Pushkin với tác phẩm “Người coi trạm” ?
kiến thức chung
“Pushkin là tất cả của chúng ta, là đại diện cho tinh thần, nét đặc sắc của chúng ta – những gì còn lại sau khi chúng ta đối mặt với những điều xa lạ, với một thế giới khác!” - nhà thơ Nga Apollon Grigoriev đã viết về Aleksander Sergeyevich Pushkin như vậy. Puskin chính là người tạo ra cho văn học Nga một tầm vóc thế giới và bồi dưỡng nền ngôn ngữ Nga giàu đẹp. Trong các tác phẩm truyện ngắn của mình, Pushkin khởi xướng cho hình tượng “con người nhỏ bé” với sự tái hiện bức tranh về cuộc sống của những con người xã hội Nga thế kỷ 19 mà “Người coi trạm” chính là một trong số những tác phẩm quan trọng, sắc nét, gây ấn tượng mạnh với độc giả.
Nói đến văn học Nga giai đoạn đầu của thế kỷ 19 thì chủ nghĩa cổ điển lúc này vẫn còn cựa mình thoi thóp, cho đến khi Pushkin mở đường cho chủ nghĩa hiện thực ra đời thì nền văn học Nga đã đạt được đến đỉnh cao thành tựu rực rỡ. Ông được ví như “Mặt trời thi ca Nga” với một tài năng kiệt xuất. “Người coi trạm” chính là tác phẩm mở đầu cho sự ra đời của hình tượng con người nhỏ bé lúc bấy giờ. Truyện ngắn là lời kể của nhân vật “tôi” xoay quanh mối quan hệ của anh ta với gia đình người coi trạm Xamxon Vurin đáng thương. Để hiểu tận sâu những điều chất chứa bên trong truyện ngắn, mỗi độc giả có những hướng tiếp cận khác nhau ở mỗi nhân vật trong bài; nhưng ở đây chúng ta hãy đứng trên cảm nhận của người kể để cùng với nhân vật “tôi” khám phá những góc khuất tâm hồn con người.
Những người coi trạm chung chung được nhắc đến với hầu hết với sử rẻ rúm coi thường của mọi người, rằng họ đáng ghét và đáng cáu giận trước những đợi chờ khó chịu của hành khách. Dường như người coi trạm trở thành nguyên nhân gây ra tất cả những bức bối, u uất của tâm trạng mọi người; trong khi thực chất họ là những người cần mẫn, hiền lành đến đáng thương; bởi những con người đó bị phân loại thuộc hàng thấp nhất của xã hội. Nhân vật người coi trạm Xamxon Vurin qua lời kể hiện lên với địa vị như thế, sự khắc khổ như thế và cũng chịu những khổ đau như thế: “Thử hỏi ai là kẻ chưa từng nguyền rủa những người coi trạm, ai là kẻ chưa từng chửi bới họ? Ai mà chả có lần, trong một phút giận dữ, đã đòi cho được quyển sổ tai hại để ghi vào đó những lời than phiền bất lợi về một sự xúc phạm, một thái độ lỗ mãng hay một điều sai hẹn?”.
Ngay từ những chia sẻ ban đầu, nhân vật kể đã cho chúng ta thấy được một thân phận nhỏ bé trong xã hội Nga lúc bấy giờ, những cỗ máy làm việc cần mẫn nhưng lại bị coi là nơi trút giận, tháo xả những bức bối khó chịu ở tất cả mọi người. Sự quen biết tình cờ dẫn đến những mắt xích của cả câu chuyện dài của nhân vật kể với người coi trạm và cô con gái xinh đẹp. Căn nhà của họ đơn giản và nhỏ bé với những bức tranh kể chuyện Đứa con hư, chiếc giường, chậu hoa. Điệu duy nhất khuấy động mọi thứ bình dị ấy chính là sắc đẹp và sự cư xử khéo léo của nàng Đunhia. Tất cả tình thương yêu của người cha dành hết cho cô con gái với sự hãnh diện, tự hào: “Vâng, con gái tôi đấy! - bác ta đáp lại với một vẻ hãnh diện, - cháu rất ngoan và nhanh nhẹn, giống hệt mẹ nó lúc sinh thời”. Dù địa vị thấp hèn, dù bị trà đạp bởi những vô tâm, ác tâm của người khác, nhưng cuôc đời người cha coi trạm ấy lại có thể sung sướng hạnh phúc mỗi khi nói đến con gái của mình. Bởi lẽ cô gái ấy là người thân còn lại duy nhất, cũng là đứa con xinh đẹp mà người coi trạm có. Thế nhưng người cha khốn khổ ấy không tránh được những nghiệt ngã tận cùng của cuộc đời, rằng niềm an ủi duy nhất, niềm vui duy nhất của ông là đứa con gái cũng bị tuột mất một cách không ngờ. “Bác coi trạm khốn khổ kia không hiểu làm sao tự mình lại có thể cho Đunhia cùng đi với chàng khinh kỵ, cái gì làm cho mình mê muội đi và lý trí mình để đâu? Chưa được nửa giờ, tim bác bắt đầu thắt quặn và nỗi lo âu giày vò tâm can đến nỗi bác không làm sao chịu được nữa, bác liền ra nhà thờ”- đây chính là sai lầm lớn nhất cuộc đời người coi trạm, sự sai lầm bắt nguồn từ lòng tin và sự thật thà chân chất. Ông cuốc bộ đi tìm con gái của mình với nỗi lo về số phận cuộc đời cô sẽ bị chìm xuống tận sâu đau khổ. Tấm lòng người làm cha làm sao mà không đau đớn cho được khi chính khúc ruột của mình tuột rơi khỏi mình mà lý do lại bởi chính mình. Do đó, người coi trạm khốn khổ đã tìm mọi cách để gặp lại Đunhia con gái của ông ngay sau khi ông trải qau trận sốt li bì. Dáng vẻ khúm núm thấp kém của Xaxom khi tìm thấy người khinh kị Minxki càng khiến thân phận người coi trạm trở nên nhỏ bé, tầm thường. “Bẩm quan lớn, - ông già nói tiếp, - dù sao việc cũng đã lỡ rồi; ít nhất cũng xin ngài trở con Đunhia tội nghiệp lại cho tôi. Bây giờ ngài đã thoả thích với nó rồi, xin ngài đừng đẩy nó đến chỗ tàn tạ làm gì”. Thật sự mà nói thì chính Minxki mới là kẻ có lỗi, kẻ đáng bị chỉ trích, mắng chửi; ấy nhưng người cha vẫn phải cầu xin kẻ giả dối đó lòng thương bởi đó là tầng lớp quý tộc, còn ông chỉ là kẻ coi trạm thấp hèn. Xaxom không thể giành lại con gái dù cố gắng đến cỡ nào, bởi tiếng nói của ông bị địa vị ngăn lại, hành động của ông bị địa vị phá tan; người cha ấy đành nghẹn ngào.
Nội dung liên quan
Miên Thiên