[Review] Đọc nhanh gấp 3 lần là có thật !!

  1. Sách

TVTL- Bạn muốn đọc sách nhưng chưa biết cách đọc để tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt được hiểu quả như mong muốn? May quá! TVTL "lụm" được bài này trên facebook của bạn Tung Ha, mời chúng mình cùng tham khảo nhé ạ ^^

Tôi đọc quyển này vì tò mò, nhưng lại rất bất ngờ về hiệu quả của "Cách Đọc Nhanh", cuốn sách của tác giả Peter Kump, một học giả dạy đọc nhanh cho người của Nhà Trắng.

Cuốn này sẽ yêu cầu thực hành với 3-5 các quyển sách khác đi kèm. Ở đây thì tôi đọc cùng ba quyển về nuôi dạy con, tiểu sử Steve Jobs và Elon Musk. Tổng thời gian cần thực hiện là 6 tuần, nó thật ra là một phương pháp đọc cổ điển, bắt nguồn từ những năm 1940, vốn cũng không mới.

Và đây là thành quả cải thiện tốc độ đọc của tôi (tính theo số từ/phút).

- Mới bắt đầu: 350 từ/phút.

- Hết Tuần 1: 450 từ/phút.

- Hết Tuần 2: 690 từ/phút.

- Hết Tuần 3: 750 từ/phút.

- Hết Tuần 4: 900 từ/phút.

- Hết Tuần 5: 1200 từ/phút.

- Hết Tuần 6: 1450 từ/phút. (đọc nhanh gấp 4 lần)

Điều này có nghĩa là tôi sẽ chỉ mất 15 phút để đọc kiệt tác Truyện Kiều. Nói thêm chút để xem việc đọc nhanh hơn như vậy là dựa trên nguyên tắc nào khác biệt hay có gì "ma giáo"?

https://cdn.noron.vn/2021/05/07/88028849714230527-1620379965.jpg

Bình thường thì, khi vào một gian phòng, với một giây đảo mắt, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một người bạn có mặt trong đó. Thời gian mắt bạn đi qua người bạn ấy ít hơn một giây nhiều lần, nhưng, toàn bộ thông tin về hình dáng, giọng nói, kiểu tóc hoặc những kỷ niệm chung với người đó sẽ đến với chúng ta gần như ngay lập tức. Đây chính là trường hợp chúng ta có được một lượng thông tin lớn hoàn toàn chỉ dùng mắt nhìn.

Khi đọc cũng vậy, chúng ta sẽ đọc được nhanh hơn nếu chỉ đơn giản là nhìn chữ. Thói quen tập đọc thành tiếng từ nhỏ khiến miệng chúng ta lẩm nhẩm, hoặc tự đọc thầm trong suy nghĩ mỗi chữ chúng ta đọc được. Hệ quả của nó là bộ não dính phải thói quen chờ việc "tự phát âm" rồi mới nhận dạng và xử lý ý nghĩa của từ ngữ.

Điều này rất chậm vì bộ não chúng ta làm tốt hơn thế 20 lần. Chỉ cần mắt nhận dạng hình ảnh chữ là đã đủ để bộ não tìm ra ý nghĩa của con chữ ngay lập tức mà không cần chờ âm thanh nào vang lên cả. Nó giống với ví dụ chúng ta nhìn lướt thấy người bạn trong phòng có hết thông tin về anh ta ngay lập tức trong đầu mình.

Đó là điểm cốt lõi đầu tiên của phương pháp đọc nhanh: Chúng ta sẽ luyện tập việc đọc mà chỉ nhìn mặt chữ, đừng cố thầm phát âm nó. Trong thực tế, có một phương pháp dạy chữ cho trẻ em nổi tiếng là Glenn Doman cũng làm tương tự, nó hướng tới việc để em bé học và nhìn trọn vẹn một từ thay vì dạy bé đánh vần nó. Các em bé học theo Glenn Doman sẽ học đủ các mặt chữ chậm hơn so với các em học đánh vần, nhưng kể từ thời điểm học hết mặt chữ, tốc độ đọc của các em học Glenn Doman lại nhanh hơn nhiều lần so với các em đọc bằng đánh vần. (Tất nhiên, điểm này không có ý nói rằng tốc độ đọc và chất lượng học có liên quan gì đó trực tiếp).

Vậy, điểm cốt lõi đầu tiên là đọc bằng mắt, không tự phát âm, sẽ khiến chúng ta đọc nhanh hơn, cỡ 2 lần.

Điểm cốt lõi thứ hai đó là cách đọc từ bao quát tới chi tiết. Sử dụng việc đọc bằng cách nhìn, chúng ta sẽ dùng một giây để đọc mỗi trang, cho tới hết quyển sách, để thu được kết cấu nội dung chung. Rồi đọc lại bằng cách dùng 4-8 giây để đọc mỗi trang, cho tới hết quyển sách, để thu được dàn ý nội dung. Và cuối cùng đọc lại một lần nữa với tốc độ chậm hơn đối với những phần ta quan tâm. Cách này tựa như việc ngắm một bức tranh lớn, chúng ta liếc qua để nhận dạng bố cục màu sắc, lướt lại để nhận diện các hình ảnh cơ bản và cuối cùng mới dành nhiều thời gian để ngắm nghía những phần mà ta thật sự hứng thú.

Hai điểm cốt lõi đầu tiên này chính là hai điểm mà một người đọc sách thông thường ít chú ý để khắc phục tốc độ đọc: Chúng ta bị kẹt ở thói quen thầm phát âm, và khó chịu với cách thức "đọc nhưng hiểu ít", nên chúng ta chọn cách đọc nghiền ngẫm, và hay rơi vào tình trạng bất đắc dĩ phải đọc tới hết một cuốn sách dở hơi.

Tôi nói rằng sau khi học phương pháp này, tôi đọc Truyện Kiều chỉ trong 15 phút. Cái này vừa đúng vừa không đúng, về đọc hiểu được nội dung chính thì đúng nhưng về độ hiểu ý nghĩa tác phẩm thì không bằng việc đọc chậm cỡ 1-2 giờ được. Suy cho cùng, mục đích đọc sẽ quyết định việc chúng ta sẽ chọn cách đọc nào.

Ở tuần cuối của khóa học tự thân này, tôi đã đọc 200 trang cuối cùng của quyển Steve Jobs chỉ trong gần một giờ, mà tim vẫn đập thình thịch vì cảm hứng từ Jobs, cho dù tôi sử dụng tốc độ đọc gấp 4 lần thông thường. Nhờ vào xác định mục đích đọc rõ ràng, tôi vẫn tìm kiếm được điều mình cần từ cuốn sách khi đọc nó rất nhanh.

Đó là điểm cốt lõi thứ ba mà cuốn sách Cách Đọc Nhanh sẽ hướng dẫn trong suốt 6 tuần thực hành: nhanh chóng xác định và đạt được mục đích đọc đối với một cuốn sách mới.

Đối với người đọc sách theo cách thông thường, do tích lũy kiến thức theo thời gian, thì điểm số ba này ngày càng cải thiện một cách tự nhiên. Phương pháp trong cuốn Đọc Nhanh này sẽ giúp họ cải thiện nhanh hơn một chút.

Tóm lại, bì bõm 6 tuần thì tôi đã đạt được mục tiêu đọc được 1 cuốn sách/ngày, mà ngày trước không thể tưởng tượng ra là làm cách nào.

Đây là một review cá nhân, không kèm bảo hành. Bạn nào cũng định tập cùng như tôi thì mong lắm bạn thành công, mà không thành công thì thôi.

Tác giả bài viết: FBker Tung Ha

Từ khóa: 

phương pháp đọc sách

,

tăng tốc độ đọc

,

mẹo đọc sách

,

thư viện tự lập

,

sách

Tôi đã được đi học khoá Speed Reading có bản quyền và tăng lên rất nhiều tốc độ đọc bằng cách di ngón tay trỏ theo từng dòng, bắt não bộ và mắt chạy theo ngón tay di chuyển.

Nói chung đọc nhanh là một skill khá hay đó.

Trả lời

Tôi đã được đi học khoá Speed Reading có bản quyền và tăng lên rất nhiều tốc độ đọc bằng cách di ngón tay trỏ theo từng dòng, bắt não bộ và mắt chạy theo ngón tay di chuyển.

Nói chung đọc nhanh là một skill khá hay đó.

Phải thử mới được 😁

Wow wow wow.. ngạc nhiên chưa là có thật chắc chắn mọc thêm 4 con mắt nữa :))

thay vì đọc nhanh sao ta không tìm bài tóm tắt sách để đọc nhỉ, thế lại còn nhanh hơn.

Cảm ơn TVTL đã chia sẻ ^^