Rèn luyện kỹ năng Đọc hiểu (Reading skill) như thế nào?
Kỹ năng đọc hiểu là một trong những kỹ năng rất quan trọng mà ai cũng cần có trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Đặc biệt, đối với những người đang làm, hoặc có mong muốn làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, học thuật, việc rèn luyện kỹ năng này lại càng trở nên quan trọng.
Trong bài viết này, 2 phương pháp thông dụng giúp cải thiện kỹ năng đọc hiểu - skimming (tạm dịch: đọc lướt) và scanning (tạm dịch: đọc lấy dữ liệu) sẽ được đề cập và bàn luận.
Để biết được hai phương pháp này khác nhau như thế nào, và có thể được áp dụng và trau dồi như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nguồn: Difference Wiki
1/ Phương pháp Skimming (đọc lướt)
Phương pháp skimming/đọc lướt thường được áp dụng khi người đọc muốn nhanh chóng nắm bắt được ý chính của một đoạn văn, hoặc một bài viết, một bài nghiên cứu nào đó.
Thông thường, người đọc có thể thực hiện phương pháp skimming qua những cách sau:
- Đọc tiêu đề của bài viết, để nắm được bài viết sẽ xoay quanh chủ đề nào.
- Đọc những câu chủ đề trong các đoạn văn. Những câu chủ đề thường sẽ nằm ở đầu hoặc cuối câu. Nếu người viết khéo léo, họ thường sẽ biết cách làm nổi bật những câu chủ đề này, qua những cách như in nghiêng hoặc bôi đậm từ ngữ.
- Trong khi đọc, hãy cố gắng tự xác định những câu trả lời trong đoạn văn hoặc bài viết cho những câu hỏi như Ai-Cái gì-Khi nào-Ở đâu-Tại sao-Như thế nào (bộ câu hỏi who-what-when-where-why-how). Việc này cũng sẽ giúp người đọc nhanh chóng xác định được chủ đề của bài viết.
Nguồn: Real English Hanoi
- Lưu ý cho dù là đọc lướt, người đọc cũng nên nắm được ý chính của tất cả các đoạn văn trong bài viết, trảnh bỏ sót vì như vậy sẽ dẫn đến việc hiểu sai ý chính của toàn bộ bài viết.
- Chú ý tìm những từ ngữ liên kết như trước tiên (firstly), sau đó (next/secondly), cuối cùng (finally/lastly), bởi vì (because), nhưng (but), tuy nhiên (however), v.v...Những từ ngữ này sẽ giúp người đọc nhanh chóng nắm được bố cục của đoạn văn và bài viết. Việc nắm được bố cục cũng có thể giúp bạn phán đoán được nội dung của những phần có liên kết với nhau mà không cần phải đọc chúng.
2/ Phương pháp Scanning (đọc lấy dữ liệu)
Khác với skimming, phương pháp scanning/đọc lấy dữ liệu là phương pháp được áp dụng khi người đọc muốn nhanh chóng chắt lọc ra được những thông tin, dữ kiện và số liệu rất cụ thể trong đoạn văn hoặc các bài viết, bài nghiên cứu.
Người đọc có thể áp dụng phương pháp scanning qua những cách sau:
- Đọc và thuộc các từ khóa của bài viết trước khi bắt đầu đọc bài. Việc này sẽ giúp bạn tiếp cận được với những đoạn văn quan trọng trong bài viết ngay lập tức.
- Trước khi bắt đầu đọc bài viết, bạn cũng cần xác định trước rằng mình đang tìm kiếm những nội dung và thông tin cụ thể nào (ví dụ: một mốc thời gian cụ thể, một địa điểm cụ thể, một vấn đề/luận điểm cụ thể nào đó).
Nguồn: staff.ncl.ac.uk
- Bạn có thể sử dụng phương pháp scanning kết hợp với skimming: sau khi skimming, bạn đã nắm được ý chính của từng đoạn văn, việc tiếp theo bạn cần làm là đi sâu vào chi tiết trong những đoạn mà bạn nghĩ là có chứa thông tin mình đang tìm kiếm.
- Khi đọc lấy dữ liệu, bạn đọc cần chú ý những câu phức (những câu có chứa nhiều hơn 1 mệnh đề), vì cấu trúc phức tạp của chúng có thể khiến việc xử lý thông tin của bạn trở nên lẫn lộn.
- Khi đọc lấy dữ liệu, bạn chỉ nên đảo mắt lướt nhanh qua các chi tiết không quan trọng cho đến khi bạn tìm thấy được thông tin mà bạn cần.
Lời kết
Như vậy, cả 2 phương pháp skimming và scanning đều có những mục đích và cách thức sử dụng riêng biệt, nhưng đều có thể giúp bạn cải thiện cả chất lượng và tốc độ đọc hiểu. Nhiệm vụ của mỗi người chúng ta, đặc biệt là với những bạn có mong muốn làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, học thuật, là tích cực rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và nắm vững được cách sử dụng 2 phương pháp trên.
Nguồn:
Nhung Đinh
Tống Hồ Trà Linh