Phiên dịch có những hình thức nào ? Đặc điểm riêng của từng hình thức đó ?
kiến thức chung
Có hai loại phiên dịch cơ bản:
Phiên Dịch đuổi (consecutive interpretation) : là khi phiên dịch viên dịch ngay sau khi người nói nói xong, có thể là dịch một chiều (chỉ có một người/ một bên nói- bên còn lại chỉ nghe) hoặc đa chiều (người nói nói- sau đó người nghe nói lại) và trong quá trình trình dịch, người dịch có thể tạm dừng người nói lại để hỏi/ thảo luận cho rõ về nội dung người nói đã nói để dịch cho chính xác. Dịch đuổi có thể ở các dạng: dịch mặt đối mặt giữa các đối tượng giao tiếp và người dịch, dịch qua internet hoặc telephone, dịch đồng hành (người dịch di cùng người cần dịch, phổ biến trong kinh doanh hoặc du lịch), dịch thầm cho một nhóm nhỏ các đối tượng giao tiếp hoặc dịch trước đám đông trong các sự kiện lớn, nhỏ khác nhau.
Phiên Dịch đồng thời (simultaneous interpretation) : là phiên dịch viên dịch trong khi người nói nói, tức là quá trình người nói nói và người dịch dịch diễn ra song song và gần như cùng tốc độ. Loại dịch này cần sự hỗ trợ lớn của các phương tiện truyền thông, phiên dịch viên thường ngồi dịch trong cabin (vì thế loại hình dịch này còn được gọi là dịch cabin) được thiết kế cách âm, có tai nghe để phiên dịch viên để nghe ngôn ngữ nguồn, có micro để phiên dịch viên nói/ dịch sang ngôn ngữ đích, phương tiện truyền thông đảm bảo phân các kênh nghe- nói phù hợp trong trường hợp nhiều thứ tiếng cần được dịch… Dịch đồng thời thường được yêu cầu ở các hội nghị, hội thảo lớn, chuyên nghiệp, hoặc các hội nghị hội thảo mà các thành phần tham gia sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
So với dịch đuổi, dịch đồng thời (dịch cabin) được coi là khó hơn, đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao hơn, nhiều áp lực hơn, cần phản xạ nhanh nhạy và kĩ thuật dịch cao để có thể nắm bắt và chuyển tải thông tin một đủ, đúng và kịp với tốc độ người nói.
Nội dung liên quan
Đăng Xuân