[Review Bộ Sách] Muôn kiếp nhân sinh

  1. Sách

Với tôi, nội dung của bộ sách Muôn kiếp nhân sinh (gồm 3 tập) khá rõ ràng

Nên tôi sẽ không đi sâu vào phân tích hoặc kể lại nữa

Tôi nghĩ phân tích một tác phẩm văn học chưa chắc sẽ khiến tác phẩm đó hay hơn

Thậm chí còn sỗ sàng tước đi quyền có được những cảm nhận riêng tư nơi mỗi người đọc

Điều làm tôi hứng thú viết bài review này là suy nghĩ lắng lại sau khi đọc cả 3 tập của bộ sách

Về điều khó có thể thấy hoặc thấy nhưng không tin hoặc tin nhưng chưa muốn áp dụng: Luật nhân quả

Quá trình hồi tưởng về các kiếp sống của Thomas ở các nền văn minh: Atlantis, Ai Cập, Assyria, Hy Lạp, La Mã, Pháp là hành trình nhận ra những sai lầm trong quá khứ

Để hướng tới những giá trị tích cực, tu thân (sửa mình) hướng thiện ở thời điểm hiện tại

Từ chỗ nhận thức sai lầm cho đến có ý thức thay đổi và thực sự có hành động thay đổi là một quãng thời gian mênh mông, ngàn vạn năm,

theo lời kể của Thomas.

Con người mất rất nhiều thời gian để nhận ra chân lý và hình như càng ngày càng mất nhiều thời gian hơn để vận dụng chân lý

Dù chân lý không phức tạp và nhân quả cũng vậy

Liệu chúng ta đang phát triển hay đang thoái hóa khi từ chối hòa nhịp cùng vũ trụ và ngông nghênh tạo ra ảo giác về quyền bá chủ cho mình?

(thông qua sự tàn phá thiên nhiên, chiến tranh và lối sống tiêu thụ lãng phí)?

Nhân loại có thể khác nhau ở nhiều điểm nhưng dường như luôn có điểm giống nhau là “già quá nhanh và thông minh quá trễ”

Nhận ra một bài học bổ ích là điều đáng quý,

nhưng nếu trước khi nhắm mắt mới thấu hiểu được, thì tôi thấy hơi băn khoăn về tính ứng dụng của bài học ấy

Do đó, tôi dừng lại ở việc bàn đến quy luật nhân quả mà tạm thời không bàn đến luân hồi,

mặc dù chủ đề này cũng được trình bày trong bộ sách

Vì nhân quả là thứ tôi có trải nghiệm thực

còn luân hồi thì tôi chưa có kinh nghiệm gì ngoài khái niệm sách vở do người khác mang lại

Tôi nghĩ nói về điều mình chưa hiểu là không nên,

viết về điều mình chưa hiểu thì lại còn càng chán chường, tự “hành xác” hơn nữa.

Cảm nhận của tôi về bộ sách phóng tác này sẽ hướng đến giá trị tích cực và tấm lòng khuyến thiện của tác giả Nguyên Phong

Tôi xin miễn bình luận trước những phản hồi về tính đúng – sai, sự chính xác trong từng tiểu tiết về các nhân vật, sự kiện mà một số độc giả kỳ vọng

Sự chính xác, khoa học xin nhường cho những cuốn sách khác

Theo “logic kim tiền”, ít ai muốn làm người tốt

Vì tốt là gánh lấy phần thiệt, phần lỗ trước mắt

Và tốt cũng không hẳn là tốt nếu vẫn có tư tâm, chờ đợi lãi

https://cdn.noron.vn/2023/12/22/53446230692644335-1703215125.jpg

Tập 1: Điều khó có thể thấy

“Ở hiền gặp lành” là điều mọi người thường nói, nhưng trên thực tế hình như không phải ai cũng thấy vậy

Người ở hiền chưa chắc gặp lành,

thậm chí còn dễ bị đàn áp bởi người không hiền cho lắm

Vậy nên ở kiếp sống tại Atlantis, Thomas đã chứng kiến người Atlantis điên cuồng theo đuổi sức mạnh và quyền lực ra sao

Với họ, chỉ kẻ yếu đuối mới “hiền, lành”.

Mọi thứ đều nhanh chóng đạt được bằng sức mạnh và sự cưỡng ép

Thomas đáng thương đã tiếp thu triệt để tư tưởng cực đoan này để chiếm đoạt thánh nữ Kor

Anh ta đã đạt được điều mình muốn nên đồng thời anh ta cũng phải chấp nhận điều không muốn: hủy hoại người khác, hủy hoại bản thân

và cuối cùng là hủy hoại kiếp sống làm người để trở thành loài sâu bọ

Đây là giai đoạn Thomas chưa thấy được luật nhân quả

Mọi điều anh ta làm đều là phục vụ dục vọng trước mắt.

Vì không nhìn ra “nhân” bất thiện trong hành vi của mình, anh ta đã buộc phải gặt “quả” bất thiện.

Sự vô minh này tồn tại ở hầu hết các sinh vật bản năng như những con thú:

vì miếng ăn mắc bẫy hay vì quyền được giao phối mà sẵn sàng lao vào cắn giết lẫn nhau

Con người cũng là một sinh vật,

và càng bản năng thì họ sẽ lại càng khó thấy được thứ gọi là nhân quả

Bởi dục vọng ngùn ngụt đã che kín trí tuệ của họ

Atlantis là một cỗ máy phàm tục khổng lồ,

nơi những cá nhân phàm tục nhỏ bé hơn ngày ngày tích lũy sự thỏa mãn chỉ để gia tăng khao khát được thỏa mãn lớn hơn

Atlantis bị buộc phải sụp đổ như một tất yếu và Thomas buộc phải trả giá cho những điều mình làm

Không có thánh thần hay ma quỷ nào báo thù

Mọi điều là do con người tự chuốc lấy

Vì con người không thấy điều mình muốn sẽ mời gọi điều mình không muốn một cách mãnh liệt ra sao

Vị Pharaoh của xứ sở Ai Cập cũng vẫn không thoát khỏi nghiệp lực mãnh liệt

Ông ta vẫn khao khát và vẫn chưa biết đủ,

chưa thấy được nhân quả ẩn sau mỗi ý nghĩ, lời nói, hành vi

nên kết thúc của xứ này cuối cùng chỉ còn một nắm tro tàn

chỉ còn gió cát mịt mờ lướt đi trên bức tường đổ nát

Thomas chưa thể thấy

Tập 2: Thấy nhưng chưa tin

Kiếp sống tiếp theo, Thomas trở thành một cô gái thông minh tại xứ Assyria

Cô đã biết phân biệt lành dữ, biết tránh làm việc bất thiện nhưng cô vẫn chưa thể làm chủ cuộc đời mình.

Bởi cô không tin bản thân có thể thay đổi số phận dựa vào các quy luật của nhân quả

Cô vẫn chịu đựng nỗi bất hạnh, vẫn bị trói buộc với thứ số phận hẩm hiu mà người ta gắn cho cô

Cô thấy những đau khổ và bất công mình phải gánh chịu

Cô cũng thấy niềm vui, hạnh phúc mà người chị em của mình được hưởng sao mà bất công đến vậy

Mang theo những câu hỏi đó sang đời sống khác, chàng Kyros sinh cùng thời với Alexander Đại đế

Với tự do lớn hơn, những cuộc bành trướng quy mô hơn và những núi tử thi cao hơn

Vị chiến tướng hùng mạnh không tin mình thuộc về cõi phàm

Và quả thật, Alexander Đại đế đã khiến cho tiếng tăm của mình hiển hách

Cho tới khi ông chinh phạt tới Ấn Độ

Ông nhận ra sức mạnh của mình thật to lớn

Và “cái tôi” cũng to lớn như vậy

Chiến thắng kẻ thù bên ngoài chỉ khiến kẻ thù bên trong mạnh hơn

Vinh quang lớn lao chỉ là một mặt,

mặt còn lại là sự mê muội bởi tham vọng sai khiến

Ông nhận ra và rồi ông chết

Bỏ lại xác phàm

Thành – Trụ - Hoại – Diệt

Đế vương chỉ còn là bộ xương trắng

Đế quốc chỉ còn là miếng thịt người ta xâu xé nhau

Chiếm đoạt đất để bị đất chiếm đoạt vào lòng

Chàng Kyros tiếp tục sống

Anh thoát kiếp nô lệ, có tài sản và có cơ hội giác ngộ

Nhưng anh chưa sẵn sàng, anh vẫn còn bám chấp

Hỷ - Nộ - Ái - Ố

Anh nhận ra và rồi anh chết

Phàm nhân, đế vương như nhau cả

Chẳng mang theo được gì

Lại một kiếp sống nữa trôi qua

Thomas đã thấy nhưng chưa tin

Tin nhưng chưa áp dụng

Tập 3: Đức tin được áp dụng

Đức tin của con người ngày nay là gì?

Có gì quý giá hơn bạc tiền, danh vọng và quyền thế?

Có gì tốt đẹp hơn ăn ngon, mặc đẹp và nhan sắc mỹ miều?

Người với người, có còn tin nhau?

Họ sẽ tin ai? hay là tin vào AI (Artificial Intelligence)?

Chẳng bận tâm đến việc máy móc có trái tim

Hay không có trái tim

Công cụ tốt, biết phục tùng thì cứ vậy mà dùng

Dùng nó cho đến lúc nó dùng lại ta không nào không rõ

Thế giới ảo nuốt chửng thế giới thực

Theo cách mà lòng tham và nỗi sân hận, si mê nuốt chửng con người

Thomas lang thang trong các cõi

Tái sinh để học rồi lại tái sinh

Đời người ngắn nhưng vô minh thật dài

Muôn kiếp nhân sinh liệu khi nào thoát vô minh?

Đất thánh- nơi người ta chém giết nhau nhân danh Thượng Đế

Những vị “Thượng Đế” khác nhau đó hả hê khi thấy tín đồ gào thét nhân danh mình

Trốn trong tấm áo được nhuộm màu đức tin,

Nhưng vì sao màu của đức tin lại đỏ như máu?

Chỉ có một Thượng Đế duy nhất âu sầu,

Đó là vị Thượng Đế của tình thương và lương tâm bị nhân loại quên lãng

Khi chạy theo các vị “Thượng Đế” tham lam, tàn ác khác.

Hóa ra đức tin bên trong quan trọng hơn tất cả

Và cũng chỉ có duy nhất một Thượng Đế trong đời

Thiền với ham muốn thần thông,

các pháp tu kỳ bí hay tôn thờ những sức mạnh siêu việt nào đó

Được chạy quảng cáo màu mè và được bán với giá cao ngất ngưởng

Tự hạ giá rẻ nhân phẩm của chính mình

Chỉ khiến ta rời xa Thượng Đế bên trong hơn

Vì Thượng đế không màng đắt, rẻ

Ta gieo, ta gặt những gì thuộc về mình

Nhân quả cũng đừng đợi thấy mới tin,

Để dù lang thang ta cũng không bị lạc hướng

Thay cho lời kết

Bộ sách là nẻo về thiện lương,

Thấu suốt thì nên vận dụng

“Được ý, quên lời” vậy đã đủ.

Nhân quả đừng đợi thấy mới tin

Dù đời người một kiếp hay có chăng muôn kiếp.

Từ khóa: 

muôn kiếp nhân sinh

,

nguyên phong

,

sách