[Review Phim] Nàng thơ (A Muse - 2012)
Lâu lâu chưa thấy chủ đề phim ảnh có gì hot nên mình muốn góp vui bằng bộ phim mình mới xem hôm qua :)) chủ đề Nàng thơ đúng là rất thú vị bởi tính hư hư thực thực của nàng ấy.
*Lưu ý: Bộ phim hoàn toàn không liên quan đến và cũng không êm đềm như bài hát Nàng thơ của Hoàng Dũng (dù mình cũng thích bài này)
Seo Ji Woo là sinh viên ngành kỹ thuuật, vì ngưỡng mộ nhà thơ Lee Jeok Yo nên đi theo ông học văn chương. Cuộc sống của hai thầy trò thay đổi mãi mãi khi cô nữ sinh Eun Gyo tình cờ xuất hiện. Cô đã đánh thức cùng lúc cả ánh sáng tài năng và bóng tối dục vọng tiềm tàng trong hai văn sĩ: một già, một trẻ. Cá nhân tôi đánh giá đây là một bộ phim đáng xem (nếu biết cách xem mà không vướng phải nhãn Erotic 18+ ) của đạo diễn Jung Ji Woo.
Tình nghĩa, ngôn từ và nghề nghiệp
Bởi ngưỡng mộ người nhận xét mình “chỉ biết thấy các vì sao giống như nhau” mà Ji Woo lẽo đẽo theo ông Lee học viết lách. Đối với Ji Woo, ông Lee không đơn thuần là người thầy, mà còn là người cha tinh thần cao quý, đáng ngưỡng mộ. Anh chấp nhận phục vụ ông, lau dọn nhà cửa, nấu ăn v.v… mang tiếng xấu là kẻ chạy theo người nổi tiếng để dựa hơi chút danh lợi hòng đạt được ước mơ trở thành nhà văn.
Nhưng dường như ngay từ xuất phát điểm này, tôi nghĩ anh ta đã ngộ nhận. Trên thực tế, ước vọng thực sự của Ji Woo không phải là trở thành nhà văn nghiêm túc. Đơn giản là anh mất phương hướng với cuộc đời mình và nhà thơ Lee xuất hiện vào thời điểm đó nên anh bám chặt lấy ông.
Tôi nhận thấy điều ấy bởi một mặt anh tận tụy với nhà thơ Lee, nhưng ở mặt khác, anh luôn bất mãn với chính sự tận tụy đó của bản thân. Ji Woo khao khát chứng minh nhà thơ Lee là một ông già và trong cơn say, anh từng bộc lộ muốn kiếp sau ông sẽ phải trở thành người học trò hầu hạ ngược lại anh- thông điệp thật ai oán và cay đắng.
Vậy là trên phông nền của tình nghĩa thầy trò có những vết loang âm thầm gặm nhấm trái tim người thanh niên trẻ. Kèm theo danh vọng, lợi ích khiến Ji Woo đánh mất bản thân lúc nào không hay.
Ông Lee có thể là một nhà thơ tài năng, nhưng chưa chắc là một người thầy tốt. Điều ông có thể làm cho Ji Woo là cho anh mượn danh tiếng của mình và viết hộ anh cuốn tiểu thuyết “Trái tim” thành công vang dội. Ông hiểu Ji Woo không có năng lực viết lách, nhưng trước sự vồ vập, săn đón, phụng sự của anh, ông đành tiếp nhận và trả công điều ấy bẳng những gì ông có.
Nhà thơ lớn sống tách biệt trong căn nhà đẹp, ngập tràn sách và sự tĩnh mịch, kiêu hãnh trước danh vọng hão huyền của cuộc sống đã “biến một kỹ sư thành một nhà văn” như vậy. Hậu quả đau lòng của sự đổi chác, vay mượn đó là người học trò của ông đã biến chất và tham lam đến độ tự ý lấy bản thảo tiếp theo của ông để xuất bản bằng tên của mình.
Với những bản thảo khác, ông Lee có thể bỏ qua, vì cùng lắm chúng cũng chỉ mang đến cho ông tiền và tên tuổi- những thứ ở vào độ tuổi của ông “không có thì thiếu mà có thì thừa”. Nhưng Ji Woo đã phạm sai lầm phải trả giá bằng tính mạng, bởi bản thảo đó viết về Eun Gyo- nàng thơ của ông Lee.
Thiên thần hay ác quỷ?
Mặc dù tựa phim là Nàng thơ (A Muse) và tôi tin hầu hết người xem sẽ coi Eun Gyo là nàng thơ, nhưng cá nhân tôi cho rằng Eun Gyo không hoàn toàn là nàng thơ thuần túy. Bởi những điều mà cô gợi lên quá nhiều đối với một nhà thơ già như ông Lee và quá ít đối với một nhà văn trẻ như Ji Woo: Sự dư thừa của tuổi già và sự thiếu thốn của tuổi trẻ mang đến xung lực dữ dội ngang nhau.
Với ông Lee, Eun Gyo là nguồn cảm hứng sáng tác là vẻ đẹp của tuổi thanh xuân mà ông khao khát được nếm lại. Vậy cảnh sống lánh đời của ông có ý nghĩa gì khi ông vẫn mong muốn tuổi trẻ trở lại để tận hưởng sự ngọt ngào từ nó? Phải chăng sống lánh đời là hành động quá tầm của ông, cũng như một ảo tượng viên mãn do bản ngã của ông tô vẽ nên?
Tôi cũng hoài nghĩ về động cơ nghệ thuật, vì làm sao mà một ông già lại có thể sẵn lòng ra tay giết hại người học trò non trẻ của mình, chỉ vì anh ta có sức lực thỏa mãn nàng thơ mà ông đã từng có? Tham, sân, si ông Lee đã bỏ được lại những gì khi náu mình trong căn nhà vắng lặng có khu vườn buổn tẻ đó nhỉ?
Nàng thơ của ông, Eun Gyo liệu có là một nàng thơ, khi cô không quan trọng người đàn ông nào ân ái với mình, mà chỉ cần đó là một người đàn ông đến đúng thời điểm khi cô có nhu cầu ân ái?
Eun Gyo vẫn khẳng định cô là của ông Lee, một sự dỗ dành tương đối phù hợp để an ủi một ông già đang quay mặt vào tường sau chuỗi ngày cắn rứt lương tâm vì gián tiếp gây ra cái chết của học trò Ji Woo. Tôi tin bản chất ông Lee không xấu, vì ông đã tự thú nhận hành vi đó của bản thân và biết đau khổ như một con người gây ra nỗi đau cho những con người trẻ dại hơn mình.
Ông có lương tâm khi cất lời tạm biệt Eun Gyo. Chỉ đáng thương cho số phận những nhà thơ chân chính thường ít khi êm ả. Đó là con đường văn chương mà ai muốn gắn bó, theo đuổi cũng nên thận trọng suy nghĩ. Nghiệp chữ nghĩa đôi khi năng nề khó tả mà chỉ người trong cuộc mới thấu cho sự đơn độc, nghiệt ngã ấy.
Nàng thơ êm đềm những cũng rất tàn ác, cô là thiên thần và cũng là ác quỷ đối với văn khách, thi nhân. Cô chỉ cho họ vẻ đẹp bất diệt của thứ ánh sáng vĩnh cửu và dẫn họ đến đoạn đầu đài đã chuẩn bị sẵn giàn thiêu. Nàng thơ thiêu đốt họ bằng chính thứ ánh sáng họ luôn khắc khoải mong chờ.
Nàng thơ Eun Gyo: chỉ một cái tên đã đủ để thiêu đốt hai tâm hồn: một già, một trẻ.
Thay cho lời kết
Cái chết của Ji Woo khiến tôi cảm thấy buồn cho anh. Đáng lẽ anh được sống, nhưng anh đã chọn cái chết. Điều ấy cũng giống với việc đáng lẽ anh tự do, thì anh lại tự cầm tù chính mình vào một tượng đài chẳng mấy coi trọng anh.
Có lẽ, không ít người trong số chúng ta đã từng đi tìm một điều gì đó hay ai đó để bản thân ngưỡng mộ, bám chấp vào. Dù hình thức đẹp đẽ, đó cũng là một dạng chấp niệm đầy u mê dễ khiến người ta lầm đường, lạc lối. Bởi quen với tư duy trao đổi, con người thường tự định giá sự kì vọng trao đi với những giá trị nhận về- mà nếu chẳng may không được như ý thì sinh ca thán, khổ đau.
Tôi đánh giá cao bộ phim này bởi các nhân vật đều có góc cạnh rất riêng, không có đúng hay sai hoàn toàn. Thế giới nội tâm phức tạp ấy phản ảnh chính xác cách thế giới thực vận hành và sản phẩm phụ của nó là thế giới ảo- được tái tạo lại ra làm sao.
Có thể phim mang nỗi buồn phảng phất và tâm trạng cô đơn đậm đặc, thế nhưng nỗi buồn là thứ khó tránh khỏi trong thời đại mà bộ phim ra đời.
Tôi nghĩ nhận diện, chấp nhận, học cách sống chung với nỗi buồn và tự cân bằng trong sự cô đơn là điều bản thân mỗi chúng ta cần học hỏi, rèn luyện thay vì điên cuồng chạy theo ngoại cảnh hay vùi mình vào thế giới nội tâm.
Nguồn:
nàng thơ
,a muse 2012
,review phim
,nguyễn phú hoàng nam
,phim ảnh
,sáng tác
,tâm sự cuộc sống
Mình rất ít xem phim tình cảm luôn, nhưng nghe bạn review thế này chắc là phải xem rồi
RYU PYU
Mình rất ít xem phim tình cảm luôn, nhưng nghe bạn review thế này chắc là phải xem rồi
Ngọc Dung
Nghe tên là muốn xem phim rồi ^^