[Review Phim] Interstellar
Bộ phim “Interstellar” còn có tên Tiếng Việt là “Hố đen tử thần” hoặc “ Du hành giữa các vì sao” nhưng tôi không thấy cả hai cái tên này phù hợp với bộ phim lắm. Bởi “Hố đen tử thần” khiến tôi nghĩ đến các bộ phim hành động giật gân còn “Du hành giữa các vì sao” thì có vẻ sẽ mang tới những cung bậc cảm xúc lãng mạn.
“Interstellar” thú vị hơn vậy. Với tôi, bộ phim là cuốn tự truyện của nhân loại về bản chất của chính mình- thêm một chút gia vị huyền bí của không gian, thời gian.
Giá như bất tử, thì tôi cũng sẽ trầm tư về không gian và thời gian. Nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi này, điều tôi muốn thấu hiểu triệt để nhất lại không phải là những con số, mà là con người. Với gần 180 phút, “Interstellar” đã mang đến cho tôi những khám phá mới về những điều luôn cũ của nhân loại: sự mâu thuẫn giữa bản năng sinh tồn và khát vọng sinh tồn một cách có ý nghĩa. Điều này lại làm tôi liên tưởng đến hai trụ cột của vật lý hiện đại là thuyết tương đối và vật lý lượng tử. Không có lo-gic nào trong sự liên tưởng này, nhưng giống với khi ngắm nhìn một vì sao, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến nhiều điều.
Nội dung bộ phim xoay quay sứ mệnh đi vào vũ trụ để giải cứu nhân loại của những phi hành gia NASA. Họ cần tìm ra nơi có sự sống để đưa nhân loại thoát khỏi trái đất với tình trạng thiếu thốn lương thực, oxy và những cơn bão cát càng ngày càng hung tợn.
Sứ mệnh lớn lao ấy dường như tương phản với hình ảnh của cô con gái nhỏ bé Murphy và người cha Cooper. Cooper chấp nhận nhiệm vụ đầy rủi ro, không biết ngày về này khiến cho Murphy vô cùng đau khổ. Cô đã từ chối tiễn cha, cũng không gửi tin nhắn đến cha mình trong nhiều năm sau đó. Nhưng nhiều năm đó lại chỉ là một thoáng chốc trên những hành tinh mà Cooper và đồng đội ghé qua.
Cảm giác chứng kiến những người thân yêu của mình già đi rồi chết trong khi bản thân bị họ coi như là đã chết có lẽ thực sự là một dạng “lỗ đen” trong trái tim. Hình như trong trái tim con người còn có những dạng “vật chất tối” khác.
Về con người
Bộ phim không có nhân vật chính diện hay phản diện. Do đó cũng không nảy sinh ra các quan niệm tốt – xấu, đúng – sai. Giáo sư Brand cũng nói dối để đạt mục đích, Nhà sinh vật học Amelia tính toán nhầm lẫn, Nhà vật lý học Romilly chết vì bất cẩn, Nhà địa lý học Doyle thì chết do chạy không kịp, Tiến sĩ Mann cũng dám có ý định giết người vì tham sống sợ chết nhưng vì vội vàng nên tự hại bản thân.
Tôi nghĩ những tình tiết có vẻ ngốc nghếch ấy không nhằm để châm biếm con người, mà là sự nhắc nhở lòng kiêu ngạo về những tri thức chủ quan và sự vụng dại khi cố gắng trở nên khách quan của con người. Dù cả ở trên Trái đất lẫn trong vũ trụ, con người chẳng là gì ngoài một sinh vật yếu đuối cố gắng chỉ để sống sót- hình như chúng ta không quá quan trọng như chúng ta thường nghĩ.
Vẻ đẹp của nhân loại hóa ra lại không phải nằm ở sức mạnh và chinh phục như hầu hết chúng ta vẫn tưởng. Điều đáng buồn là những cuộc chiến tranh chống lại lẫn nhau của chúng ta, thường kèm theo những công cụ giết chóc tàn nhẫn với con số thương vong khủng khiếp, chỉ là trận chiến giữa những loài kiến khác nhau, bên dưới một tán lá nhỏ trong khu rừng mênh mông của vũ trụ. Ở những tán cây cao hơn, Biết đâu sẽ có những sinh vật vĩ đại hơn cười nhạo sự mông muội của đám kiến nhỏ đang bày ra những hòn sỏi mang năng lượng hạt nhân để đe dọa lẫn nhau trước khi xóa sổ giống nòi, tán cây trú ẩn của chính mình.
“Interstellar” đã chứng minh được nét đẹp của nhân loại nằm ở sự mong manh, nhưng trong sự mong manh đó vẫn có tình yêu thương và nghị lực. Tình yêu thương ở mọi cấp độ khác nhau như yêu thương bản thân, yêu thương gia đình và thậm chí là yêu thương nhân loại không phủ định lẫn nhau. Chuyến du hành qua không gian và thời gian để tìm kiếm miền đất mới của những phi hành gia đã chứng minh điều ấy. Họ chấp nhận xả thân cho điều cao cả hơn, dù ban đầu không phải là hoàn toàn nguyện ý. Số phận của nhân loại và ý muốn của vũ trụ dường như trùng khớp với nhau: Thông qua biểu đạt của họ, vũ trụ nhận biết về sự vận hành của nó và thông qua vũ trụ con người hiểu rõ định mệnh của bản thân hơn.
Có lẽ, giao điểm của tính tất yếu và ngẫu nhiên đã tạo ra con người trong nhịp điệu giãn nở vô tận của vụ trụ.
Về thời gian
Ngoài con người, một yếu tố đặc sắc không kém đã hấp dẫn tôi trong bộ phim này chính là thời gian. Tôi từng rất thích thú khi đọc các cuốn sách như “Momo” và “Những giấc mơ của Einstein” và cũng đang có cuốn “Lược sử thời gian”. Những cuốn sách độc đáo này giúp tôi gần gũi với thời gian hơn- tôi không dám nhận là hiểu biết, vì tự nhận bản thân hiểu biết về thời gian trong kiếp sống ngắn ngủi thì thật là nực cười. Nhắc đến thời gian, tôi nghĩ mình giống một con ve sầu không biết về mùa đông- vì chưa bao giờ tới được đó, ít nhất là trong không gian 3 chiều.
Thời gian trôi đi khi tôi đang viết bài review này và kể cả khi tôi ngừng viết, thời gian vẫn trôi. Có lẽ chúng ta không kiểm soát được thời gian hoặc chúng ta đã lầm khi cố gắng kiểm soát thời gian bằng cách đo đếm nó trên các công cụ như đồng hồ.
Nếu thời gian là một đường tròn, thời gian luôn mang đi những điều nó đem lại và luôn mang lại những điều nó đem đi, thì con người đo đếm thời gian để làm gì nhỉ?
Sau khi rơi vào hố đen Gargantua, Cooper đến được với không gian 5 chiều và kết nối được với Murphy. Bằng sóng hấp dẫn và mã Morse, hai cha con đã hoàn thành sứ mệnh đưa nhân loại đến một chương tiếp theo của cuộc hành trình trong vũ trụ. Kết thúc bộ phim khá cảm động, khi người cha gặp lại cô con gái lần cuối- giờ đã là một bà lão, hoặc quay về là một đứa trẻ thông thái hơn.
Thời gian, không gian, con người quả là những yếu tố rất hấp dẫn nhưng cũng đầy bí ẩn. Không thể diễn tả thành lời, cũng khó khái quát đầy đủ bằng những khái niệm. Hiện tại, có lẽ một người ngắm dòng sông cũng tương đối giống với một người ngắm thời gian- dù tuyệt đối là dòng sông vẫn chảy và con người cũng không hề bất biến.
Thay cho lời kết
Sau khi xem xong "Batman: the Dark Knight" và bộ phim này, tôi cảm thấy khâm phục đạo diễn Christopher Nolan. Kịch bản phim của ông có lẽ không phù hợp với mục đích giải trí thuần túy. Tôi cảm nhận sự phức tạp trong các tác phẩm của ông không phải theo lối lập dị hay trầm trọng hóa vấn đề. Có thể ông tìm kiếm các câu hỏi (thay vì các câu trả lời) và muốn chia sẻ các câu hỏi ấy đến với đồng loại của mình.
Thật may mắn là những câu hỏi ấy không bộc lộ thứ tình cảm tiêu cực hay chán ghét con người. Những lớp lang ý tưởng cuối cùng sẽ luôn quay về những điều đơn giản chúng ta đã quên mất.
Điển hình như trong “Interstellar”, tạm gác lại những suy luận vĩ mô về khoa học và nhân loại. Điều còn đọng lại trong tôi sau khi xem phim là tính hướng thiện và sự cao cả của con người trong vóc dáng bé nhỏ. Chúng ta xứng đáng nhận được ân huệ từ vũ trụ là Trái đất này. Nhưng tôi nghĩ quyền lợi ấy cũng kèm theo nghĩa vụ bảo vệ sự sống trên hành tinh của tất cả chúng ta.
Christopher Nolan là một nhà làm phim tài năng. Nhưng “Khoa học là biết nghi ngờ”- mong bạn xem phim để thưởng thức, vì sau cùng điện ảnh vẫn là một tác phẩm nghệ thuật, không phải một công trình nghiên cứu.
- Nguồn ảnh trong bài viết: tinhte.vn