[Review Phim] Công chúa Mononoke

  1. Phim ảnh

Mỗi lần xem xong một bộ phim hoạt hình, đặc biệt là hoạt hình của Ghibli, tôi lại rút ra cho mình những ý tưởng mới. Lần này, bộ phim Công chúa Mononoke gợi cho tôi suy ngẫm về các vấn đề: sự chung sống của con người với môi trường tự nhiên, với chính sinh mệnh của bản thân và những người xung quanh.

https://cdn.noron.vn/2022/02/28/avvxseg-tfpiy0twuu7eij6yg-fclz6cp-aw5pyuaz1jr1nz53rppjqflpoh6ehkctdyaqlvkucgyt8jtr9niyzdgv4cv8zk-qiteui4ltlcuutnvujejtzntnop6i1ydkfy4ghsbvhzjeqoycmetld0peo8krym--cwjeg1gyoccyajnyy9jj1ipbff7xjqw400-h250-1646022961-1646022961_1024.jpg

ảnh Pinterest

Con người với môi trường tự nhiên: Bảo tồn hay hủy hoại?

Cuộc xâm lăng của con người trước tự nhiên là điều vô lý nhất đã và đang tồn tại. Bởi con người sinh ra từ tự nhiên, được tự nhiên bao bọc nhưng cách duy nhất họ báo đáp tự nhiên là mang tới lòng tham vô tận.

Công nương Eboshi, chủ nhân của lò rèn Tatara có dã tâm chiếm lĩnh khu rừng phía Tây. Thậm chí, với những khẩu súng có trong tay, bà còn cả gan tham gia nhóm săn đầu thần rừng Shishigami. Hình ảnh của bà khiến tôi liên tưởng đến con người mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, không sợ trời sợ đất. Có thể như vậy không sai, thậm chí đó còn là vẻ đẹp nên thơ kiểu con người. Nhưng con người không nên quên, họ vẫn cần sợ sự dốt nát của chính mình.

Ở khu rừng phía Tây, sói thần Moro và thần lợn rừng Okkoto quyết tâm chiến đấu. Mặc dù chiến đấu trong thù hận mang tới nguy cơ các vị này bị biến thành tà thần (Tatari Gami). Những tà thần này hoàn toàn đủ khả năng khiến con người sống trong đau đớn, thống khổ (tôi nghĩ đây là một hình ảnh ẩn dụ rất hay về dịch bệnh).

Khi con người chọn lựa hủy hoại tự nhiên, tự nhiên cũng không dung thứ cho con người. Việc Eboshi mất đi cánh tay, Tatara bị phá hủy toàn bộ là minh chứng cho điều này. Thay vì học cách trân trọng tự nhiên, càng cố chiếm thêm tiện nghi trong tự nhiên, con người ta càng thêm thiệt thòi.

Tự nhiên luôn có cách để cứu lấy chính mình, còn con người thì không hoàn toàn như vậy. Do đó, chúng ta cần học cách bảo vệ sinh mệnh vạn vật, thì vạn vật mới khoan dung với sinh mệnh của chúng ta.

Con người với sinh mệnh của bản thân: Ý nghĩa hay vô nghĩa?

Hành trình của hoàng tử Ashitaka và cuộc sống trong rừng của San (Mononoke) gợi lên cho tôi câu hỏi này.

https://cdn.noron.vn/2022/02/28/avvxseim4hvcmwfhdyyix98dr1vlf4rt2ecxkivu2-lejd9u6hp4cttbmzbvodo-nu5jby8pt8uqr9rvxyuvityscwnbvto4tjehnvv8k8jwwet6os0z1zdo2qn-g5wvomhhlqtr3-djqoexpiumnveez4cjppxpb5twfxt5f7xxu39qeh74yfzuc2hj6izgw400-h216-1646022962-1646022962_1024.png

ảnh Pinterest

Vì cứu dân làng, Ashitaka ra tay giết tà thần. Do mắc phải lời nguyền từ tà thần, anh lặng lẽ rời khỏi làng như một người đã chết. Chỉ có duy nhất một cô gái tiễn anh. Tình huống này lặp lại tương tự ở Tatara, nơi ban đầu, vì cứu người, anh được đối đãi như thượng khách. Sau đó, cũng vẫn là cứu người, nhưng anh bị đối xử như kẻ thù khi ra đi.

Ashitaka luôn chọn hành động theo lòng nhân ái, lẽ phải. Nhìn lại hành trình của anh, tôi thấy dường như con người không thực sự có lòng nhân ái hay lẽ phải. Nhân ái chỉ gói gọn trong phạm vi những người họ biết, còn lẽ phải chỉ đáng bàn tới khi nó có liên quan đến lợi ích. Ashitaka chọn cuộc sống vị tha, cao đẹp như một vị thần. Nhưng làm một vị thần giữa bầy người quả không đơn giản: Họ khai thác, tìm cách cô lập hoặc tìm cách giết hại các vị thần (giống như việc họ làm với Shishigami, Moro, Okkoto).

Lựa chọn là người tốt duy nhất trong đám đông là đúng hay sai? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào quan niệm của mỗi cá nhân về sinh mệnh. Nếu con người tin rằng sinh mệnh là điều tốt đẹp, cần phải bảo vệ điều tốt đẹp thì họ luôn trong trạng thái sẵn sàng. Nhưng nếu họ tin rằng sinh mệnh không giá trị bằng dục vọng, thì họ sẽ luôn do dự.

San sống trong rừng từ nhỏ. Bi kịch trong sinh mệnh của cô là bị cha mẹ bỏ lại cho Moro nuôi nấng. Cô căm ghét đồng loại, mà thực chất để từ chối thừa nhận mình là người. Sự oán hận của một con người không đủ để biến họ thành tà thần, nhưng đủ khiến cho họ sống không ra con người. Nhờ gặp gỡ, được Ashitaka cảm hóa, San dần dần cảm nhận được hơi ấm của nhân tính mà cô đã quên.

Mặc dù vậy, họ không thể đến với nhau. Sinh mệnh của cô đã mãi thuộc về rừng, thuộc về nơi lánh xa con người mà cô căm ghét. Tôi cho rằng chọn lựa ý nghĩa này của San khiến cho cuộc đời cô cuối cùng lại thành vô nghĩa. San cần thời gian để nhận ra: dù yêu mến thiên nhiên, thì rừng không phải là nơi tốt nhất để cô bảo vệ rừng. Cô cần sống giữa những con người để bảo vệ rừng.

Con người với những người xung quanh: Chiến tranh hay hòa bình?

Giữa con người với nhau vẫn có thể xảy ra chiến tranh. Họ không chỉ bất hòa với tự nhiên mà còn sẵn sàng gây gổ với đồng loại vì rất nhiều nguyên nhân.

https://cdn.noron.vn/2022/02/28/avvxseifzjaaew9or-8ta-p08y4s9ealu6oj9supmy-xgilpo4evdzvyg2ni4yw7wy7muju13cbanupsf-vaewh45p7tjh9mgdmw7lenefcid5y01rod5bqk8fcbe57apwinc3ysbo09nolylsbpoxwcyzafatmepbs6iprjjzw5guwh4dxmmgtmrhxfhluaw400-h220-1646022962-1646022962_1024.jpg

ảnh Pinterest

Công nương Eboshi sẵn sàng gây chiến để bảo vệ lý tưởng. Tầng lớp Samurai thất thế sẵn sàng gây chiến để cướp bóc, mở rộng lãnh địa. Jigo, tăng lữ làm việc cho triều đình sẵn sàng gây chiến để tìm phương thuốc bất tử.

Nguyên nhân khác nhau, nhưng hậu quả giống nhau ở chỗ họ dùng thời gian, sức lực, trí tuệ để chế tạo vũ khí, bày mưu tính kế và huấn luyện binh sĩ (tạo ra các cỗ máy giết chóc). Thành quả đối với họ là chiến thắng sau khi tàn sát được đối phương.

Dù hiếm ai ngờ nghệch đến độ không hiểu được cái giá phải trả, họ vẫn hăng hái tham chiến. Cuộc chiến kết thúc cũng là lúc cánh rừng không còn lại gì, bên thì thiệt hại binh sĩ, bên thì nơi sống bị phá hủy. Đi qua hỗn loạn, họ đột nhiên nhận ra bản thân mắc sai lầm. Phút tỉnh ngộ này đâu thể hồi sinh rừng, hồi sinh những người đã chết hay khôi phục lại nhà cửa, thậm chí, những bộ phận đã mất đi do chiến tranh cũng chẳng thể mọc lại. (Tôi chú ý đến chi tiết công nương Eboshi căn dặn thuộc hạ về việc sói mất đầu vẫn có thể cắn. Cuối cùng, dù biết điều này, bà vẫn bị chiếc đầu sói của Moro cắn lìa cánh tay).

Chiến tranh là bài học đắt giá mà con người không nên học đi, học lại quá nhiều lần. Vì dù có bắt đầu khác nhau ra sao chăng nữa, kết thúc hiếm khi có hậu.

Thời gian, sức lực, trí tuệ và các nguồn lực dùng cho chiến tranh nên được thay thế bằng việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ, khôi phục tự nhiên và khôi phục sự tự nhiên trong tâm hồn con người (thông qua giáo dục).

Hình như các nhân vật lựa chọn tham gia chiến đấu trong phim (trừ Hoàng tử Ashitaka) đều không được giáo dục một cách tử tế. Họ sống theo bản năng (muốn có sức mạnh, muốn giàu có, muốn trường thọ) nhưng lại nhân danh những điều cao cả mà họ không hiểu, để giết chóc bừa bãi. Đáng buồn thay, giết chóc không phải là phương thức mưu sinh của nhân loại, mà là phương thức sinh tồn của dã thú.

Sau khi đi qua chiến tranh, có ai (nếu còn sống) cảm thấy sức mạnh, giàu có, trường thọ là có ý nghĩa nữa? khi mà ăn gì cũng cảm thấy vị mặn của nước mắt, chạm vào đâu cũng cảm thấy thô ráp những vệt máu khô và nhắm mắt lại là thấy ác mộng.

Thay cho lời kết

Tôi cảm thấy Ghibli không cố gắng nói những câu chuyện đặc biệt, họ chỉ kể lại những câu chuyện có thực theo cách thật đặc biệt. Đó là điều làm nên sức hút của thương hiệu Ghibli: Từ giới hạn trong đời thực mở ra không gian sáng tạo không có giới hạn trên phim ảnh.

Công chúa Mononoke là bộ phim bạn nên xem ít nhất một lần (Nếu bạn muốn xem lại lần nữa thì tùy bạn).

Từ khóa: 

review phim

,

công chúa mononoke

,

ghibli

,

hnreader07

,

noron

,

phim ảnh

em thích bộ này lắm nè <3 hồi nhỏ xem buồn lắm, còn trốn trong chăn khóc cơ :v

Trả lời

em thích bộ này lắm nè <3 hồi nhỏ xem buồn lắm, còn trốn trong chăn khóc cơ :v