Quang Trung và những phần nổi, phần chìm
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.”
Chắc đến đây mọi người đều sẽ rõ nhân vật này là ai; Quang Trung - một anh hùng tộc, một vị vua chống ngoại xâm của nước Việt. Trước đây trong các bài viết, tôi chỉ thường đề cập đến những khía cạnh còn bỏ ngỏ về họ; nhưng hôm nay tôi sẽ nói về ông cả về phần nổi lẫn phần chìm.
Hai mươi lăm tuổi được phong Long Nhương tướng quân và từ đó lập không ít chiến công cho triều đại của mình: đánh Gia Định dẹp dư đảng chúa Nguyễn, đánh tan quân Xiêm sang giúp đỡ Nguyễn Vương Ánh, tấn công Phú Xuân rồi ra Bắc yên họ Trịnh phù vua Lê, cuối cùng là đại phá ba vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị. Những trận đánh ấy, những công tích ấy hậu thế mãi mãi ghi nhớ khi nhắc đến ông.
Sau khi đồng ý giúp đỡ Nguyễn Vương và đưa quân sang dưới sự chỉ huy của tướng Châu Văn Tiếp, có thể nói đất Nam Bộ đã có những ngày kinh hoàng trong cảnh cướp bóc nhất là sau khi Châu Văn Tiếp tử trận; đây cũng là một sai lầm của Nguyễn Ánh. Cũng vào lúc ấy, vị tướng quân trẻ tuổi Nguyễn Huệ dẫn quân mã vào Mỹ Tho và trận địa mai phục nơi Rạch Gầm - Xoài Mút với kết quả chắc chúng ta đã rõ: “ quân Xiêm từ đó tuy bề ngoài nói khoác nhưng trong bụng sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp.”
Hạ thành Phú Xuân và ra Bắc dẹp họ Trịnh, cái ranh giới hai Đàng chia cắt Đại Việt kéo dài hơn hai trăm năm từ đây biến mất. Và cũng sau sự kiện ấy, mối duyên vợ chồng giữa em vua Tây Sơn và công chúa nước Nam bắt đầu. Có vài khía cạnh về chuyện tình này mà tôi muốn nói với các bạn; đó là sau khi trả lại đất nước cho vua Lê, Nguyễn Huệ vốn không bằng lòng tước Uy Quốc Công mà thứ ông muốn là cái khác cao hơn và Ngọc Hân công chúa cũng như đất Nghệ An là một hình thức ban thưởng và đền bù cho tướng Tây Sơn.
Cuối năm Mậu Thân (1788); ba vạn quân Thanh dưới quyền Tôn Sĩ Nghị đem theo giấc mộng Thập đại võ công của vua Càn Long tiến vào Đại Việt với danh nghĩa” Hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong”. Và người anh hùng ấy lại xuất hiện; không còn là Long Nhương tướng quân hay Bắc Bình Vương, mà dưới cái tên Quang Trung Hoàng Đế. Những cuộc đại duyệt binh, những Gián Khẩu Hà Hồi, những Ngọc Hồi Đống Đa trong ngày đầu Xuân năm Kỷ Dậu đã trở thành mốc son không thể nào quên trong dòng chảy dân tộc, cùng với hình ảnh người anh hùng Quang Trung.
Kết thúc chiến tranh thì củng cố và xây dựng lại đất nước là điều chắc chắn. Những cải cách, tư duy của triều Quang Trung trên tất cả các mặt chính trị, văn hoá, giáo dục, kinh tế, quân sự, ngoại giao... có thể nói mang trong đó nhiều mong ước, hi vọng ổn định Đại Việt. Ngay cả việc chuẩn bị cho kế hoạch vào Nam tiêu diệt tận gốc quân Gia Định, ai cũng cho rằng nếu được thực hiện thì Nguyễn Vương chắc chắn không thể chống đỡ. Nhưng Lịch sử không có chữ Nếu, Quang Trung ra đi và tất cả chỉ còn là giấc mộng bay theo gió. Cây cột chống trời của Tây Sơn không còn, từ nay nhìn về Tây Sơn ta sẽ chỉ còn thấy những trang sử buồn và cái kết khi Cảnh Thịnh Đế - con trai ông bị thổ mục bắt giao cho quân Nguyễn.
Nếu như phần trên đã nói về phần nổi thì bây giờ ta hãy thử bàn về những thiếu sót hay những điều Quang Trung chưa làm được.
Về chính trị văn hoá xã hội; có thể nói triều Quang Trung có rất nhiều cố gắng nhưng chưa đủ và những mong muốn của ông đã không thể thành sự thực. Lập Sùng Chính viện, dùng chữ Nôm để củng cố nên quốc học; mục đích thì rất đúng nhưng thành quả lại chưa đạt được, vì cách thức áp dụng chưa phù hợp, nhất là với một đất nước có nền văn hoá giáo dục Hán học lâu đời như Đại Việt bấy giờ. Hay cho dỡ các chùa quán mà chỉ xây một ngôi chùa lớn ở mỗi phủ huyện để làm Phật giáo thêm tôn nghiêm, các bậc tăng đạo có nơi tu hành; nhưng lại vô tình phá huỷ văn hoá, kiến trúc chùa chiền độc đáo rực rỡ thời kỳ Lê Mạc.
Mong muốn lấy lại đất Lưỡng Quảng; mộng ước ấy của Quang Trung liệu có thể thực hiện hay không khi đối thủ của ông chính là nhà Mãn Thanh cùng vị vua Càn Long nổi tiếng với tư duy chinh phục bình định. Đại Việt mới bước đầu yên ổn; trái phải trước sau đều có những thế lực phân chia thì Quang Trung đã thống nhất được đất nước hoàn toàn chưa. Bản thân ông còn phải lo sự chia rẽ giữa mình với Thái Đức; trong đã thế, ngoài sao bình ổn.
Đội quân của người anh hùng áo vải tuy thiện chiến với những tướng quân tài ba mưu lược, vũ khí được trang bị tối tân nhưng lực lượng và xuất thân không thống nhất; đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cảnh nội bộ lục đục sau này.
Về bản thân vị vua ấy; có đôi điều tôi muốn nói với các bạn. Quang Trung đáng ngưỡng mộ, nhưng cuộc đời ông không phải không có vết nhơ. Khi tấn công Phú Xuân, quân Tây Sơn đã cho người quật phá lăng mộ chín người chúa Nguyễn- những người có công mở đất phương Nam; đó cũng là một lý do khiến sau này Gia Long trả thù Tây Sơn tàn bạo:”Ta vì chín đời mà trả thù”. Ông cũng đã bí mật cho người đánh chìm đoàn thuyền trở về Bắc của danh sĩ Bắc Hà Trần Công Xán trên biển khi vào Phú Xuân bàn định xin trả lại đất Phú Xuân. Khi tiến ra Bắc, Bắc Bình Vương từng có ý thay ngôi nhà Lê nhưng bị các cựu thần phản đối nên đành thôi.
Có người cho rằng Quang Trung đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất Đại Việt về một mối liệu có đúng không? Vế trước thì khỏi bàn, nhưng vế sau chưa đầy đủ; bởi Quang Trung chỉ là người tạo tiền đề bước đầu, còn làm được việc đó phải là Gia Long. Đại Việt thời Quang Trung; Bắc có tàn dư nhà Lê, Trung có Thái Đức Nguyễn Nhạc, Nam còn lực lượng quân Gia Định; như vậy liệu đã được coi là thống nhất chưa?
Bài viết vẫn còn nhiều thiếu sót do kiến thức còn hạn hẹp nên mong nhận được góp ý, ý kiến của mọi người.
vietnamhistory
,taysondynasty
,quangtrung
,lịch sử
viết bài mà bop méo lịch sử quá
Hà Thanh Chi
viết bài mà bop méo lịch sử quá
Người ẩn danh
Sách gì vậy bạn?