[Review Phim] Khởi hành (Departures)
Bộ phim mở đầu với câu chuyện của chàng trai đam mê chơi đàn Cello tên Daigo. Nhưng phần sau thì không dừng lại ở riêng anh, mà mở ra nỗi khiếp sợ lớn nhất đời người: cái chết.
(Ảnh: imdb.com)
Sau khi dàn nhạc tan rã, Daigo cùng vợ là Mika rời Tokyo để về quê sinh sống. Anh tình cờ tìm được một mẩu tin tuyển dụng từ NK. Nghĩ rằng đó là công ty chuyên về lữ hành, anh hồ hởi ứng tuyển.
Đến với NK, Daigo được ông chủ Sasaki tiếp đón. Tôi đặc biệt ấn tượng với chi tiết khi Daigo đưa hồ sơ ra, ông chủ Sasaki quăng ngay nó xuống trước mặt anh. Ông đã giới thiệu bản chất công việc với Daigo một cách đơn giản như vậy đấy.
Bất kể bạn là ai, bạn có gì, với bạn những thứ này quan trọng đến đâu thì cũng đến lúc bạn phải buông bỏ. Cái chết không phân biệt, không đòi hỏi nhưng cũng không thông cảm. Với người đã chết, điều họ (từng) sở hữu có ích gì? Với người còn sống, di sản của những người quá cố có còn gì ngoài những kỷ niệm? Không phải ai trong số chúng ta cũng là những người nổi tiếng, cũng từng diễn thuyết, viết sách hay sáng lập ra điều gì đó vĩ đại cho hậu thế để được nhớ tới. Phần đông, chúng ta thuộc về đời thường: nhạt nhòa và chóng bị quên lãng.
Công việc khâm liệm người chết không dễ chấp nhận. Ông Sasaki hiểu điều đó, chính vậy nên ông càng tin tưởng ở Daigo. Chàng trai vô danh, có lẽ chịu một chút coi thường trong xã hội người sống. Ông nói rằng số phận đã trao cho anh công việc này. Ngẫm lại tôi thấy ông đã nói đúng. Tại sao lại là Daigo? Vì anh là người có thể làm được. Anh biết nhìn vào hiện thực, biết chấp nhận khi giấc mơ tan vỡ và biết trở về quê nhà. Do đó, tâm thế của anh phù hợp với công việc tiễn đưa người đã khuất.
Anh khác mọi người ở chỗ, anh biết chấp nhận cái chết trước khi nó thực sự đến. Tuy nhiên, Daigo cũng phải đối mặt với định kiến xã hội, thậm chí là từ chính người vợ luôn yêu thương, ủng hộ anh: Mika. Cô nghĩ việc anh làm thật dơ dáy, dù cô yêu anh nhưng cô cũng giống như mọi người: ghê sợ người chết vì trong sâu thẳm nỗi sợ đó, người ta lo một ngày cái chết tìm đến mình.
Daigo đã quyết định làm công việc mà anh được tạo hóa chọn để làm. Anh nhìn thấy nhiều người chết, nhiều kiểu chết. Điều đó liệu có khiến anh liên tưởng đến đàn cá hồi ngược dòng nước hay cánh hoa anh đào xuôi theo gió hay không, tôi cũng chẳng thể biết được. Tôi chỉ thấy rằng anh vẫn giữ thói quen chơi đàn Cello. Khung hình đẹp nhất phim với tôi cũng là cảnh anh ngồi chơi đàn một mình giữa thiên nhiên.
Dường như kiếp người chỉ là một nốt nhạc ngân lên để rồi tan đi mất trong bản nhạc của vũ trụ. Duy chỉ có người nghệ sĩ thực thụ là nắm giữ bí mật ấy. Daigo không chơi đàn cho khán giả xem, không dùng tiếng đàn để mưu cầu danh lợi, dù anh từng khao khát trở thành danh cầm. Tiếp xúc nhiều với cái chết, Daigo nhận ra sự sống này đáng giá hơn tất cả mọi điều phù phiếm nhân loại thường mải mê theo đuổi.
(Ảnh: vnexpress.net)
Sự thấu hiểu và kiên nhẫn từ anh đã được đền đáp. Số phận đã dẫn anh tới nơi anh có thể tự tay khâm liệm cho người cha đã bỏ đi hơn ba mươi năm trời. Khung hình này với tôi là khung hình cảm động nhất.
Vượt qua sự thù hận, nỗi đau bị bỏ rơi, anh tiễn cha anh về cõi vĩnh hằng. Daigo học được bài học về sự tha thứ từ người cha đã khuất của mình. Hòn sỏi nhỏ ông nắm chặt trong tay khi mất đã minh chứng rằng suốt những năm tháng ông xa anh, ông chưa bao giờ quên anh.
Câu chuyện cha anh kể rằng trước đây người ta trao nhau những viên đá để bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc thật đặc biệt. Con người trở thành giống tinh khôn vì có công cụ, mà nổi bật hơn hết là ngôn ngữ. Nhưng vì nó quá tốt nên người ta say đắm, lạm dụng nó, đến mức đôi khi, chỉ những lúc im lặng thì người ta mới thật thà.
Trong công việc của mình, Daigo được tiếp xúc với rất nhiều người thật thà, dù họ đã rời bỏ thế gian. Dù tốt, dù chưa tốt, thân nhân của họ cũng không giấu diếm tình cảm với người đã khuất nữa.
Khởi hành nhắc tôi nhớ thế nào là một bộ phim hay. Không có những tình tiết gay cấn, không kỹ xảo hoành tráng không có đoạn kết bất ngờ. Tôi nghĩ rằng một bộ phim hay là nơi người ta gói ghém lại khoảnh khắc của đời thực. Gói làm sao cho khéo, cho sinh động là điều mà không phải đạo diễn nào cũng có thể làm được. Nhất là nói về cái chết sao cho người sống dễ hiểu lại càng khó- vì hiếm ai có thể ngay lập tức chấp nhận điều mà người ta chưa hiểu.
Tôi từng đọc được câu “Death doesn't discriminate between the sinners and the saints, it takes and it takes and it takes, and we keep living anyway....”
Tôi nghĩ tác giả của câu nói trên có lý. Mượn câu này để kết lại bài review về phim có thể cũng hợp lẽ. Ai rồi cũng đến lúc cần phải nói lời tạm biệt và được lắng nghe lời tạm biệt từ người khác.