[Review] ĐỪNG VỘI VÃ LÀM GÌ, MỆT THÌ CỨ NGHỈ ĐI

  1. Sách

  2. Tâm lý học

- Gửi bạn, người luôn phấn đấu đến quên cả bản thân -

Tác giả: Park Jongseok

Thể loại: Tâm lý học

——

Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta bị giam lỏng trong nhà, bị kìm hãm sau lớp khẩu trang đầy ngột ngạt. Suy thoái kinh tế ngày một trầm trọng, những người kinh doanh tự do lần lượt phải đóng cửa hàng, thanh niên đối diện với vấn nạn thất nghiệp nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Như vậy, đại dịch Covid-19 không chỉ đe dọa sức khỏe thể chất mà còn cô lập con người, trầm trọng hóa cảm giác mất mát, hụt hẫng ở mỗi cá nhân. Bóng đen, nỗi u uất mà thời đại hiện nay đang tạo ra quá lớn khiến chúng ta dần kiệt sức, dẫn đến tình trạng “burnout” (“burnout”: Hội chứng cháy sạch, hiện tượng kiệt sức, giảm năng suất lao động).https://cdn.noron.vn/2021/11/16/28542110629172-1637062293_1024.jpg

Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng “burnout”? Thay vì những lời an ủi bùi tai, tác giả, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần - Park Jongseok mong muốn cuốn sách “Đừng vội vã làm gì, mệt thì cứ nghỉ đi” sẽ là gợi ý để cải thiện tình trạng hiện tại cho những ai đang vất vả chống chọi với cuộc sống đầy gian truân, để họ hiểu được rằng, nếu mệt thì hãy cứ dừng chân nghỉ ngơi.

---------

Cuốn sách là tập hợp nhiều câu chuyện của các bệnh nhân, thậm chí là của chính bác sĩ được tác giả chia sẻ kết hợp cùng những lời khuyên, bài tập hữu ích được sắp xếp theo 3 phần chính:

· Phần 1: Burnout, chúng ta mệt mỏi quá rồi

Ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần “được” burnout ghé thăm. Trong xã hội cạnh tranh gay gắt hiện nay, con người luôn phải nỗ lực để trở nên hoàn hảo và không bị tụt hậu, chính vì vậy, họ bị ám ảnh và dần mất khả năng kiểm soát của bản thân. Cảm giác áp lực quá độ cũng là một nguyên nhân của burnout. Burnout khiến con người mất hứng thú với tất cả mọi thứ, tình trạng “cháy sạch” cảm xúc khiến họ phản ứng dữ dội với những sự việc vốn rất bình thường.

Trong phần này, độc giả sẽ hiểu rõ về khái niệm “burnout”, có thể kiểm tra được liệu mình có đang ở trong tình trạng đó không nhờ các triệu chứng mà tác giả đưa ra. Các dẫn chứng quen thuộc như nam idol Hàn Quốc, tác giả cuốn “Sapien: Lược sử loài người” được bác sĩ Jongseok đưa vào mỗi câu chuyện khiến người đọc dễ hình dung, cảm thấy “thật” hơn so với lý thuyết khô khan.https://cdn.noron.vn/2021/11/16/25088114332974-1637062262_1024.jpg

---------

· Phần 2: Các mối quan hệ cũng nên tối giản

Ở phần 2 này, tác giả đề cập cụ thể đến các khuynh hướng tính cách với mong muốn giúp mọi người nhận định bản thân thuộc nhóm tính cách nào. Từ đó có thể giao tiếp với người khác dễ dàng hơn. Hiểu rõ các đặc điểm tính cách của mình, tiếp đến đưa ra các chiến lược phù hợp là một quá trình quan trọng để trở nên chín chắn và trưởng thành. Đây cũng là một cách giao tiếp với thế giới xung quanh.

----------

· Phần 3: “Chuyện đời bác sĩ” của tôi

Nếu như hai phần đầu tác giả chỉ tập trung chia sẻ về tình trạng burnout cũng như các vấn đề của những bệnh nhân mà ông từng chữa trị thì đến phần cuối này, “chuyện đời bác sĩ” của tác giả Park Jongseok dần được hé mở.

Bác sĩ – những người phải chịu đựng công việc cực kì vất vả, cần sáu đến bảy năm để tốt nghiệp Đại học Y. Trong sáu năm này, sinh viên y khoa trải qua không biết bao nhiêu bài thi và các cuộc thực hành, phẫu thuật,… Chưa kể đến sau khi tốt nghiệp, các sinh viên ấy phải tham gia kỳ thi chứng chỉ hành nghề quốc gia, rồi lại tiếp tục học tập để trở thành bác sĩ nội trú (bác sĩ chuyên khoa). Tác giả Park Jongseok chia sẻ: “Năm nội trú thứ nhất – không được rời khỏi bệnh viện bởi vì đó là thời kỳ bận rộn và đau đầu nhất, mỗi ngày làm việc đến 16 tiếng; năm nội trú thứ hai đến thứ tư – công việc quá vất vả, không có kẽ hở để hít thở”. Chính vì thế, cuộc sống thường nhật của bác sĩ – những người rất dễ sa vào burnout. Điểm thú vị trong phần 3 này chính là phép so sánh giữa một bác sĩ A ở bệnh viện hiện tại tác giả đang công tác và 5 vị bác sĩ nổi tiếng trong bộ phim “Chuyện đời bác sĩ” (Hospital Playlist) của Hàn Quốc, để từ đó người đọc nhận ra rằng, thực tế cay nghiệt hơn phim ảnh rất nhiều…https://cdn.noron.vn/2021/11/16/28542110629171-1637062276_1024.jpg

----------

Tạm kết, cuộc sống hằng ngày cùng cơm áo gạo tiền luôn đè trên vai của mỗi người, nhiều áp lực vô hình luôn bủa vây chúng ta. Tuy nhiên, hiếm có người nào xung quanh động viên chúng ta rằng: “Bạn cứ như bây giờ cũng ổn. Nghỉ ngơi cũng được mà.” Những lời khuyên thông thường vẫn là “Bây giờ mà bỏ thì thật tiếc, hãy cố gắng thêm một chút” hay “Cố lên, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi!” Lúc nào cũng cố lên, nhưng nếu một người đã vắt kiệt cả sức lực thì biết lấy gì để cố lên nữa? Chính vì thế, nếu quá căng thẳng và bế tắc, bạn đừng vội vã làm gì, mệt thì cứ nghỉ đi…

“Rồi chúng mình đều sẽ ổn, phải không?

Qua năm tháng nỗi buồn dần tan hết

Tất cả đắng cay, tủi hờn, mỏi mệt

Cũng qua mau như một ánh chiều tà…”

(trích thơ của Du Phong)

——

Thank you for reading!

Review & Photo by @Thu Hồng Hoàng.

Từ khóa: 

book

,

review

,

book review

,

sách

,

review sách

,

sách

,

tâm lý học

Chị Hồng đã comback, em cũng đang đọc em này mà nó hơi dài
Trả lời
Chị Hồng đã comback, em cũng đang đọc em này mà nó hơi dài
Thời điểm này nghĩ về quá khứ hay tương lai thì dễ dao động thật, dù thực tại có ra sao, mình cũng chọn cách chấp nhận để sống trọn vẹn với nó :) Lâu lâu chưa review sách, cũng nhớ bạn ạ.