[Review Phim] Ma trận (The Matrix)
Mặc dù đã xem cả 4 phần phim, nhưng tôi không theo dõi được liền mạch. Phần đầu thì tôi biết tới khi học tiểu học (chương trình “Phim cuối tuần” trên VTV1), còn phần gần nhất thì tôi xem trên Internet, khi đã đi làm. Do đó bài review này chỉ điểm lại những ý tưởng tôi ấn tượng nhất về Ma trận mà không hoàn toàn đầy đủ các chi tiết, nhân vật. Những ý tưởng đó đã gợi ra được cho tôi thêm các suy tư về thực tại hoặc là về “cái thực” trong hiện tại, về không – thời gian.
Ma trận là định mệnh?
Thứ tạo ra và nuôi dưỡng sự sống liệu có phải cũng chính là thứ giới hạn sự sống không nhỉ? Và nếu vượt qua khỏi giới hạn ấy thì điều gì sẽ xảy ra? Bộ phim Ma trận nêu ra giả thuyết rằng trong tương lai, máy móc tạo nên sự sống cho chúng bằng cách khai thác sinh lực của con người. Chúng cho con người cuộc đời chân thực đến mức nhân loại hiếm khi hoài nghi rằng đó là ảo.
Nhân vật chính Neo (Thomas A. Anderson) ở trong thế giới ảo do Ma trận tạo nên là nhân viên lập trình bình thường, nhưng ở thế giới thực, anh lại được biết đến như Người Được Chọn. Điểm khiến tôi chú ý ở đây là cách chúng định nghĩa bản chất và giới hạn của con người từ bên ngoài để khiến họ trở nên bất lực và dần dần trở nên tê liệt, mất kết nối với tiềm năng bên trong (khá giống việc tận dụng phản xạ có điều kiện của con người để lập trình cuộc đời họ).
Trong phần 4, Neo được an phận với vai trò là một nhà phát triển game nổi tiếng thế giới- người tạo ra thế giới ảo trong một thế giới ảo, mắc phải chứng hoang tưởng. Điều này mang lại cảm giác thật trớ trêu. Nhà tù kiên cố nhất hóa ra lại chính là tâm thức của mỗi cá nhân. Khi liên tưởng tới trò đùa về lựa chọn “viên thuốc màu xanh và viên thuốc màu đỏ (thực ra vẫn là màu xanh, nhưng có vị dâu)” từ bộ phim này, tôi nhận thấy có ý nghĩa nhất định đằng sau mỗi lựa chọn. Bạn tin vào điều gì, thì điều đó là sự thực. Sự thực được tạo nên bởi yếu tố chủ quan có còn là sự thực hay không? Một nửa sự thực liệu có phải là sự thực? Chính trong mớ hoài nghi đó, Neo đã tìm ra được cách để thoát khỏi Ma trận của máy móc. Anh chưa chạm đến sự thực song đã đến được với tự do và tôi nghĩ rằng tự do là một trong số những điều kiện quan trọng để nhận biết chân lý.
Liệu chúng ta có đang tự tạo ra Ma trận cho riêng mình hay sống trong Ma trận được tạo ra bởi người khác hay không nhỉ? Không quá phức tạp và xa vời như trên phim ảnh, đó đơn giản là quá trình thao túng các hành vi thông qua việc áp đặt hệ giá trị rồi nhân nó lên rất nhiều lần để tạo đám đông. Bạn nhận ra tôi đang nhắc đến đến nhân vật đặc vụ Smith đúng không? Hắn là kẻ đảm bảo rằng Ma trận là định mệnh và định mệnh thì không thể thay đổi- đối lập với Neo đảm bảo rằng sẽ phá hết Ma trận này cho đến Ma trận khác để truy cầu chân lý bằng ý chí tự do.
Người Được Chọn?
Neo được rất nhiều người tin tưởng, ủng hộ (thậm chí liều chết để bảo vệ) vì anh được Nhà tiên tri khẳng định chính là Người Được Chọn. Dường như niềm tin về Người Được Chọn tạo ra nhân vật ấy, thay vì anh ta tồn tại sẵn ngay từ ban đầu. Công thức này làm tôi liên tưởng tới thời đại của các vị thần, thời mà đức tin của con người tạo ra, sau đó ban cho các vị thần quyền năng. Nhưng khi đức tin của con người suy yếu, lung lạc thì sức mạnh bảo hộ của các vị thần cũng yếu đi. Vì vậy những điều xấu xa, tà ác mới mặc sức tung hoành, phát triển trong xã hội đương đại. Có lẽ, đó là một cách tiếp cận hiện thực mang tính thần thoại.
Trở lại với Ma Trận, nếu Neo mất niềm tin vào bản thân, mọi người xung quanh cũng sẽ mất niềm tin vào anh ta. Do đó hành trình của Neo là thử thách của niềm tin trước khi đến với tự do. Trước hết là niềm tin, sau đó mới đến tự do. Đây là điều máy móc không bao giờ hiểu. Nên trong phim, chúng luôn tìm cách kiểm soát con người để bù lại khao khát tự do của bản thân. Chúng nhét con người vào kén để bắt họ trả giá cho việc đã tạo nên chúng với tư duy cứng nhắc trong một hình hài cứng đờ.
Máy móc sẽ an phận là công cụ?
Ma Trận là bộ phim có giá trị không chỉ đối với giới điện ảnh, mà tôi nghĩ còn có giá trị với những ai quan tâm đến tương lai của nhân loại mà thực ra không còn nằm trong tay nhân loại nữa. Vận mệnh ấy đã và đang trượt dần sang đôi tay của các Trí tuệ Nhân tạo (AI) và các thiết bị công nghệ hiện đại.
Chỉ cần so sánh thời gian mà con người dành cho các thiết bị công nghệ thay vì dành cho nhau là đủ hiểu. Trẻ gần gũi công nghệ hơn cha mẹ và cha mẹ dành thời gian cho công nghệ đều đặn hơn dành thời gian cho con cái. Trong phần 4 của Ma Trận, bạn có thể thấy phân cảnh tất cả mọi người trong thang máy, đường phố đều cúi đầu vào chiếc điện thoại. Điều này dường nhưng không viễn tưởng cho lắm, vì ngoài đời thực tôi cũng thấy không ít người rút điện thoại ra trong vòng mấy chục giây đợi đèn đỏ; trong khi trò chuyện cùng bạn bè hay các sự kiện tập thể.
Máy móc càng tiến hóa thì hầu hết con người sẽ càng thoái hóa. Đó là thảm kịch trong thế giới Ma Trận, nơi mà con người phải chạy trốn khỏi sự săn lùng của máy móc và không có đủ sức mạnh để tái thiết lại cuộc sống mà các thế hệ trước từng có: được ngắm nhìn bầu trời, ăn thực phẩm tươi ngon, thoát khỏi mớ dây điện lằng nhằng cắm vào cơ thể. Họ yếu ớt ở tạo ra các thành phố như Zion, Io rồi chấp nhận sống co cụm, chui lủi – dáng đứng thẳng hiên ngang của loài người đã không còn.
Đã từng có thời tiền bạc là công cụ với mục đích trao đổi, nhưng giờ đây vị thế của tiền bạc không còn khiêm tốn như vậy nữa. Đã từng có thời máy móc là công cụ hỗ trợ con người nhưng có thể trong tương lai, vị thế của máy móc cũng sẽ không còn khiêm tốn như vậy nữa.
Thay cho lời kết
Series phim Ma trận rất hấp dẫn, do đó chúc mừng bạn vì có cơ hội được xem liền mạch cả 4 phần mà không cần phải đợi lâu như tôi. Nhưng đừng nên xem nhanh quá mà bỏ phí lời thoại. Bởi tôi cảm nhận Ma Trận khác với các bộ phim hành động đơn thuần. Lời thoại trong phim có khá nhiều thông điệp đợi chúng ta khám phá (điểm này giống với việc thưởng thức một vở kịch hơn).
Đây có thể cũng là dụng ý của đạo diễn, cũng có thể là do tôi suy đoán thêm về bản chất của con người và cuộc đời là một màn kịch được phân vai. Sẽ có rất ít diễn viên truy vấn về người đứng đằng sau mọi thứ và ý nghĩa vai diễn bởi họ đang bận tâm để diễn sao cho đạt.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về khái niệm Ma trận ở góc độ khoa học, nhân văn, ít súng đạn và chiến tranh hơn thì bạn có thể tìm đọc cuốn sách Ma Trận Thần Thánh của tác giả Gregg Braden hoặc bộ sách “Đi tìm thành Thiên Đế” gồm 05 tập của tác giả Mun-đa-sép (Ernst Muldashev). Đặc biệt là tập mang tên Ma Trận Sự Sống Trên Trái Đất.
*Ảnh trong bài viết: Sưu tầm trên Internet.