Quan hệ giữa Đại Việt và Champa
• Năm 979: Ngô Nhật Khánh do mâu thuẫn với vua Đinh Tiên Hoàng, chạy sang Champa kích động vua Bê Mi Thuế đánh Đại Cồ Việt. Quân Chăm tới cửa Thần Phù bị bão đánh đắm, Ngô Nhật Khánh cùng phần lớn lính Chăm chết, vua Bê Mi Thuế thu tàn quân quay về.
· Năm 982: Trả thù việc sứ giả của nhà Tiền Lê bị vua Bê Mi Thuế bỏ tù, vua Lê Đại Hành chỉ đạo đại quân cướp phá kinh đô Đồng Dương (Quảng Nam), giết vua Bê Mi Thuế, sáp nhập khu vực Quảng Bình - Quảng Trị vào lãnh thổ Đại Cồ Việt.
· Năm 1044: Suốt giai đoạn 982 - 1069, khu vực Quảng Bình - Quảng Trị là vùng đệm giữa hai nước Việt Chiêm, hai bên liên tục tranh giành ảnh hưởng tại đây. Trận chiến lớn nhất trong giai đoạn này là cuộc tấn công của vua Lý Thái Tông đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn (Bình Định). Chúa Xạ Đẩu bị phản tướng Quách Gia Gi chém chết để dâng thủ cấp xin hàng. Lý Thái Tông bắt hàng ngàn phi tần và nô lệ người Chăm mang về (trong đó nổi tiếng nhất là phi tần Mị Ê, người đã nhảy sông tự vẫn để bảo toàn danh dự).
· Năm 1069: Vương triều mới của Champa sau cuộc xâm lược của Đại Việt năm 1044, một mặt cam chịu thần phục, một mặt âm thầm quan hệ với nhà Tống để chuẩn bị khởi binh đánh Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông lấy cớ Champa bỏ triều cống, tổ chức cuộc tấn công vào lãnh thổ Champa. Ban đầu Lý Thánh Tông phải rút lui sau nhiều tháng không thể hạ Champa. Tuy nhiên sau đó ông đã quay lại tấn công, tàn phá kinh thành Đồ Bàn, bắt giữ vua Chế Củ. Chế Củ chấp nhận cắt vĩnh viễn lãnh thổ tương ứng với Quảng Bình - Quảng Trị ngày nay cho nhà Lý, lập 3 châu Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý.
• Năm 1075: Lý Thường Kiệt đem quân đánh Champa nhưng không thành công. Điều này khiến vua Tống tin nước Việt đang yếu nên chuẩn bị chiến tranh, kết quả bị Lý Thường Kiệt đánh bại trong 2 năm 1075 và 1077. Năm 1076, quân Chăm định lợi dụng Đại Việt bị nhà Tống đánh để giành lại 3 châu đã mất, nhưng nhanh chóng bị Lý Thường Kiệt chặn lại.
· Năm 1103: Một thủ lĩnh địa phương ở Nghệ An là Lý Giác đã đầu quân sang Champa và giúp Champa chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất trong cuộc chiến năm 1069. Lão tướng Lý Thường Kiệt đã chỉ huy chiến dịch đánh bại Champa và giành lại các vùng lãnh thổ đó.
• Năm 1132: Champa lúc này phải làm chư hầu của Đế quốc Khmer. Liên quân Khmer – Champa cướp phá Nghệ An, bị Thái úy Dương Anh Nhị dưới thời Lý Thần Tông đánh bại, buộc phải tiến cống nhà Lý.
• Năm 1167: Thái úy Tô Hiến Thành đánh Champa của vua Jaya Indravarman II vì tội không chịu nộp triều cống. Vua Chế Chí (Jaya Indravarman IV) thay thế buộc phải nộp cống để giữ quan hệ giao hảo. Chế Chí chủ trương thần phục Đại Việt để tập trung binh lực đánh Khmer.
· Giai đoạn 1207-1220: Trong giai đoạn này, Champa bị Khmer đô hộ. Vua bù nhìn của Champa lợi dụng sự suy yếu của nhà Lý, nhiều lần tấn công khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình, nhưng đều bị quan trấn thủ Nghệ An là Lý Bất Nghiêm đẩy lùi.
· Năm 1252: Sau khi giành lại độc lập từ Khmer năm 1220, Champa lợi dụng sự bất ổn khi nhà Trần thay thế nhà Lý, bắt đầu tấn công khu vực Quảng Bình, Quảng Trị từ năm 1244. Năm 1252, vua Trần Thái Tông cử em trai Trần Nhật Hiệu tấn công Champa, tàn phá thành Đồ Bàn, bắt vương phi Bố Gia La cùng nhiều nô lệ đem về Đại Việt. Champa chịu thần phục đại Việt trong hơn nửa thế kỷ.
· Giai đoạn 1311 - 1360: Quan hệ Đại Việt - Champa trở nên cực kỳ tốt đẹp sau cuộc hôn nhân của vị vua anh hùng Chế Mân với công chúa Huyền Trân, đi kèm của hồi môn là hai châu Thuận, Hóa (nay là Thừa Thiên - Huế). Sau khi Chế Mân qua đời, các hoàng tộc Champa liên tục tìm cách tấn công Bắc Trung Bộ, chẳng những không thể giành lại lãnh thổ mà nhiều vua Champa còn bị bắt (Chế Chí, Chế Năng).
· Năm 1371: Từ năm 1360, tương quan Việt - Chăm có sự thay đổi lớn. Nhà Trần suy yếu dưới thời vua Dụ Tông, trong khi Champa hồi sinh mạnh mẽ dưới thời Chế Bồng Nga. Năm 1369, mẹ của Dương Nhật Lễ chạy sang cầu cứu Chế Bồng Nga. Chế Bồng Nga đem binh đánh chiếm Thăng Long, cướp bóc của cải và cung nữ đem về Champa.
· Năm 1377: Năm 1376, Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đánh Champa. Chế Bồng Nga dâng vàng xin hàng, nhưng Đỗ Tử Bình giấu đi, và đổ tội lên Chế Bồng Nga. Trần Duệ Tông đem binh đánh, sa vào ổ phục kích tại Đồ Bàn và tử trận. Thừa thắng xông lên, Chế Bồng Nga chiếm đóng vùng Thanh - Nghệ, nhiều lần cướp phá Thăng Long. Nhà Trần sau sự ra đi của Duệ Tông ngày càng trở nên bạc nhược, phụ thuộc hết vào những quan tướng ngoại tộc, bất lực hoàn toàn trước những đợt cướp phá của Chế Bồng Nga.
· Năm 1390: Nhà Trần ngày càng chìm sâu khủng hoảng khi Nghệ Tông nghe lời Hồ Quý Ly, giết vua Phế Đế và lập con mình là Thuận Tông lên thay vào năm 1388. Năm 1390, Chế Bồng Nga lại đánh Thăng Long, trong khi thượng hoàng Nghệ Tông hèn nhát bỏ chạy thì Nguyễn Đa Phương chống cự thành công. Dẫu vậy, thượng hoàng nghe lời Hồ Quý Ly, giết Đa Phương. Chế Bồng Nga được em của Trần Phế Đế là Trần Nguyên Diệu giúp sức, tiếp tục đánh Thăng Long, nhưng lần này bị quân của Trần Khát Chân chặn tại cửa Hải Triều. Một kẻ phản bội là Ba Lậu Kế đã chỉ thuyền của Chế Bồng Nga cho Trần Khát Chân biết. Chế Bồng Nga chết tại cửa Hải Triều, quân Chăm tan tác. Kể từ đây, lịch sử Champa tuột dốc không phanh.
• Năm 1402: Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần từ năm 1400. Tới năm 1402, nhà Hồ tấn công Champa, chiếm được vùng đất rộng lớn phía nam đèo Hải Vân, thành lập các châu Thăng Hoa (Quảng Nam) và Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Năm 1407, lợi dụng thời điểm Đại Việt bị nhà Minh xâm lược, vua Ba Đích Lại bắc tiến giành lại Thăng Hoa và Tư Nghĩa, lãnh thổ Chăm ổn định sau đèo Hải Vân.
• Năm 1446: Khi mới giành lại độc lập, quan hệ giữa Champa với nhà Lê khá tốt đẹp. Nhưng sau khi Lê Thái Tổ ra đi, sự giao hảo giữa hai nước biến thành thù địch, đặc biệt là khi vua Bí Cai lên ngôi, quân Chăm liên tục tấn công Thuận Hóa. Năm 1446, dưới triều Lê Nhân Tông, Đại Việt tấn công Champa, chiếm thành Đồ Bàn, bắt sống vua Bí Cai và cướp đoạt nhiều cung nữ, của cải, voi. Champa lại phải thần phục nhà Lê.
· Năm 1470: Trước việc vua Trà Toàn của Champa có ý đồ liên minh với nhà Minh để đánh Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã phát động cuộc chiến tranh lớn nhắm vào Champa. Thành Đồ Bàn thất thủ, vua Trà Toàn bị bắt giữ và sau đó phải tự vẫn. Chiến thắng của Lê Thánh Tông đã làm Champa tan vỡ vĩnh viễn. Trên lãnh thổ mới chiếm được, Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam (từ Quảng Nam tới Bình Định ngày nay, bao gồm cả kinh đô Đồ Bàn). Phần lãnh thổ còn lại của Champa bị tách thành 3 vương quốc: Hoa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa), Phan Lung (Ninh Thuận, Bình Thuận), Nam Bàn (Bắc Tây Nguyên). Kể từ đây, Champa không bao giờ có thể trở thành mối đe dọa của Đại Việt được nữa.
· Giai đoạn 1558 - 1603: Lợi dụng các cuộc nổi loạn của người Chăm, Nguyễn Hoàng được chúa Trịnh cử vào cai trị Thuận Hóa và Quảng Nam từ năm 1558. Lúc này một số vua Chăm tại Phan Lung đang có ý đồ khôi phục Champa sau gần 100 năm chia rẽ. Hoa Anh (Phú Yên - Khánh Hòa) trở thành vùng đệm tranh chấp liên tục giữa Nguyễn Hoàng với hoàng tộc Champa tại Phan Lung (Ninh Thuận, Bình Thuận).
• Năm 1611: Chúa Nguyễn Hoàng cử tướng người Chăm là Văn Phong đánh Champa, lập phủ Phú Yên. Sau Văn Phong dùng quân đội người Chăm làm phản, bị tướng Nguyễn Hữu Vinh đánh dẹp.
• Năm 1653: chúa Chiêm là Bà Tấm (Po Nraup) xâm lấn Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần cử Hùng Lộc và Minh Vũ tiến đánh tới sát Phan Rang, lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (nay là Ninh Hòa và Diên Khánh, tức Khánh Hòa).
• Năm 1693: Vua Bà Tranh (Po Saot) đánh Diên Khánh, bị tướng Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại. Chúa Nguyễn xóa sổ Champa, đổi thành Thuận Thành trấn. Thuận Thành trấn chỉ là một khu tự trị yếu ớt dưới quyền của chúa Nguyễn, kể từ thời điểm này, vận mệnh người Chăm hoàn toàn nằm trong tay các thế lực cai trị người Việt.
• Giai đoạn 1771 - 1802: Trở thành vùng đệm giữa hai thế lực Tây Sơn với chúa Nguyễn, Thuận Thành trấn bị cả hai giày xéo. Các vua chúa Thuận Thành trấn lúc này, hoặc do Tây Sơn lập lên, hoặc do chúa Nguyễn lập nên, nhiều người bị giết chết sau mỗi lần cán cân giữa hai bên đổi chiều. Tới năm 1802, Gia Long thắng trận, Thuận Thành trấn nằm dưới quyền của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, cuộc sống người Chăm thái bình trong một thời gian ngắn.
• Giai đoạn 1820 - 1835: Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, Minh Mạng gạt bỏ cơ chế Tổng trấn Gia Định thành, Thuận Thành trấn theo đó bị phế bỏ, trở thành tỉnh Bình Thuận từ năm 1832. Người Chăm hoặc tự khởi nghĩa, hoặc theo phe Lê Văn Khôi nổi dậy, đều bị Minh Mạng đàn áp. Như vậy, kể từ dấu mốc năm 1832, Champa chính thức bị xóa sổ với tư cách là một quốc gia, kể từ ngày Khu Liên lập nước năm 192.
• Thời hiện đại: Người Chăm hầu như chỉ còn tập trung ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận tại Việt Nam, và một số nước Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia). Một bộ phận người Chăm vẫn muốn lợi dụng những biến động chính trị của Đông Nam Á thế kỷ 20 để thực thi giấc mộng phục quốc. Đỉnh cao là trường hợp của Les Kossem, viên sĩ quan người Campuchia gốc Chăm, lợi dụng sự ủng hộ của Xihanuc, l*l Nol và đằng sau là người Mỹ, đã tài trợ cho các nhóm vũ trang FULRO đánh phá khắp biên giới Việt - Cam thời Việt Nam Cộng Hòa.
Tháng 4 năm 1975, Les Kossem bỏ chạy khỏi sự truy sát của Khmer Đỏ, lực lượng Fulro người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng nhanh chóng bị Quân Giải phóng đánh bại sau trận Phan Rang. Tàn quân Fulro sau đó bị Chính quyền CHXHCNVN tiêu diệt hoàn toàn. Lực lượng đòi phục quốc cho Champa giờ đây chỉ còn rải rác lưu vong ở hải ngoại, trong khi người Chăm tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hoàn toàn từ bỏ ý đồ phục quốc.
champa
,đại việt
,lịch sử
Nội dung liên quan