Phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng Phần 1: Các tiêu chí đầu tiên

  1. Đầu tư & Tài chính

Mỗi cổ phiếu thuộc một nhóm ngành nhất định. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bao gồm: VCB, BID, CTG, MBB, ACB, STB, EIB, SHB, VIB, NVB, BAB, TPB, HDB đang được niêm yết trên sàn chứng khoán, và sắp tới sẽ còn nhiều hơn. Nếu nhà đầu tư vẫn còn giữ thái độ chủ quan khi đầu tư vào ngành ngân hàng, sớm muộn cũng sẽ vướng những cạm bẫy khó đoán – dù là đầu cơ hay đầu tư trên thị trường.

Việc phân tích một cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng cũng không khác là mấy so với việc phân tích một công ty cổ phần thông thường dựa trên các tiêu chí sau:

Nội Dung Bài Viết Gồm Có [

ẩn
]

  • 1 Hoạt động kinh doanh cốt lõi
  • 2 Tỷ trọng phân bố các khoản cho vay
  • 3 Sự ổn định doanh thu và lợi nhuận
  • 3.1 – Khả năng chống chọi với yếu tố tiêu cực
  • 3.2 – Tính linh hoạt về doanh thu
  • 4 Chất lượng các chứng khoán đầu tư
  • 5 Kết luận

Hoạt động kinh doanh cốt lõi

Một doanh nghiệp, khi đăng ký trong giấy phép kinh doanh là hoạt động ngành gì, lĩnh vực gì, thì nên làm cho đúng công việc đó. Tránh các hoạt động tài chính liên quan đến bất động sản,…

Nhiệm vụ chính yếu của ngân hàng đó là cho vay tiền, vì thế hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng chính là cho vay, ngân hàng có lãi từ khoản chênh lệch giữa lãi suất cho vay và khoản chi trả lãi tiền gửi huy động.

Vì vậy, để biết một ngân hàng có đang tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không, chúng ta sẽ nhìn vào tỷ lệ cho vay khách hàng/tổng tài sản. Thông thường nếu cho vay khách hàng chiếm đến khoảng 2/3 tổng tài sản thì có thể coi là mức độ tập trung vào mảng cốt lõi của ngân hàng là khá cao.

Dữ liệu này bạn có thể tìm thấy ở trong báo cáo tài chính của ngân hàng. Tôi ví dụ với cổ phiếu TCB (Techcombank) bạn có thể tải về báo cáo tài chính trên 

website của ngân hàng
 đó, hoặc cũng có thể bấm trực tiếp đường dẫn này để theo dõi: 
Bảng cân đối kế toán.
 Tương tự bạn có thể xem thông tin của các cổ phiếu khác.

(vào link để xem ảnh)

Theo hình ảnh, ta thấy TCB Q3/2018 có vẻ như chưa đạt yêu cầu nếu xét theo tiêu chí trên (cho vay 2/3 tổng tài sản), tuy nhiên như vậy chưa hẳn là không tốt, bởi tùy từng giai đoạn mà ngân hàng sẽ ưu tiên hoạt động nào đem lại 

an toàn cho doanh thu
. Tôi sẽ giải thích thêm phía dưới.

Tỷ trọng phân bố các khoản cho vay

Điều cần xác nhận tiếp theo sau khi đã xác định được việc một ngân hàng có tập trung vào mảng cốt lõi của nó hay không là nếu có, thì các khoản vay chủ yếu thuộc loại nào?

Dưới góc độ cá nhân, tôi phân chia thành hai loại tỷ trọng lĩnh vực cho vay, bao gồm:

  1. Cho vay rủi ro: cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) và cho vay bất động sản. Theo kinh nghiệm thì tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản vượt quá 10% tổng dư nợ là đáng lo ngại.
  2. Cho vay ít rủi ro: cho vay liên quan đến kinh doanh có thế chấp (có tài sản đảm bảo) và nằm trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, tiện ích.

Việc phân chia thành hai loại kể trên xuất phát từ mức độ nguy cơ xảy ra nợ xấu của cái nào cao hơn cái nào. Rõ ràng khoản vay mà có thế chấp và nhằm mục đích kinh doanh thay vì đầu cơ bất động sản hoặc chứng khoán thì sẽ có sự tin tưởng và đảm bảo quyền lợi cho bên cho vay hơn.

Sự ổn định doanh thu và lợi nhuận

Sau khi biết ngân hàng có tỷ trọng phân bố các khoản cho vay như thế nào. Tiếp theo ta kiểm tra tính bền vững của doanh thu và lợi nhuận rồi từ đó dự đoán được suất sinh lợi trong tương lai của ngân hàng:

– Khả năng chống chọi với yếu tố tiêu cực

Để biết được điều đó, ta kiểm tra lại các tin tức liên quan đến ngân hàng mục tiêu (ngân hàng mà bạn đang phân tích) xem các tin tức xấu hoặc tin tức liên quan đến suy thoái ngành,… để biết được cách mà ngân hàng đối phó với sự tiêu cực đó như thế nào và giá cổ phiếu thời điểm đó chịu tác động ra sao.

Theo quan sát, các năm gần đây ngành ngân hàng có sự tăng trưởng khá tốt, ngoại trừ một số ngân hàng gặp vấn đề về 

đại án pháp lý
.

– Tính linh hoạt về doanh thu

Giải thích cho phần đầu (hoạt động kinh doanh cốt lõi) – Ngoài việc cho vay, ngân hàng còn có những hoạt động khác để gia tăng doanh thu như phí nghiệp vụ và tư vấn tài chính: trong môi trường chịu nhiều sức ép về lãi suất hoặc trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhu cầu vay tiền sụt giảm, việc các ngân hàng biết chủ động mở rộng các hoạt động dịch vụ như tư vấn, bán chéo, bảo lãnh L/C, ngoại hối, … nhằm cải thiện doanh thu là điều rất đáng khuyến khích.

Ước chừng tỷ trọng doanh thu từ những hoạt động này luôn chiếm khoảng >10% tổng lợi nhuận sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro trực tiếp từ lãi suất và có khả năng gia tăng thu nhập tốt hơn.

*Cập nhật:

  • Hiện tại các ngân hàng thương mại cổ phần đang có cuộc đua hạ phí dịch vụ nhằm lôi kéo khách hàng gửi tiền mà chủ yếu là nhắm vào luồng tiền gửi không kỳ hạn, giúp ngân hàng có dòng tiền nhiều hơn, từ đó tỷ lệ NIM sẽ được cải thiện.
  • Việc phát triển hệ sinh thái thanh toán số là xu hướng tiềm năng giúp các ngân hàng khai thác nguồn tiền và đẩy mạnh chất lượng sản phẩm dịch vụ đến tay người tiêu dùng hơn bao giờ hết.

Chất lượng các chứng khoán đầu tư

Nhà đầu tư cần chú ý đến chất lượng hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại. Với những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng quá lớn (5 – 10% tổng tài sản) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị tài sản ròng của ngân hàng trong trường hợp rơi vào những khoản đầu tư tệ hại.

Đối với tiêu chí này, nhà đầu tư cũng có thể soi sét qua Thuyết minh báo cáo tài chính của ngân hàng mục tiêu.

Kết luận

Tạm kết thuc phần 1 ở đây, chúng ta đã biết được các tiêu chí ban đầu khi phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng để hiểu được hoạt động kinh doanh của nó: ngân hàng có đang hoạt động cốt lõi hay không, nếu có thì ngân hàng đang cho vay chủ yếu vào lĩnh vực nào và sự chủ động đảm bảo về doanh thu của ngân hàng ra sao.

Nói cách khác, nhà đầu tư có thể xem xét các tiêu chí này để chọn lựa ngân hàng mục tiêu, tiếp theo là xem xét kỹ hơn về mức sinh lời của ngân hàng đó. Để thực sự hiểu sâu hơn về ngân hàng mà mình nghiên cứu, chúng ta cần làm quen với vài công thức định lượng để tính suất sinh lời của ngân hàng nhằm tính toán những thành quả mà ngân hàng đã đạt được trong quá khứ cũng như xác định tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng trong tương lai.

Từ khóa: 

phân tích kinh doanh

,

cổ phiếu

,

ngân hàng

,

đầu tư & tài chính