựa chọn tất yếu.

A Sam và Mạch Linh giống nhau, không những cùng chung huyết thống mà còn chung ý chí độc lập. Đó là lý do họ không bao giờ trung thành tuyệt đối với Hợp Uy hoặc Long Chí. Với họ, tấm áo chỉ cần khoác hờ bên ngoài để bảo vệ bản thân. Ưu điểm của lựa chọn này chính là họ không bị cuốn theo những ân oán, lợi lộc của băng đảng nhưng hạn chế là họ có chính kiến quá rõ ràng trong khi tập thể cần đến sự phục tùng hơn. Cuối phần 3, A Sam và Mạch Linh đã rơi vào diện cần phải thanh trừng của Hợp Uy. Sức mạnh của tinh thần và bản lĩnh cá nhân đã giúp họ vượt qua thử thách này. Nhưng tôi nghĩ nếu còn tiếp tục ở lại chốn giang hồ, thì họ sẽ khó có được kết thúc tốt đẹp (nếu có hào quang nhân vật chính bảo vệ thì chắc họ không sao).

A Thái là bà chủ của chốn lầu xanh. Nhưng phong cách làm chủ của A Thái có nhiều nét tương đồng với Leary: muốn điều tốt nhất cho người của mình trong khả năng cho phép. A Thái cũng là một sát thủ xuất sắc, dù đôi lúc yếu lòng nhưng sau cùng cô vẫn nhận ra San Francisco không phải là nơi mà cô và đồng bào có thể mơ ước đến cuộc sống yên bình.

Để sinh tồn, trước hết cô cần bảo vệ bản thân và những cô gái của mình. Nếu xét về độ tàn nhẫn, tôi nghĩ lưỡi đao của A Thái vượt xa hai chiến binh là Lý Dũng, A Sam. Dù có hay không có lý do, lưỡi đao ấy chưa bao giờ khựng lại. Xong việc, đao được lau chùi cẩn thận, cất vào hộp để dùng cho lần tiếp theo- điều này làm tôi liên tưởng đến nhận xét của Lý Mộ Bạch (trong Ngọa Hổ Tàng Long): “Kiếm trông sạch chỉ vì máu lau đi quá dễ”.

Bill và Lee là hai cảnh sát có vẻ ngoài và lập trường đôi khi đối lập nhau. Nhưng về bản chất họ giống nhau. Đó là lý do vì sao họ dễ thông cảm cho nhau: Bill là một cảnh sát già giàu kinh nghiệm nhưng nghiện đánh bạc còn Lee là một cảnh sát trẻ thông minh nhưng từng có tiền án giết người. Hai tội phạm trong màu áo chính quyền đi lùng bắt tội phạm ở phố Tàu quả là một nghịch lý thú vị.

Bill được nhận xét là một cảnh sát am hiểu phố Tàu. Sự từng trải cho anh biết rằng việc gì nên giải quyết, việc gì không. Anh khéo léo nhắc nhở cộng sự Lee trẻ tuổi về mạng lưới phức tạp trong bóng tối- dù ở giữa ban ngày, nơi khu phố nhộn nhịp của những người da vàng hiền lành, bé nhỏ. Điều giúp cho Bill sống sót và thăng chức chính là biết điểm dừng. Vì quý mến Lee nên anh ta muốn dạy cậu bài học này. Nhưng Lee đã đi quá giới hạn và tự chuốc lấy thất vọng.

Lee giống một hình mẫu lý tưởng về một cảnh sát mẫn cán, có năng lực. Nhưng sự đời có những việc rối ren không thể giải quyết được. Mà người ta càng đâm đầu vào giải quyết thì lại càng tiến đến gần ngõ cụt. Rất hiếm người hiểu Lee, nhưng A Chu thì hiểu. Tôi rất chú ý đến nhận xét của A Chu về Lee khi hai người bị sập bẫy của Jack. Lee chính là kiểu người bảo vệ bản thân bằng mọi giá trong khi cố gắng bảo vệ điều bản thân tin là công lý, lẽ phải. Cả Bill và Lee đều từng giết người, dù bản chất của họ không độc ác, nhưng tôi nghĩ không phải người lương thiện nào cũng dám giết người. Liệu có phải vì sự đồng cảm sâu kín nào đó, mà sau cùng họ chọn lối sống cộng sinh với tội phạm thay vì cản quét chúng triệt để?

Khi lý tưởng, lợi ích và vị ngã xung đột

Đây chính là vòng xoáy mà thiện ác, tốt xấu không thể phân biệt được rõ ràng. Bởi chẳng ai sai khi cố sống đời mình và cũng chẳng ai đúng khi cố điều khiển cuộc đời của kẻ khác. Những nhân vật với cá tính, động cơ khác nhau khiến bộ phim trở nên sinh động, trần trụi nhưng không hề cường điệu quá mức. Trước đây tôi cũng từng thích bộ phim “Bụi đời chợ lớn” vì điều này. Những bộ phim lấy đề tài về giới xã hội đen thường gợi nên sự hứng thú, có lẽ bởi chúng cho người ta thấy một phần cách mà đời thực diễn ra, thay vì những điều họ thường được nghe, được xem, được dạy. Đôi khi “bất hạnh của kẻ này là niềm vui với người khác” và “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”.

Tôi khá thích sự chân thực trong điện ảnh, bởi nếu phim ảnh chỉ gieo rắc ảo tưởng thì việc xem phim sẽ vô bổ. Sự thực là hướng thiện cho con người trong hoàn cảnh họ bận rộn lo toan cơm ăn, áo mặc là điều không hề dễ dàng và không phải ai cũng có nhu cầu được giáo dục. Ở một vài bối cảnh, lẽ sinh tồn cao hơn tất cả mọi chân lý. Nhưng cái giá phải trả cho nhận thức ấy là một xã hội bất ổn với những con người bất an sống qua ngày trong đó. Những bộ phim hành động đôi khi cũng có mặt tích cực là cho người xem hình dung được chốn địa ngục trần gian nếu con người lầm đường, lạc lối đánh mất phần “người” để mặc phần “con” quan tâm đến việc sống hơn là sống như thế nào?

Hầu hết các nhân vật trong “Giang hồ phố Hoa” đều có lựa chọn. Nhưng họ không hề thật sự tự do. Vì khái niệm đạo đức với họ là điều gì đó xa xỉ. Tất cả ràng buộc lẫn nhau theo lối “ăn miếng trả miếng”, “đâm lao thì phải theo lao”.

Thay cho lời kết

“Warrior” (Giang hồ phố Hoa) hiện đã chiếu đến mùa 3 (năm 2024). Tôi cũng trông đợi có phần 4. Nhưng nếu không có phần 4 thì tôi nghĩ kết của mùa 3 cũng ổn. Chúng ta không nên kỳ vọng quá cao về một cái kết hạnh phúc cho tất cả mọi nhân vật dấn thân trong vòng xoáy danh – lợi, tình – thù.

Ngoài khai thác tâm lý nhân vật, những cảnh hành động trong phim cũng khiến tôi thích thú. Từ quyền thuật tay không (từ các môn võ như Kungfu, Boxing, Vịnh Xuân, Karate) đến những những màn đối kháng sử dụng binh khí: dùi cui, côn nhị khúc, dao găm, phi đà, ngưu vĩ đao, rìu, saber, thiết phiến v.v. Thỉnh thoảng cũng có vài tiếng súng từ những cây Remington 1887 và Colt SAA đệm vào khiến bầu không khí hoài cổ, ám khói hơn.

Tôi mong đợi A Sam và Lý Dũng sẽ có màn tái đấu. A Sam có vẻ thích dùng cây côn nhị khúc (anh thường tập mộc nhân nên tôi nghĩ A Sam hợp đánh Song Tô hơn). Tôi chưa rõ binh khí ưa thích của Lý Dũng là gì, vì lối đánh của anh rất cương mãnh. Nếu Lý Dũng thích dùng thương, phác đao hoặc đại đao cũng thú vị. Tiểu Tôn cũng có thể nâng cấp cặp dao ngắn lưỡi thẳng sang karambit nếu anh vẫn ưa dùng song dao (có thể vẫn giữ cặp dao thẳng ở đai sau lưng, thêm một đai đeo ngang thắt lưng chứa karambit).

Bên ngoài phố Tàu, tôi cũng mong Leary không chết (tôi nghĩ anh ta đã dính chấn thương nghiêm trọng sau khi bị A Sam đấm vào tim), học thêm Taekwondo để nâng cấp lên thành kick-boxing cho cân bằng với A Sam. Nếu có thêm cao thủ khóa vật như Sambo hoặc Jiujitsu địa chiến, thêm các chiến binh Muay Thái và đặc biệt là một quân nhân Trung Quốc nào đó thành thạo Tán Thủ sang truy đuổi nhóm tội phạm thì lại càng hay.

Nếu cũng quan tâm đến loạt phim này, mời bạn cùng sẽ chia sẻ cảm nghĩ với tôi.

  • Nguồn ảnh trong bài: https://www.imdb.com/title/tt5743796/mediaindex/?ref_=tt_mv_close
Từ khóa: 

review phim

,

giang hồ phố hoa

,

warrior

,

phim ảnh