QUYỀN TRẺ EM
Thi thoảng tôi lại thấy báo đưa thông tin về hiện tượng trẻ em bị xâm hại và ngược đãi. Chuyện thứ nhất: người bác họ ép hai em gái quan hệ tình dục khi bố mẹ các em đi làm. Chuyện thứ hai: người mẹ kế hành hạ khiến em bị tổn thương về thể xác và tâm lí. Chuyện thứ ba: nghi vấn bé gái bị hàng xóm xâm hại. Chuyện thứ tư: cô giáo, người trông trẻ tát và dẫm lên người các em.
Đây là bốn trong số những câu chuyện mà tôi muốn nêu lên về tệ nạn xâm hại và bạo hành trẻ em hiện nay. Giới nghệ sĩ Hàn Quốc gần đây nhất có trào lưu “Meto” để lên án và loại trừ xàm sỡ và hiếp dâm trong ngành nghệ thuật giải trí. Những thông điệp về tránh kì thị, phân biệt đối xử, bạo hành cũng được phổ biến rộng rãi. Câu chuyện người lớn đang gặp phải. Chính các em cũng đang bị đe dọa. Hiện tượng mà các em đối diện là người lớn thuộc các đối tượng như người thân, hàng xóm, người quen của cha và mẹ, … có ý đồ xâm hại các em. Những bức xúc ấy đã được phụ huynh, những nhà hoạt động xã hội, cộng đồng lên án nhiều. Tôi xem chương trình “Hẹn hò” trên truyền hình, một thiếu nữ trong buổi hẹn, trên chuyến chèo thuyền lãng mạn đó có thổ lộ với người con trai việc mà cô cảm thấy khủng khiếp nhất từng gặp phải lúc nhỏ là bị người anh họ xâm hại tình dục. Nhiều ông bố bà mẹ không chấp nhận nổi việc con mình bị hàng xóm xâm hại. Nhiều câu chuyện người phụ nữ, các cô gái dám thổ lộ nhưng danh tính và gương mặt họ được giấu. Hay câu chuyện của người dẫn chương trình nổi tiếng Opa Winfrey, người dành được giải Cống hiến trọn đời năm 2017, cô từng là nạn nhân của vụ hiếp dâm.
Trẻ em bị hành hạ, nhục hình được phản ánh nhiều trong ngành giáo dục năm qua. Em bị cô giáo ép uống nước giẻ lau. Không chịu ăn bị cô trông trẻ, bảo mẫu đánh, cầm dao dọa, cô nuôi trẻ vừa cầm gáo nước vừa dội vừa dẫm lên ngang người các em. Mẹ đặt camera phát hiện em bé đang nằm thôi nôi bị người giúp việc bả vào mặt, dùng tay đánh túi bụi vào người em. Trước đó khá lâu, trường hợp em Hào Nam bị bạo hành thậm tệ khi làm thuê cho vợ chồng nhà chủ khiến dư luận xôn xao. Em đã được nhiều người quan tâm đưa vào trung tâm từ thiện nuôi dưỡng. Song, tiếp đó, báo chí đưa tin, em và mẹ xung khắc nặng nề. Hiện nay em Hào Nam như thế nào tôi không biết. Tôi chỉ thấy rằng, ta lên tiếng và ngăn chặn các hình thức tra tấn, hành hạ, ngược đãi các em là cần thiết. Nhưng điều quan trọng là chúng ta chuẩn bị con đường dài cho các em như thế nào. Em Hào Nam là một sự việc mà chúng ta cứ ngỡ em đã được an toàn mà chưa có sự quan tâm và theo dõi sát sao.
Trẻ em. Các em chưa có khả năng bảo vệ như người lớn. Các em còn cần sự giám hộ của cha mẹ. Chính vì vậy, các em thường là đối tượng dễ bị lợi dụng bởi những kẻ thiếu lương tâm. Khi phát hiện được sự việc, cần ở bên trẻ, bảo vệ các em, trình báo với cơ quan chức năng. Phải xử lý nghiêm minh với những kẻ thiếu tính người như thế. Để xử lý được, theo tôi cần có chế tài cụ thể về quyền trẻ em, quyền được chăm sóc bảo vệ, quyền được thể hiện trong xã hội. Tôi đồng ý việc không giao cho các em các chức danh như “chủ tịch’’ hoặc tương tự trong lớp học như một bài báo phản ánh. Nhưng các em có quyền lợi chính trị riêng. Các em có quyền lên tiếng.