Phạt tiền nếu để thừa đồ ăn khi ăn buffet- quy định đã có từ lâu nên hay không nên?
Lãng phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện đại. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, thì 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra trên thế giới mỗi năm đã bị lãng phí. Và con số này tương đương với 1,3 tỉ tấn.
Và khi quy ra tiền, thì việc lãng phí thực phẩm gây thiệt hại tới 680 tỷ đô la mỗi năm ở các nước phát triển, và 310 tỷ ở các nước đang phát triển. Số chi phí bị "bốc hơi" này bao gồm phí cho việc sản xuất, chế biến, vận chuyển, và xử lý lượng thực phẩm thừa bị biến thành rác.
Đây thực sự là một nghịch lý. Ở đâu đó trên Trái đất này, có người cả một ngày chẳng có lấy mẩu bánh vào bụng. Ở một nơi khác, hàng tấn đồ ăn kết thúc số phận trong thùng rác.
Hiện tượng lãng phí thực phẩm xuất hiện khăp mọi nơi. Trong đó, mình nghĩ rằng các bữa tiệc buffet là nơi lãng phí thức ăn thừa nhất. Dễ hiểu thôi, vì khi đã trả tiền, chúng ta có quyền ăn bất kỳ thứ gì, ăn bao nhiêu tùy thích. Và vì bản chất con người rất dễ "no bụng đói con mắt", đâm ra chuyện thực khách lấy thừa đồ và bỏ lại là rất thường xảy ra.
Để hạn chế tình trạng không tốt này - vốn vừa gây lãng phí thực phẩm, vừa không có lợi cho việc kinh doanh - mình thấy nhiều nhà hàng buffet đã ra quy định đánh trực tiếp vào "túi tiền" của thực khách đối với lượng thức ăn không dùng hết. Vì thế, khi áp dụng chính sách nay, thực khách sẽ phải cân nhắc kĩ hơn trước khi lấy đồ ăn, điều này lại dễ gây tâm lý không thoải mái khi các vị khách cảm thấy không còn là "thượng đế". Và đôi khi việc bắt buộc đóng phạt lại dễ gây nên xung đột giữa thực khách và nhân viên, vốn là điều tối kị với bất kì nhà hàng nào.
Vậy theo bạn, hình thức "phạt" như thế nào sẽ đem đến tác động thiết thực hơn trong việc chống lãng phí thực phẩm tại các nhà hàng buffet nói riêng, và trong cách sử dụng thực phẩm hiện tại của chúng ta nói chung?
Nguyễn Thắng