Phân tích cách Nguyễn Tuân sử dụng từ Hán Việt trong tác phẩm “Chữ người tử tù” ?
kiến thức chung
Trong làng văn Việt Nam, Nguyễn Tuân được đánh giá rất cao về cách sử dụng ngôn từ, trong mỗi tác phẩm ông đều cố gắng tìm tòi sáng tạo, sử dụng ngôn ngữ thật đắt giá. Tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Tuân muốn thấy hết cái hay trong đó thì bắt buộc ta phải tìm hiểu về cách sử dụng chất liệu nghệ thuật của ông. Trong phạm vi bài tập này tôi sẽ tìm hiểu cách tiếp nhận tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân với tư cách là một nghệ thuật ngôn từ. Cụ thể là cách Nguyễn Tuân sử dụng từ Hán Việt trong tác phẩm.
Điểm đặc biệt về cách sử dụng ngôn từ của Nguyễn Tuân trong tác phẩm Chữ người tử tù mà ta có thể thấy ngay là ông sử dụng nhiều từ Hán Việt và những từ cổ trong tác phẩm. Chữ người tử tù nói riêng và tập Vang bóng một thời nói chung viết về những cái đẹp xưa cũ, vẻ đẹp đó được tái hiện một cách sinh động tinh tế một phần nhờ công tác giả sử dụng vô cùng nhuần nhuyễn vốn từ Hán Việt và từ cổ. Những từ Hán Việt và từ cổ xuất hiện rất nhiều từ tên chức phẩm đến lời ăn tiếng nói hàng ngày, theo một thống kê thì tác phẩm này có 40 từ Hán Việt.
Tác phẩm sử dụng nhiều từ Hán Việt cũng bởi vì yêu cầu của chính tác phẩm: miêu tả vẻ đẹp một thời vang bóng của con người với khí phách hiên ngang. Cả hai yếu tố này khi miêu tả cần tạo ra được sự trang trọng, nhã nhặn. Từ gốc Hán đáp ứng được những điều này.
Thứ nhất từ gốc Hán bản thân nó luôn mang một sắc thái cổ kính, trang nghiêm làm cho người đọc như thấy được bầu không khí xa xưa. Trong tác phẩm viết về cái đẹp xưa này cũng sử dụng những từ Hán Việt như các từ xưng hô như: y, ngươi ,thơ lại, ngục tốt, quản ngục. Việc sử dụng những từ xưng hô cổ thuộc gốc Hán trong tác phẩm đặc biệt là trong các đoạn đối thoại hay độc thoại nội tâm hoàn toàn phù hợp với bối cảnh tác phẩm. Ngoài ra việc sử dụng từ sao cho đúng với thân phận hay tâm lý cũng được tác giả để tâm: thầy thơ lại ban đầu gọi Huấn Cao là y bởi thân phận của hai người khác biệt thầy thơ lại là quan mà Huấn Cao là tù nhân, Huấn Cao ban đầu gọi quản ngục là ngươi, y bởi ông coi thường nhưng kẻ quan lại hành hạ bức hiếp nhân dân. Đây là lúc ban đầu khi các nhân vật chưa biết tâm tính nhau, còn đến khi Huấn Cao biết tâm lòng viên quản ngục thì cách xưng hô cũng thay đổi: thầy Quản
Thứ hai, lớp từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng trong khi từ Thuần Việt lại bình dân hơn ví dụ như trong tác phẩm này chữ chủ xướng sẽ được dùng thay cho chữ cầm đầu, dùng đề lao thay cho nhà tù, hay là dùng tâm điền thay cho bụng dạ con người... Những từ mang sắc thái trang trọng kiểu này được sử dụng trong những câu nói về người tử từ Huấn Cao để tỏ ý kính trọng con người khí phách này. Ngoài ra sắc thái biểu đạt của nó cũng thể hiện rõ ở một số câu thoại của người quản ngục như: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”, từ bái lĩnh trong câu mô tả hành động vừa bái vừa ghi nhận, lĩnh hội lời dặn dò- thể hiện sự kính trọng của người quản ngục với nhân vật Huấn Cao. Câu nói của viên Quản ngục không chỉ là tạ ơn mà còn là sự thức tỉnh về nhân cách, lúc trước vì cuộc sống mà ông chọn nhầm nghề, ở nhầm chỗ làm cái thiên lương bị che khuất đi, chính Huấn Cao đã khơi dậy trong lòng viên quản ngục và thầy thơ lại tâm hồn lương thiện.bằng cách dùng từ chính xác mà Nguyễn Tuân đã thể hiện đc tối đa dụng ý của mình.
Thứ ba, từ Hán Việt mang sắc thái nhã nhặn trong khi đó từ thuần Việt mang sắc thái thân mật, trong một số câu thoại các từ được sử dụng như bái lĩnh, lĩnh ý, cảm kích đều mang sắc thái nhã nhặn. Sử dụng từ mang sắc thái này trong các câu thoại giúp ta hiểu về mối quan hệ quả các nhân vật hơn: không quá thân thiết gắn bó mà tôn trọng, ngưỡng mộ lẫn nhau
Sử dụng từ Hán Việt không khó nhưng cái hay của Nguyễn Tuân ở đây là ông sử dụng những từ rất đắt, ít thông dụng như là: quyền thế, nhất sinh, thiên lương, biệt nhỡn liên tài… đây là một đặc điểm trong phong cách của Nguyễn Tuân không cứ những từ Hán Việt ở tác phẩm này mà ở nhiều tác phẩm khác với các loại từ khác ông cũng có cách dùng chữ rất lạ, không giống ai.Tuy nhiên việc sử dụng những từ cổ lạ trong Chữ nguuời tử tù không chỉ vì phong cách hay thói quen của Nguyễn Tuân vốn thế mà đều có dụng ý nghệ thuật. Trong Chữ người tử tù nói riêng và Vang bóng một thời nói chung đều viết về một thời xưa cũ nên nhiều từ thời xưa vốn có thì nay đã không còn thông dụng ít người biết đến, cho nên để lột tả được đúng cái bối cảnh thời đại trong tác phẩm thì việc tìm hiểu sử dụng những từ ngữ cho đúng cảnh, đúng thời rất cần thiết. Ngoài từ cổ hiếm còn ai sử dụng thì Nguyễn Tuân còn tìm tòi một số từ mà nho sĩ xưa hay dùng để đưa vào tác phẩm đặc biệt là trong những đoạn độc thoại hay đối thoại của Huấn Cao, qua đó bộc lộ học thức cũng như tính cách của nhân vật. Nhân vật Huấn Cao là đại diện cho những nhà Nho xưa được đọc sách thánh hiền, là tầng lớp tri thức của thời đại phong kiến. Vì có tri thức, lễ nghĩa nên cách sử dụng từ ngữ của các nhà Nho cũng có khác biệt với tầng lớp dân thường mà cụ thể ở đây là họ thường sử dụng những từ mà phải có một vốn chữ nghĩa nhất định mới hiểu được như: biệt nhỡn lên tài, thiên lương, nhất sinh… từ cách Nguyễn Tuân sử dụng ngôn ngữ ta có thể thấy ông đã nghiêm túc tìm hiểu, tích lũy kiến thức không chỉ về mặt ngôn ngữ mà cả về phương diện lịch sử, xã hội để đưa vào tác phẩm những chi tiết đắt giá, phản ánh được hiện thực cuộc sống.
Bằng tài năng và sự chăm chỉ tìm tòi sáng tạo về ngôn ngữ Nguyễn Tuân đã tạo nên một tác phẩm văn học truyệt vời. Những từ Hán Việt được Nguyễn Tuân sử dụng trong tác phẩm không chỉ đúng nghĩa mà nó còn giúp phản ánh bầu không khí của một thời vàng son, mối quan hệ của từng nhân vật. Và hơn cả là những từ gốc Hán được dùng rất đắt đã giúp truyền tải văn hóa, tri thức, lịch sử, xã hội của một lớp người xưa, của một thời vang bóng đúng như dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Nội dung liên quan
Trường Minh Quỳnh