Quan hệ xã hội, gia đình và lối sống của dân cư trong làng xã như thế nào?
kiến thức chung
Theo nghiên cứu về làng xóm xưa ở Việt Nam thì “ Dân trong làng ở một làng canh nông hay ở một làng công nghệ , cũng gồm đủ bốn hạng người, gọi là tứ dân theo các nghề nghiệp là Sĩ, Nông,Công ,Thương” Đến ngày nay nếu xét về bản chất nghề nghiệp ở làng cũng có cư dân như vậy, chỉ có điều gọi khác đi, nghĩa là cũng gồm bốn thành phần dân lao động:
+ Những người được học hành theo một nghề nghiệp nào đó có thể kể đến cả đội ngũ cán bộ gián tiếp làm lãnh đạo xã và hợp tác xã, nhóm người dân này có tri thức,nhận thức tốt,làm đầu mối chuyển giao toàn bộ các vấn đề: văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, tín ngưỡng, tổ chức, trật tự trị an và chủ trương đường lối của Đảng và chính phủ đến mỗi người dân trong làng xã. Đây là thành phần dân cư đầu não của làng, làm nòng cốt cho mọi hoạt động trong làng. Họ là những người có thể là chủ hộ trong gia đình hoặc là một thành viên của hộ, hay cả hộ. Họ luôn có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, đại diện cho sự văn minh tiến bộ ở nông thôn, là cầu nối mang tiến bộ về mọi mặt sản xuất, kinh doanh và nếp sống kiểu đô thị vào trong sinh hoạt gia đình. Họ sống ở nông thôn nên bản thân họ cũng chịu ảnh hưởng một phần cách sống ở nông thôn. Đây cũng là đặc điểm cơ bản của thành phần cư dân này trong quan hệ xã hội ở nông thôn. Mặt khác nó cũng là điều kiện cấu thành cách ở mới trong kiến trúc ở tại làng xã: kiểu đô thị đó là văn minh công nghiệp, kiểu nông thôn đó là văn minh nông nghiệp. Hai tính chất này đan xen và cũng có mặt riêng rẽ trong một tổng thể ở, yếu tố này vừa là nguyên nhân đồng thời nó cũng là kết quả dẫn đến phát sinh mô hình cách ở mới.
+ Thành phần nông dân: đây là đội ngũ cơ bản cấu thành nông thôn, chiếm một tỷ lệ trọng yếu ở các làng xã thuần nông. Theo điều tra nhận thấy hầu hết các hộ có đa số thành phần này là thừa kế, chuyển tiếp về mọi mặt các tư liệu, phương tiện sản xuất của thế hệ trước để lại. Đặc điểm nổi bật: Họ là đối tượng trực tiếp sản xuất ra các nông sản thực phẩm. Với bản chất truyền thống là cần cù lao động và tiết kiệm nên trong mọi điều kiện khó khăn thiên tai , người nông dân vẫn vượt qua.
Ngày nay trong cơ chế thị trường , ở nông thôn việc khoán sản đến hộ gia đình và người lao động theo kinh tế hang hóa đã bước đầu giải phóng sức lao động. Nhờ vậy năng lực người nông dân có điều kiện bộc lộ và phát triển. Sự thay đổi cơ chế quản lý nông nghiệp buộc người nông dân phải tìm tòi vươn lên tìm lối thoát. Họ tự phá vỡ giới hạn quan hệ xã hội và kinh tế trong khuôn khổ làng xã, những lối mòn kinh nghiệm lạc hậu lâu đời.
Sự phát triển kinh tế của người nông dân trong điều kiện mới không thể tách rời yếu tố tuổi tác, trình độ văn hóa, giao tiếp xã hội và sự gần gũi các điểm đô thị.
+Thành phần công nhân là bộ phận dân cư trước đây gọi là thợ thuyền trong làng xã. Ngày nay, đội ngũ này đã và đang được phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Tùy vào đặc điểm của mỗi làng, làng có nghề thì đội ngũ này có thể lớn. Trừ một số công nhân loại đặc biệt như lĩnh vực thông tin, máy móc hiện đại… còn hầu hết họ đều xuất thân từ nghề nông – nông dân. Trải qua nhiều chu kỳ nông nhàn họ theo một nghề nào đó: như nghề xây dựng, nghề dệt, nghề đan lát, nghề sửa chữa máy móc thiết bị đơn giản, v.v… qua kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau rồi thành nghề (ngoài một số nghề, một số người học chính quy). Đối với quan hệ gia đình họ là thành viên trong hộ nông nghiệp hoặc hộ buôn bán và nông nghiệp. Họ rất nhạy và thích ứng với công việc nông nghiệp cũng như công nghiệp. Đến mùa màng thì họ dừng làm công nhân về với gia đình làm nông dân, hết mùa họ lại trở lại với vai trò làm công nhân. Vì thế số lượng đội ngũ này rất linh hoạt nó thể hiện đặc tính cơ bản ở nông thôn.
Đối với quan hệ làng xã họ vẫn là người dân của làng, của xã. Họ là đội ngũ chính, trực tiếp xây dựng các công trình công cộng trong làng xã. Ngoài ra còn góp phần xây dựng và tương trợ xây dựng các nhà ở khác trong khu vực.
+Thành phần thứ tư trong quan hệ cân bằng xã hội, kinh tế hòa hợp tại các làng xã đó là thành phàn buôn bán. Thành phần này đã một thời thăng trầm, bị xã hội coi là không tiến bộ. Đến nay với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần ở nông thôn theo cơ chế thị trường, thành phần buôn bán mà thực chất là dịch vụ nông thôn đã được chú trọng. Vì “Một nền kinh tế muốn phát triển đòi hỏi phải được cung ứng đủ và kịp thời, với chất lượng tốt các dịch vụ cần thiết”
Buôn bán về bản chất là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Hàng hóa được tiêu thụ thì sản xuất mới phát triển có hiệu quả. Muốn đưa hàng hóa vào tiêu dùng thì phải có khâu dịch vụ buôn bán.
Nhận thức được lý do, nguyên nhân và kết quả đó, đồng thời với nhu cầu bức bách của dân cư trong làng xóm, từ khi Nhà nước có chế độ khuyến khích, rất nhiều nông dân đã chuyển hướng sang buôn bán, lúc đầu chỉ là kết hợp trong cơ cấu lao động gia đình sản xuất nông nghiệp, để thích nghi dần với quan hệ và tương quan chung cung, cầu của làng xóm. Đến giai đoạn gần đây đã có nhiều người chuyển hẳn sang buôn bán, dịch vụ gần như chuyên nghiệp.
Những người này là nhân lực trong cơ cấu lao động của hộ gia đình. Ngoài công việc dịch vụ buôn bán khi “đông vụ chí kỳ” họ vẫn tham gia công việc sản xuất nông nghiệp. Với quan hệ xã hội làng xóm họ vẫn là thành viên chịu mọi sự chi phối của làng. Đa phần là buôn bán tại nhà nhưng cũng có một số làng gần các đô thị, trung tâm buôn bán lớn thì họ mở rộng hoạt động tới các trung tâm lân cận đó.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Đức Hương Quỳnh