Phân tích và bình luận tác phẩm báo chí “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc?
kiến thức chung
Cái đêm hôm ấy… đêm gì có sự kết hợp của các yếu tố tự sự, trữ tình, chính luận. Yếu tố nữa khẳng định đây không phải tác phẩm phóng sự đó là, ở trong nó có cảm xúc, điểm nhìn, tâm tư tình cảm của tác giả được thể hiện trực tiếp: sự vui mừng khi ứng được năm cân gạo, tức giận khi công an và dân quân xông vào nhà thu sản, trách móc nhân vật Quang “trút sấn sét lên đầu anh ấy”… Tác phẩm ấy cũng có cấu tạo: mở đầu- cao trào- kết thúc.
Kể từ khi đánh máy ở tòa soạn báo Văn nghệ cho đến khi bài báo được in ra, bút ký đã gây chấn động trong lòng người đọc, đẩy nhanh công cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Có nhiều độc giả sau khi đọc tác phẩm đã không khỏi ngạc nhiên rằng dưới chế độ mới, đời sống người nông dân cơ cực như thế. Cũng có một số ý kiến đã so sánh với câu chuyện trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Cái đêm hôm ấy đêm gì đã gây nên một cuộc bút chiến trong rất nhiều số báo. Có người phản đối, phê phán ông nhưng cũng có người bảo vệ ông, ủng hộ ông, muốn giúp đỡ ông cũng như gia đình ông, họ đã tôn vinh ông là “Người anh hùng nông dân nổi dậy”. Tuy nhiên không thể phủ nhận bút ký này của cố nhà văn, nhà báo Phùng Gia Lộc góp phần thay đổi nhận thức nhiều người, đồng thời thay đổi số phận của hàng chục triệu người nông dân đang rơi vào cảnh bí quẫn cùng cực. Đây chính là tính thời sự của tác phẩm- đặc điểm thể loại bút ký
Nhà thơ Bế Kiến Quốc từng viết: “Người ta không thể “bất ngờ” viết ra được Cái đêm hôm ấy… đêm gì nếu không gắn bó, tưng trải tất cả những buồn vui sướng khổ của người nông dân đích thực như Lộc”. Phùng Gia Lộc cũng đã phải lánh nạn “cường hào mới”. Bế Kiến Quốc cũng chính là người đã vận động nhà văn Phùng Gia Lộc viết bài ký này. Và cũng chính Bế Kiến Quốc đã biên tập và đăng Cái đêm hôm ấy… đêm gì lên báo.
Đọc Cái đêm hôm ấy… đêm gì chúng ta có thể hình dung một miền quê đói khổ, thiếu thốn, phải trông chờ vào trợ cấp của nhà nước. Ngày hôm đó tác giả cũng phải lên cơ quan và ứng được năm cân gạo. Gia cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, món ăn thường ngày của gia đình là rau và cháo. Người vợ với các con phải ăn cháo rau má, còn người cha được ăn cơm trắng chan nước dưa chua. Để có được những hạt gạo đó cũng đâu dễ dàng . Những đêm giá lạnh thấu xương, người mẹ phải đầm mình “hụp lặn xuống nước lụt mà gỡ từng bông lúa” hay trồng rau đổi gạo qua ngày. Số lúa thu được hạt lép để ăn còn hạt nguyên lại phải đem đi nộp tô thuế. Năm đó, Thanh Hóa nói chung và Thọ Xuân của tác giả bị lụt nặng. Dân mò vớt từng bông lúa dưới nước ăn còn chẳng đủ chứ chưa nói đến việc nộp sản. Mấy đứa con thương người mẹ già gần bảy mươi lăm tuổi, “phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng” và mặc dù chị cò Lộc làm không đủ ăn nhưng vẫn còn tích cóp từng chút cho “hậu sự” của mẹ chồng. Chị lo xa, dành thóc cho vào áo quan của mẹ để làm bữa cơm làng nhưng sau này cũng bị cạy nắp lấy hết. Đến gia cảnh trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Lê Trung Quang cũng chẳng khá hơn. Dù giữ chức vị khá cao nhưng “vợ con còn đói thiếu… khó ăn thấu Tết được”, con đi mò hến, vợ nấu bánh đúc đi đổi lúa… Tuy thiên tai là thế, không những không thấy trợ cấp từ nhà nước mà thay vào đó là việc nhà chức trách vẫn chăm chăm thu cho đủ sản vì “mai chúng tôi mất thưởng, ai chịu cho”.
Đỉnh điểm của bài bút ký là vào 12 giờ đêm, công an và dân quân bí mật dân đi thu sản. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm, chỉ có những kẻ “đầu trộm đuôi cướp” mới tới viếng nhà vào lúc đêm khuya như vậy. Cuộc bố ráp được nhà văn miêu tả giống như một cuộc vây bắt tội phạm. Họ ngang nhiên xông vào nhà dân, thu sạch xe đạp, bàn ghế, giường tủ,… chất đầy sân nhà văn hóa. Họ hống hách quát tháo người dân, bất kể đó là phụ nữ, trẻ con hay người già. Họ không tha cả cái quan tài và chút thóc dành cho việc tang gia. Khi phát hiện ra thóc, họ sẵn sàng quát thét, đạp ngã người già, ra lệnh cho người phụ nữ yếu đuối (chị cò Lộc) phải gánh từng thúng thóc ra sân. Tác giả cô đọng nỗi cơ cực đến tột cùng của gia đình chỉ trong một đêm thu thuế thóc. Những cán bộ vốn là “đầy tớ của nhân dân” bây giờ lợi dụng quyền thế ức hiếp dân, “gõ kẻng, bắt loa, soi đèn, viết tên những gia đình thiếu thóc lên bảng”, hoàn toàn đã đi ngược lại khẩu hiệu “vì nước vì dân phục vụ”. Những người lãnh đạo trong bút ký giống như những con robot thu thóc, đối xử với dân không chút tình cảm. Vì quyền lợi, vì lo sợ cho bản thân mà phớt lờ cả bạn bè, họ hàng. Có khi thời phong kiến vẫn còn là thiên đường, vua miễn thuế khóa cho dân khi mùa màng thất bát. Nhưng tại nơi gọi là xã hội chủ nghĩa lại trấn lột dân bi thảm.
Bài viết như một nỗi uất hận của tác giả đối với cầm quyền cứng nhắc, chỉ biết vơ vét cho bản thân của các lãnh đạo. Đọc tác phẩm chúng ta có thể cảm nhận được sự thất vọng, chán chường đối với chính bản thân mình vì không thể bảo vệ được cho gia đình, không thể nuôi sống được gia đình. Và dù sau khi bài bút ký chấn động được đăng báo, khi Phùng Gia Lộc không thể ở lại quê hương, phải lên Hà Nội lánh nạn mấy tháng trời, bản thân ông cũng vẫn cảm thấy mãn nguyện, ông nói “đăng được Cái đêm hôm ấy… đêm gì có chết cũng cam lòng!”
Cái đêm hôm ấy… đêm gì là bút ký đặc sắc nhất của cuộc đời sáng tác Phùng Gia Lộc, đồng thời là bút ký đặc sắc của thời kỳ đầu Đổi mới. Giá trị của bút ký chính là sự thật của câu chuyện làm thức tỉnh nhận thức cả xã hội trong đêm dài tăm tối; là nhân cách, lương tri của người viết, một người cầm bút dũng cảm trước thời cuộc, trước đồng bào của mình. Đây là yếu tố lớn làm nên tên tuổi Phùng Gia Lộc và sẽ khiến người ta còn nhắc tới ông mãi về sau. Đó cũng là “thiên chức” của người cầm bút như ông vẫn thường nói, dám làm, dám nói thẳng, nói thật, nói đúng lúc cần thiết để xã hội được tiến bộ. Và Báo chí cũng đã, đang và sẽ cổ vũ mạnh mẽ cho những tác phẩm văn nghệ như thế này.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Luu Huong Giang