Phong tục sinh đẻ của người Mường (Phần 2)

  1. Văn hóa

2. Các kiêng kị trong sinh đẻ

https://cdn.noron.vn/2021/06/30/26610162068224298-1625036246_1024.jpg

Dù là dân tộc nào cũng rất coi trọng việc sinh con, nhất là con đầu lòng. Người Mường cho rằng khi sinh con thì vai trò làm cha, làm mẹ chính thức được xác lập, người đàn ông và người phụ nữ đó chính thức trưởng thành. Hơn nữa “trẻ cậy cha, già cậy con” vì vậy có con còn là có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Chính vì vậy mà người Mường có rất nhiều những sự kiêng kỵ trong quá trình người phụ nữ mang thai và sinh đẻ.

2.1. Trong quá trình mang thai:

Đối với người phụ nữ

Trong sinh hoạt:

Khi mang thai, người Mường kiêng đi đám cưới, bởi sợ đứa trẻ trong bụng sau này vô duyên, khó lấy vợ lấy chồng hay sẽ mang điều không may đến vợ chồng; kiêng đi đám ma, bởi hơi của người chết lạnh, khiến đứa trẻ trong bụng khó chịu, làm cho thai phụ bị đau bụng. Khi đi qua ngĩa địa hay cửa đình phải dắt lá cây vào người để trừ tà.

Phụ nữ khi có thai không được đến thăm các bà đẻ, không được bế trẻ nhỏ khi còn đang trong cữ bởi nặng vía sẽ làm nó quấy khóc. Hơn nữa nếu đi thăm bà đẻ sẽ dễ bị đẻ non do đứa trẻ trong bụng thích đứa bé mới sinh nên đòi ra ngoài sớm.

Theo quan niệm của người Mường, thân thể người phụ nữ có thai không được sạch sẽ vì vậy họ phải tránh tham gia vào các lễ hội của xóm làng cũng như tất cả các nghi lễ tôn giáo khác. Vì nếu họ tham gia thì thánh thần sẽ không hài lòng, không phù hộ thậm chí còn có thể mang tới tai họa cho cả làng.

Vào mỗi buổi sáng thai phụ phải dậy sớm đi mở hết các cửa trong nhà, họ cho rằng làm như vậy sau này sẽ đẻ dễ dàng.

Vào mùa cấy, người phụ nữ có thai không được xuống cấy trước vì sợ thai nghén.

Không bước qua dây thừng buộc trâu vì sợ đẻ con bị tràng hoa quấn cổ; không ngồi vào cái cày, cái bừa vì sợ đẻ con già tháng (chửa trâu); không ngồi vào cái chày giã gạo vì sợ đứa trẻ sau này sẽ bướng bỉnh, khó bảo; thấy rắn không được đánh, nếu không sau này đứa con sẽ bị thè lưỡi ra như rắn…

Trong ăn uống:

Người Mường không cho thai phụ ăn thịt rùa, thịt chó còn bởi xuất phát từ quan niệm cho rằng, rùa đã giúp người Mường cách thức làm nhà sàn để ở và chó đã cứu con người sống sót khi có giặc tràn vào Mường Bi. Khi người phụ nữ mang thai họ phải tránh các loại quả sinh đôi không được ăn để đứa trẻ sinh ra không bị kết dính có nghĩa là sinh đôi, tránh ăn thịt các con vật đã chết vì sợ khi sinh sản phụ sẽ bị thiếu máu và băng huyết, không ăn các loại ốc, hến, trai, sò vì sợ đứa trẻ sinh ra nhiều dãi dớt. Thai phụ không uống nước đựng trong ống bương đã chặt vát đầu bởi sợ sau này con sẽ sứt môi, không ăn thịt trâu bởi sợ đẻ con có da giống da trâu. Kiêng ăn thịt vịt đực vì sợ đẻ con trai sau hay theo con gái (giống như vịt đực đuổi vịt cái), kiêng ăn rau bí vì rau bí có nhiều tay, sợ đẻ con bị tật, tay chân lèo khèo và con hay bị bệnh sài…

Nếu việc sinh nở thuận lợi thì không sao còn nếu không sản phụ được cho uống nước lá mồng tơi hoặc lá rau ngót.. là các loại lá có tính mát, trơn đẻ dễ đẻ.

Đối với người chồng có vợ mang thai

Khi vợ mang thai, người chồng cũng phải tuân thủ một số kiêng kỵ nhất định như không được khiêng quan tài bởi quan tài nặng làm vợ dễ sảy thai hoặc sau này đứa trẻ sẽ bị yếu bụng, hay chảy dãi dớt. Nếu đi phục vụ đám tang thì phải lấy một ít vỏ bào làm quan tài và ít đinh cây để sau này nếu như đứa trẻ ra đời bị chảy dãi, mồm phì nước bọt thì chữa mẹo cho chúng.

Hay không được lợp mái nhà vì sợ gây rủi do cho thai nhi và người mẹ sẽ khó sinh khi lâm bồn. Đồng thời gia đình nhà có thai phụ cũng không được làm nhà hay sửa nhà.

2.2. Sau khi sinh:

Đối với người phụ nữ

Trong sinh hoạt:

Người Mường quan niệm, đã là con gái đi lấy chồng thì phải sinh ở nhà chồng. Các cô gái khi đã xuất giá mà tới thời kỳ sinh đẻ thì tốt nhất là không nên về nhà bố mẹ đẻ, nếu lỡ về thăm mà trở dạ thì phải đẻ ở dưới sàn nhà. Vì theo quan niệm của họ “con gái là con người ta”, vì vậy cháu ngoại đã mang dòng máu khác, “khác máu tanh lòng” nên nếu để máu rơi trong nhà sẽ mang lại rủi ro cho gia đình. Đối với những người phụ nữ chửa hoang thì tục lệ càng khắt khe hơn nữa. Đến kỳ sinh nở người ta bắt người phụ nữ đó phải ra đẻ ngoài vườn không được vào trong nhà hoặc làm lán ngoài vườn cho đẻ và ở luôn ngoài đó tới hết thời gian ở cữ mới được vào nhà. Người phụ nữ có chửa trước khi cưới cũng bị phạt như vậy.

Sản phụ mới đẻ phải kiêng nước, kiêng gió. Sau bảy ngày xông bằng lá thuốc (lá phai rừng, lá de hơi, lá de tầng, lá mấu sông, lá mấu chín, lá ven, lá huyết dụ, lá bưởi, lá ngải…)

Khi ở cữ, người Mường kiêng không trả lời người ngoài để đứa trẻ khỏi mất vía.

Khi trong nhà có người sinh nở người Mường có tục cắm cữ. Đây là dấu hiệu báo cho dân làng biết, nhất là người lạ biết rằng trong nhà này có người mới sinh em bé thì không được vào.

Trong ăn uống:

Ngày đầu tiên sau khi sinh sản phụ phải uống hai nồi nước thuốc (cây huyết dụ), để tiêu huyết. Vào những ngày sau đó phải uống các loại nước thuốc từ các loại lá lấy từ trên rừng vào trước và sau mỗi bữa ăn. Ngoài ra sản phụ còn uống mỗi ngày một ly rượu cẩm (trong có ngâm một quả trứng gà) đã được hạ thổ ít nhất là ba tháng, trước khi uống rượu đã được trưng cách thủy.

Khi sinh con người phụ nữ Mường phải ăn kiêng hết sức kham khổ. Thức ăn chính của họ trong suốt thời gian này là lá vông (một loại lá cây rừng) đem về giã nát rồi chộn với muối, gói lại sau đó đem nướng trên bếp than cho tới khi cháy thành than, hàng ngày dùng thứ này ăn với cơm. Thịt gà mái tơ được mổ và làm sạch, lọc lấy thịt hoặc lọc qua nước tro sau đó cho vào một cái nồi, đổ vào một chén rượu sau đó rang cho thật khô lên, ăn với cơm. Cơm cho sản phụ ăn cũng phải nấu riêng vào một cái nồi đất và chỉ được bới cơm ở giữa nồi.

Trong vòng một tháng ở cữ, sản phụ chỉ được ăn các loại thức ăn trên. Sau đó có thể ăn uống bình thường nhưng tránh các loại thịt sau: Kiêng thịt trâu trong một năm, thịt chó trong vòng sáu tháng, kiêng ăn lạc (đậu phộng), quả cọ…

Đối với em bé

Con sản phụ được đưa đến nằm cạnh bếp lửa để có thể nhanh chóng bình phục sức khỏe, lửa ấm sẽ làm mạch máu được lưu thông và da dẻ hồng hào. Nếu là sinh con so thì phải nằm cạnh bếp lửa một tháng, các con khác thì từ 15 tới 20 ngày.

Từ khóa: 

văn hóa

Tự dưng tìm hiểu về văn hoá Mường thấy bài viết này giá trị quá! Cảm ơn tác giả

Trả lời

Tự dưng tìm hiểu về văn hoá Mường thấy bài viết này giá trị quá! Cảm ơn tác giả