Quy định của bộ luật Hồng Đức (triều Hậu Lê), bộ luật Gia Long (triều Nguyễn) và bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Nhận hối lộ".

  1. Lịch sử

Trong một vụ việc hối lộ thì luôn có 2 chủ thể (người đưa hối lộ và người nhận hối lộ), và có thể xuất hiện thêm chủ thể thứ 3 là người môi giới hối lộ. Cả 3 hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ đều là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)[1]; nhưng xét trên mặt chủ thể thì giữa 3 tội danh này có sự phân biệt.

Tuy nhiên, trong bài viết này thì mình chỉ muốn đề cập đến những quy định của PL hiện hành cũng như của các bộ cổ luật Việt Nam về tội danh nhận hối lộ. Vì chủ thể của hành vi nhận hối lộ phải là chủ thể đặc biệt, là quan lại (theo ngôn ngữ lập pháp cổ) hoặc người có chức vụ, quyền hạn (theo ngôn ngữ lập pháp hiện đại). Và cũng bởi chế tài hình sự dành cho người phạm tội nhận hối lộ là nặng nhất.

1. Quy định của PL hiện hành về tội nhận hối lộ.

Theo điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì một trong những tình tiết tăng nặng định khung của tội danh này là giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người phạm tội đã nhận hối lộ.

Xét về hình phạt chính, sẽ có 4 khung hình phạt đối với người phạm tội này. Khung hình phạt nhẹ nhất nằm ở khoản 1 điều 354 (cụ thể là điểm a), người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 02 đến 07 năm tù trong trường hợp giá trị tài sản nhận hối lộ từ 2 đến 100 triệu đồng[2]; khung hình phạt nặng nhất nằm ở khoản 4 điều 354 (cụ thể là điểm a), người phạm tội sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp giá trị tài sản nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên[3].

Xét về hình phạt bổ sung, theo khoản 5 điều 354 thì người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản[4].

Tuy nhiên, theo điểm c khoản 3 điều 40 thì người phạm tội bị kết án tử hình về tội này mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án tử hình[5]; theo khoản 4 điều 40 thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân[6].

2. Quy định của cổ luật Việt Nam về tội nhận hối lộ.

Xét trên phương diện chủ thể, các bộ cổ luật Việt Nam đều có sự phân chia giữa các chủ thể phạm tội này. Bộ luật Hồng Đức phân chia dựa vào việc người phạm tội có là công thần, quý thần cùng những người có tài được dự vào hạng bát nghị hay không?[7], còn bộ luật Gia Long phân chia dựa vào việc người phạm tội có mức lương hằng tháng từ 1 thạch trở lên hay không đầy 1 thạch?[8].

Nhưng thế nào là 1 thạch? 1 thạch = ½ hộc mà 1 hộc = 26 thưng[9] nên 1 thạch = 13 thưng = 1 phương[10]. Theo đó, người không có lộc thì sẽ có mức lương hằng năm là dưới 12 phương gạo; đối tượng này bao gồm các lại viên không được tiền công hoặc bổng một năm không đến 12 phương gạo. Còn đối với quan, thì phẩm trật bét nhất (Tòng Cửu phẩm) cũng có mức lương hằng năm là 16 phương gạo[11].

Theo điều 138 bộ luật Hồng ĐứcQuan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 quan đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém. Những bậc công thần quý thần cùng những người có tài được dự vào hạng bát nghị mà ăn hối lộ từ 1 quan trở lên đến 9 quan thì xử phạt tiền 50 quan, từ 10 quan đến 19 quan thì phạt tiền từ 60 đến 100 quan, từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ, những tiền hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho”[12].

Trong bộ luật Gia Long, nhà làm luật không chỉ chia chủ thể của hành vi phạm tội thành 2 loại (căn cứ vào mức lương hằng tháng của chủ thể) mà còn chia hành vi phạm tội thành 2 loại (căn cứ vào người phạm tội nhận tiền của người khác thì có làm sai pháp luật hay không?).

Cụ thể, nếu quan lại nhân có việc mà nhận tiền của người lại không theo đúng bản pháp, xử không đúng với pháp luật thì gọi là nhận hối lộ uổng pháp. Cách tính tang vật định tội cho hành vi này là tính tang luận tội, tức là tính hết tất cả rồi cộng lại mà định tội[13]. Theo đó, mức hình phạt nhẹ nhất dành cho người phạm tội nhận hối lộ uổng pháp là phạt 70 trượng (giá trị tang vật định tội từ 1 lạng trở xuống)[14]; mức hình phạt cao nhất dành cho người phạm tội nhận hối lộ uổng pháp là xử giảo giam hậu (giá trị tang vật định tội đối với người có lộc là 80 lạng, đối với người không có lộc là 120 lạng)[15].

Trường hợp quan lại có nhận tiền của người khác nhưng theo đúng bản pháp xét xử công bằng thì gọi là nhận hối lộ bất uổng pháp[16]. Cách tính tang vật định tội trong trường hợp này là chiết bán khoa tội, tức là tính hết tất cả rồi chiết lấy một nửa mà định tội[17]. Theo đó, mức hình phạt nhẹ nhất dành cho người phạm tội nhận hối lộ bất uổng pháp là phạt 60 trượng (giá trị tang vật định tội từ 1 lạng trở xuống)[18]; mức hình phạt cao nhất dành cho người phạm tội nhận hối lộ bất uổng pháp là xử giảo giam hậu (đối với người có lộc, giá trị tang vật định tội từ 120 lạng trở lên) hoặc phạt 100 trượng & đày xa 3.000 dặm (đối với người không có lộc, giá trị tang vật định tội từ 120 lạng trở lên)[19].

Sự khác biệt giữa uổng pháp và bất uổng pháp còn nằm ở chỗ: Đối với nhận hối lộ uổng pháp thì “Nếu có một chủ phát giác mà đã luận tội rồi thì cũng tính gộp cả cái phát giác sau mà tính tội”[20], đối với nhận hối lộ bất uổng pháp thì “Nếu việc nhận hối lộ bị phát giác từ trước, sau lại bị phát giác thêm tội nữa, tội có nhẹ hơn hoặc bằng như vậy cũng đều không tính thêm nữa”[21].

Theo Hoàng Việt luật lệ, quyển XVII (điều 1, chương IX): "Phàm đã nhận tang vật, nếu là quan lại bị truy thu các bằng sắc đã nhận lãnh, bỏ chức danh trong quan tịch; nếu là lại dịch thì bị bãi chức dịch đang làm, đều không được tiếp tục sử dụng"[22].

Nguồn:

1. Viện Sử học (dịch), Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), NXB Tư pháp, 2013.

2. Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009.

3. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017.

4. Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005.

[1] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017, tr. 435 – 437, tr. 447 – 448, tr. 449 – 450.

[2] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017, tr. 435.

[3] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017, tr. 436.

[4] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017, tr. 437.

[5] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017, tr. 29.

[6] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Lao động, 2017, tr. 29.

[7] Viện Sử học (dịch), Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), NXB Tư pháp, 2013, tr. 89.

[8] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 834, tr. 835.

[9] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 391.

[10] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 391.

[11] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 441.

[12] Viện Sử học (dịch), Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), NXB Tư pháp, 2013, tr. 89.

[13] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 835.

[14] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 201.

[15] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 201.

[16] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 835.

[17] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 836.

[18] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 202.

[19] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 202.

[20] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 835.

[21] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 836.

[22] Viện Sử học (dịch), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 834.

Từ khóa: 

pháp luật

,

triều nguyễn

,

hậu lê

,

luật hình sự

,

nhận hối lộ

,

lịch sử