Quan hệ chiến lược Việt Nhật có vai trò như thế nào trong tình hình hiện nay?
kiến thức chung
Hợp tác quốc phòng song phương về hàng hải xuất phát tự nhiên từ những lợi ích an ninh chung của hai nước. Sức mạnh hàng hải ngày càng vượt trội và những bước đi thô bạo của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo với cả hai nước, như việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông và xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa, đã đe dọa thay đổi hiện trạng khu vực, điều mà cả hai nước đều phản đối. Hợp tác chiến lược để đối phó với Trung Quốc do đó đã trở thành một điều cần thiết với cả hai bên. Sự cấp bách này được phản ánh rõ nét qua những phát ngôn của ông Abe trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 1 năm 2017. Dùng hình ảnh dòng nước sông Hồng ở miền bắc Việt Nam chảy vào Biển Đông và Biển Hoa Đông kết nối với vịnh Tokyo, ông Abe nói rằng “Không gì có thể ngăn cản tự do đi lại dọc tuyến đường này. Nhật Bản và Việt Nam là hai láng giềng được kết nối bởi đại dương tự do” (Vietnam Breaking News, 2017).
Việt Nam mong muốn củng cố hợp tác quốc phòng với Nhật nhằm nâng cao khả năng quốc phòng và cân bằng lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này một phần giải thích lý do tại sao sự tăng cường quan hệ quốc phòng song phương lại bắt đầu vào năm 2011 khi mà sự xác quyết trong tranh chấp hàng hải của Trung Quốc trở nên rõ nét. Mục đích này cũng được phản ánh qua việc Việt Nam yêu cầu Nhật cung cấp tàu tuần tra cũng như các hỗ trợ khác nhằm tăng cường năng lực hàng hải.
Từ quan điểm của Hà Nội, Nhật có thể được coi là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai trước mắt. Quan hệ song phương hầu như không có vấn đề, với nền tảng kinh tế vững chắc, sự tin tưởng lẫn nhau ở mức cao, và những lợi ích chiến lược có sự tương đồng lớn, đặc biệt là về Trung Quốc. Nhật quan trọng đối với Việt Nam hơn bất kỳ cường quốc nào khác bởi Nhật không chỉ có năng lực kinh tế và quân sự, mà Nhật còn chấp nhận giúp tăng cường sức mạnh của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác nhằm duy trì cán cân quyền lực khu vực. Quan trọng hơn, Nhật là một cường quốc thường trực ở Đông Á, và có một mối quan hệ đầy trắc trở với Trung Quốc từ lâu. Điều này biến Nhật thành một đối tác an ninh tự nhiên cho Việt Nam, và khiến các cam kết an ninh của Nhật trở nên khả tín hơn. Các mong muốn của Việt Nam cũng phù hợp với ý định của Nhật và chính sách an ninh – quốc phòng của chính phủ Abe vốn mong muốn “bình thường hóa” vị thế quốc phòng của Nhật và làm giảm rủi ro từ sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Động lực này sẽ tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm tới do những bất định trong chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Rủi ro từ việc chính phủ Trump sẽ giảm bớt can dự quân sự vào châu Á đe dọa phá vỡ nền tảng của trật tự khu vực hậu Thế chiến II và gây bất ổn cho an ninh khu vực. Hợp tác chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực vì thế trở thành một phương án phòng hộ cần thiết nhằm chống lại rủi ro này. Sự hợp tác đó, theo phương thức song phương hay đa phương quy mô nhỏ, có thể góp phần vào sự hình thành một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”, từng được đề xuất bởi chính quyền Obama. Mối liên kết an ninh mạnh mẽ giữa Việt Nam và Nhật, và với các quốc gia đồng quan điểm trong khu vực như Úc, Philippines, Singapore và Ấn Độ, có thể giúp đẩy nhanh sự hình thành của một hệ thống như thế. Như Slaughter và Rapp-Hooper (2017) lập luận, “Những hệ thống mạng lưới rất bền bỉ, bởi vì không có một phần nào đóng vai trò then chốt cho sự sống còn của cấu trúc – thậm chí nếu một mối nối bị gãy, cấu trúc vẫn có thể tồn tại”, Việt Nam và Nhật Bản có thể tạo thành những mối nối đầu tiên của một mạng lưới như thế nếu những liên kết quốc phòng song phương tiếp tục được tăng cường và thể chế hóa.
Nội dung liên quan
Thư Văn Thanh