Ranh giới giữa khéo ăn khéo nói và thảo mai

  1. Kỹ năng mềm

Hẳn người chị có tên “Nguyệt thảo mai” trong bộ phim “Phía trước là bầu trời” khiến chúng ta ai nấy đều không khỏi ngỡ ngàng. Nếu đặt bà chị này vào cuộc sống của thế hệ 9X, 2000 thì chắc chắn ai cũng phải nể phục tài ăn nói khôn khéo cũng như khả năng làm chủ cuộc hội thoại của chị Nguyệt. Cũng từ đây, chị “Nguyệt thảo mai” đã vô tình làm giới trẻ nhầm lẫn giữa hai khái niệm “khéo ăn nói” và “thảo mai”.

Chắc hẳn là bạn và những người xung quanh đều vô cùng khó chịu với những người có cách nói chuyện quá xởi lởi, thánh thót và có chút “uốn lượn”, tất cả chúng ta đều quy thành một từ “thảo mai”. Thực tế thảo mai và khéo ăn nói đều giống nhau là dùng lời lẽ để chiếm được cảm tình của mọi người.

Chẳng biết “thảo mai” có từ bao giờ nhưng nhiều người cho rằng lần đầu tiên tính từ này xuất hiện là trong câu ca dao vô cùng sâu xa, thâm tuý:

“Thảo mai rao bán chỉ vàng

Vào đến giữa làng lại bán chỉ xanh”

Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, câu ca dao nói trên ám chỉ người kém trung thực, giả tạo ngay từ trong lời nói cho đến hành động. Thảo mai còn là từ dùng để miêu tả những người lòng dạ thay đổi. Đặc biệt khi mới quen biết, những người này thường được lòng đối phương, được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng. Tuy nhiên cùng với thời gian, bộ mặt thật của người thảo mai lại sớm bị lộ và để lại không mấy thiện cảm trong mắt người khác. Với người thảo mai, sự giả dối thường được thể hiện trong từng hành động, từng câu nói, cử chỉ. Bởi khi làm việc trái với lương tâm của mình, bất cứ ai cũng sẽ có chút ngại ngần, xấu hổ. 

Mấu chốt chính của vấn đề nằm ở 2 chữ: chân thành. Cùng là sử dụng tài ăn nói nhưng khéo ăn khéo nói luôn có sự chân thành, thật tâm trong mỗi cuộc hội thoại. Bạn có thể qua mặt những người nhẹ dạ, ít kinh nghiệm sống nhưng với những người từng trải, chỉ qua một vài câu nói, bản chất và tính cách của bạn sẽ phần nào được nhận định. Không phải ngẫu nhiên mà những việc bạn đặt cả trái tim vào làm luôn được mọi người công nhận và ghi dấu ấn, một câu nói chất chứa tấm lòng cũng sẽ đi vào lòng người hơn bất cứ lời lẽ hoa mỹ nào.

https://cdn.noron.vn/2022/06/10/835854827196991-1654848843.jpg

Vấn đề ở đây là ranh giới giữa khéo ăn khéo nói và thảo mai quá mong manh. Có những người nói chuyện thông minh nhưng người khác lại tưởng nhầm đó là thảo mai, vậy làm cách nào để người khác có thể hiểu được ý kiến của mình mà không bị hiểu nhầm? Đó là phải cân bằng giữa việc giao tiếp và lắng nghe. 

Không phải tự nhiên mà những người có tài ăn nói thường gặp thuận lợi hơn trong công việc, cuộc sống. Người biết ăn nói sẽ biết làm cách nào cho người nghe hiểu được ý của mình, nghe theo mình và tránh những xích mích không đáng có. Người biết ăn nói cũng biết được đâu là thời điểm tốt nhất để trao đổi, với từng con người, tình huống khác nhau thì cách giao tiếp cũng khác nhau.

Nếu bạn thử nghĩ thoáng hơn một chút, khéo léo không phải là “thảo mai”, giả dối. Khéo léo không biến bạn trở thành một người xấu xa. Việc biết lấy lòng một ai đó trong một hoàn cảnh hoặc một thời điểm nào đó không khiến bạn trở thành kẻ “tồi tệ”. Cần lắm những lời nói thẳng trong mỗi cuộc đối thoại, nhưng thẳng thắn không có nghĩa là bạn phải có bổn phận nói hết mọi thứ. Nói những điều cần nói và giấu đi những thứ không cần nói là một nghệ thuật.

Trong thời kỳ công nghệ số bùng nổ như hiện nay, nhiều người cho rằng giữa chúng ta đang ít có sự trao đổi, trò chuyện với nhau, vậy cần gì phải để ý đến việc cần khôn khéo khi nói chuyện với người khác trong khi ta đã có một phom mẫu soạn sẵn. Nhưng nếu ai cũng giống nhau thì lấy gì để định vị đó là bạn, lấy gì để so sánh và làm sao bạn có thể bật lên trên tất cả?

Ai cũng nói thế giới bây giờ đang được thu nhỏ lại và sự giao tiếp, hợp tác giữa con người sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong đó khả năng ăn nói của mỗi người sẽ có tác dụng then chốt. Một nhà triết học phương Tây đã từng nói: “Trên thế gian có một kĩ năng giúp con người thành công rất nhanh, được mọi người công nhận, đó chính là khả năng nói chuyện và giao tiếp”. Có biết cách giao tiếp khéo léo hay không sẽ quyết định sự thành bại của cuộc đối thoại, thậm chí là quyết định sự thành công của một con người.

Từ khóa: 

kheo_an_kheo_noi

,

thao_mai

,

kỹ năng mềm

Khéo ăn nói mà còn có tài nữa thì đúng như diều gặp gió luôn 

Trả lời

Khéo ăn nói mà còn có tài nữa thì đúng như diều gặp gió luôn 

Ngày xưa, tài khéo ăn khéo nói được coi là thiên bẩm tùy người, bây giờ thì chỉ cần chăm chỉ học các khóa về tâm lí con người, cách ăn cách nói thì có thể thành thạo được rồi 😗