[Review Phim] Đường về nhà (The Way Home)

  1. Phim ảnh

Bộ phim “Đường về nhà” không chỉ là câu chuyện cảm động về tình yêu thương con người và sức mạnh cảm hóa, mà còn gửi đến chúng ta những thông điệp giáo dục đáng suy ngẫm.

https://cdn.noron.vn/2022/11/23/68308102943694922-1669182608.jpg

“Đường về nhà” khai thác một tình huống đời thường: vì một lý do nào đó người cha, người mẹ buộc phải gửi con cho ông bà chăm sóc. Chú bé Sang-woo được gửi về quê sống với bà ngoại đã già và bị câm của mình trong lúc đợi người mẹ đơn thân tìm việc làm trên thành thị. Bạn đọc hẳn cũng đoán ra với một chú bé thị thành thì nơi thôn dã ảm đạm, bí bách đến mức nào? hơn nữa, bà của chú còn không thể nói chuyện với chú. Nhưng bằng hành động bà đã dạy cho Sang-woo bài học về tình yêu thương. Cụ thể ra sao thì bạn hãy dành thời gian để thưởng thức bộ phim này nhé. Tôi tin rằng để thưởng thức một bộ phim chúng ta nên trực tiếp xem phim thay vì chỉ xem tóm tắt, review phim. Điều này chẳng khác gì việc bạn và tôi từ chối một con gà quay thơm ngon để ăn mì gói vị gà quay vậy.

“Đường về nhà” giúp tôi nhận được một số bài học như sau:

Không có trẻ hư, chỉ có trẻ bị nuôi hỏng

Khoảng 60 phút đầu tiên của bộ phim có lẽ bạn sẽ cực kỳ phẫn nộ trước hành động của chú bé Sang-woo. Gần như tham, sân, si trong cậu có đủ cả và lúc nào cũng tìm cách hành hạ, bắt tội người bà đáng thương. Cậu chỉ quan tâm đến thức ăn ngon mà mình muốn, nổi giận khi không được đáp ứng và sẵn sàng tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp hành động sai trái như chửi bới, đập phá, trộm cắp.

Nhìn Sang-woo cư xử như vậy, phần nào chúng ta đoán được cậu từng được mẹ nuôi song bỏ qua việc dạy ra sao. Đời sống thành thị đúng là đã cho cậu ăn ngon, mặc đẹp nhưng không cho cậu cơ hội được giáo dục đúng nghĩa. Mặc dù có đến trường, biết đọc, biết viết nhưng những gì cậu làm trong đời sống thường ngày vẫn hoang dã, bản năng.

Trẻ em vốn hồn nhiên, trong sáng nhưng sự hồn nhiên trong sáng đó không phải là bất biến mà liên tục thu nạp thêm các thông tin từ môi trường xung quanh. Do đó, nếu sinh trưởng trong bối cảnh tự do, vô tổ chức, được phép đòi hỏi vô lý và không bao giờ được yêu cầu thực hiện trách nhiệm, trẻ dễ trở nên bất kham giống Sang-woo trong những ngày đầu về sống với bà.

https://cdn.noron.vn/2022/11/23/9813234315700358-1669182748.jpg

Trách nhiệm chăm sóc trẻ thuộc về người đã sinh ra chúng

Mặc dù rất ngưỡng mộ, cảm động trước tình yêu thương của người bà với vẻ ngoài khắc khổ, chịu đựng nhưng mang trong mình trái tim của một vị Phật, tôi vẫn không khỏi xót thương cho bà. Bước sang tuổi già, người ta cần được nghỉ ngơi cả về thể chất lẫn tâm trí để tự do theo đuổi niềm vui sống của bản thân. Cha mẹ sinh con nhưng lại giao phó trách nhiệm cho ông bà chính là đang gieo nhân bất hiếu (con cái cần phụng dưỡng cha mẹ, thay vì cha mẹ tiếp tục phụng dưỡng cả con cái và cháu chắt). Do đó khi con cái họ lớn lên, chúng cũng sẽ mang quả bất hiếu tới báo họ. Có lẽ chỉ trừ khi cha mẹ không còn, thì ông bà mới cần gắng gượng chăm lo cho cháu. Nhưng nếu còn cha mẹ, thì trẻ cần được chính cha mẹ của chúng nuôi dưỡng, dạy bảo. Đây chính là lý do vì sao mỗi người cần suy nghĩ kỹ trước khi tiến tới đời sống hôn nhân. Bởi hôn nhân sẽ tạo ra sinh mệnh mới. Sinh mệnh này đem đến niềm vui, sự tự hào hay reo rắc nỗi đau khổ hoàn toàn phụ thuộc vào việc cha mẹ có đủ bản lĩnh dạy dỗ hay không.

Tôi cũng không rõ từ bao giờ xuất hiện các quan niệm là “ông bà cần chăm cháu để tạo niềm vui”, “tuổi già không có cháu bế thì buồn” v.v… nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng sự lệ thuộc ông bà thái quá thực chất là đang lạm dụng lòng tốt, thiếu trưởng thành và thể hiện nét khôn lỏi khi đùn đẩy trách nhiệm, sự vất vả, thử thách khi làm cha, làm mẹ. Bởi vì các bậc cha mẹ này chưa đủ vững vàng và cũng chưa thực sự xứng đáng làm cha mẹ. Họ sinh con cầu cho đủ số lượng mà không màng đến chất lượng.

Bối cảnh bộ phim cũng cho thấy ngôi làng mà bà ngoại Sang-woo sống rất ít thanh niên trai tráng. Đa phần là người già và các em nhỏ sống nương tựa vào nhau. Có lẽ chỉ khi lầm lỡ những người trẻ tuổi mới tìm về chốn xác xơ tiêu điều này để gửi gắm gì đó (như trường hợp mẹ của Sang-woo). Ở đây tôi nhận thấy một sự trống rỗng về mặt nhân tính đằng sau những quyết định rời làng để đổi đời.

Sự thiếu thốn thử thách con người, nhưng khiến con người trưởng thành

Trong môi trường thiếu thốn, những nhân vật như bà ngoại, các bác nông dân và các cô bé, cậu bé bạn của Sang-woo vẫn giữ được lối sống hiền hòa, nhân ái. Nhờ bầu không khí hòa ái đó, Sang-woo dần dần được cảm hóa. Họ không giảng giải cho cậu về tốt xấu, đúng sai mà dùng chính những hành động của mình để giáo dục cậu. Cậu bé ích kỷ ngày nào dần dần thay đổi, khối đá cứng nhắc trong tim cậu từ từ được tình thương của bà hóa giải. Cậu không còn đòi hỏi người khác đáp ứng mình, không tham lam nhận về nữa mà đã bước đầu biết cách cho đi. Đêm trước khi trở lại thành phố với mẹ, cậu đã xâu sẵn nhiều kim khâu cho bà và viết chữ lên những bức ảnh để bà gửi cho cậu thay thư (bà của cậu mắt kém và không biết chữ). Cậu còn không quên dặn bà nếu ốm thì gửi cho cậu một tờ giấy trắng để cậu về với bà.

Trở lại thành phố lần này, Sang-woo không còn là chú bé nữa, trong cậu đã có sự thay đổi. Tôi tin sự thay đổi ấy sẽ trở thành điểm tựa cho chính cậu và người mẹ sau này. Văn minh vật chất đã lấy đi của cậu đạo đức, nhưng người bà quê mùa, giản dị đã nhắc cho cậu nhớ cậu là một con người. Mà là một con người đúng nghĩa thì không thể sống với đời sống tinh thần không có đạo đức.

https://cdn.noron.vn/2022/11/23/68308102943694967-1669182761.jpg

Thay cho lời kết

Bà ngoại của Sang-woo khiến tôi nhớ đến lời dạy của Đức Phật trong cuốn “Đường Xưa Mây Trắng”: Này Rahula, con hãy học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm, hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ mừng rỡ mà cũng không chán ghét tủi nhục.

Bà đã sống một đời vất vả, cam chịu, cao thượng. Nhưng hình ảnh chiếc lưng còng xuống và đôi bàn chân bước trên những mỏm đá lởm chởm thật khiến người xem chạnh lòng. Giá như còn một người ông nghiêm khắc, biết bảo ban con cháu thì có lẽ những cay đắng mà con gái và đứa cháu Sang-woo mang lại cho bà sẽ dịu bớt phần nào. Tình yêu thương con người đúng là luôn cần kèm theo trí tuệ.

Tôi cũng thông qua bài viết này gửi lời cảm ơn đến một người anh đã luôn nhớ đến tôi mỗi khi tìm được những cuốn sách, bộ phim hay.

*ảnh trong bài được sưu tầm từ Internet.

Từ khóa: 

review phim

,

đường về nhà

,

the way home

,

phim ảnh