Quảng cáo ở việt nam phát triển như thế nào?
kiến thức chung
Giai đoạn 1996 – 1997, hàng loạt các công ty quảng cáo nước ngoài đồng loạt nhảy vào thị trường Việt Nam. Suốt thời gian từ đó đến nay, ngành quảng cáo Việt Nam đã có những bước tiến vượt trội. Trong đội ngũ nhân viên tại các công ty quảng cáo đa quốc gia ở Việt Nam có hơn 90% là người Việt Nam. Các công ty quảng cáo lớn (agency) thường hoạt động theo mô hình: tư vấn, lập chiến lược quảng bá cho khách rồi sau đó kết nối với đầu mối truyền hình, báo in cùng các phương tiện truyền thông đại chúng để thực hiện chiến dịch. Ở góc độ này thì các công ty quảng cáo đa quốc gia có lợi thế hơn những doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam, tuy nhiên lợi thế địa phương lại là điểm mạnh của doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam; theo ông Đỗ Kim Dũng – Phó chủ tịch hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thì hiện nay doanh nghiệp trong nước chiếm 100% thị phần quảng cáo ngoài trời, khoảng 95% thị phần PR, 99% thị phần tổ chức sự kiện. Ngoài ra là một phần quỹ quảng cáo trực tuyến ở quy mô nhỏ. Vào thời điểm khởi đầu của ngành quảng cáo ở Việt Nam, quảng cáo ngoài trời là loại hình đầu tiên được thực hiện và đã phát triển rất nhanh chóng. Do nhu cầu bắt buộc phải làm quảng cáo của các tập đoàn đa quốc gia, hàng loạt các bảng quảng cáo ngoài trời mọc lên khắp nơi. Chính điều này đã tạo ra hiện tượng loạn bảng quảng cáo ngoài trời, sau đó đã bị chính quyền địa phương chấn chỉnh. Cùng với quảng cáo ngoài trời, các loại hình quảng cáo khác như báo, phát thanh, truyền hình cũng phát triển mạnh mẽ. Qua các nghiên cứu của Kantar Media18 tại Việt Nam thì quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên truyền hình vẫn duy trì được vị trí số một của mình so với các phương tiện truyền thông khác. Với những ưu thế về âm thanh, hình ảnh video cùng khả năng truyền hình mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện trong thời đại công nghệ số như hiện nay nó đã lấy đi thị phần quảng cáo của báo in, tạp chí và radio. Tuy nhiên, thách thức của quảng cáo truyền hình cũng cần có sự kết hợp với các phương tiện truyền thông mới, như phát triển trên nên tảng di động như máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động...Tổng chi phí cho quảng cáo tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây với tốc độ trên dưới 25% mỗi năm. Tuy mức độ đầu tư vào quảng cáo từ quý 2/2014 có dấu hiệu cắt giảm thấp hơn so với những năm trước và quảng cáo truyền hình vẫn tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu của mình với thị phần quảng cáo ít nhất là trên 70% tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam. Cũng theo số liệu của Kantar Media ghi nhận được trên 82 kênh truyền hình, 34 đầu tạp chí, 27 đầu báo in và 1 kênh radio cho tới hết quý 3/2014 thì quảng cáo trên truyền hình và radio tăng hơn 40% và 75% so với 9 tháng đầu năm 2013, trong khi quảng cáo trên báo in và tạp chí tiếp tục khuynh hướng giảm đi hơn 10% so với năm 2013. Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam trong năm 2015 chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, hình thức quảng cáo trên điện thoại di động đã trở thành điểm nhấn và ngày càng thu hút người dùng. Theo thống kê của trang web We are social, tính đến tháng 01/2015, ở Việt Nam có tới 39,8 triệu người sử dụng Internet, trong đó 28 triệu người sử dụng tài khoản mạng xã hội, còn đối với số người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại di động là 24 triệu người. Chính điều này đã khiến cho Việt Nam trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng quảng cáo online rất nhanh. Theo thống kê của ANTS Việt Nam thì thị trường quảng cáo trực tuyến tăng trưởng trung bình trên 60% trong 5 năm từ 2010 – 2015, tổng doanh thu ước tính của năm 2015 đạt 329 triệu USD.
Nội dung liên quan
Minh Tuyền