Phụ nữ Việt  Nam || Nhân, Trí, Dũng

  1. Lịch sử

(!!!!!!!!) Tam đại nữ nhân_comp

Ảnh minh họa do người viết cung cấp

Phụ nữ trong lịch sử Việt Nam từ xưa đã có những người phi thường. Từ những bi kịch như Mị Châu, hay đoạt mưu chức quyền như Ỷ Lan, tạo hóa xoay vần, tùy những tình thế nhất định lại cho họ sự phán đoán và hành xử.

Tuy vậy, các nhân vật ấy tựu chung có ba biểu tượng đáng ca ngợi nhất, đó là: Nhân – Trí – Dũng

.

.

Dũng: Trưng Thánh vương

Nói về [Dũng; 勇], không ai ngoài Trưng Thánh vương.

Người xuất hiện vào năm Kiến Vũ thời Đông Hán, khi đó Việt Nam vẫn là một khu vực bán tự trị với những mắc xích ràng buộc mỏng manh với chính quyền Trung Quốc. Thế rồi, chính vì tham vọng của Thái thú Tô Định, đã tạo thành cớ cho một nữ anh hùng xuất hiện, Trưng Trắc.

Bà Trắc xuất thân là quý tộc bản địa Giao Chỉ (tên khi đó của Việt Nam), con gái Lạc hầu, có chồng người huyện Chu Diên tên là Thi (hay bị ghi nhầm thành Thi Sách). Theo ghi nhận của người Hán, bà uy dũng khác người, cùng với chồng là Thi đặc biệt không chịu phục tùng luật pháp của Tô Định, nên đem người nổi dậy. Đi theo bà còn một người em gái tên là Nhị, hai người khuấy động khiến hơn 60 thành ở Lĩnh Nam hừng hực. Tô Định phải rút. Bà tự xưng Vương.

Khi Hán Quang Vũ Đế hay tin, tính buông tay Giao Chỉ, thì Phục Ba tướng quân Mã Viện quyết định đánh một đòn cược cuối cùng với Trưng vương. Cuối cùng, Viện thắng, đánh bại đi Trưng vương.

Kết cuộc của Trưng vương không được ghi lại khi ấy, hơn nữa chi tiết chồng bà là Thi cũng không thống nhất giữa ghi chép của các sách. Sách "Hậu Hán thư", xét theo niên đại là cổ nhất, nhưng không ghi lại kết cục cụ thể của Trưng vương và Thi sau thất bại trước Mã Viện. Vào thế kỉ thứ 6, Lịch Đạo Nguyên khi qua Giao Chỉ ghi chú sông ngòi và sự tích địa phương, đã viết nên cuốn "Thủy kinh chú", trong đó lại nói cả Trắc và Thi đều chạy đi về Cấm Khê sau khi Mã Viện đánh bại họ, cũng không rõ kết cục cuối cùng. Cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" chép như Thủy kinh chú, riêng chi tiết Thi bị Tô Định giết được thêm vào. Còn sách "Đại Việt sử lược" thời Trần chính thức ghi lại bà đã bị Mã Viện giết sau khi chạy đến Cấm Khê, nhưng lại không có chi tiết Thi bị Tô Định giết.

Cuối cùng, sách "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim vào đầu thế kỉ XX có lẽ đã chịu ảnh hưởng từ thần tích nhiều đời, ghi lại chính xác ngày mất là ngày mùng 6 tháng 2 (âm lịch) năm ấy (tức năm Quý Mão 43), và đúc kết rằng Thi (ghi thành Thi Sách) bị Tô Định giết, Trưng Trắc nổi dậy và sau khi bị Mã Viện đánh bại thì bà đã tự sát. Sự tích hóa đời sau đều nói rằng Trưng Trắc đã tự sát bên bờ sông Hát, nay thuộc xã Hát Môn huyện Phúc Thọ. Và đây chính là kết cục của Trưng Thánh vương mà đại đa số người Việt Nam tin tưởng.

Ngày nay, hình ảnh của Trưng Thánh vương tồn tại như một trong những nữ kiệt xuất chúng nhất trong quan điểm của người Việt Nam.

.

.

Trí: Nguyễn Thị Duệ

Nói về [Trí; 智], không ai ngoài Lễ phi Nguyễn Thị Duệ.

Đây là một nhân vật thú vị bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong sách [Công dư tiệp ký; 公餘捷記], có mục gọi là “Lễ phi truyện” (禮妃傳), nhắc đến một nữ lưu gan dạ dám cải nam trang đi dự thi khoa cử, lại còn trúng hạng nhất.

Bà người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương (nay là thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), họ Nguyễn thị, tên là Duệ (叡), lại có tên Du (游), bia ký ghi là Ngọc Toản (玉瓚), lớn lên thông minh mỹ mạo, sớm có tiếng trong vùng, nhiều nhà quý tộc đã xin cầu hôn nhưng bà nhất quyết từ chối. Năm Quang Hưng thứ 15 (1592), Trịnh Tùng chiếm Đông Đô Thăng Long, nhà Mạc chuyển về Cao Bằng, người nhà Nguyễn thị cũng dời đi theo, lúc này bà chỉ vừa tầm 10 tuổi. Đến tại Cao Bằng, bà bắt đầu cải nam trang, bái sư học đạo, thông tuệ hơn người.

Tuy đã lánh lên Cao Bằng, song họ Mạc vẫn duy trì truyền thống tổ chức thi cử khoa bảng để chọn hiền tài. Bà vẫn dùng hình dáng cải nam trang dự thi, không ngờ trúng Đệ nhất danh, còn thầy dạy của bà chỉ đạt đến Đệ nhị danh. Khi đãi yến tiệc khao thưởng Tiến sĩ đỗ đầu, Mạc chúa (khi ấy là Mạc Kính Cung) nhìn dáng vấp của vị Đệ nhất danh tiến sĩ thanh tú khác thường, như một mỹ nữ, bèn hứng thú dò hỏi. Việc sớm bị lộ, Thị Duệ không chỉ được miễn tội khi quân phậm thượng, lại được Mạc chúa nạp vào cung làm tần phi.

Một thời gian sau, họ Mạc bị họ Trịnh đánh bại. Khi binh lính họ Trịnh tràn vào nội đình, Nguyễn Thị Duệ quát to:”Các ngươi bắt được ta, hẳn là sẽ dâng ta cho Thống soái của các ngươi. Thế thì chớ có vô lễ với ta!”. Sau đó, lính Trịnh quả nhiên nộp Thị Duệ cho Trịnh chúa, và bà được Trịnh chúa mến tài nên rất ân sủng.

Khi đến tuổi, Thị Duệ đến Mai Phát tự tại huyện Gia Lâm xuất gia. Khi Lê triều Tân Hoàng đế đăng cơ, hạ chiếu trưng cầu Nữ học sĩ vào cung dạy dỗ cung nữ, các đại thần đều dâng biểu tiến cử Nguyễn Thị Duệ lên Hoàng đế. Do đó, bà lại vào cung, phong chức “Lễ Chiêu nghi” (禮昭儀) để dạy cung nhân, người đời lại xưng [Lễ Sư; 禮師].

Bà qua đời khi hơn 80 tuổi, được tôn kính gọi bằng mỹ hiệu “Lễ phi”, cho thấy bà được kính nể trong triều đình lẫn dân gian như vậy đấy!

.

.

Nhân: Gia Long Tống Hoàng hậu

Nói về [Nhân; 仁], không ai ngoài Thừa Thiên Cao hoàng hậu.

Đây là Hoàng hậu của Nguyễn Thế Tổ Gia Long hoàng đế. Khác với sự ngộ nhận “Vua Gia Long không lập Hậu” nhan nhản truyền miệng, hay ánh hào quang do xuất thân của Lê Ngọc Bình, thì Thừa Thiên Cao hoàng hậu là người phụ nữ quan trọng nhất đối với Gia Long Đế cho tận khi bà đã băng thệ.

Hoàng hậu Tống thị, húy là Lan (蘭), người quý huyện Tống Sơn, xuất thân trong một gia tộc đời đời là ngoại thích khi Gia Miêu Nguyễn thị còn là Quảng Nam quốc chúa. Năm 18 tuổi, Thế Tổ đem đầy đủ sính lễ, cử hành nghi thức, đích thân đón bà làm chính thất, gọi là Nguyên phi. Sinh ra Đích trưởng tử Chiêu, mất sớm, và Đích thứ tử Cảnh, tức Anh Duệ Hoàng thái tử.

Năm Gia Long thứ 2 (1803), Thế Tổ lập quốc xưng Vương, bà được phong làm Vương hậu. Năm thứ 5 (1806), tấn lập Hoàng hậu. Năm Gia Long thứ 13 (1814), mùa xuân, tháng 2, ngày Ất Mùi, Hậu băng thệ, thọ 54 tuổi. Thế Tổ tặng thụy hiệu là [Giản Cung Tề Hiến Đức Chính Thuận Nguyên hoàng hậu; 簡恭齊孝翼正順元皇后]. Thánh Tổ đăng cơ, dâng thêm thụy hiệu là [Thừa Thiên Tá Thánh Hậu Đức Từ Nhân Giản Cung Tề Hiếu Dục Chính Thuận Nguyên Cao hoàng hậu; 承天佐聖厚德慈仁簡恭齊孝翼正順元高皇后], gọi tắt là Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Mộ của bà ở bên phải huyệt mộ của Thế Tổ trong Thiên Thọ lăng.

Bà là Hoàng hậu nhà Nguyễn duy nhất có lễ cử hành tấn lập long trọng, không tính Khiêm Hoàng hậu là do tấn tặng, và Nam Phương hoàng hậu đã bị giản lược đi quá nhiều. Trong suốt thời gian Thế Tổ Gia Long phiêu bạt, bà ở trong doanh trại trực tiếp dùng khung cửi dệt áo may cho quân sĩ. Có một lần quân thúc đến đánh ngay sát, bà cầm dùi đánh trống khích lệ binh sĩ, khiến trận đó xoay trở được, có thể nói về lòng gan dạ thì bà không thua kém Trưng vương. Khi Thế Tổ qua Xiêm, bà phụng dưỡng Hiếu Khang hoàng hậu rất trọn đạo nghĩa, tuy áp lực rất lớn nhưng bà vẫn quán xuyến chu toàn, nên nổi tiếng mẫu nghi, bên cạnh đó bà còn có lòng hiền từ và yêu người.

Năm Quý Mão (1783), Thế Tổ chuẩn bị qua Xiêm, trao cho bà một nửa thoi vàng làm tin. Sau này phục quốc, Thế Tổ ngẫu nhiên hỏi lại, thì bà trao ra y nguyên không sứt mẻ gì cả, ông cảm động nói:”Vàng giữ làm tin còn đây, thực trời giúp đấy. Không thể quên lúc gian nan, vậy nên lưu lại để cho con cháu biết”. Sau khi bà mất, Thế Tổ Gia Long rất đau buồn, để mộ huyệt của bà ngay bên cạnh mộ huyệt định sẵng của mình, và rồi ông cũng qua đời 6 năm sau đó. Hai người là cặp Đế-Hậu duy nhất của nhà Nguyễn có mộ theo thể thức song táng.

Khi Thánh Tổ đăng cơ, ông đem tín vật năm xưa của Đế-Hậu và nói với Phạm Đăng Hưng và Nguyễn Hữu Thuận rằng:”Đây là vật làm tin của Hoàng khảo, khi dời đi xa lưu lại để cho Trẫm”, sau đó sai khắc 11 chữ: (Thế Tổ Đế Hậu Quý Mão bá thiên thời tín vật; nghĩa là “Vật làm tin khi phiêu dạt nam Quý Mão của Thế Tổ Hoàng đế và Hoàng hậu”), rồi sau đó đem thờ ở Phụng Tiên điện. Khi chính biến Huế xảy ra, tín vật đã bị mất. 

.

.

.

========

Tham khảo

  • Đại Việt sử ký toàn thư - Trưng Nữ vương bản kỷ
  • Đại Việt sử lược - Quan thủ nhậm qua các thời
  • Việt Nam sử lược - phần II, chương II: Trưng vương
  • Thủy kinh chú - quyển 37
  • Hậu Hán thư - Tây Nam di liệt truyện
  • Công dư tiệp ký - Lễ phi truyện
  • Đại Nam liệt truyện - Thế Tổ Thừa Thiên Cao hoàng hậu
Từ khóa: 

phụ nữ việt nam

,

thiên nam nữ kiệt

,

lịch sử

Mình phản đối cách nhìn nhận nhân vật của bạn. Có thể bạn nêu nhân vật có tính khái quát,đại diện thì mình nhìn nhận chứ nếu đưa ra vấn đề như

Nói về dũng: Không ai khác Trưng Nữ Vương thì mình không đồng ý, bạn xác định ngoài Trưng Nữ Vương không ai có được chữ Dũng vậy Tướng Lê Chân, Thánh Thiên,... đời sau có Triệu Thị Trinh, tiếp đó có Bùi Thị Xuân,... không ai vượt qua chữ Dũng à?

Bạn đưa nhân vật phản diện là Ỷ Lan Linh Nhân Thái Hậu tôi e không ổn khi chính Linh Nhân thái hậu là nguyên mẫu của người phụ nữ Việt Nam thời Lý triều đại diện là phận nữ nhi có tài năng và đức độ trị nước an dân

Và còn một số vấn đề nữa sẽ đàm đạo với bạn sau

Trả lời

Mình phản đối cách nhìn nhận nhân vật của bạn. Có thể bạn nêu nhân vật có tính khái quát,đại diện thì mình nhìn nhận chứ nếu đưa ra vấn đề như

Nói về dũng: Không ai khác Trưng Nữ Vương thì mình không đồng ý, bạn xác định ngoài Trưng Nữ Vương không ai có được chữ Dũng vậy Tướng Lê Chân, Thánh Thiên,... đời sau có Triệu Thị Trinh, tiếp đó có Bùi Thị Xuân,... không ai vượt qua chữ Dũng à?

Bạn đưa nhân vật phản diện là Ỷ Lan Linh Nhân Thái Hậu tôi e không ổn khi chính Linh Nhân thái hậu là nguyên mẫu của người phụ nữ Việt Nam thời Lý triều đại diện là phận nữ nhi có tài năng và đức độ trị nước an dân

Và còn một số vấn đề nữa sẽ đàm đạo với bạn sau