Rằm tháng 7 và ngày lễ Vu-lan
Vào thời điểm bài viết này được đăng tải, chúng ta sắp bước vào ngày lễ Vu-lan báo hiếu rồi. Trong tháng 7 (âm lịch) cô hồn này, hãy dành thời gian nghĩ đến cha mẹ và những người thân của chúng ta nhé. Vu- lan là viết tắt của từ Vu-lan-bồn cách phiên âm ra tiếng Hán của từ Ullambana trong tiếng Phạn.
Tên gọi rằm tháng 7 âm lịch thật ra không đúng trong thuật ngữ thiên văn học, nhưng để dễ hiểu mình xin được viết là rằm tháng 7 âm lịch.
Rằm tháng 7 là ngày lễ lớn trong phật giáo nhưng cũng là ngày rằm quan trọng trong năm vì rằm tháng 7 trong văn hóa phương Đông là ngày tết Trung Nguyên bên cạnh tết Thượng Nguyên (tết Nguyên Tiêu) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng 10 âm lịch).
Theo truyền thống, Vu-lan là ngày ân xá cho các vong hồn không nha không cửa, không nơi nương tựa mà cụ Nguyễn Du đã đề cập trong tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh.
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não ngườI thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…
Vì lễ Vu-lan rơi vào đúng tiết xử thử nghĩa là mưa ngâu nên mới có mưa dầm sùi sụi và cảnh vật nhìn trông rất buồn vào khoảng thời gian này và trong cả những câu thơ của cụ Nguyễn Du.
Tuy chỉ đúng với vùng đồng bằng sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, nhưng hệ thống 24 tiết khí vẫn được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam cũng các quốc gia Á Đông khác.
Tác giả: Robert Nguyen