(Quan điểm người đọc sách) THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (5): RỐI LOẠN THẨM ĐỊNH SÁCH?

  1. Sách

Ở các nước phát triển phương Tây, sự đa dạng trong xuất bản rất được kích thích, nhưng không hề bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đó là bởi hệ thống thẩm định sách tại các quốc gia này hoạt động rất tốt và biến chuyển phù hợp với thời đại. Mặc dù thỉnh thoảng, việc thẩm định vẫn xảy ra những sự cố nực cười (như trường hợp giải Nobel Văn chương), nhưng về căn bản, chất lượng thẩm định là khả tín. Còn ở Việt Nam, như những bài trước tôi đã đề cập, tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khá phổ biến. Đây là hậu quả của một hệ thống thẩm định sách kém chất lượng được duy trì lâu dài ở nước ta.

Khi nói đến hệ thống thẩm định sách kém chất lượng, tôi không có ý chê trách toàn bộ các nhà phê bình, các nhà báo văn hóa của nước ta. Rất nhiều nhà phê bình, nhà báo đã cố gắng để giới thiệu những cuốn sách hay nhất tới công chúng mặc cho công chúng có thể không dễ dàng tiếp nhận. Tôi đặt vấn đề phê phán “hệ thống thẩm định sách”, có nghĩa là tôi muốn phê phán các cơ chế chính thống và phi chính thống hiện đang cố gắng tác động đến xu hướng đọc sách của bạn đọc.

Có lẽ phải quay trở lại cái thời Internet còn chưa thống trị đời sống của chúng ta để hiểu hơn về các công cụ định hướng gu đọc của độc giả. Lúc ấy, báo chí và truyền hình đóng vai trò chủ chốt trong việc giới thiệu sách hay đến bạn đọc. Trước đó nữa, từ đầu thế kỷ 20, báo chí là công cụ hữu hiệu nhất cho các học giả danh tiếng giới thiệu và phê bình sách. Lúc này, việc giới thiệu sách không phải là để PR và bán sách mà còn là một phần của công cuộc khai dân trí. Dưới thời chiến tranh và bao cấp, công việc này bị gián đoạn trên quy mô lớn tại miền Bắc nhưng vẫn duy trì tại miền Nam. Sau năm 75, nhiệm vụ “khai dân trí” không còn nữa. Thay vào đó, người ta chọn đọc tác phẩm của các nhà văn được giải thưởng hoặc đăng báo chính thống. Một bộ phận các cây viết không được chính quyền thừa nhận phải sống một cuộc sống vất vả, nhưng danh tiếng của họ lan truyền qua tin đồn bên trong giới văn nghệ sĩ và trí thức. Những cây viết này thường là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm cuối thập niên 50s. Khi có Internet, và đặc biệt là có sự ra đời của mạng xã hội, việc thẩm định sách không còn là đặc quyền của các nhà phê bình, nhà báo hay các giải thưởng của chính quyền nữa, nhưng cũng từ đó sự hỗn loạn bắt đầu.

Việc thẩm định sách dựa trên tiêu chí “khai dân trí” có từ đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, sau vài thập kỷ bị gián đoạn đến nay lại được phục hồi nhờ không ít trí thức và các cộng đồng sách. Nhà xuất bản Tri Thức và Alpha Book là hai đơn vị xuất bản đi đầu trong truyền thông về “khai dân trí”. Thay vì dựa trên hệ thống báo chí đã xuống cấp từ sau khi Việt Nam vào WTO, hai đơn vị xuất bản này chọn cách tạo thương hiệu gắn liền với sứ mệnh “khai dân trí”, sao cho các độc giả nhận thức rằng chính những cuốn sách được họ chọn để xuất bản đã là rất đáng đọc bởi chúng có thể giúp người đọc mở mang đầu óc. Đây là một hình thức thẩm định rất tinh vi và hiệu quả.

Những cuốn sách của Nhà xuất bản Tri Thức chọn in đều là những tác phẩm kinh điển của thế giới và mang tính học thuật cao. Tuy nhiên, việc “khai dân trí” của Nhà Xuất Bản Tri Thức vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sự chênh lệch về trình độ của người đọc với hàm lượng tri thức trong tác phẩm. Dần dần, việc mua và đọc sách của NXB Tri Thức trở thành một thói quen “sính hàng hiệu”. Đa phần người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ, không thực sự hiểu cuốn sách, hoặc có thể là không đọc, nhưng vẫn mua về để trưng bày trên giá sách, để chụp ảnh khoe trên facebook. Các cuộc hội thảo sách được tổ chức thường là sự trình diễn chứ không đạt được chất lượng cao trong tranh luận (Điều này tôi đã đề cập đến ở 

bài 3 “Sự vô nghĩa của phong trào nâng cao văn hóa đọc”)
 Đương nhiên, không phải ai cũng vậy, vẫn có rất nhiều độc giả hiểu được chân giá trị của các cuốn sách này và thực sự đọc. Tuy nhiên, những độc giả với trình độ như vậy, thiết nghĩ cũng không cần được “khai dân trí” cho lắm. Nếu so sánh với cách “khai dân trí” của Phạm Quỳnh trên Nam Phong Tạp chí, ta sẽ thấy rất khác. Phạm Quỳnh không chỉ giới thiệu các tác phẩm kinh điển mà ông còn lý giải chúng sao cho não trạng của người Á Đông vốn bị nhồi nhét những định kiến có thể tiếp cận. Ngoài ra, ông còn lý giải các tác phẩm cổ văn của Á Đông để lớp người mới có thể hiểu được. Không những vậy, ông cũng dầy công đả phá các tư tưởng lệch lạc được tạo bởi thói học đòi và lạc hậu. Bởi vậy, dù cho những tác phẩm NXB Tri Thức mang đến với cộng đồng đọc là vô cùng đáng quý nhưng công cuộc “khai dân trí” lại không được thành công cho lắm.

Alpha Book được xây dựng nên do ông giám đốc Nguyễn Cảnh Bình ly khai khỏi Nhà xuất bản Tri Thức. Không rõ Nguyễn Cảnh Bình có thật sự quan tâm đến “khai dân trí” hay không, nhưng sứ mệnh này đã được gắn với Alpha Book. Alpha Book “khai dân trí” bằng cách bán sách làm giàu trong một thời gian dài và nhờ vậy đã tạo dựng được một lượng đông đảo độc giả. Alpha Book không “khai dân trí” bằng tri thức mà bằng việc kích thích tầng lớp có tiền trong xã hội hãy coi việc làm giàu là sứ mệnh. Chỉ trong một thời gian ngắn khoảng từ 2006 đến 2012, một lớp “nhà giàu kiểu mới” đã hình thành với sự ảnh hưởng về tư tưởng, tư duy của Alpha Book. Cho đến nay, ảnh hưởng này đã phai nhạt nhưng vẫn tạo được “giấc mơ làm giàu” với đại đa số các bạn trẻ. Sau năm 2012, cộng đồng mạng và báo chí nhiều lần phê phán các sách dạy làm giàu và kỹ năng sống, Alpha Book chuyển dần sang xu hướng “sách tinh hoa” mà Nhà xuất bản Tri Thức đã đề xướng. Nhưng “sách tinh hoa” của Alpha Book là sự nhập nhằng giữa các tác phẩm kinh điển (mà chất lượng dịch kém) với những cuốn sách tiểu sử các nhân vật nổi tiếng và những quyển best seller trên Amazon. Một Group Facebook có tên “Cộng đồng đọc sách tinh hoa” cũng được Alpha Book lập ra để gắn kết những người quan tâm đến sách hay, thông qua đó Alpha Book có thể PR các đầu sách của mình. Thế nhưng, qua Group này, ta có thể thấy sách của Alpha Book thường xuyên bị chê trách về chất lượng dịch thuật. Cũng từ group, trào lưu “khoe sách” lan mạnh trên facebook, tạo nên xu hướng “đọc nhiều”. Xu hướng “đọc sâu” không còn được coi trọng bởi đại đa số người đọc. Dần dần, người đọc chọn các cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu và tầm thường để nhồi nhét vào đầu thay cho thói quen tự suy nghĩ, tự tìm tòi. Vậy nên, công cuộc “khai dân trí” của Alpha Book và cách họ tạo dựng thương hiệu gắn liền với uy tín thẩm định sách đã mang đến cái hại cho cộng đồng đọc sách. Nặng lời hơn, tôi có thể nói rằng, Alpha Book và kiểu truyền thông “lẩu sách” của họ là biểu hiện cho tình trạng dân trí thấp ở Việt Nam, và thằng mù không thể khai sáng cho thằng đui được.

Sau Nhà xuất bản Tri Thức và Alpha Book, nhiều nhà sách khác cũng cố gắng tạo thương hiệu tương tự nhưng đều không có quy mô lớn và có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, những nhóm giới thiệu sách tự nhận sứ mệnh “khai dân trí” cũng xuất hiện mà ta có thể thấy như Tinh thần Khai Minh hay HopeLab. Những cuốn sách họ chọn thường gắn liền với chính trị và triết học, gần với Nhà Xuất Bản Tri Thức đã đề xướng. Tuy nhiên, do công việc “khai dân trí” là “nghề tay trái” nên các bài viết chỉ giới hạn trong một chủ đề nhỏ và thiếu tính chuyên sâu.

Cách thức giới thiệu sách truyền thống như báo chí và truyền hình vẫn được duy trì. Tuy nhiên, những nhà báo và nhà phê bình đa phần không còn tự nhiên thốt lên lời tán thưởng với một tác phẩm hay nữa. Các đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Trẻ, Nhã Nam hay Tao Đàn sẵn sàng có các chế độ đãi ngộ tốt với nhà phê bình và nhà báo để họ vừa tư vấn cho nhà sách lại vừa đứng ra PR sách. Sự thẩm định đã bị can thiệp bởi các yếu tố thương mại. Các nhà phê bình và nhà báo làm việc cho các đơn vị này có thể vẫn duy trì tiêu chí cá nhân trong tuyển chọn sách và PR sách, nhưng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thương mại. Điều này rất khó để phân định nên độc giả dễ dàng bị lái hướng theo xu thế sách mà các đơn vị xuất bản này mong muốn thúc đẩy. Đương nhiên, việc mưu sinh của các nhà phê bình và nhà báo không có gì đáng chê trách, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ làm việc đó công tâm, không bị chen bởi các động cơ lợi nhuận.

Từ sau Nhân Văn Giai Phẩm, đa phần các nhà phê bình và nhà báo văn hóa ở Việt Nam rất khó có tiếng nói độc lập. Họ thường bị chi phối bởi phe cánh chính trị hoặc mối quan hệ thân hữu giữa bạn bè. Một bài viết để ca ngợi tác phẩm có thể không đến từ sự thích thú với tác phẩm mà đến từ mối ràng buộc về chính trị hoặc để trả ơn một người bạn vì họ đã từng viết bài ca ngợi người viết. Một bài chê bai có thể đến từ thù hận cá nhân hoặc từ chủ trương do đoàn thể đưa ra một cách bất thành văn. Tình trạng này đến nay vẫn tiếp tục không chỉ ở các trang báo chính thống mà cả phi chính thống và trên mạng xã hội. Sẽ tốt hơn nếu nhiệm vụ của phê bình và các nhà báo văn hóa là giúp người đọc hiểu về các tác phẩm có giá trị, các xu hướng, định vị các tác giả và các tác phẩm… thay vì trở thành công cụ cho chính trị, thương mại hay các động cơ cá nhân. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ ấy đòi hỏi ở nhà phê bình và nhà báo vừa phải nắm vững nhiều nền tảng tri thức từ triết học, chính trị, nghệ thuật, lịch sử … lại vừa hiểu thực trạng của cộng đồng độc giả. E rằng số lượng các nhà phê bình và nhà báo có trình độ như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Do thực trạng phê bình phức tạp như vậy, một xu hướng thẩm định mới lên ngôi đó là các website giới thiệu sách, trong đó có Book Hunter do tôi và bạn bè lập nên. Hai website giới thiệu sách có lượng đọc “khủng” có thể nhắc đến là Bookaholic và Trạm Đọc (website điểm sách của Alpha Book). Tuy nhiên chất lượng bài vở của hai trang này không cao, hướng tới đại đa số quần chúng online. Những bài giới thiệu sách thường đơn giản, mang tính “điểm” và chất lượng sách được điểm cũng thường lẫn lộn giữa sách đại chúng và sách tinh hoa. Hai website này bị ảnh hưởng bởi lối làm báo điện tử kiểu VnExpress, 24h, Eva…v…v… Lối tư duy làm báo điện tử khiến hai website này luôn bị áp lực bởi “câu view” và liên tục có bài mới. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng nội dung của website thì toàn bộ nhân lực và vật lực của họ đều đầu tư cho PR và tương tác với cộng đồng. Do đó, hai website vừa kể trên mang nhiều tính thương mại hơn là tính tri thức.

Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ về Book Hunter, một hệ thống giới thiệu sách và tri thức mà tôi đã dồn sức tạo dựng trong nhiều năm nay. Nhiều bạn đọc nghĩ rằng Book Hunter làm nhiệm vụ “khai dân trí” nhưng trên thực tế, đó không phải là công việc của Book Hunter. Book Hunter được thành lập vào năm 2011 khi tôi cảm thấy rất khó chịu với sự lên ngôi của sách làm giàu, sách kỹ năng sống và tôi muốn đưa tri thức trở về với đúng vị trí mà nó xứng đáng được nhận. Khi website Book Hunter ra mắt năm 2013, các thành viên trong nhóm đã rất nỗ lực để giới thiệu, thẩm định sách và các xu hướng tri thức ít được biết tới với các bạn đọc. Tuy nhiên, lúc này hoạt động Book Hunter vẫn là “tay trái” của chúng tôi, cho nên số lượng bài viết không được nhiều; cùng với động cơ ban đầu dựa trên sự bức xúc nên dễ sa đà vào các cuộc tranh luận không cần thiết. Chỉ đến gần đây, Book Hunter mới dần dần quay lại nhiệm vụ giới thiệu và thẩm định tri thức đến với bạn đọc, không dám nói là “công tâm” (vì khó tránh khỏi thiên kiến cá nhân), nhưng có thể tự tin khẳng định là độc lập. Bởi vì, Book Hunter không tham gia bất cứ một phe cánh chính trị, tôn giáo hay thương mại nào (

Hệ thống bán sách Hang Cáo của Book Hunter c
ũng chỉ tuyển chọn những cuốn sách hay nhất mà Book Hunter biết đang có mặt trên thị trường Việt Nam). Cũng vì vị thế độc lập này, Book Hunter vẫn chưa thực sự có tiếng nói ảnh hưởng đến thị trường sách nhưng vẫn được một số lượng độc giả yêu quý và quan tâm đáng kể.

Quay lại câu chuyện về hệ thống thẩm định sách, tôi xin được đề cập đến vấn đề giải thưởng. Giải thưởng là bộ tuyển chọn sách tối cao nhất do giới phê bình “ban” cho tác phẩm và tác giả. Người đọc ưa thích các sách được giải, bởi vì đó là phương án an toàn trong lựa chọn. Sách được giải Nobel, Pulitzer, Man Booker, Concourt… luôn là ưu tiên số một của những tay “mọt sách” sành sỏi. Kế đến là Giải thưởng Phan Chu Trinh, giải thưởng Sách Hay của Việt Nam. Trước kia, còn có các giải thưởng của Hội nhà văn, báo Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ, giải thưởng Hồ Chí Minh…v…v… nhưng các giải thưởng này đã bị mất uy tín do các yếu tố về chính trị hoặc chất lượng thẩm định không cao. Tuy nhiên, cách chọn sách dựa trên giải thưởng cũng không ít lần khiến độc giả thất vọng. Sự thất vọng này đến từ việc người đọc không nắm bắt được hội đồng thẩm định của giải. Hội đồng thẩm định của các giải thưởng đều được hình thành từ các nhóm học giả, mỗi học giả khác nhau lại có xu hướng lý thuyết, thẩm mỹ, động cơ và thậm chí là phe cánh chính trị khác nhau. Vậy nên, nếu các “mọt sách” không thử tìm hiểu về hội đồng thẩm định trước khi biết về bình chọn cuối cùng thì họ sẽ còn thường xuyên bị thất vọng.

“Rating” cao và “best seller” dần dần cũng tự hình thành quyền lực thẩm định. Không cần có sự thẩm định của các học giả, các nhà xuất bản và nhà sách tìm mọi cách truyền thông để có được “best seller” và “rating” cao: Từ tự nuôi đội bình chọn, comment, chia sẻ trên các trang cộng đồng; tự tạo scandal tranh luận; tạo khan hiếm giả trên thị trường bằng sách bằng thương hiệu “bị thu hồi do chủ đề nhạy cảm”; thuê người nổi tiếng PR sách, “chụp ảnh khoe sách”… Đến đây, người đọc đã hoàn toàn bị lái hướng bởi các tiếng ồn truyền thông chứ không còn có sự tự đánh giá và chọn lựa của cá nhân nữa.

Tóm lại, thị trường sách Việt Nam suy thoái bởi thiếu đi các thẩm định công tâm và độc lập, bởi sự lên ngôi của lối đọc phong trào, sự thao túng của tiền bạc và chính trị. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy đâu đó những cây bút độc lập viết rải rác các bài giới thiệu sách, vẫn có các cộng đồng hoạt động kín và trao đổi chiều sâu về tri thức; và quan trọng hơn hết, tôi vẫn thấy các dịch giả, tác giả, các nhà nghiên cứu vẫn đang miệt mài mang đến những tác phẩm hay bất chấp sự hỗn loạn của thị trường.

Hà Thủy Nguyên

(Nguồn:

bookhunterclub.com
)

Từ khóa: 

,

sách