Praxiteles và biến động trong xã hội Athens thế kỉ IV TCN
Trong bài viết ý kiến ngắn này mình chỉ nói sơ về thay đổi trong xã hội và tín ngưỡng Hy Lạp (cụ thể và đặc biệt là Athens) được phản ánh trong nghệ thuật điêu khắc như thế nào. Đặc biệt, mình muốn nói đến Praxiteles và các tác phẩm của ông.
Nửa sau thế kỉ IV TCN, Athens vừa thua cuộc trong cuộc chiến với Sparta và đồng minh của họ. Cũng khoảng thời gian đó, đe dọa từ Macedonia ngày càng tăng. Chế độ dân chủ của Athens bị đe dọa bởi các thế lực chính trị khác của Sparta và Macedonia. Vì vậy, xã hội và chính trị ở Athens thời điểm này khá bất ổn.
Sự không ổn định này dường như mang đến một nỗi thất vọng về những giá trị hoàn mỹ trước đây của Athens về cái đẹp lý tưởng cũng như tín ngưỡng. Điều này được phản ánh trong nghệ thuật.
Ở trên là một trong những bản sao của tượng Aphrodite ở Knidos của Praxiteles. Đây là một trong những tác phẩm cỡ lớn người thật mà phụ nữ khỏa thân trong lịch sử nghệ thuật Hy Lạp (trước đó các tượng nữ đều mặc đồ). Praxiteles không những không bị lên án, tác phẩm này còn được sao chép rất rất rất nhiều lần, chứng tỏ được sự "thích thú" của người dân với tác phẩm này.
Điều này cho thấy một bước ngoặt trong nghệ thuật, phản ánh thay đổi trong cái nhìn về thần linh. Praxiteles và người dân Athens đã thất vọng về thần linh, họ nghi ngờ và dần chẳng sợ thần linh nữa (Ví dụ cụ thể là trong hài kịch có đùa giỡn về thần linh nữa, không chỉ trong nghệ thuật điêu khắc).
Về tác phẩm Aphrodite nói trên, ta thấy có những sự đối nghịch nhau: giữa kosimos và arete. Aphrodite khi phát hiện mình bị nhìn đang tắm thì lấy tay che, nhưng biểu cảm mặt thì lại có một nụ cười khêu gợi; y như thể Praxiteles đã tạo ra một trò đùa phỉ báng. Phải chăng cái sự tương phản này phản ánh những mâu thuẫn trong chính xã hội Hy Lạp.
Về ý nghĩa bề nổi, đây đáng lẽ là một bức tượng thần để được tôn thờ. Tuy nhiên ý nghĩa bề chìm, ta thấy một sự yếu đuối phụ thuộc của thần linh vào con người. Aphrodite như bất lực, nàng hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ nhân để được tạc nên, nàng chẳng thể làm gì khi người ta đặt nàng vô một ngôi đền mà xung quanh đều có thể nhìn vào được (đền thờ tròn tholos, khác với các đền thờ Hy Lạp thường thấy khác).
Hơn nữa, việc nàng phải đi tắm cho thấy nàng cũng nhơ bẩn như người thường. Vậy nàng có đáng được thờ không? Nàng có phải là thần không? Hay thậm chí nàng có thật không? Và các vị thần khác có tồn tại hay không? Đây có lẽ là những câu hỏi mà người thời đó đặt ra! Họ thất vọng và nghi ngờ thần linh!
Dưới đây là một tác phẩm khác của Praxiteles: Hermes và Dionysus.
Tượng nam khỏa thân thì đã từ lâu đời, thể hiện đức tính, sự anh hùng, và vẻ đẹp của cơ thể người, nhất là các chiến binh hay vận động viên. Triết gia Protagoras có nói: "Con người là thước đo vạn vật!" Quả thật, vẻ đẹp của cơ thể người nam được các nhà điêu khắc trước như Myron hay Polykleitos tạc nên hoàn hảo lý tưởng. Hãy so sánh với tác phẩm trên của Praxiteles. Ảnh hưởng của Polykleitos còn rất rõ, tuy nhiên tỉ lệ cơ thể lý tưởng như được thấy trong tác phẩm Doryphoros đã bị Praxiteles thay đổi dần: thân người cao hơn, mảnh hơn.
Nếu chưa bị gãy mất một phần, trong tượng này Hermes đang cầm nho đưa ra trước Dionysus, và đứa trẻ Dionysus đang đòi nho (nghiện rượu từ nhỏ!). Theo cá nhân mình, cái đáng bàn hơn đối với đề tài cho bài viết ngắn này là dường như có một sự đùa cợt một cách rất khôn khéo trong đây. Dionysus (đứa trẻ) là thần rượu, thần của nho, của tiệc tùng! Praxiteles có vẻ như đang diễu rằng từ nhỏ Dionysus đã là một tên nghiện rượu. Nghiện ngập là tính không biết tự chủ, không phải là một trong những đức tính tốt mà các tượng nam khỏa thân Hy Lạp hoàn hảo hướng đến! Sự đùa cợt này một phần nào phản ánh chủ nghĩa nhân bản khi để 2 vị thần tương tác với nhau. Nên nhớ, khi có 2 con người tương tác, luôn có mặt cảm xúc ở trong Quả thật ta thấy được vẻ mặt của nhân vật không còn vô cảm, trái với sự nghiêm túc trong điêu khắc đỉnh cao thời Cổ điển, như có thể thấy ở các tác phẩm của Polykleitos!
Tóm lại, nghệ thuật của Praxiteles cho thấy sự biến động trong xã hội Athens và Hy Lạp nói chung (vì Athens có tầm ảnh hướng lớn). Như ta có thể thấy ở các thời kì khác nhau trong lịch sử Hy Lạp, nghệ thuật phần nào phản ánh cái nhìn, tư tưởng, triết lý thời đó. Thời kì Cổ điển muộn cho ta thấy sự rời bỏ chuẩn trong điêu khắc của Polykleitos. Sự "tục hóa" trong đề tài trái ngược lại với những lý tưởng về thần linh, con người, và xã hội. Đối với Plinius Maior, một tác giả La Mã, nghệ thuật Hy Lạp sau thời Cổ điển đã chết đi: "Cessavit deinde ars" (Và rồi nghệ thuật kết thúc!). Tuy nhiên, với những người yêu nghệ thuật và các nhà phê bình, đây là thời kì chuyển giao sang một giao đoạn mới của nghệ thuật Hy Lạp! Và không có một thời kì nào mà Hy Lạp không để lại cho nhân loại những vĩ nhân và kiệt tác cả!
23/4/2020
Vincentius Annamensis Nguyễn-Đinh Duy Thiên 阮丁唯天