Phương pháp định hướng nghề nghiệp khoa học
Xin chào các bạn, chắc hẳn các bạn lớp 12 đang có nhiều băn khoăn, suy tư về việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình. Có thể các bạn đang rất lo lắng vì nhận được nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều lời khuyên trái chiều và cả những bất an nội tâm. Điều các bạn lo lắng đó là:
Lo rằng công sức học hành của mình sẽ bị lãng phí nếu chọn sai hướng đi, sự chuẩn bị, nỗ lực của mình cuối cùng lại không đem lại nhiều giá trị cho cuộc đời mình.
Lo rằng sau này không tìm được việc hoặc phải làm cả đời một công việc mà mình không hạnh phúc, không muốn gắn bó và cũng không phát triển được về lâu dài.
Lo rằng bạn bè mình nhờ định hướng đúng đắn mà thành công sớm, sống cuộc sống rất mãn nguyện trong khi mình ra trường luôn sợ hãi khi nghĩ về tương lai, thành công thì xa vời và cảm thấy mặc cảm khi thua kém bạn bè.
Nếu trên đây là những điều bạn lo lắng, thì hãy tham khảo 5 tiêu chí cực kỳ quan trọng mà mình đã học hỏi và sử dụng để định hướng nghề nghiệp.
TIÊU CHÍ SỐ 1: CHỌN NGHỀ NGHIỆP LƯƠNG THIỆN:
Tiêu chí số 1 và cũng là tiêu chí quan trọng nhất này có thể khiến bạn có chút bất ngờ, vì nó dường như quá hiển nhiên.
Là một học sinh, khi còn học tập trong môi trường học đường tương đối “bình yên” và “vô lo vô nghĩ” thì ai cũng nghĩ tương lai mình sẽ làm những công việc tốt đẹp, lương thiện.
Nhưng khi ra ngoài xã hội, va chạm với nhiều tầng lớp, đối tượng khác nhau, vì sự ích kỷ của bản thân có không ít người sẽ lôi kéo bạn vào con đường làm ăn bất chính, gây hại cho người khác. Lúc đó, bạn phải có đủ bản lĩnh để đối mặt và từ chối tất cả những lời mời đó, bằng một quan điểm rõ ràng rằng:”Tôi muốn làm người lương thiện”.
Đa số trong chúng ta nghĩ rằng tiền bạc và sự nổi tiếng, quyền lực sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc, tuy nhiên sự thật là những thứ đó nếu được xây dựng dựa trên nền móng là công việc bất chính, hại người sẽ chỉ đem lại cho bạn sự bất an và luôn nơm nớp lo âu sẽ bị phát giác, bị “nghiệp quật” mà thôi.
Trước khi xây dựng sự thành công của bản thân, thì nền móng bạn chọn phải là một công việc lương thiện, không gây hại tới ai và còn có thể giúp đỡ cho mọi người, cho tổ chức, cho xã hội, điều đó sẽ đảm bảo rằng càng thành công thì bạn càng mãn nguyện hơn và thành công đó là bền vững.
Chọn nghề phải là nghề lương thiện vì đó là NỀN TẢNG CỦA HẠNH PHÚC SUÔT ĐỜI.
TIÊU CHÍ SỐ 2: CHỌN NGHỀ PHÙ HỢP VỚI ĐAM MÊ VÀ CÁ TÍNH CỦA BẢN THÂN:
Nếu đã làm một công việc lương thiện mà bạn vẫn thấy chưa hạnh phúc trọn vẹn? Khả năng cao đó là do bạn chưa chọn công việc trúng với đam mê và cá tính của bản thân.
Đam mê và cá tính là vô cùng quan trọng vì nó góp phần khiến cho bạn thỏa mãn từng giây từng phút khi làm việc, biến công việc thành một thú vui, một cuộc dạo chơi thay vì căng thẳng, áp lực và khó khăn.
Ví dụ, bạn là người thích đi đây đi đó, thích sự giao tiếp chia sẻ, nhưng bạn lại chọn công việc kế toán lặp đi lặp lại ở văn phòng, không có nhiều cơ hội giao tiếp thì bạn sẽ rất buồn chán và muốn nhảy việc.
Hoặc bạn là người thích sự riêng tư, không muốn phải nói nhiều nhưng công việc yêu cầu bạn phải nói suốt cả ngày, phải đi lại nhiều và không có thời gian riêng tư, thì bạn sẽ trở nên vô cùng căng thẳng và không thể gắn bó với nó lâu dài.
Vì vậy, hiểu cá tính và đam mê của bản thân là một yếu tố rất quan trọng để bạn xây dựng sự nghiệp lâu dài và mãn nguyện cho bản thân. Khi mình làm công việc phù hợp với đam mê, cá tính của mình, quả thực mình có thể làm quên ăn, quên ngủ, say mê và tập trung hết sức mình.
Vậy bạn hãy tự hỏi bản thân mình rằng, từ trước đến nay tính cách của mình như thế nào? Điều gì làm mình hạnh phúc nhất? Mình say mê nhất khi làm gì? Mình thích một công việc có tính chất như thế nào? Trả lời được những câu hỏi trên sẽ cho bạn thấy rõ ràng hơn về cá tính, đam mê của mình đó.
TIÊU CHÍ SỐ 3: CHỌN NGHỀ PHÙ HỢP VỚI TÀI NĂNG BẨM SINH CỦA MÌNH:
Giả sử như bạn rất đam mê về âm nhạc, thích chơi nhạc cụ nhưng bản thân bạn lại không có năng khiếu nghệ thuật thì quả thực rất khó để bạn thành công và được sống trọn vẹn với đam mê của mình. Lúc ấy thì nghệ thuật nên là một việc bạn chơi ngoài giờ để thấy mãn nguyện và đủ đầy trong cuộc sống, hơn là một công việc nghiêm túc.
Làm một việc mà mình không giỏi về lâu về dài sẽ khiến bạn thấy đuối sức, tụt hậu và cuối cùng là không thể thăng tiến trong công việc, chưa nói đến thành công lớn. Chính sự kém cỏi cũng có thể khiến bạn căm ghét thứ mình đang làm, nếu chuyện đó xảy ra thì thật đáng tiếc. Nếu tư duy logic của bạn không tốt mà bạn cứ lao vào học và làm bác sĩ, kỹ sư hay nghiên cứu khoa học, những nghề yêu cầu tư duy trừu tượng cao và lượng kiến thức lớn, thì chính việc làm công việc ấy cho thật đàng hoàng đã trở nên khó khăn rồi.
Chính bản thân mình là người đã từng làm công việc không phải tài năng của mình dù biết mình không có tài trong lĩnh vực đó. Mình đã nghĩ rằng chỉ cần cố gắng thì nhất định sẽ thành công nhưng thực tế thì càng cố gắng mình càng thấy rối và kém cỏi so với những người họ vốn có tài, chỉ riêng vấn đề làm việc đó cho bài bản đã khó khăn với mình rồi.
Tuy nhiên, khi mình chấp nhận rằng đó không phải thế mạnh của mình, và chuyển sang làm công việc phù hợp với tài năng bẩm sinh, thì mình lại vô cùng nhanh chóng vượt lên dẫn đầu, thậm chí vượt xa hơn so với những người đã làm công việc đó lâu năm.
Mình nhận được rất nhiều lời khen ngợi và cảm ơn từ những người được mình giúp đỡ, trò chuyện, cộng với công việc suôn sẻ, thành công khiến cho anh cũng yêu, đam mê công việc đó. Chọn được nghề nghiệp phù hợp với tài năng bẩm sinh của mình sẽ khiến công việc đối với bạn trở nên dễ dàng hơn, khi giỏi và nhận được thù lao cao và sự tôn trọng bạn cũng sẽ thấy thích công việc đó và thành công đến nhanh chóng hơn.
Vậy ngay bây giờ bạn hãy tự hỏi bản thân mình rằng? Mình thật sự giỏi nhất trong công việc gì? Mình làm điều gì cảm thấy dễ dàng hơn so với người khác mà kết quả lại tốt hơn? Mọi người thường khen ngợi khi mình làm điều gì?
Trả lời được những câu hỏi trên sẽ cho bạn thấy rõ ràng hơn về tài năng bẩm sinh của mình đó.
TIÊU CHÍ SỐ 4: CHỌN NGHỀ MÀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CẦN VÀ CÓ XU HƯỚNG ỔN ĐỊNH TRONG THỜI GIAN DÀI:
Hãy hình dung, giả sử mình học rất giỏi, được học 1 ngành rất cao cấp đó là vật lý hạt nhân, nhưng thực tế nhu cầu việc làm ở Việt Nam thì không có, thì ra trường bạn sẽ rất khó tìm được công việc phù hợp, buộc bạn phải lựa chọn ra nước ngoài để làm, hoặc là làm trái nghề. Đó là một sự lãng phí tài năng khủng khiếp đối với cá nhân bạn và đối với đất nước.
Rất nhiều bạn bỏ 4 năm tiền bạc, thời gian, công sức ăn học ra nhưng rốt cuộc ra trường lại không làm theo ngành nghề mình được đào tạo, phải làm những công việc phổ thông mà những bạn khác không cần học đại học cũng làm được, và thường thì khi dã không phải chuyên môn của bản thân thì sẽ rất khó giỏi và thăng tiến, đó là một thực tế và là một sự phí phạm vô cùng to lớn.
Chưa kể, có nhiều ngành nghề tưởng chừng như rất thịnh hành ở thời điểm 10 năm trước, nay đã hoàn toàn biến mất, và tương tự, sẽ có rất nhiều ngành nghề đang được đào tạo hiện nay, vốn dĩ sẽ rất khó tìm được việc làm trong tương lai 5 - 10 năm tới, vào thời điểm bạn mới ra trường và lập nghiệp. Đó là lý do vì sao hàng năm có rất nhiều, số lượng tới hàng trăm ngàn cử nhân có bằng đại học nhưng lại thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề.
Mỗi đất nước luôn có một số ngành kinh tế mũi nhọn, những thế mạnh nhất định, cộng với sự tác động của nhiều yếu tố công nghệ, chính trị khiến cho xã hội thay đổi liên tục với tốc độ rất nhanh. Vì vậy để chọn được công việc mà mình có thể gắn bó lâu dài, hoàn toàn không phải điều đơn giản mà cần kiến thức kinh tế, xã hội rộng rãi để có thể nắm vững vị thế của đất nước mình thậm chí thế mạnh của những quốc gia khác và tiên đoán tương lai.
Điều này đòi hỏi một sự tích lũy kiến thức, trải nghiệm rất lớn, mình sẽ chia sẻ dần dần để các bạn đỡ mất thời gian tìm tòi.
TIÊU CHÍ SỐ 5: LÝ TƯỞNG SỐNG, HAY MỘT CÔNG VIỆC CÓ Ý NGHĨA:
Nếu bạn đã chọn được hướng đi phù hợp với tài năng, cá tính, đam mê của mình, đó là một công việc lương thiện, không gây hại cho ai, là công việc mà thị trường rất đón nhận và bạn có một thu nhập cao, vậy mà bạn vẫn thấy thiếu một điều gì đó, vẫn chưa thấy thật sự mãn nguyện, thậm chí thấy trống rỗng, thì đó chắc hẳn là do chưa tìm ra được mục đích, ý nghĩa cuộc sống.
Em chưa tìm thấy ý nghĩa của những việc mình làm, muốn công sức, thời gian và cuộc đời mình phải làm được điều gì đó có giá trị, có ý nghĩa, điều gì đó nhân văn như giúp đỡ một ai đó, cống hiến cho một lý tưởng đẹp đẽ. Anh phải nhấn mạnh rằng không phải ai cũng cần một công việc có ý nghĩa, có nhiều bạn chỉ cần một công việc thỏa mãn 4 tiêu chí đầu là đã hết sức mỹ mãn, hạnh phúc, điều đó là bình thường và mỗi người mỗi khác.
Tuy vậy, cũng có những bạn, và mình cũng vậy, rất cần biết rõ ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa của công việc của mình, không muốn thời gian cuộc đời mình trôi qua mà không hiểu rõ giá trị của nó. Dù công việc có mãn nguyện đến đâu, không thể tránh khỏi những giây phút mệt mỏi, khó khăn, thậm chí bế tắc, vì chúng ta đều là con người mà thôi. Một lý tưởng, một công việc ý nghĩa có thể giúp bạn tạm thời gạt đi những thử thách, mệt mỏi trên con đường đó vì mục đích lớn lao hơn. Một công việc ý nghĩa sẽ đem lại cho các bạn hạnh phúc lâu bền, thứ hạnh phúc không phụ thuộc vào cảm xúc nhất thời mà đến từ sâu trong tâm can của mình. Không phải ai cũng may mắn sinh ra đã biết rõ lý tưởng, ý nghĩa cuộc sống của mình mà đó thường là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài. Mình cũng mất khá nhiều thời gian để tìm ra mục đích sống xứng đáng để mình theo đuổi.
Tin vui là, bạn không cần phải biết nó ngay từ đầu, mà bất kỳ công việc, kiến thức, kỹ năng nào bạn rèn luyện đều có thể góp phần cống hiến sau này, khi bạn nhìn ra lý tưởng sống của mình dù là ở độ tuổi 25 - 30 hay muộn hơn nữa. Mình cũng sẽ chia sẻ những quan điểm của mình để các bạn tham khảo và suy nghĩ thêm.
Giao điểm của 5 tiêu chí này, chính là sự nghiệp tuyệt vời nhất mà bạn nên theo đuổi, trong đó quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại đó là tính cách, tài năng và nhu cầu của thị trường lao động.
Hy vọng đọc xong bài viết này, các bạn có thể tự xác định được hướng đi cho mình nhé. Chúc các bạn thành công!
Nguyenphuhoang Nam