Phân tích cái mới qua tác phẩm "Cao lương đỏ" của Mạc Ngôn?
kiến thức chung
1.Kết cấu
1.1.Kết cấu đảo ngược dòng thời gian
-Trong tiểu thuyết đương đại kiểu trần thuật phi tuyến tính đã được các nhà văn chú ý hơn. Lối trần thuật phi tuyến tính này là một trong những đặc điểm nói lên sự đổi mới tư duy tiểu thuyết khi cảm thức của “hiện tại”, khát vọng làm chủ “thời gian” trở nên mạnh mẽ, cấp thiết hơn bao giờ hết.
- Lối trần thuật phi tuyến tính này cho thấy thời gian bị đảo lộn, không còn theo trật tự tuyến tính của đời sống. Nhiều chuyện diễn ra sau lại được kể trước, nhưng rất lâu sau đó mới được người kể nói đến. Đây là hình thức trần thuật theo kiểu đảo thuật và dự thuật.
• Cao lương đỏ chịu ảnh hưởng của kiểu tự sự dòng ý thức. Chính vì thế nên Cao lương đỏ có kết cấu thời gian bị đảo ngược, xáo trộn hoàn toàn.
• So với tiểu thuyết truyền thống, các diễn biến, sự việc thường được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại- tương lai, từ trước đến sau một cách (tuyến tính), không đan xen, lẫn lộn với nhau trong tác phẩm, nhưng với “Cao lương đỏ” lại từ hiện tại quay về quá khứ
• Từ hiện tại, “tôi” ngược dòng hồi ức kể những câu chuyện về con người ở quá khứ. Thời gian trong tác phẩm được biểu hiện bằng con số chỉ ngày, tháng, năm cụ thể hoặc bằng những cụm từ chỉ thời gian như “năm ấy”, “năm kia”, “bây giờ”, “những đêm thu năm trước”,... Câu chuyện chống Nhật do nhân vật “tôi” được kể bắt đầu ngày mồng chín tháng tám năm 1939. Đan cài vào câu chuyện đánh xe Nhật là chuyện ở quá khứ xa: “Bà tôi” lúc mười sáu tuổi ngồi kiệu hoa về nhà chồng, “ông tôi” Từ Chiếm Ngao - đánh cướp ở đầm Con Cóc, ông bà “tôi” ân ái trong ruộng cao lương cùng xảy ra năm 1923.
• Bản thân câu chuyện về từng nhân vật cũng được kể trong sự đan xen về thời gian, chịu chi phối bởi dòng ý thức. Ở chương tám, sự kiện “bà tôi” bị thương nằm trong ruộng cao lương xảy ra vào năm 1939. Cũng trong chương này là hồi tưởng của “bà tôi” về năm 1923, sau hai đêm bà từ nhà họ Đơn trở về nhà mình, rồi cùng Từ Chiếm Ngao ân ái và kết thúc chương tám, bà đắm chìm trong dòng cảm xúc rồi thanh thản từ giã cuộc đời vào năm 1939.
=> Cấu trúc tác phẩm theo kiểu phân mảnh rời rạc, xâu chuỗi các sự kiện, các cuộc đời trong “Cao lương đỏ” đã giúp bao quát được những mảnh hiện thực rộng lớn, mặt khác lại có tác dụng kết dính chúng lại một cách tự nhiên thành chỉnh thể nghệ thuật độc đáo. Đồng thời có thể miêu tả được tâm lí nhân vật một cách kịp thời, đọc truyện người đọc không cảm thấy khó hiểu mà đem đến cảm giác chờ đợi tò mò, qua đó tài năng của tác giả được khẳng định.
1.2. Kết cấu dán ghép điện ảnh
-Kết cấu dán ghép điện ảnh là một kiểu kết cấu khá thông dụng trong sân khấu và điện ảnh thế kỉ XX và được các nhà văn vận dụng vào văn học.
-Thông qua kết cấu này, nhà văn có thể xáo trộn các biến cố và lắp ghép chúng không theo trình tự thời gian, các biến cố xa được đặt cạnh các biến cố gần, hai câu chuyện của những nhân vật khác nhau lại được đặt cạnh gần nhau.
• Tác phẩm “Cao lương đỏ” nổi bật lên là thủ pháp dán ghép biến cố, sự kiện và dán ghép không gian - thời gian.
• Câu chuyện cuộc đời của Phượng Liên và Từ Chiếm Ngao như một sự hòa trộn giữa sử thi tình yêu và sử thi lịch sử bởi nó gắn với chiến công chống Nhật của người dân Đông Bắc Cao Mật do Từ Chiếm Ngao làm thủ lĩnh. Chuyện đời của họ còn là chuyện tình - một mối tình do cướp đoạt, nổi loạn mà có được, mà đơm hoa kết trái.
• Ấn tượng nhất của thủ pháp dán ghép biến cố - sự kiện là tình tiết giây phút Phượng Liên hy sinh. Sự kiện bà trúng đạn, đang từng phút rời xa cõi đời được kéo dãn ra để trộn lẫn với không khí hối hả của trận đánh một mất một còn và hồi ức xa xăm về kỉ niệm của mười sáu năm trước. Có sự đan cài nhịp nhàng giữa bốn sự kiện: Bà ngồi kiệu hoa về nhà chồng , Từ Chiếm Ngao cướp cô dâu, trận chiến ác liệt đang diễn ra, bà hy sinh.
-Bên cạnh việc dán ghép biến cố, sự kiện, tác giả còn dán ghép không gian- thời gian.
• Thời gian trong “Cao lương đỏ” không được Mạc Ngôn trình bày theo trình tự diễn biến một chiều trước - sau, nhân - quả, mà được phá tan ra thành từng mảnh rồi ném vào mỗi chương một vài mảnh.
• Mở đầu là sự kiện “bố tôi” gia nhập đoàn quân Từ Chiếm Ngao đi phục kích đoàn xe Nhật, “theo lịch cũ mồng chín tháng tám, năm 1939”. Chen vào đó là cảnh Đậu Quan bắt cua trên sông cùng ông La Hán.... và những mảnh sự kiện khác.
• Không gian trong tác phẩm cũng bị xáo trộn, đảo lộn hoàn toàn.Lúc là không gian ở trong làng Cao Mật, lúc ở ngoài ruộng cao lương, lúc thì không gian lại chuyển lên trên sông Mặc Thủy.
2. Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật
2.1.Qua hành động của nhân vật
-Xây dựng tính cách nhân vật trong truyện của mình, Mạc Ngôn cũng miêu tả hành động nhân vật để thông qua đó bộc lộ tính cách nhân vật.
• Trong “Cao lương đỏ”, Mạc Ngôn tập trung miêu tả hành động của nhân vật chính đôi trai gái Phượng Liên - Từ Chiếm Ngao. Đặc biệt, tác giả đặt họ trong các hành động: hành động đánh tên cướp ở đầm Con Cóc, hành động chiến đấu chống quân xâm lược Nhật.
• Nhân vật Chiếm Ngao không được miêu tả cụ thể, chi tiết, qua vẻ bề ngoài, chiều cao hay khuôn mặt, mà chủ yếu nhân vật bộc lộ tính cách qua hành động. Đầu tiên là hành động đánh tên cướp. Từ Chiếm Ngao đã dũng cảm cướp Phượng Liên trên lưng con la rồi chạy như bay vào rừng cao lương. Họ đã vượt qua mọi rào cản, lễ giáo phong kiến để đến với nhau, yêu mến nhau. Thông qua những hành động của nhân vật tác giả thể hiện tính cách của Từ Chiếm Ngao: dũng cảm, dám yêu và sống hết mình vì tình yêu.
• Phượng Liên là nhân vật tiêu biểu mang nét tính cách điển hình cho người phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến được Mạc Ngôn xây dựng tính cách thông qua hành động. Hành động cầm dao ngồi ở nhà Đơn Biển Lang mấy đêm liền chứng tỏ Phượng Liên là một cô gái đầy bản lĩnh, kiên quyết không chịu khuất phục số phận. Hành động tự mình gánh bánh ra chiến trường trong lúc chiến trường ác liệt thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm của Phượng Liên.
2.2. Qua ngôn ngữ của nhân vật
-Qua đối thoại:
• Trong “Cao lương đỏ” chủ yếu là đối thoại của tư lệnh Từ với các nhân vật. Thông qua cuộc đối thoại Từ Chiếm Ngao hiện lên là một một con người ngang tàng, khí phách, tính tình thẳng thắn, vô cùng nóng nảy. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, tính cách nhân vật hiện ra rõ hơn. Nếu cách miêu tả ngoại hình của nhân vật mới chỉ tạo nên dáng vẻ bên ngoài, thì ngôn ngữ đối thoại phần nào tạo nên cái hồn, thể hiện tính cách bên trong cho nhân vật.
- Qua độc thoại nội tâm:
• Nhân vật Phượng Liên được Mạc Ngôn miêu tả rõ nét nhất bằng những lời độc thoại nội tâm. Nhân vật đưa ra câu hỏi rồi lại tự trả lời.
• Miêu tả nhân vật của mình dám phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo, tác giả đã để cho nhân vật Phượng Liên đưa ra một loạt câu hỏi tự vấn lòng mình trước khi vĩnh biệt cuộc sống như: “Trời hỡi, thế nào là trinh tiết? Thế nào là chính đạo? Thế nào là lương thiện? “
• Những dòng độc thoại nội tâm cho thấy tính cách Phượng Liên. Ở nhân vật nữ Phượng Liên luôn tồn tại hai trạng thái tính cách đối lập nhau, vừa thuần khiết nhưng cũng rất phàm tục, thậm chí còn thô thiển, vừa hiền lành nhưng cũng rất thích nổi loạn.
2.3.Qua ngoại hình của nhân vật
• Nhân vật Cổ Linh Tử được miêu tả “cô gái có khuôn mặt trái xoan, đang dựa vào tường. Đôi mắt cô sâu như vực thẳm, ánh lên một ánh sáng điên dại”. Điều này hoàn toàn đúng. Những cô gái trẻ ở tuổi Cổ Linh Tử thường hồn nhiên, đôi mắt trong veo như làn nước mùa thu còn ánh mắt của Linh Tử đờ đẫn, ẩn chứa “một ánh sáng điên dại”. Qua cách nhà văn miêu tả diện mạo, ngoại hình, nhân vật Linh Tử hiện lên là một cô gái đẹp nhưng buồn, mang trong lòng nỗi đau và sự ám ảnh khôn nguôi.
• Phó chỉ huy Nhiệm là nhân vật được khắc họa rõ nét nhất qua ngoại hình, trang phục, khuôn mặt “chàng trai mảnh khảnh, mặc bộ đồ đen, đi đôi giầy da trắng, mặt trắng xanh, để bộ tóc dài đen. ..”.Ngoại hình của Phó chỉ huy Nhiệm toát lên tính cách lạnh lùng của nhân vật. Chỉ một vài chi tiết miêu tả ngắn gọn về ngoại hình, Mạc Ngôn đã cho người đọc thấy sự đa dạng trong tính cách của nhân vật.
Như vậy, với ngòi bút tài hoa và khả năng quan sát tinh tế, Mạc Ngôn đã xây dựng thành công tính cách nhân vật thông qua việc miêu tả hành động, ngôn ngữ và ngoại hình của nhân vật. Bằng việc xây dựng nhân vật thông qua các phương diện trên tác giả không chỉ cho chúng ta thấy rõ được tính cách đặc trưng không trộn lẫn của từng nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật, mà còn làm nổi bật được ý nghĩa tư tưởng, giá trị nhân sinh sâu sắc của tác phẩm.
Nội dung liên quan
Đặng Lâm Quang Duy