Quyền tài phán tư pháp và quyết định của Chánh án Marshall

  1. Tin Tức

Tác giả: Lê Nguyễn Duy Hậu

Ngày nay, nếu bạn hỏi bất kỳ ai có nghiên cứu một chút về Hiến pháp Mỹ thì người đó có thể kể vanh vách cho bạn nghe rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ là một cơ quan rất quyền lực, có khả năng tuyên một đạo luật hay một hành vi của chính phủ là vi hiến. Họ sẽ giải thích với bạn rằng đó là điều hợp lý cho mô hình kiềm chế và đối trọng của Mỹ. Quốc hội kiềm chế tổng thống và tòa án bằng ngân sách, quy trình luận tội, và bằng việc ra luật. Tổng thống kiềm chế Quốc hội bằng quyền phủ quyết, kiềm chế tòa án bằng việc đề cử bổ nhiệm thẩm phán. Thế thì tòa án dứt khoát phải kiềm chế các bên bằng quyền xét xử và tuyên các đạo luật hay hành vi của Quốc hội hay tổng thống là vi hiến – tức là không còn giá trị áp dụng nữa. Chúng ta biết đến quyền này là quyền tài phán tư pháp (judicial review), xem xét lại tính hợp hiến của một đạo luật, một hành vi của tổng thống.

Nhưng, điều nào trong Hiến pháp nói như vậy, về quyền tài phán tư pháp? 

Điều bất ngờ đó là Hiến pháp hoàn toàn im lặng, không nói gì về quyền tài phán này của nhánh tư pháp Mỹ. Trái ngược với các biện pháp kiềm chế của tổng thống và Quốc hội vốn rất rõ ràng (Điều I khoản 7 nói về thể thức “phủ quyết” của tổng thống), quyền lực của nhánh tư pháp được nói rất chung chung, không rõ ràng để có thể xác quyết rằng nhánh này có quyền tài phán tư pháp hay không. 

Giáo sư Thayer trong tiểu luận nổi tiếng của mình về quyền tài phán tư pháp vào năm 1893 cho rằng nếu những người viết Hiến pháp thực sự cho rằng nhánh tư pháp nên có quyền tài phán tư pháp, hẳn họ đã phải ghi rất rõ ràng, minh định vào Hiến pháp như cách họ làm với hai nhánh hành pháp và lập pháp [1]. Như vậy, quyền tài phán tư pháp không phải là một quyền được ghi nhận rõ trong Hiến pháp Mỹ, mà là một quyền được tòa án thu nhận (assert) trên nền tảng giải thích hiến pháp và hệ thống chính quyền Hoa Kỳ.

Nếu tìm hiểu kĩ hơn, đây là điều không sai. Những sinh viên luật Hoa Kỳ sẽ rất nhanh chóng nói với bạn rằng nguồn gốc của quyền tài phán tư pháp là từ phán quyết của vụ án Marbury v. Madison năm 1803. Trong phán quyết được Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là John Marshall chắp bút, nhánh tư pháp đã cho rằng họ “có một địa phận và nghĩa vụ rõ ràng là xác định đâu mới là luật” và “nếu hai đạo luật trái ngược nhau thì tòa án phải xác định giá trị áp dụng của hai đạo luật” và rằng “hiến pháp thì cao hơn luật thông thường của nhánh lập pháp và do đó hiến pháp phải được áp dụng ưu tiên”. Như vậy là rõ, sau phán quyết Marbury, nhánh tư pháp chính thức có được quyền tài phán tư pháp một cách rõ ràng, minh định, mở đường cho việc hình thành một tòa án mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay.

Nhưng nếu câu chuyện chỉ được kể như vậy, chúng ta sẽ không học được gì ngoài một thứ rất bề mặt là ở Mỹ, tư pháp có quyền tài phán tư pháp và nó được hình thành qua một bản án. Nhưng rồi liệu rằng một hệ thống tương tự được áp dụng ở Việt Nam hay ở một quốc gia khác sẽ cho ra kết quả tương tự hay không? Nước Nga không có một tòa án tối cao mạnh mẽ như vậy, nhưng Hiến pháp dân chủ năm 1990 đã cố gắng tạo ra một tòa án hiến pháp có quyền hạn mạnh tương tự Tối cao Pháp viện Mỹ. Nhưng tại sao chỉ ba năm sau, tòa án này bị Boris Yeltsin đình chỉ sau khủng hoảng hiến pháp năm 1993 và rồi dần dần trở thành con bài của các đời tổng thống Nga? Vì sao nước Nga của năm 1990 thất bại, dù họ có trong tay rất nhiều bài học và niềm cảm hứng từ khắp nơi trên thế giới, còn nước Mỹ năm 1803 lại thành công cho dù thời điểm đó họ có quá ít tiền lệ để xem xét?

Đó sẽ là những câu hỏi nghiên cứu sâu sắc hơn để chúng ta thực sự hiểu điều gì đã xảy ra và nhờ đâu những lời nói của Marshall lại trở thành một thứ kinh điển của Hiến pháp và lịch sử Hoa Kỳ như vậy.

Hội trường Độc lập, Philadelphia nơi Hiến pháp Mỹ được soạn ra năm 1787. Ảnh: Thinkstock.

Hội trường Độc lập, Philadelphia, nơi Hiến pháp Mỹ được soạn ra năm 1787. Ảnh: Thinkstock.

Một điều những người nghiên cứu Hiến pháp Hoa Kỳ ở Việt Nam thường lãng quên đó là lịch sử văn hoá và sự ảnh hưởng của hệ thống Anh Quốc đối với hệ thống Hoa Kỳ. 

Cuộc cách mạng 1776 của Hoa Kỳ không chấm dứt hoàn toàn tầm ảnh hưởng của nhà vua Anh với cựu thuộc địa. Lý do rất đơn giản đó là vì có lẽ những người dân thuộc địa châu Mỹ không chiến đấu giành độc lập vì một lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc như kiểu châu Á mà chúng ta hay biết. Họ giành độc lập không vì lòng tự tôn giống nòi như người Hàn Quốc, hay để phát triển văn hoá bản địa như người Malaysia, càng không vì lịch sử hào hùng ngàn năm như người Việt Nam. Người Mỹ giành độc lập vì họ tin rằng nền độc lập cho họ quyền tự quyết, và quyền tự quyết đem đến cho họ hạnh phúc và tự do về sau. Nước Mỹ không phải là tổ quốc của người thuộc địa, mà là vùng đất của cơ hội được tự định đoạt tương lai của mình. Chính vì thế, dù đánh đuổi người Anh, nước Mỹ nhanh chóng nối lại mối quan hệ với Anh và lưu giữ toàn bộ các truyền thống văn hoá, chính trị, và pháp lý của Anh Quốc. 

Hệ thống thông luật Mỹ vẫn sử dụng án lệ của Anh trong suốt thời gian đầu trước khi nó đủ dày dặn để tự đứng vững, và tổ chức bộ máy chính quyền ở các bang Mỹ thời kỳ đầu cũng rất giống với hệ thống nước Anh từng áp đặt tại các thuộc địa. Do đó, một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà người Mỹ phải đối mặt khi giành được độc lập đó là chủ quyền thuộc về ai? Trước đây, rõ ràng đối với người dân thuộc địa, chủ quyền thuộc về nhà vua nước Anh. Còn bây giờ, khi vua nước Anh không còn, chủ quyền phải được thay thế bằng một thực thể khác gọi là Quốc dân (the Peoples).

Khi nói đến chủ quyền, chúng ta thường nói đến quyền làm chủ đối với một đất nước, nhưng nó còn bao gồm cả ý nghĩa về quyền làm ra luật, quyền điều hành, và quyền xác định đâu mới là công lý ở một quốc gia, một lãnh thổ. Những vụ án khó khăn ngày xưa được người Mỹ đưa lên cho đại diện của nhà vua nước Anh là Hội đồng Cơ mật (Privy Council) giải quyết, tương tự như cách nhiều quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung, xem nữ hoàng Anh là người có chủ quyền ở đất nước họ, vẫn đang làm. Sau khi giành được độc lập, Hội đồng Cơ Mật phải được thay thế bằng một bộ máy khác đại diện cho Quốc dân. Đây cũng là một trong những câu hỏi mấu chốt dẫn đến sự hình thành của hai khuynh hướng chính trị thời bấy giờ là phe Dân chủ – Cộng hòa và phe Liên bang (Federalist).

Đối với phe Dân chủ – Cộng hòa mà đứng đầu là Thomas Jefferson – tác giả của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, câu trả lời khá hiển nhiên: Đó phải là nghị viện, hay cơ quan lập pháp, vốn là cơ quan gần gũi với người dân nhất, và đặc biệt là do dân bầu ra. Đối với Jefferson, hiến pháp khác với các đạo luật khác, vốn là một thỏa thuận giữa nhà cầm quyền và người dân. Hiến pháp theo cách hiểu của Jefferson không do nhà cầm quyền tạo ra mà do chính người dân tạo ra để kiềm chế nhà cầm quyền. Do đó, chỉ có người dân hoặc một cơ quan dân cử là có quyền giải thích bản hiến pháp. Tòa án vì vậy không phải là cơ quan có quyền được nói một đạo luật là vi hiến. Quốc hội, theo Jefferson, khi ra luật đã xem xét đến tính hợp hiến của nó rồi, và tòa án vì vậy không được phép lạm quyền của Quốc hội.

Hai tổng thống Mỹ John Adams (1797 - 1801) và Thomas Jefferson (1801 - 1809). Ảnh: history.com.

Hai tổng thống Mỹ John Adams (1797 – 1801) và Thomas Jefferson (1801 – 1809). Ảnh: history.com.

Ngược lại với Jefferson, những người Liên bang mà đại diện là James Madison, Alexander Hamilton, và John Adams thì cho rằng đại diện cho Quốc dân phải là một chính quyền liên bang nói chung, chứ không phải chỉ riêng quốc hội. Theo đó, chủ quyền được chính quyền liên bang đại diện và chia làm ba cho quốc hội, tổng thống, và tòa án nắm giữ theo như những gì Hiến pháp đã nói. Đối với họ, hiến pháp cũng giống như một đạo luật thông thường khác do chính quyền tạo ra và do đó, chính quyền có quyền giải thích nó. Thế nhưng, tuy cách lập luận có phần khác với những người Dân chủ – Cộng hòa, những người Liên bang cũng đồng ý rằng tòa án không nên quá tích cực trong việc tuyên một đạo luật là vi hiến. Lý do họ đưa ra đó là nhằm đảm bảo quyền lập pháp của quốc hội không bị ảnh hưởng vì sự lạm quyền của tòa án.

Trong bối cảnh chính trị phức tạp như vậy, khó có thể nói quyền tài phán tư pháp là một chuyện đương nhiên, chỉ cần lấy từ trong túi, hay chỉ cần viết từ trong hiến pháp ra.

Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng quyền tài phán tư pháp đã trở thành một chủ đề nóng sốt và được phổ biến rộng rãi vào thời bấy giờ thông qua các bản án ở cấp độ tiểu bang. Do đó, kết quả của vụ Marbury không có gì là đáng ngạc nhiên [2]. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu cách suy nghĩ của người Mỹ tại các tiểu bang mà đại diện tiêu biểu là những người theo khuynh hướng Dân chủ – Cộng hòa (kỳ thực, những người Liên bang không quá chú trọng vào hiến pháp các tiểu bang), ta có thể dễ hiểu vì sao hiến pháp các bang ở Hoa Kỳ cũng không nói gì về quyền tài phán tư pháp. Hiến pháp bang Virginia còn quy định rành rành rằng nhánh tư pháp không được can thiệp vào việc điều hành của thống đốc và việc lập pháp của Nghị viện. Vì thế, tuy có thể giới luật gia Hoa Kỳ thời điểm đó có tin rằng tòa án nên có quyền tài phán tư pháp, nó cũng khó mà trở thành một điều được cả hệ thống chính trị Hoa Kỳ chấp nhận.

Vậy thì, điều gì đã xảy ra vào năm 1801, thời điểm Marbury khởi kiện Madison? Đúng vậy, đó chính là James Madison mà chúng ta nhắc ở trên, người sẽ trở thành tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, người đã rất tích cực trong việc soạn thảo và phổ biến Hiến pháp Mỹ, và là người sẽ chỉ đóng vai phụ trong vụ án Marbury dù rằng tên ông gắn liền với vụ án.

Nhìn nhận bằng cặp mắt ngày nay, vụ án Marbury là một vụ án hết sức… buồn cười. Nó là kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 1800. Trong cuộc bầu cử năm ấy, tổng thống đương nhiệm là John Adams (tức tổng thống thứ hai của Mỹ) đã thất cử trước Thomas Jefferson, kẻ thù tư tưởng của chính Adams. Cuộc bầu cử tổng thống kết thúc vào tháng 11 năm trước, nhưng phải đến tháng Một năm sau thì vị tân tổng thống mới nhậm chức. Như vậy, khoảng thời gian ba tháng đó là cơ hội cho một cuộc chuyển giao êm đềm hoặc một cuộc đấu tranh, cài cắm của chính quyền trước với chính quyền mới. 

Trong chỉ ba tháng đó, John Adams đã làm rất nhiều chuyện. Ông bổ nhiệm ngoại trưởng của mình lúc bấy giờ là John Marshall (đúng, chính là Chánh án John Marshall của vụ án Marbury) lên ngồi ghế Chánh án Tối cao Pháp viện. Ông cũng đã bổ nhiệm gần như toàn bộ các ghế trống của nhánh tư pháp Hoa Kỳ chỉ trong vòng 19 ngày sau khi Đạo luật Tư pháp 1801 được thông qua. Lịch sử gọi những thẩm phán này là “Thẩm phán Nửa đêm” (Midnight Judges), ám chỉ việc sáng thức dậy họ đã thành thẩm phán bằng quyết định của John Adams.

William Marbury. Tranh của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nguồn: historynet.com.

William Marbury. Tranh của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nguồn: historynet.com.

William Marbury là một thẩm phán nửa đêm như vậy. Là một nhà buôn ở bang Maryland, Marbury nhận chức “thẩm phán gìn giữ trật tự” (justice of the peace) như một phần thưởng chính trị mà John Adams dành cho sự ủng hộ của ông. Chức vụ thẩm phán gìn giữ trật tự là một chức vụ rất bé nhỏ, không khác gì vai trò của các cán bộ tư pháp quận Việt Nam ngày nay, vốn chỉ lo giấy tờ tư pháp, đăng ký kết hôn, hoà giải xung đột. 

Quy trình bổ nhiệm của chức vụ này cũng rất kì lạ với cặp mắt hiện đại. Theo Đạo luật Tư pháp 1801, tổng thống sau khi bổ nhiệm sẽ lệnh cho… ngoại trưởng Mỹ làm hai việc: (1) ký một trát bổ nhiệm thẩm phán, và (2) giao trát đó cho người được bổ nhiệm. Với trát trong tay, Marbury có thể nhậm chức. John Marshall với tư cách là ngoại trưởng đã ký vào trát bổ nhiệm Marbury nhưng ông đã rời nhiệm sở mà không giao trát này cho Marbury, cũng như cho nhiều thẩm phán khác. Kết quả, khi Jefferson nhậm chức, ông bổ nhiệm James Madison làm ngoại trưởng và Madison từ chối giao các trát bổ nhiệm cho những thẩm phán mà Adams bổ nhiệm. Như vậy là kế hoạch của Adams đã thất bại phần nào vì sự bất cẩn của John Marshall.

Phần lớn mọi người sẽ từ bỏ một chức vụ quá bé như “thẩm phán gìn giữ hòa bình”, nhưng Marbury thì không. Không rõ có phải được thôi thúc bởi việc muốn trả đũa chính trị không mà Marbury chọn việc khởi kiện Madison để đòi trát bổ nhiệm đó. Theo Đạo luật Tư pháp 1801, Marbury có quyền khởi kiện lên tận Tối cao Pháp viện (mà không phải thông qua hệ thống tòa cấp dưới), nơi John Marshall đang ngồi ghế chánh án. Marbury nghĩ chắc chắn ông sẽ thắng vì làm sao có chuyện John Marshall phản đối lại chính hành vi của ông? Những luật gia thời nay thì nhướn mày vì ai cũng hiểu rằng Tối cao Pháp viện không bao giờ có thẩm quyền xử án sơ thẩm cả và vụ kiện của Marbury có thể xem là trái thẩm quyền, khiếu kiện vượt cấp.

Nhưng đó là năm 1801. John Marshall thụ lý một vụ án tưởng như đơn giản nhưng trong lòng có lẽ lại rất đắn đo.

Khi thụ lý vụ án, John Marshall không vội đưa ra phán quyết mà ông đã phải suy nghĩ những bước đi chính trị rất kỹ. Suy cho cùng, thẩm phán thì cũng là một nhà chính trị mà vũ khí của họ là ngôn ngữ pháp lý. Marshall thấy rằng mình có hai lựa chọn. 

Xử cho Marbury thắng và yêu cầu Madison đưa trát bổ nhiệm cho Marbury. Nhưng liệu đây có phải là một giải pháp khôn ngoan hay không? Nếu Madison biết tôn trọng pháp luật, ông ấy đã không bất chấp tất cả để giữ trát khư khư mà không trao cho Marbury. Madison thừa hiểu rằng Marshall sẽ không có cách nào thi hành được phán quyết của ông ấy khi không có sự hợp tác của chính Madison và Jefferson. Suy cho cùng, cũng như Alexander Hamilton đã viết trong Bài số 78 của Federalist: “Tòa án chẳng có ảnh hưởng gì lên thanh gươm hoặc túi tiền, lên QUYỀN LỰC hoặc Ý CHÍ, mà chỉ đơn thuần có trong tay những phán quyết” (“no influence over either the sword or the purse,… neither FORCE nor WILL, but merely judgment.”) Phán quyết và sự tâm phục khẩu phục của các nhánh quyền lực khác là con đường duy nhất để thẩm phán thực sự có quyền lực. Cho dù Hiến pháp có nói rằng anh có độc lập, thẩm phán có quyền này, quyền kia, nhưng phán quyết không được tôn trọng thì quyền lực đó chỉ là hư vô. Đó là điều đã xảy ra tại Nga năm 1993 khi Boris Yeltsin đơn giản là cho xe tank bắn vào Tòa án Hiến pháp sau khi có một bản án bất lợi cho ông. Marshall chắc chắn không muốn điều đó xảy ra, vì nó sẽ tạo một tiền lệ xấu cho chính tòa án của ông và những phán quyết về sau của ông sẽ không còn giá trị nữa. Một tòa án mà phán quyết không được thi hành là một tòa án chết.

Nhưng lựa chọn cho Madison thắng cũng không tốt hơn cho Marshall chút nào, thậm chí có thể là một nỗi xấu hổ cho Marshall. Làm như vậy tức là John Marshall nói rằng trát bổ nhiệm do chính tay ông ký không hề có một giá trị gì. Nó vừa là một thất bại chính trị cho Adams, vừa là một thất bại cho cá nhân bản thân Marshall.

Đứng trước thế lưỡng nan đó, Marshall đã phải kéo dài một vụ án tưởng như có thể giải quyết rất nhanh.

Bức tượng Chánh án John Marshall tại tòa nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ở Washington DC. Ảnh: tripsavvy.com.

Bức tượng Chánh án John Marshall tại tòa nhà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ở Washington DC. Ảnh: tripsavvy.com.

Giải pháp mà Marshall đưa ra, và nó tạo nền móng cho quyền tài phán tư pháp về sau ở nước Mỹ, đó chính là việc một mặt nói rằng Madison sai khi không giao trát bổ nhiệm cho Marbury, một mặt lại nói Marbury đã sai khi đi kiện lên tận Tối cao Pháp viện thay vì kiện ở các tòa cấp dưới trước. Làm như vậy, Marshall vừa có thể “dạy cho chính quyền Jefferson một bài học” mà vẫn không tạo ra một kết quả khiến cho chính quyền Jefferson có thể từ chối thi hành được. Làm sao có thể từ chối thi hành một phán quyết mà mình thắng kiện. Đây có lẽ là một giải pháp chính trị thông minh.

Nhưng đó lại là một lãnh địa cực kì nguy hiểm. Nói rằng Madison sai khi không trao trát bổ nhiệm cho Marbury là việc rất dễ vì Đạo luật Tư pháp 1801 ghi rất rõ đó là nghĩa vụ của ngoại trưởng Mỹ. Nhưng nói rằng Marbury không được kiện ở Tối cao Pháp viện lại không dễ vì nó đòi hỏi Marshall phải tuyên rằng quy định đó của Đạo luật Tư pháp 1801 là vi phạm Hiến pháp. 

Đây là điều không chỉ khó mà còn nguy hiểm cho bản thân Marshall. Không phải là trước Marbury chưa hề có tiền lệ nào cho việc một tòa án ở Mỹ xem xét tính hợp hiến của một đạo luật, nhưng kết quả thường… không tốt lắm cho tòa án. Có thể kể đến như án lệ Trevett v. Weeden năm 1786 của Tòa án Tối cao bang Rhode Island khi toà bang này tuyên một đạo luật về tiền giấy ở đây là vi hiến và xử cho một công dân ở bang thắng kiện chính quyền bang. Hồi sau của vụ kiện đó là các thẩm phán của tòa bị nghị viện bang này khiển trách và gần như toàn bộ họ không được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ nào nữa. 

Tuy rằng bản thân Marshall là thẩm phán trọn đời theo Hiến pháp nhưng bài học từ Trevett cũng khiến ông phải suy nghĩ lại. Ngay cả Tối cao Pháp viện Mỹ mới mấy năm trước khi phân xử vụ Hylton v. United States (1796) tuy rằng cũng đã thử xem xét tính hợp hiến của một đạo luật nhưng cuối cùng vẫn phải tuyên rằng đạo luật là hợp hiến đó sao? Thái độ thù địch của chính quyền các bang đối với ý tưởng tòa án làm bẽ mặt chính quyền bằng việc xử họ thua và tuyên đạo luật vi hiến sẽ còn kéo dài đến nhiều năm sau Marbury, khi ví dụ như bang Ohio thường vẫn luận tội các thẩm phán dám tuyên bản án của nghị viện bang này là vi hiến.

Có lẽ Marshall đã lấy được cảm hứng từ một án lệ tại North Carolina là vụ Bayard v. Singleton (1787). Trong Bayard, tuy Tòa án Tối cao North Carolina tuyên một đạo luật của nghị viện là vi hiến, nhưng kết quả của vụ kiện vẫn là chiến thắng cho chính quyền bang. Nhưng câu hỏi tiếp theo đó là, nếu tuyên rằng Madison sai nhưng Marbury cũng sai vì kiện nhầm tòa, Marbury hoàn toàn có thể bắt đầu lại vụ kiện bằng cách kiện lại ở tòa cấp dưới và sớm muộn gì Marshall cũng phải xử lại vụ án này một lần nữa. Lúc đó chẳng phải là kịch bản cũ, thế lưỡng nan cũ lại diễn ra?

Lúc này, có lẽ Marshall đã vận dụng đến chiêu bài cuối cùng để làm sao cho Marbury không kiện nữa: câu giờ. Marshall chờ đến tận hai năm kể từ ngày Marbury khởi kiện để đem vụ án ra xét xử. Trong một động thái vô tình khác, Jefferson vì muốn trả đũa việc Adams đã bổ nhiệm vô tội vạ thẩm phán nên cũng đã quyết định tạm dừng hoạt động của Tối cao Pháp viện trong năm 1802. Vậy là động thái của Jefferson càng tạo cớ cho Marshall trì hoãn việc đưa vụ án ra xét xử. Đây có thể coi là một canh bạc của Marshall. Nếu Marbury vẫn kiên quyết theo đuổi vụ kiện từ đầu, có lẽ Marshall sẽ lại dính vào một thế tiến thoái lưỡng nan khác. Nhưng hai năm là quá dài và quá đủ cho Marbury và ông không muốn tốn thêm thời gian vào một vụ kiện dài lê thê cho một chức vụ chẳng có mấy ý nghĩa nữa. Chính vì thế, sau khi nhận được một bản án nói rằng mình đúng nhưng kiện sai chỗ, Marbury đã từ bỏ theo đuổi vụ kiện. Vậy là mục đích của Marshall đã đạt được, giờ là lúc nhìn xem Jefferson phản ứng như thế nào.

Với Jefferson, họ không có cách nào khác là ngồi im và không phản đối bản án của Marshall. Marshall đã có một cơ hội bằng vàng để “rao giảng” cho toàn nước Mỹ, đặc biệt là chính quyền của Jefferson rằng chỉ có Tối cao Pháp viện mới có quyền được giải thích Hiến pháp, và nếu luật và hành động của các anh là vi phạm Hiến pháp, toà sẽ thẳng tay xé đạo luật đó. Và thực tế, Marshall đã xé một đạo luật của Quốc hội mà chính quyền Jefferson không thể làm gì được, vì chẳng phải chính nhờ lời tuyên bố đó mà Madison đã “thắng kiện” ư? Vậy là sự im lặng của Jefferson với bản án Marbury đã được xem như một lời thừa nhận quyền tài phán tư pháp lần đầu tiên được Tối cao Pháp viện nhận về mình. Sẽ phải 16 năm sau đó, khi vị trí của Tối cao Pháp viện đã chắc chắn trong chính trường nước Mỹ, khi một thế hệ luật sư mới đã quen với khái niệm tài phán tư pháp mà Marshall “thiết lập”, và khi việc chống lại phán quyết của tòa án chứa đựng rủi ro pháp lý quá cao cho các tổng thống, thì Marshall mới lại một lần nữa tuyên bố chắc nịch rằng chỉ có tòa án mới là “người giải thích Hiến pháp tối cao” (supreme interpreter) trong vụ McCulloch v. Maryland, được xem là án lệ nổi tiếng nhất về quyền hạn của Quốc hội liên bang và mối quan hệ giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang.

Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác. Hơn một trăm năm sau nữa, tòa án Mỹ mới lại có được vị trí như bây giờ, thông qua những cuộc đấu tranh, thỏa hiệp, và quyết định chính trị của các bên.

(Còn nữa)

Từ khóa: 

tối cao pháp viện hoa kỳ

,

tin tức

Bạn ơi ảnh trong bài viết bị lỗi nên không xem được.

Trả lời

Bạn ơi ảnh trong bài viết bị lỗi nên không xem được.