[Review Phim] Đêm tối rực rỡ
Có một gia đình êm ấm với những thành viên yêu thương, tôn trọng lẫn nhau là điều ai trong chúng ta cũng mong muốn. Nhưng hiện thực không phải lúc nào cũng xảy ra theo điều bạn và tôi ước vọng. “Đêm tối rực rỡ” là bộ phim lột trần những bất hạnh đến từ nơi tưởng chừng như hạnh phúc nhất: gia đình. Tôi cảm nhận từ “rực rỡ” trong nhan đề phim có chút mỉa mai, bởi sự thiếu hiểu biết, sự độc đoán, tính sĩ diện và lòng tham khiến cho ảo ảnh rực rỡ ấy rốt cuộc lại biến mọi thứ trở thành đống tro tàn.
Nội dung chính của phim kể về đám tang người cha của ông Toàn. Ông Toàn có vợ là bà Gái và ba đứa con là Kim Hoàng, Xuân Thanh và Kim Bảo. Người ngoài ngưỡng mộ gia đình có gia sản lớn lao này. Nhưng người ngoài chỉ thấy vẻ bề ngoài, họ không thấy được nội tình ông Toàn là một tay nghiện cờ bạc rất vũ phu, bà Gái là một người phụ nữ nhu nhược cam chịu. Hai người đã tạo ra một cậu con trai hám của, một cô con gái trầm cảm và một cô con gái nghiện ngập.
Trong đám tang mang đậm sắc thái miền Nam với những tiết mục vui vẻ, ông Toàn bị đám giang hồ tìm đến đòi nợ. Chúng hẹn ông đến 6h sáng hôm sau nếu không trả nợ thì sẽ lấy mạng ông. Như một khối u ác tính lâu ngày, mọi thứ giờ đã đến lúc vỡ tung ra, lần lượt phơi bày những thảm kịch đen tối mà bấy lâu nay các thành viên khác trong gia đình phải cảm chịu, che giấu.
Tình huống trong phim diễn ra chân thực một cách đáng sợ: từ sự đểu giả, mù quáng cho đến những toan tính ích kỷ được bọc kín trong lời nói ngọt ngào, nhưng cơn trầm cảm dữ dội không được cảm thông và sự lầm lì của những đứa trẻ đều góp phần gây nên một bầu không khí nặng nề.
Tuy nhiên, điều này khiến tôi đánh giá cao bộ phim. Bởi sự chân thực trong từng chi tiết tưởng như vụn vặt, đời thường ấy góp phần tái hiện lại góc tối của đời sống mà ít ai có thể thẳng thắn nhìn nhận hay đề cập đến- dĩ nhiên là chúng có thật và luôn ở đó, nhưng bị né tránh hoặc phủ lên một lớp màng bọc ngụy trang.
Tôi nghĩ không phải lúc nào cứ “hướng về ánh sáng thì bóng tối sẽ ở phía sau”- đôi khi vì ở phía sau nên bóng tối sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn nữa.
Nếu tâm lý đủ vững vàng, bạn nên xem bộ phim này. Tôi có lưu ý ngắn gọn như vậy. Giờ tôi sẽ chia sẻ đôi điều tôi cảm nhận được sau khi xem phim.
Bi kịch đến từ những vở kịch
Là người chủ gia đình, nhưng ông Toàn đã để thói ham mê cơ bản, thói quen hành hạ vợ con và sự hư vinh làm chủ. Những thói hư tật xấu đó được che đậy bằng những lời nói nhẹ nhàng, ra vẻ hiểu biết của ông khi giao tiếp.
Ông là một con yêu tinh đeo mặt nạ, một dạng “ngụy quân tử” mà ai mới gặp cũng dễ có thiện cảm. Sau cánh cửa khép kín, con yêu tinh ấy hành hạ, bóc lột vợ con, ăn tiêu hoang phí tài sản do cha ông để lại. Cánh cửa mở ra, đó lại là một người chủ gia đình đường bệ, uy oai, khéo ăn nói để tạo ấn tượng như bản thân rất từng trải (thực ra ngoài việc ông phá phách của cải và đàn áp vợ con, tôi chưa hình dung được ông có tài năng hay kinh nghiệm ở lĩnh vực nào khác).
Bà vợ ông phục dịch cho những thói hư tật xấu ấy bằng một sự cam chịu vô hạn đến mức khó hiểu. Thậm chí bà còn che đậy cho ông những khoảng hở khi vở kịch bị lạc nhịp. Có lẽ bà Gái tôn thờ ông hơn chính bản thân và ba đứa con tội nghiệp của mình.
Họ là một cặp “phu xướng phụ tùy” điển hình với thân xác thời hiện đại nhưng tâm trí thì ở thời phong kiến. Cùng nhau, họ dựng lên một màn kịch đề chơi trò gia đình. Trò chơi gia đình này cuối cùng trở thành bi kịch với những đứa trẻ là nạn nhân.
Tham thì thâm
Nếu không giao vào tay đúng người, thì mọi tài sản đều có thể trở thành tiêu sản. Nạn nhân đầu tiên là cậu con cả Kim Hoàng. Kim Hoàng không hẳn mất đi lương tri, nhưng vì dục vọng quá mãnh liệt mà trở nên ngu muội. Mọi hành động nói gần, nói xa của Kim Hoàng đều nhắm đến lợi ích.
Anh con cả này không ra dáng một người đàn anh khi vội vàng phân trần với hai cô em gái chỉ để chứng minh rằng sau khi chia gia sản, thì anh ta cần phần nhiều hơn để hương khói, thờ cúng cha mẹ. Có lẽ anh dự định xây hẳn một ngôi chùa nguy nga với bảo tháp đồ sộ nên mới cần nhiều tài sản để thờ cúng cha mẹ như vậy.
Một chi tiết bộc lộ rõ hơn dục vọng của Kim Hoàng là bất chấp nhà đang có tang, anh ta vẫn đủ hứng thú để lao vào ân ái cùng với vợ mình. Dường như anh ta là phiên bản thu nhỏ của ông bố Toàn: nói đạo lý nhưng làm chuyện vô đạo.
Chỉ một điểm khác: ông ta nghiện đánh bạc còn anh nghiện tiền. Nhưng do lòng tham có thừa nhưng sự thông tuệ thì thiếu, Kim Hoàng lâm vào cảnh “đếm cua trong lỗ” (vì gia sản đã bị ông bố đốt hết từ lâu, giờ còn gánh thêm nợ). Không những phải gánh nợ, anh còn có nguy cơ mất cả vợ và cậu con trai. Tuy nhiên, cuộc đời anh vẫn có cơ hội làm lại, bởi dường như sự si ngốc ấy ở góc độ tích cực đã giúp anh không nghĩ quá nhiều và không hiểu được nỗi đau do gia đình mang lại như hai cô em gái Xuân Thanh và Kim Bảo.
Những nạn nhân trọn đời
Có lẽ trong bộ phim này thì Xuân Thanh là đáng thương nhất. Cô không đủ ham muốn tài vật như Kim Hoàng và cũng không đủ bất cần để buông trôi mọi thứ như Kim Bảo. Chứng kiến cảnh cha đánh đập mẹ, rồi đến lượt mình cũng bị bạo hành, cô mắc phải chứng trầm cảm.
Như rất nhiều người có trầm cảm khác, cô rơi vào cảnh một cổ hai tròng, với áp lực từ những ý nghĩ bên trong và nhận xét lệch lạc từ bên ngoài. Hoàn cảnh của cô chính là một trường hợp điển hình về cuộc đời của những nạn nhân mắc phải trầm cảm: Những người thân xung quanh thì đơn giản kết luận đó là “bị điên”, “trầm cảm nó ở trong đầu mình không nghĩ đến nó là nó tự hết”, trầm cảm thì không thể nuôi con vì gây nguy hiểm cho con v.v. Cảnh cô tuyệt vọng vừa vò đầu bứt tóc vừa khóc nghẹn, sau đó cắt những nhát dao vào cánh tay thật thê lương, bế tắc. Tôi nghĩ đây là một phân cảnh đắt giá, đậm tính hiện thực.
Cứ như vậy, mỗi người một chút sẽ dần góp phần biến những con người bình thường, lành lặn trở nên trầm cảm. Trầm cảm đến từ thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, nhưng cũng đến từ tác động của những người xung quanh. Vậy thì vì sao ngày nay trầm cảm lại trở nên phổ biến đến vậy? Tôi nghĩ có những ý sau:
-Con người ta không thể giao tiếp mà không đòi hỏi, yêu cầu gì đó từ người khác (hành vi này có thể kèm theo áp lực).
-Chúng ta có xu hướng né tránh những thông tin mang lại cảm giác nặng nề, tiêu cực (từ chối đồng cảm, chia sẻ) mà sẽ tìm đến những nguồn thông tin mà chúng ta cho rằng đó là tính cực (dù đôi khi chúng không có thực).
-Thiếu hiểu biết về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần (đây là một thói quen cố hữu, nhưng nó là một cố tật cần bị loại bỏ)
-Có thời thơ ấu bị tổn thương về cảm xúc
Trường hợp của Xuân Thanh có lẽ hội tụ đủ các yếu tố này: hiện tại mọi người xa lánh khi cho rằng cô bị điên, cha thì gây áp lực để cô đòi tiền chồng cũ, chồng cũ thì gây áp lực để cô bỏ quyền nuôi con, quá khứ cô từng bị ngược đãi. Tình trạng của cô có thể sẽ còn trầm trọng và đáng lo ngại hơn nữa. Cô đau khổ vì quá khứ, hoảng sợ trước tương lai và tuyệt vọng trong hiện tại.
Kim Bảo dường như là cô con gái cá tính nhất, mạnh mẽ nhất và dám lên tiếng đấu tranh với ông Toàn. Nhưng sâu bên trong, cô cũng yếu đuối giống chị gái mình, bởi sức lực của cô đến từ việc cô tự hủy hoại bản thân, rơi vào nghiện ngập với lối sống nửa tỉnh nửa điên. Cô rất thương chị gái và hai nạn nhân bé nhỏ ấy đùm bọc lẫn nhau như hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ, dù cha mẹ chúng vẫn đang còn sống.
Thay cho lời kết
Sau “Đỉnh mù sương”, “Bụi đời chợ lớn” (phim hành động võ thuật) thì “Đêm tối rực rỡ” là bộ phim Việt Nam tiếp theo tôi cảm thấy khá tâm đắc khi chia sẻ cùng các bạn.
Những tác phẩm nghệ thuật gần gũi với bản chất con người, kèm theo những thông điệp đáng suy ngẫm luôn khiến tôi cảm thấy hứng thú. Như đã bàn luận phía trên, tôi hạn chế phân biệt ra hai đối cực “tích cực” và “tiêu cực”. Bởi với tôi, có lẽ cuộc sống này tồn tại cả hai yếu tố và chỉ bằng cách dám đối diện, chúng ta mới có thể bồi dưỡng được lòng can đảm để sống với tư cách con người.
- Nguồn ảnh trong bài: tinhte.vn