[Review Phim] The Lobster
Tìm kiếm tựa phim này trên Google, bạn có thể đọc được một tiêu đề bài báo khá ấn tượng là: “Xem The Lobster: không yêu không được làm người?” (đăng trên tuoitre.vn)
Tôi nghĩ nhận định này phản ánh đầy đủ nội dung bộ phim. Thông điệp của “The Lobster” có thực sự như vậy hay không, thì còn tùy vào cảm nhận của người xem. Vì tùy vào cảm nhận của người xem, nên tôi cũng muốn chia sẻ ấn tượng của mình. Nếu đang say đắm trong ái tình hoặc mơ mộng lý tưởng về ái tình, tôi khuyên bạn nên dừng đọc bài viết ở đây. Vì có thể bài viết sẽ gieo đến người đọc nỗi hoài nghi và sự trống rỗng về tình yêu đôi lứa- bởi có lẽ bản chất của tình yêu đôi lứa là vậy: trống rỗng cần được lấp đầy rồi thì vẫn trống rỗng và tin tưởng để rồi lại hoài nghi rồi lại tin tưởng (nhưng vẫn kèm chút hoài nghi).
“The Lobster” đưa ra giả định về tương lai, nơi các công dân bắt buộc phải sống theo đôi với đối tác có đặc điểm giống mình (ví dụ cùng bị chảy máu cam, cùng đi tập tễnh, cùng bị cận thị hoặc cũng độc ác v.v.). Những người độc thân như nhân vật chính David sẽ bị săn lùng và đưa vào Khách sạn để thử thách. Sau 45 ngày mà họ vẫn thất bại trong việc tìm kiếm và ghép cặp mới thì bản án dành cho họ là bị biến thành động vật.
Những “Cặp đôi hoàn hảo”
Khách sạn đã sử dụng kết hợp tất cả biện pháp từ khuyến khích có đôi đến răn đe trừng phạt sự độc thân. Hệ quả là những kẻ độc thân xấu số lọt vào đây phải tìm cách có đối tác để tồn tại mà không hẳn bởi vì yêu. Tình yêu không phải là yếu tố quan trọng nhất, nên khi đó họ dễ dàng đóng kịch với nhau, giả vờ giống nhau, đồng điệu với nhau.
Tôi cảm nhận có chút mỉa mai trong ý tưởng này. Vì trong đời thực, khi yêu ai đó, chúng ta cũng có xu hướng tìm ra hoặc tạo ra điểm chung với họ. Nếu thực lòng yêu họ, thì đều này không xấu nhưng nếu có mục đích, thì rõ ràng đây là một sự lừa dối để thỏa mãn dục vọng cá nhân.
David cũng những người bạn khốn khổ phải tìm cách ghép cặp. Anh Tập Tễnh (các nhân vật trong phim thường được ghi nhớ bởi đặc điểm nổi bật của họ) đã tự đập đầu mình đến chảy máu, kết hợp thêm dùng sốt cà chua để kết đôi với Cô Chảy Máu Cam. David cũng phải cố tỏ ra độc ác để kết đôi với Cô Nhẫn Tâm. Nhưng ngoài việc đổi lấy danh nghĩa có đôi, được chế độ xã hội chấp thuận và được quan hệ xác thịt, thì tôi thấy hình như ở họ không có chút tình người nào. Sự kết nối rời rạc giữa các thân xác không chút hơi ấm đó mang lại cảm giác ớn lạnh cho người xem về khái niệm “tình yêu” giữa những sinh vật bản năng có vẻ bề ngoài giống con người.
Đa số hình ảnh, âm thanh trong phim thuộc về những gam màu lạnh và những tông trầm. Khó có thể tin được người ta yêu nhau bằng trái tim nguội lạnh đến thế. Có lẽ, chỉ cần có đôi cặp để tuân theo các kịch bản xã hội và không bị độc thân là đủ.
Một người chưa có lòng nhân ái mà lại biết yêu? Liệu có phải anh ấy/cô ấy đã quá vội vàng? Thu hẹp phạm vi tình cảm vào một đối tượng duy nhất trên đời có phải sẽ luôn tốt? Trong tình yêu, “méo mó có hơn không” dù sao cũng khá hơn là không có gì?
Kẻ độc thân cũng “hoàn hảo”
Đối lập với các cặp đôi, những kẻ độc thân lẩn trốn trong Khu rừng. Tôi khá thích tính ẩn dụ của hình ảnh Khách sạn (nơi ấm áp, an toàn, đầy đủ tài nguyên, lý tưởng cho sự cầm tù) và Khu rừng (chốn hoang dã, lạnh lẽo nhưng độc lập làm điều bản thân muốn).
Nhóm độc thân có những quy định khắt khe của riêng mình. Họ cực đoan khi suy nghĩ về đôi lứa và nghiêm cấm các thành viên nảy sinh tình cảm, tán tỉnh nhau. Thủ lĩnh nhóm luôn đảm bảo các thành viên phải tuân theo lý tưởng hà khắc này. Họ độc thân và bắt đồng loại của mình cũng phải sống theo quan niệm ấy.
Điểm chung duy nhất của những thành viên của Khách sạn và Khu rừng có lẽ là sự áp đặt ý chí: Họ tuyệt đối hóa điều mình tin tưởng và bắt người khác phải phục tùng. Dĩ nhiên chân lý thì không tìm đến những đầu óc hẹp hòi, nêu cuối cùng họ đã tự phá hỏng cuộc đời mình.
Khi biết David và Cô Cận Thị có tình cảm với nhau, thủ lĩnh nhóm độc thân đã lên kế hoạch phá hoại. Cô ép David đào mộ tự chôn mình và khiến Cô Cận Thị bị mù (bởi nếu cô bị mù, thì David cũng phải mù giống cô để được thành cặp).
Hai người đã bỏ trốn và cảnh cuối cùng trong quán ăn ở thành phố, David buộc phải đưa ra một lựa chọn quan trọng: có chấp nhận tự làm mình mù hay không? còn Cô Cận Thị chờ đợi ở bên ngoài.
Tôi có cảm giác dường như cô không mù (hoặc mắt đã hồi phục) vì cô đã ngước lên người phục vụ để cảm ơn khi anh ta rót nước rồi sau đó nhìn ra ngoài cửa sổ- một người bị mù thì thường không cố gắng tìm cách tương tác bằng ánh mắt với người khác. Trong trường hợp đây là một màn thử thách tình yêu, thì có lẽ kết thúc sẽ trở thành bi kịch với cả hai.
Tôi nghĩ là mình hiểu tính cách của David để đưa ra dự đoán về lựa chọn của anh- anh đã thể hiện con người thực trong những việc anh từng làm thay vì những điều anh từng nói. Con người thực ấy cũng vị kỷ và đó là điều bình thường nơi con người. Nhưng người với người vẫn thích thử thách nhau trong trò chơi ái tình, dù biết câu trả lời sẽ khiến họ thất vọng.
Tình yêu đôi lứa chỉ là một phần rất nhỏ trong tình yêu thương con người. Nếu muốn nâng phần bé nhỏ đó lên tầm mức cao thượng hơn thì cả hai người cần rất nhiều sự nỗ lực, lòng vị tha.
Có lẽ bản chất của tình yêu đôi lứa là vậy: trống rỗng cần được lấp đầy rồi thì vẫn trống rỗng và tin tưởng để rồi lại hoài nghi rồi lại tin tưởng (nhưng vẫn kèm chút hoài nghi).
Trong “The Lobster” khi chưa có tình người mà bàn đến tình yêu, khiên cưỡng ghép đôi để chứng minh có tình yêu hoặc kiên quyết một mình, coi yêu đương như vi trùng nguy hiểm thì đó là một hệ thống lệch lạc, máy móc và phản ánh chứng tâm bệnh của cả một xã hội bắt buộc các cá thể sống theo tiêu chuẩn chung, rập khuôn để được coi là con người.
Người bình thường với định kiến của mình cũng có thể trở thành tôm hùm với chiếc càng to khỏe sẵn sàng cắt vụn những thứ khác biệt. Bởi khác biệt phản ánh ý chí tự do, mà sự tự do thì luôn nguy hiểm với phần đông những ai tự coi bản thân bình thường.
Thay cho lời kết
Tôi biết đến “The Lobster” nhờ một bạn học sinh cũ giới thiệu. Tôi nhận thấy thế hệ tiếp nối đang ngày càng trở nên độc lập hơn trong suy nghĩ. Một phần tôi vui vì các em biết rõ bản thân cảm thấy thế nào và cần gì, một phần tôi lo cho các em, vì chưa chắc xã hội sẽ quan tâm đến cảm xúc và những điều các em cần. Nhận thức mọi việc trong đời một cách rõ ràng sẽ khiến chúng ta sáng suốt hơn, nhưng không món quà nào là miễn phí. Sáng suốt hơn đồng nghĩa sẽ khổ tâm hơn.
Một bên, thực trạng bùng nổ dân số và các vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên vẫn đang chưa có giải pháp triệt để, còn một bên thực trạng già hóa dân số và khuyến khích lập gia đình, sinh con cũng được nhắc tới.
Liệu độc thân có phải là vô trách nhiệm? Những người độc thân có cần phải trốn chạy trong Khu rừng của họ? Độc thân có nên bị coi là một vấn đề, hay chỉ đơn thuần là một lựa chọn, như bao lựa chọn độc lập khác của một cá nhân, tự chịu trách nhiệm về đời mình?
* Bài viết sử dụng ảnh từ tuoitre.vn