Quan niệm của người Nhật về chữ “Hiếu”
kiến thức chung
1 Khái quát về chữ “Hiếu” trong Nho giáo:
“Hiếu” là một trong những quan niệm đạo đức quan trọng và cơ bản nhất trong tư tưởng đạo đức Nho giáo.
Quan niệm về chữ “Hiếu” trước hết được thể hiện vô cùng ẩn ý trong cách viết. Theo chữ Hán, chữ “Hiếu” được viết là 孝 (Tiếng Trung là xìao, tiếng Nhật là Kou hoặc Kyou) được kết hợp bởi hai chữ Lão (老) và chữ Tử (子), trong đó chữ Lão ở trên và chữ Tử ở dưới thể hiện hình ảnh một người con đang cõng cha hoặc mẹ mình khi về già.
Trong sách Luận ngữ đã viết rằng “Hiếu đễ chính cái gốc của nhân” hay còn có thể hiểu rằng đạo làm người phải biết hiếu thuận với cha mẹ và hòa thuận với anh em trong gia đình.
Qua đó, ta thấy rằng chữ “Hiếu” rất được coi trọng trong Nho giáo. Theo tư tưởng Nho giáo, lòng hiếu thảo là người làm con phải hết lòng phụng dưỡng và biết đối xử tốt với cha mẹ mình ngay cả lúc ốm đau bệnh tật hay là khi cha mẹ đã già yếu. Mở rộng ra thì chữ “Hiếu” còn thể hiện tình cảm hòa thuận giữa anh, chị em trong gia đình với nhau.
2 Chữ “Hiếu” trong quan niệm của người Nhật Bản:
Chữ “Hiếu” trong quan niệm Nho giáo của người Nhật không có vai trò và ảnh hưởng mạnh mẽ như quan niệm đạo đức Nho giáo nguyên bản, mà thay vào đó, như đã trình bày ở phần về quan niệm về chữ “Trung”, người Nhật rất đề cao chữ Trung và trong tư tưởng Nho giáo ở đất nước này, chữ Trung là tư tưởng nổi bật nhất.
Tuy không được đề cao như tư tưởng nho giáo gốc nhưng chữ “Hiếu” vẫn có những biểu hiện nhất định trong quan niệm của người Nhật. Quan niệm của người Nhật về chữ “Hiếu” được thể hiện qua quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình và hình thái gia đình của họ.
Trước năm 1945, tức là trước chiến tranh thế giới thứ hai, gia đình ở Nhật Bản chủ yếu là gia đình lớn gồm nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà, trong những gia đình lớn như vậy quan hệ giữa các thành viên bị chi phối bởi chế độ thứ bậc. Cụ thể là cha mẹ có quyền hạn rất lớn, người cha có quyền đòi hỏi những người con phải biết vâng lời và tôn trọng mình, và về phần họ, họ cũng có nghĩa vụ phải tôn trọng và vâng lời cha mẹ của mình. Vì vậy, trong gia đình của người Nhật thời kì này, những người con trong gia đình phải biết tôn trọng và vâng lời cha mẹ, phục tùng ý kiến và nghe theo lời chỉ đạo của cha mẹ về những vấn đề như hôn nhân, nghề nghiệp…
Không chỉ bị chi phối bởi thứ bậc, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình còn bị chi phối bởi chế độ gia trưởng. Người đứng đầu gia đình sẽ là người có những đặc quyền riêng, nắm giữ quyền lực cao nhất mà không phải tranh cãi, mọi người đều phải chấp nhận thuận theo ý kiến, chỉ thị của người đứng đầu gia đình. Trong gia đình Nhật Bản lúc bấy giờ, người đứng đầu gia đình sẽ là người cha hoặc con trai trưởng. Và nguời con trai trưởng sẽ là người thừa kế cơ nghiệp của gia đình.
Hình ảnh gia đình nhiều thế hệ ở Nhật Bản những năm 1920
(Nguồn: https://www.japantimes.co.jp)
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến ngày nay, hình thái gia đình Nhật Bản đã có nhiều sự thay đổi.
Gia đình nhiều thế hệ ngày càng suy giảm ở Nhật Bản, ngược lại gia đình hạt nhân hoặc gia đình chỉ có một người lại ngày càng tăng lên cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện đại. Qua bảng thống kê dưới đây, ta sẽ thấy rõ hơn hiện tượng này:
Bảng số liệu về số lượng người trung bình trong một hộ gia đình và phân bố tỉ lệ của các kiểu gia đình ở Nhật Bản.
(Nguồn: http://www.mofa.go.jp)
Theo số liệu thống kê của Bộ ngoại giao Nhật Bản, tỉ lệ gia đình hạt nhân ở Nhật Bản năm 2015 là 58,8%, chiếm hơn một nửa tổng số lượng gia đình ở Nhật Bản, và trong gần một nửa số lượng kiểu gia đình còn lại ở Nhật thì tỉ lệ gia đình chỉ có một người đã chiếm tới 28,7%.
Nguyên nhân là do sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản không ngừng phát triển trở thành một trong những cường quốc lớn trên thế giới. Do sự tác động của hiện đại hóa, đô thị hóa, số lượng người trẻ ở nông thôn Nhật đi lên thành phố để làm việc ngày càng nhiều, dần dần họ có xu hướng định cư và xây dựng gia đình nhỏ của mình gồm chỉ có vợ chồng cùng con cái ở các đô thị lớn và hiếm khi quay trở về. Theo kết quả khảo sát cơ bản ở các trường học của Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản vào năm 1962, đây là năm có tỉ lệ cao nhất về số người trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh sau khi tốt nghiệp, đã và sẽ đi đến các thành phố khác để tìm kiếm việc làm, với học sinh cấp 2 là 33% và học sinh cấp 3 là 28%.
Gia đình thiên hoàng là đại diện cho dạng thức gia đình lớn còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản.
(Nguồn: http://www.newmyroyals.com)
Vì hình thái gia đình thay đổi như vậy nên quan niệm của người Nhật về chữ “Hiếu” cũng thay đổi nhiều so với giai đoạn trước năm 1945. Thứ nhất, nếu trước đây, con cái phải luôn nghe theo những lời sắp xếp của cha mẹ thì ngày nay ở Nhật Bản, con cái có thể tự lựa chọn con đường tương lai cho mình qua việc tự lựa chọn công việc, lựa chọn đối tượng kết hôn… Thứ hai, nếu trước đây, con trai trưởng có trách nhiệm phải kế thừa gia sản và tiếp nối nghề nghiệp của gia đình mình, thì ngày nay, như đã nói ở bên trên, họ không bắt buộc phải theo nghiệp của gia đình nữa, họ có thể tự do lựa chọn ngành nghề cho bản thân mình.
Quan niệm thay đổi thứ ba, trước đây, các thành viên trong gia đình thường cùng nhau sinh sống dưới một mái nhà nhưng từ sau năm 1945 đến nay, sau khi kết hôn hoặc có việc làm, con cái thường không còn sống chung với cha mẹ, và nhiều trường hợp ít khi về thăm gia đình. Theo như thống kê về dân số theo loại hình gia đình của cục Thống kê Nhật Bản vào năm 1995 và được cập nhật đầy đủ vào năm 2000 thì số người đã kết hôn ở Nhật là hơn 64 triệu người, trong đó, số lượng người không sống cùng cha mẹ là hơn 52 triệu người, chiếm khoảng hơn 81%.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do để tìm kiếm và thuận lợi hơn cho công việc và mong muốn tự lập cùng tư tưởng không muốn phụ thuộc vào cha mẹ của con cái. Ngoài ra, song song với một nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới, áp lực tìm việc và làm việc ở Nhật là vô cùng lớn, nhiều người quá bận rộn với công việc mà không có thời gian dành cho gia đình, còn những người chưa tìm được việc làm lại phải lo cho chi phí sinh hoạt hằng ngày của mình ở nơi đô thị phồn hoa đắt đỏ, chưa tìm được việc làm họ cảm thấy chưa thể về gặp cha mẹ.
Cũng vì áp lực cuộc sống và công việc như vậy mà ngày nay, người cao tuổi thường được chăm sóc ở viện dưỡng lão, không có nhiều trường hợp người cao tuổi được con cái chăm sóc tại nhà, một phần vì con cái của họ không có đủ thời gian để chăm sóc bố mẹ mình và một phần là vì số lượng viện dưỡng lão ở Nhật đang ngày càng tăng ( theo trang Statista, số viện dưỡng lão năm 2014 là 2117 viện với số lượng người cao tuổi ước tính là hơn 88 nghìn người) cùng với dịch vụ chăm sóc đầy đủ và chất lượng tốt hơn so với chăm sóc tại gia rất nhiều. Người cao tuổi ở viện dưỡng lão thường là những người mà sức khỏe hay trí tuệ của không còn được tốt và họ không còn thể tự mình làm được mọi việc trong cuộc sống sinh hoạt.
Qua những biểu hiện trên, ta thấy rằng ảnh hưởng của Nho giáo trong quan niệm về chữ “Hiếu” trong xã hội Nhật Bản ngày nay đã không còn mạnh mẽ, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tư tưởng Nho giáo do bị mờ nhạt và không còn như xưa nhưng có thể khái quát là do sự phát triển của xã hội hiện đại đã làm thay đổi quan niệm của người dân về đạo hiếu cùng với sự tác động của một số tư tưởng khác của con người Nhật Bản.
Nội dung liên quan
Uyên Phương Võ