Quan điểm cá nhân của một người ngoại đạo về nhận xét “Triết học của Facebook đã không còn phù hợp với thế giới”
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi trao đổi diễn ra ở Khu phần mềm Quang Trung (QTSC) - TP.HCM (15/07/2019). Bối cảnh của câu phát biểu trên là trong một buổi thảo luận về việc xây dựng MXH "made in Vietnam".
(Sau đây là quan điểm cá nhân)
Nếu để khách quan và chính xác thì tôi sẽ phát biểu như này: “Nếu vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi, thì trong tương lai gần, triết lý của Facebook sẽ lỗi thời”. Đại khái co thể hiểu là “Triết lý của Facebook sắp lỗi thời”
Tôi nói “tương lai gần” & “sắp” rất mang tính nước đôi, vì tôi không phải tiên tri vũ trụ :)))
Do bác Hùng bác làm bên bộ Thông tin & Truyền thông nên hơi dính tý bệnh nghề nghiệp giật tít. Còn thông điệp trong câu nói ấy thì không phải đọc phát hiểu ngay được, nhất là trong khi trên mạng chỉ trích đúng cái câu đó ra để nói, mà không giải thích bối cảnh của câu đấy là gì.
Tôi thấy Facebook đang giải rất tốt việc đưa đúng nội dung, đến đúng người, vào đúng thời điểm. Để mọi người ở lại lâu hơn và trung thành hơn với nền tảng (việc user ở lại với platform là cốt lõi, từ cốt lõi này có thể đẻ ra ti tỷ cái business để kiếm tiền).
Thế làm sao để giải được bài toán: đưa đúng nội dung, đến đúng người, vào đúng thời điểm?
Ban đầu FB dựa vào cái rule base khá đơn giản, đó là kết nối cá nhân (friends), sau đó đến kết nối cá nhân mở rộng (mutual friends), rồi đến kết nối cá nhân với content creator (Pages), rồi đến kết nối cá nhân với cộng đồng (Groups) - những thứ này giải cho bài “đến đúng người”. Khi đủ dữ liệu, bắt đầu sẽ phát sinh trọng số về nội dung và lịch sử tương tác của User, từ đây là cơ sở giải tiếp cho bài “đúng nội dung” & “vào đúng thời điểm”.
Cái thứ mà giúp FB giải được bài toán “đưa đúng nội dung, đến đúng người, vào đúng thời điểm”, theo tôi tìm hiểu thì người ta gọi nó là thuật toán ranking feed. Và thuật toán ranking feed là một trong những key point chính và là lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của FB so với tất cả đối thủ khác. Thuật toán này làm nhiệm vụ chọn lọc nội dung phù hợp để đưa lên feed của người dùng từ kho dữ liệu lớn khủng khiếp của FB (một thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày ở riêng Việt Nam có hơn 100 triệu nội dung (stt, cmt) được submit lên FB. Đó chỉ là con số thống kê được, còn thực tế có thể còn lớn hơn nhiều).
Thuật toán ranking feed này, theo trendy của các tay nhà báo đạo “4 chấm 0 (chấm 4)” thì chúng ta có thể gọi nó là một “con AI” (phát âm: con ây-ai). Con AI này có nhiệm vụ mò trong cái đống BigData mà FB có được, bốc những thứ “phù hợp” ra, để đưa nó vào bữa ăn (News feed) của mỗi thần dân trong vương Quốc Facebook (thỏa mãn điều kiện “đưa đúng nội dung, đến đúng người, vào đúng thời điểm”), hiểu nôm na là thần dân trong vương Quốc này chỉ thấy hạnh phúc khi được cho ăn đúng món theo đúng sở thích của từng người vào đúng bữa (dân ở đây rất khó tính đúng không ạ?)
Nói sơ về AI, bản chất nó là một model tính toán và dự đoán xem từng người thích/muốn cái gì để nó bốc đúng những nội dung liên quan đến cái đó cho ông ấy. Và trên quy mô là khoảng hơn 2 tỷ người dùng FB. Model dự đoán được xây dựng trên nền tảng kết hợp 3 thứ Computer Science, Math & Statistics và quan trọng nhất là Domains/Knowledge.
Cái phần “người” nhất của một con AI nó nằm ở đây, chính là “Domains/Knowledge”, và cái "triết học" cũng nằm ở đây. Triết học đó là gì? Là cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, cụ thể là FB sẽ feed những nội dung mà nó nghĩ là bạn sẽ muốn (sẽ thích) thấy. Domains/Knowledge trong thuật toán ranking feed ở đây chính là áp dụng nền tảng lý thuyết về tâm lý học để tìm ra xem người dùng 'muốn cái gì?' dựa trên 'những hành vi gì?', sau đó kết hợp với Computer Science, Math & Statistics để đưa ra thuật toán và tối ưu nó.
Mấu chốt trong triết học của FB là “người dùng muốn/thích gì?”, cụ thể là từ “muốn/thích”.
Chúng ta hình dung như này nhé, tuổi đời sử dụng internet cũng giống như tuổi thật vậy. Khi đẻ ra thì trẻ con cần có người chăm sóc, cho ăn thì toàn phải bật quảng cáo, nhạc thiếu nhi,... (những thứ bọn trẻ con muốn xem, thích xem). Nhưng không thể đáp ứng toàn những thứ bọn nó muốn/thích mãi được. Rồi sẽ phải đến lúc những thứ chúng nó muốn/thích cũng phải giảm trọng số xuống để nhường chỗ cho những thứ chúng nó “cần” (mà thường là bọn trẻ con không thích) - đó là đi học.
Internet nói chung và FB nói riêng cũng vậy, khi mà tôi thấy rất nhiều bạn còn định nghĩa là “chơi Facebook”, nghĩa là đối với các bạn, FB trên internet chỉ là công cụ giải trí. Theo thời gian, đồng hành với sự trưởng thành của con người thì cách họ sử dụng internet nói chung và Faceook nói riêng cũng vậy, đều phải trưởng thành lên, con người phải học cách “dùng” Facebook (chứ không phải “chơi” Facebook - "chơi" là một thứ hết sức bản năng). Khi cách dùng internet của con người trưởng thành theo tuổi đời của họ, thì thứ con người muốn đọc, muốn xem, muốn thấy cũng sẽ thay đổi, nó sẽ dịch chuyển từ thứ con người thích/muốn, sang thứ con người thực sự CẦN. Hiện tại, đối với nhóm người dùng phổ thông, FB là công cụ để đáp ứng thứ họ muốn/thích thôi (bởi vì tuổi đời sử dụng internet của đa số người dân thế giới là chưa cao), đến khi họ đến tuổi trưởng thành trên internet, và FB không thay đổi gì để đáp ứng thứ họ thực sự CẦN, thì đó là lúc triết học của FB lỗi thời.
Nói về việc quá độ để nhận thức đâu là thứ mình thích/ mình muốn, và đâu là thứ mình thực sự CẦN thì nó là cả một quá trình dài, giống như ngày xưa mẹ tôi cho tôi đi học mẫu giáo mà tôi khóc không chịu đi suốt mấy tuần liền ấy. Khi người dùng internet còn chưa nhận thức được cái này, thì yên tâm là triết học của FB vẫn còn sáng ngời lắm.
Có những người tận 25, 26, 27 tuổi đời, nhưng cách dùng internet vẫn như trẻ sơ sinh, và vẫn chưa rạch ròi được đâu là thứ mình thích, đâu là thứ mình cần mà.
Một sản phẩm có triết học phù hợp là sản phẩm hiểu được con người thực sự cần gì, educate và thuyết phục được người dùng nhận ra rằng hãy dành nhiều thời gian cho những thứ thực sự cần thiết, bớt thời gian cho giải trí và những quan tâm vô bổ đi. Dù biết là khó, nhưng Việt Nam cần những sản phẩm có triết lý như vậy, chứ không phải dựng lên những sản phẩm tương tự Facebook xong dùng "tinh thần yêu nước" để kêu gọi người dùng sử dụng.
_________________
Vì đang nói đến triết học, nên tôi nói chung chung thế thôi, chứ ngoại trừ triết học thì FB còn khá là nhiều thứ lỗi thời và khó khăn chồng chất.
Ở đây tôi chưa hề nhắc đến 1 câu nào vấn đề dữ liệu người dùng, pháp lý, và Business model của FB.
Jay Tran
Kha Nguyen